Di sản đồ sộ
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh rời cõi tạm lúc 14h55 chiều 12/6, hưởng thọ 89 tuổi. Khép lại mấy chục năm cầm bút, ông để lại một lượng tác phẩm đáng nể, tạo dựng chỗ đứng vững vàng trên văn đàn.
Sinh 1933 tại Cổ Nhuế (Hà Nội), sau này Nguyễn Xuân Khánh lại gắn bó nhiều hơn với mảnh đất Thanh Nhàn quê ngoại. Ông học Đại học Y Hà Nội khoảng hai năm, tới năm 1953 đi bộ đội ở khu Bốn. Cuối 1959 ông về tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông từng làm việc cho báo Thiếu niên Tiền phong tới khi nghỉ hưu năm 1983.
Cầm bút từ năm 1957, ông in tập truyện ngắn đầu tiên Rừng sâu năm 1963. Tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản là Miền hoang tưởng (1990). Từ những năm 2000 trở về sau, Nguyễn Xuân Khánh đều đặn in sách: Hồ Quý Ly (2000), Hai đứa trẻ con và con chó Mèo xóm núi (truyện vừa thiếu nhi 2002), Mưa quê (tập truyện ngắn thiếu nhi, 2003), Mẫu thượng ngàn (2006), Đội gạo lên chùa (2011), Chuyện ngõ nghèo (2016). Bên cạnh mảng sáng tác, Nguyễn Xuân Khánh còn dịch khá nhiều như cuốn chân dung văn học George Sand-nhà văn của tình yêu (1993), Những quả vàng, Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất, Bảy ngày trên khinh khí cầu, Tâm lý học đám đông.
Ông được bạn viết xưng tụng là nhà văn của nhiều cái nhất, trong đó có danh xưng nhà văn lớn tuổi nhất viết dài nhất, bởi bộ ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa đều ngót nghìn trang mỗi cuốn. Ông được ghi danh ở nhiều giải thưởng: Hồ Quý Ly nhận Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001, Giải thưởng Thăng Long của UBND TP Hà Nội năm 2002. Mẫu thượng ngàn nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 vinh danh ông qua tiểu thuyết Đội gạo lên chùa. Hội Nhà văn Hà Nội trao ông giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời năm 2018. Chuyện ngõ nghèo được trao giải Sách hay do Viện Giáo dục IRED tổ chức năm 2018.
Đáng quý, đáng trọng
“Văn của bác ấy hay, thậm chí con người cũng thuộc hàng vĩ đại trong làng văn. Ông viết nhiều tác phẩm thuộc loại lớn, trong đó Chuyện ngõ nghèo hay nhất”, nhà văn Lê Minh Khuê nhận định. Năm 1987, Lê Minh Khuê nhận biên tập ba cuốn sách có tầm trong đó có Trư cuồng (tên cũ của Chuyện ngõ nghèo). Cuốn sách viết về thời bao cấp, về phong trào nuôi lợn để cải thiện đời sống một thời, qua đó bộc lộ quan điểm, triết lý về thân phận con người, có những dự báo đáng kể. Mãi tới năm 2016, NXB Hội Nhà văn liên kết Cty Nhã Nam ấn hành Chuyện ngõ nghèo.
Ấn tượng nhất với Chuyện ngõ nghèo, nhà văn Lê Minh Khuê còn đánh giá bộ ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa để lại giá trị nhất định cho nền văn học. Cách viết của Nguyễn Xuân Khánh có thể không mới, nhưng với lớp người lớn tuổi lại rất thấm thía, bởi ông là người viết có kiến thức. “Cái hay nhất ở bác Khánh là lao động cật lực, có ý thức và năng suất lao động tạo ra kết quả lớn. Đấy là phẩm chất đáng quý cần có của nhà văn. Ông lao động cho đến những phút cuối cùng, cho tới lúc không viết được nữa mới chịu thua. Ông là nhà văn lao động có chất lượng, có cuốn hay cuốn chưa hay lắm nhưng cuốn nào in ra cũng đều đọc được. Đó là điều mà không phải nhà văn nào cũng có được”, Lê Minh Khuê nói. Ngay cả khi lớn tuổi sức yếu, Nguyễn Xuân Khánh vui vẻ nhận lời ngồi ở Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Hà Nội. Ông đọc và có những kiến giải sâu sắc, xác đáng về nhiều tác phẩm.
Lão làng Nguyễn Xuân Khánh để lại ấn tượng dễ chịu cho những người từng gặp. Là nhà văn có tri thức nhưng luôn giản dị, nhẹ nhàng dù ông trải không ít thăng trầm cuộc đời. Nhà thơ Vũ Quần Phương nói, Nguyễn Xuân Khánh là lớp đàn anh viết văn đáng nể. “Có giai đoạn anh Khánh gặp khó khăn trong đời sống, trong lao động viết lách nhưng anh khiến bạn viết cảm phục. Anh cần cù lao động kiếm sống nuôi con, nuôi gia đình bằng bất cứ giá nào kể cả lao động chân tay, thế nhưng trong lúc ấy anh vẫn tự hoàn thiện kiến thức về văn học, ngoại ngữ và vẫn lầm lũi viết. Dù khó khăn, anh vẫn giữ được lòng yêu mến với anh em bạn viết. Người ta thông cảm, luôn muốn bù đắp cho anh”, Vũ Quần Phương kể.
Thuộc lớp đàn em nhưng Vũ Quần Phương cũng có điều kiện gặp gỡ Nguyễn Xuân Khánh, trao đổi với ông cả việc đời riêng tư lẫn chuyện viết văn. Những năm cuối đời, Vũ Quần Phương thi thoảng cùng Nguyễn Xuân Khánh, Vũ Từ Trang, Nguyễn Phan Hách (cả ba ông nay đều thành người thiên cổ) rong ruổi đây đó, càng có dịp nắm bắt tâm tư, hiểu được Nguyễn Xuân Khánh đủ trải đời và mãn nguyện với đời sống.
“Anh Khánh là người ít chịu biến đổi theo hoàn cảnh bên ngoài, luôn giữ được bản lĩnh, luôn kiên nhẫn tiếp tục đi con đường đã định. Anh ấy biết sắp xếp cuộc đời để đi đến cái đích đã vạch ra. Tới nay hầu như những gì anh ấy mong muốn đều làm được. Đó là sự đền đáp của cuộc đời dành cho nỗ lực của anh. Anh Khánh ra đi cũng coi như đến cõi, nhưng dù sao sự ra đi của những người có tài, đức độ bao giờ cũng để lại sự trống vắng, tiếc thương. Tôi vẫn cứ ngơ ngác, vẫn thấy anh ấy chịu thiệt thòi. Lẽ ra anh ấy phải được sống thêm vài năm nữa để hưởng lâu hơn bóng mát cái cây anh trồng nay xum xuê tỏa bóng ở cuộc đời này, để thấy bạn viết và độc giả tỏ lòng yêu mến hơn nữa mới hả cho anh”, Vũ Quần Phương nói.
Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh theo nhận định của Vũ Quần Phương đều tập trung nói về những gì tác giả trải qua trong đời sống, giúp ông giãi bày ý nghĩ. Đời người như con sông, có khúc quanh co nhưng vẫn đổ ra biển. Nguyễn Xuân Khánh như chính con sông qua hết những khúc quanh, kiên trì và chấp nhận vất vả, thậm chí chấp nhận sự đánh giá bất công để đi tới thành tựu hôm nay.
“Nguyễn Xuân Khánh là người biết nén mình, kiễng chân lên và vững gót làm người”.
Nhà thơ VŨ QUẦN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên