Hồ Huy Sơn: Tôi không muốn bạn đọc phải muộn phiền thêm

Thứ sáu - 25/06/2021 16:38
111
Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, học tập tại Hà Nội và chọn Sài Gòn làm mảnh đất lập nghiệp, sinh sống, Sài Gòn cũng là mảnh đất đã đồng hành cũng những bước đường văn chương của Hồ Huy Sơn. Hòa vào nhịp đập của thành phố phương Nam, sự sôi động và nhiệt thành của đất và người nơi đây đã phần nào bồi đắp tâm hồn văn chương vốn đã phát nở từ những ngày thơ của chàng trai xứ Nghệ. Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố là tập truyện ngắn mới nhất của Hồ Huy Sơn mang những thông điệp tích cực đến với người trẻ. Anh nói rằng, bên cạnh sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần cũng quan trọng và cần được săn sóc. Cuộc sống đã nhiều chuyện muộn phiền, vì thế, anh không muốn bạn đọc của mình phải muộn phiền thêm nữa.

VỚI VĂN XUÔI, TÔI VỪA RỜI VẠCH XUẤT PHÁT MỘT CHÚT

- Một số nhà văn đã không ngại dùng facebook cá nhân cho việc bán hàng, nhưng có lẽ với người viết thì để bán sách là dễ chấp nhận và hợp lí hơn cả. Anh có trải nghiệm gì khi rao bán sách của mình trên facebook những ngày qua?

Tập truyện vừa ra mắt của tôi - Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố được Nxb Tổng hợp đầu tư và trả nhuận bút, được phát hành trong hệ thống của Nxb cũng như trên các cửa hàng, các kênh phát hành online khác. Nhưng tôi nhận ra, đâu đó vẫn còn những độc giả mà các kênh phát hành này chưa tiếp cận được. Đó là những độc giả muốn có chữ kí, muốn ủng hộ tác giả, hoặc những người không rành về công nghệ, trong khi các kênh phát hành online yêu cầu phải có tài khoản, phải thanh toán bằng thẻ ATM hoặc Visa. Điều này có lẽ sẽ gây bất tiện cho những ai muốn đọc sách mà không có tài khoản trên các kênh này. Tôi chọn nhận sách từ Nxb rồi đóng gói, trực tiếp ghi tên người nhận rồi mang ra bưu điện gửi, mọi người chỉ cần thanh toán tiền sách qua một “đầu mối” là tôi. Như vậy có vẻ dễ dàng, thuận tiện cho các bên hơn!

Ngoài ra, trong sự biến động bởi đại dịch Covid-19 như hiện nay, chắc chắn Nxb nào cũng phải chịu những tác động không nhỏ. Trước đây, tôi nghĩ là người viết thì nên tập trung vào viết, việc truyền thông, phát hành là phần việc của đơn vị xuất bản. Tuy nhiên, trong tình hình như hiện nay, tôi nghĩ người viết nào cũng nên chia sẻ - bằng cách này hay cách khác với Nxb. Và cách của tôi là chủ động bán sách, vừa hỗ trợ Nxb nhưng cũng là cách để kết nối với bạn đọc của mình. Trong khoảng nửa tháng, tôi đã bán được gần 150 cuốn sách. Con số này cũng chưa phải là nhiều nhưng vẫn khiến tôi vui mừng, xúc động lẫn biết ơn đến những người đã ủng hộ mình!

- Vâng! Chúc mừng anh với Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố. Bên cạnh một Hồ Huy Sơn thơ của lâu nay, anh muốn xác lập một Hồ Huy Sơn của văn xuôi?

Với tôi bây giờ, văn chương có ý nghĩa như một liệu pháp tinh thần, giúp mình có thể giải tỏa những cảm xúc, những bức bối trong lòng mình. Gần đây tôi đọc được khái niệm “chữa lành” qua việc viết, và tôi lấy làm đồng cảm với khái niệm này. Tôi nhớ về ngày bé, quả thực đó là giai đoạn “cô đơn trong chính ngôi nhà của mình”, có rất nhiều nỗi niềm, nhiều buồn vui lẫn thương tổn mà không thể bày tỏ cùng ai. Thì lúc đó, chính nhờ những bài viết, những bài thơ hãy còn ngô nghê nhưng lại có ý nghĩa giải tỏa và xoa dịu rất lớn.

Việc giúp mình giải tỏa những cảm xúc, những bức bối trong lòng, tôi nghĩ đó cũng là cách “chữa lành” đầy quý giá! Bởi vậy, mặc dù có một thực tế là về sau tôi ít làm thơ, và cảm giác cũng không còn dễ dàng như trước, nhưng tôi cũng không có tham vọng phải xác lập điều gì. Nếu nói về văn xuôi, cụ thể là truyện ngắn thì Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố mới chỉ là tập truyện ngắn thứ 3 sau Cơm nhà cơm người và Một cảnh không có trên phim. Tôi nghĩ, với văn xuôi, tôi vừa rời vạch xuất phát một chút, chặng đường phía trước vẫn còn rất dài để tôi phải cố gắng và nỗ lực.

111
Tập truyện ngắn mới nhất của Hồ Huy Sơn - "Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố". 

SÀI GÒN LÀ MỘT CÁI DUYÊN

- Ở Hà Nội, người ta khá thận trọng, dè chừng khi định viết gì gọi là viết về Hà Nội, còn Sài Gòn thì sao thưa anh? Khi nào thì anh thấy đủ tự tin để viết những thứ gọi là “viết về Sài Gòn”?

Quả nhiên, trong sự đọc và quan sát của mình, tôi nhìn thấy có sự khác biệt trong những cuốn sách viết về Hà Nội và Sài Gòn. Sách viết về Hà Nội dường như vẫn thiên về tính hàn lâm, mực thước, thâm trầm nhiều hơn. Có lẽ vì vậy đã tạo ra tâm lí “khá thận trọng, dè chừng” như anh nói. Còn với Sài Gòn thì ngược lại.

Đầu tiên là phải kể đến người viết. Ngoài sự tham gia của các nhà nghiên cứu lẫn các nhà văn chuyên nghiệp, thì dường như ai ai cũng có thể lên tiếng, bày tỏ tình cảm của mình dành cho thành phố. Vì thế mà trong danh sách tác giả viết về Sài Gòn, có rất nhiều tác giả với nhiều đối tượng, lứa tuổi và ngành nghề khác nhau. Lớn tuổi có Phạm Công Luận, Đàm Hà Phú, Chị Đẹp, Trần Nhật Vy, Nguyễn Đức Hiệp, Hạ Dung, Lê Hoàng Hựu, Nguyễn Thị Hậu, Đào Thị Thanh Tuyền… Trẻ hơn thì có Hoàng My, Anh Khang, Trần Duy Thành, Mạc Thụy, Nguyễn Minh Đức, Khải Đơn… “Viết về cái gì khi viết về Sài Gòn” cũng là câu chuyện đầy thú vị. Đọc các đầu sách viết về Sài Gòn - ngoại trừ dòng sách nghiên cứu, tôi cảm nhận được sự gần gũi, chân chất và đặc biệt là nghĩa tình ấm áp của những con người nơi đây. Ở Sài Gòn, không hiếm những người chạy theo xe người khác chỉ để nhắc “gạt giò, gạt giò”. Đã có hàng chục bài viết về câu chuyện này, nhưng dường như người đọc luôn luôn trong tâm thế mở lòng đón nhận những điều nho nhỏ mà dễ thương này, hoàn toàn không phán xét. Có lẽ vì vậy mà Sài Gòn vẫn luôn được nhìn nhận là thành phố bao dung, nghĩa tình từ trước tới nay.

Tôi từng có một số bài tản văn về Sài Gòn, cũng không gì khác ngoài những câu chuyện mà mình được trải nghiệm, hay bắt gặp trên đường. Như ở trên tôi có chia sẻ, Sài Gòn cho phép người viết thoải mái bày tỏ tình cảm, suy nghĩ của mình; còn người đọc cũng tiếp nhận với tinh thần thoải mái ấy. Để viết về Sài Gòn, tôi nghĩ trước hết tùy thuộc vào công việc và mục đích của mỗi người. Cá nhân tôi là người làm văn chương, không phải nhà nghiên cứu văn hóa hay lịch sử Sài Gòn; bởi vậy, khi viết về Sài Gòn, tôi viết theo cảm nhận và quan sát của mình. Mỗi người sẽ có một cảm nhận và khả năng quan sát riêng, nên những bài viết về Sài Gòn chắc chắn cũng mang những sắc thái khác nhau.

- Anh có nghĩ rằng việc sống ở đâu có ảnh hưởng đến viết cái gì hay không?

Tôi nghĩ là có. Ít nhất với trường hợp của mình, khi nhìn lại tôi có nhận ra được điều đó. Những năm tháng còn ở quê nhà, khi nhãn quan của mình chỉ quanh quẩn với gia đình, làng quê, trường học thì những bài thơ, truyện ngắn đầu đời của tôi cũng không có gì khác ngoài những đề tài trên. Nó chỉ thực sự thay đổi khi tôi rời quê nhà ra Hà Nội học đại học, hay chuyển vào Sài Gòn sống sau này. Sự dịch chuyển ấy giúp tôi có cơ hội quan sát, lắng nghe và cảm nhận cuộc sống thị thành; từ đó, nhãn quan cũng được mở rộng hơn.

Tôi là người sáng tác theo khuynh hướng hiện thực, bởi vậy, việc hít thở bầu không khí của một vùng đất, một thành phố đã tác động đến cảm thức một cách trực diện, mà tập truyện Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố là một minh chứng rõ nhất. Trong tập truyện ngắn vừa ra mắt, tôi tập trung vào những thân phận - chủ yếu là người trẻ, từ tỉnh lẻ về những thành phố lớn mưu sinh. Công việc mưu sinh lắm bất trắc và nhọc nhằn nên hẳn nhiên họ cũng phải trả những cái giá không nhỏ. Tuy nhiên, dẫu có những mất mát, hay phải trả giá như thế nào cũng không làm mất đi phẩm chất yêu đời, yêu người; luôn tiến về phía trước với một ý chí mạnh mẽ cùng niềm lạc quan về những điều tốt đẹp đang chờ trước mắt.

- Lâu nay một số đồng nghiệp văn chương thường Nam tiến, rồi có người ở lại, có người lại ngược ra Bắc. Sài Gòn với anh có vẻ “hợp phong thủy”?

Phải thú thật tôi rất dốt về phong thủy! Nhưng sự gắn bó với một vùng đất nào đó, tôi nghĩ là một cái duyên. Trước đây, tôi đã lên kế hoạch cho mình là chỉ ở Sài Gòn trong một khoảng thời gian nhất định; thậm chí, có lần tôi từng ngược ra Bắc nhưng rồi duyên số đưa đẩy, tôi lại Nam tiến lần nữa, và ở lại đến bây giờ. Sau hơn 10 năm sống ở Sài Gòn, vào năm ngoái, tôi chính thức trở thành công dân của thành phố.

Tôi có một người bạn, vào Sài Gòn cũng phải đến 4, 5 năm rồi; nhưng đầu năm nay, người bạn ấy vừa chia tay Sài Gòn để chuyển ra Hà Nội sống. Ngay khi người bạn này vừa ra Hà Nội không lâu, lại có một người bạn khác vừa chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn. Hiện bạn cũng đang có một công việc - theo chia sẻ là đầy thú vị, ở trung tâm thành phố. Đến bây giờ thì tôi đã không còn ngạc nhiên lẫn thắc mắc trước những cuộc dịch chuyển này. Vì trước hết, mỗi người sẽ có một lí do để đến hoặc rời đi - với một vùng đất nào đó. Và như trên tôi đã nói, đó là một cái duyên. Ngoài ra, tôi đã có hơn 10 năm sống ở Sài Gòn, chừng đó thời gian đủ để tin vào tình cảm mình dành cho thành phố, cũng như biết ơn vì những gì mà thành phố dành cho mình.

111
"Mỗi người sẽ có một lí do để đến hoặc rời đi - với một vùng đất nào đó. Đó là một cái duyên. Tôi đã có hơn 10 năm sống ở Sài Gòn, chừng đó thời gian đủ để tin vào tình cảm mình dành cho thành phố, cũng như biết ơn vì những gì mà thành phố dành cho mình" - Hồ Huy Sơn. Ảnh nhân vật trong bài của Phạm Vũ Ngọc Nga.

CHO MỘT CÁI GÌ ĐÓ DÀI HƠI HƠN Ở PHÍA TRƯỚC 

- Tôi nhớ một ý thơ của anh nói rằng mỗi ngày chúng ta đang sống là sự vỗ béo cho cái chết đang chậm rãi, từ từ đến. Ở truyện ngắn Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố được chọn làm tiêu đề cho tập truyện mới của anh, nhân vật cũng ám ảnh nhiều về cái chết. Tại sao anh ám ảnh về cái chết như vậy?

Thực sự là tôi rất sợ khi bị đánh đồng nhân vật với mình. Đúng là trong truyện, nhân vật của tôi mang ám ảnh về cái chết, xem đó như một sự giải thoát và cũng là món quà đầy bất ngờ của tạo hóa. Huy, một trong hai nhân vật trong truyện lên kế hoạch sẽ kết thúc cuộc đời của mình vào năm 30 tuổi. “Kế hoạch” này tôi từng được nghe từ một người bạn, chia sẻ vào những năm 20 tuổi. Bây giờ, hơn 10 năm trôi qua, người bạn ấy đã có một cuộc sống tương đối ổn định. Giờ có nhắc lại “kế hoạch” kia trong mỗi lần cà phê vỉa hè với nhau, sẽ chỉ nhận được những tràng cười sảng khoái! Những năm hai mươi, dường như ai cũng từng có những ý nghĩ đầy “bồng bột” như vậy!

Ở đây, tôi chỉ đơn giản mang “kế hoạch” của người bạn vào nhân vật của mình. Có một điều may mắn là dù cuộc sống đôi khi có những điều bất như ý, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời theo cách mà nhân vật của mình đã làm. Nhưng bản thân tôi cũng có một trải nghiệm đầy thú vị về cái chết. Trước đây, với tôi và không ít người, cái chết là một điều kiêng kị, đau buồn. Thậm chí, tôi đã có những đêm nằm mơ thấy mẹ mình qua đời, để rồi sáng mai thức dậy thấy khóe mắt ươn ướt, lòng đau nhói! Không hiểu sao trong tôi luôn bị ám ảnh bởi ngày mẹ sẽ rời xa. Cho đến khi đọc được cuốn sách Điểm đến của cuộc đời của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, thì tôi gần như được khai sáng. Bởi một lẽ, bất cứ ai, dù giàu sang hay nghèo khó, dù ông này bà kia hay chỉ là một người rất mực bình thường, rồi cũng phải tịnh tiến về điểm đến cuối cùng của cuộc đời - đó là cái chết! Nên, thay vì đau buồn, thay vì phiền muộn thì tại sao chúng ta không sống cho thật tốt trong hiện tại, không yêu thương, đối đãi với nhau cho tử tế hơn! Tôi đã ngộ ra được điều đó qua cuốn sách của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang; nhờ đó, tinh thần cũng được nhẹ nhõm đôi phần, mạnh dạn nhìn thẳng vào cái chết, không còn nặng lòng khi nghĩ về cái chết của chính mình hay của người thân.

- Một thời gian, người ta thường bắt gặp những hoang hoải, vô phương hướng ở sáng tác của những người trẻ hay về người trẻ, đọc những câu chuyện trong Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố, bạn đọc được ẩn mình trong một bức tranh khá ấm áp để họ tự tin bước về phía trước. Anh nghĩ rằng, cảm giác tích cực, tiêu cực hay cảm xúc đẹp mà một cuốn sách mang đến cho người đọc sẽ quan trọng với họ hơn ở góc nhìn văn chương và cuộc sống?

Thỉnh thoảng tôi cũng tự hỏi: mình đã thay đổi như thế nào sau khi đọc sách? Quả thực là tôi có nhìn thấy được những tác động theo chiều hướng tích cực. Sách giúp tôi trở nên điềm đạm, bình tĩnh, biết chia sẻ và lắng nghe nhiều hơn. Và trường hợp rõ nhất là khi đọc cuốn sách Điểm đến của cuộc đời của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang như đã nói. Sỡ dĩ tập truyện ngắn lần này, bạn đọc sẽ cảm nhận được ở đó những câu chuyện ấm áp, hướng thiện, lạc quan bởi điều này nằm trong sự chủ quan của tôi.

Có thời điểm, khi mở báo lên đọc vào mỗi sáng, bắt gặp những thông tin tiêu cực xoay quanh chuyện cướp - giết - hiếp, lòng tôi trở nên trĩu nặng, tinh thần cũng vì thế mà ủ ê suốt cả ngày hôm đó. Cuộc sống đã có nhiều chuyện khiến chúng ta phải muộn phiền rồi, nên tôi không muốn bạn đọc phải muộn phiền thêm. Ngày nay, không chỉ sức khỏe thể chất mới đáng được quan tâm, săn sóc mà quan trọng không kém chính là sức khỏe tinh thần. Hệ quả khi tinh thần bị “bệnh” là thể chất cũng suy sụp theo. Tôi hi vọng, sau khi đọc xong Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố, bạn đọc sẽ đồng cảm với tôi về điều này.

Cũng ở truyện nặng kí nhất trong tập, Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố người đọc đã thấy những suy tư ôm chứa vượt ra ngoài khuôn khổ của một truyện ngắn, báo hiệu cho những sáng tác dài hơi. Có ai nói với anh như vậy không?

Vì sách mới ra mắt, vẫn đang trên đường đến với bạn đọc nên tôi cũng chưa nhận được nhiều phản hồi. Tuy nhiên, trong số những phản hồi mà tôi nhận được, đa số đều bày tỏ sự yêu thích đối với truyện ngắn “tương đối dài” mà tôi chọn làm tên chung cho cả tập. Thực sự, đây là truyện mà tôi viết chật vật và gian nan nhất, không hẳn vì nó có dung lượng tương đối dài.

Có lẽ, với phần đông người viết, sau khi đã viết truyện ngắn, ai cũng mong muốn được thử sức bằng một truyện dài hay một cuốn tiểu thuyết nào đó. Cá nhân tôi cũng vậy. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ mình đang có nhiều ý tưởng cho truyện ngắn, và với 3 tập truyện ngắn đã ra mắt, cũng chưa phải nhiều nhặn gì nên tôi nghĩ mình vẫn cần “tập dượt” thêm để có sức, đủ lực cho một cái gì đó dài hơi hơn ở phía trước.

111
"Chúng ta không thiếu độc giả của văn chương, điều quan trọng tôi nghĩ rằng, chúng ta phải viết gì, viết như thế nào để chinh phục họ." Hồ Huy Sơn. 

CHÚNG TA KHÔNG THIẾU ĐỘC GIẢ CỦA VĂN CHƯƠNG 

- Ở thời mà việc dành thời gian cho việc đọc sách văn học ngày càng ít đi, thay vào đó là lướt Facebook, Tiktok, Twitter và xem Youtube… chúng ta buộc phải thừa nhận khá “cay đắng” rằng, văn chương, dường như không còn là thứ dành cho số đông nữa. Là một người viết, anh ứng xử với điều này thế nào?

Đúng là có một thực tế như anh nói. Nhưng không chỉ riêng văn chương mà sách báo nói chung cũng đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt bởi những ứng dụng đó. Có lẽ, dù muốn dù không, chúng ta cũng phải đồng ý với nhau rằng: “Thời nào thế ấy”. Nếu trước đây, sau giờ làm việc, chúng ta sẽ có một khoảng thời gian tương đối nhiều dành cho việc đọc sách, nhưng từ khi có Facebook, Tiktok, YouTube…, với sự hấp dẫn và thức thời từ các ứng dụng kia, rõ ràng thời gian của chúng ta đã bị chia nhỏ ra rất nhiều, đồng nghĩa với việc thời gian dành cho việc đọc sách bị thu hẹp lại. Đó là chưa kể, số liệu qua các năm cho thấy, tỉ lệ đọc sách của người Việt vẫn còn khá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhưng tôi thấy, dùng từ “cay đắng” có vẻ hơi trầm trọng quá! Bởi sau rất nhiều nỗ lực từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân, thì văn hóa đọc trong nước đã có những khởi sắc đáng kể. Đó là tỉ lệ đọc sách bình quân đầu nước đã có sự tăng nhẹ. Mới đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa đưa ra những con số cho thấy: Ở Việt Nam có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Và ngày nay, trong sự phát triển vượt bậc của công nghệ, người ta không còn đơn thuần chỉ giải trí hay thu nhận kiến thức từ sách giấy mà còn có cả Ebook, Audiobook; và tiến tới là Podcast. Rõ ràng, đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa “đo” được tỉ lệ người đọc trên các phương tiện này, trong khi, các kênh này đang là xu hướng, chiếm một vị trí không nhỏ trong sự đọc hiện nay.

Có một thực tế đối với sách văn học trong nước, kéo dài nhiều năm nay: Một tác phẩm viết trong một thời gian khá dài, in với số lượng 1.000 - 2.000 cuốn mà bán mấy năm vẫn không hết! Là người viết, đương nhiên tôi cũng có đôi chút chạnh lòng. Nhưng không vì thế mà tôi nản lòng! Hiện tại, theo quan sát của tôi, đang có rất nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội, hoạt động rất sôi nổi như: Hội mê sách Văn học (có 8,5 ngàn thành viên), Hội yêu thích tác phẩm văn học kinh điển (hơn 25 ngàn thành viên); Hội yêu sách (hơn 103 ngàn thành viên)… Như vậy, có thể nói chúng ta không thiếu độc giả của văn chương, điều quan trọng tôi nghĩ rằng, chúng ta phải viết gì, viết như thế nào để chinh phục họ khi mà các tác phẩm văn chương xuất sắc của thế giới, thậm chí được vinh danh bằng các giải thưởng danh giá như Nobel, Pulitzer, Man Booker, Goncourt… liên tục được dịch và giới thiệu ở trong nước.

- Ở chiều ngược lại, những ai còn ở lại với văn chương sẽ là những bạn đọc khá trung thành. Anh có nghĩ như thế?

Theo tôi, những độc giả của văn chương thường là những người có nội tâm sâu sắc và phong phú, họ hiểu được mình cần và muốn gì khi đọc sách văn chương. Và không quá lời khi gọi họ chính là “độc giả vàng”, là chất xúc tác đối với người viết. Có điều, ngày nay sự đọc của độc giả đã nâng cao và cũng khắt khe hơn. Họ không đơn thuần chỉ đọc để giải trí, mà họ cũng sẵn sàng phản biện, thậm chí là “vạch” ra những điểm yếu kém của tác phẩm lẫn của người viết. Vậy nên, mặc dù là “trung thành” đó, nhưng người viết cũng phải cẩn thận nếu không muốn bị họ quay lưng!

- Từng có những bạn đọc nhỏ tuổi, rồi bạn đọc lứa hoa học trò, rồi đến những bạn đọc trẻ theo quá trình trưởng thành sáng tác. Có khi nào anh nghĩ đến những bạn đọc ở thì tương lai của mình?

Thực sự là tôi vẫn chưa nghĩ xa xôi đến như vậy. Tôi vẫn đang trong quá trình sống và trải nghiệm; những vấn đề, câu chuyện liên quan đến con người - không cứ là người trẻ hay già, khiến tôi không ngừng trăn trở, suy tư về nó thì chắc chắn tôi sẽ viết. Nhưng nếu gọi những bạn đọc tương lai là những người “đã có tuổi”, thì trong số những truyện ngắn tôi đã viết, thỉnh thoảng cũng có một vài truyện với nhân vật chính là những người già. Tất nhiên, họ hiện hữu theo sự quan sát, chiêm nghiệm và hư cấu của tôi, có thể sẽ không có điểm chung nào đối với những người đọc lớn tuổi ở ngoài đời.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, dù là bạn đọc nhỏ tuổi, đã trưởng thành hay “đã có tuổi” thì vẫn luôn có mẫu số chung nhất định. Đó là những câu chuyện đề cao sự hướng thiện, giúp con người yêu thương, đối đãi tử tế với nhau hơn. Thực tế không hiếm những tác phẩm mang dáng vóc của một tác phẩm dành cho thiếu nhi, nhưng người lớn đọc vẫn thích như thường! Một trong số đó là Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn người Chile Luis Sepúlveda - người đã mất trong đại dịch Covid-19 năm ngoái. Dù theo thể loại đồng thoại nhưng tác phẩm vẫn mang đến cho chúng ta những thông điệp sâu sắc về tình yêu thương đồng loại hay giữa những giống loài khác nhau. Và đặc biệt, tác phẩm cũng phần nào cất lên tiếng nói của thời đại trong vấn đề bảo vệ môi trường. Đây rõ ràng là những vấn đề chung mà loài người, dù ở lứa tuổi nào cũng quan tâm.

- Cám ơn anh đã chia sẻ!

111
Một số tác phẩm đã xuất bản của Hồ Huy Sơn. Ảnh: NVCC

Hồ Huy Sơn sinh năm 1985 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tốt nghiệp Khóa 8, Khoa Sáng tác - Lí luận - Phê bình, Đại học Văn hóa Hà Nội.

Đã xuất bản các tác phẩm:

-Ngày lạ (NXB Hội Nhà văn, 2009)

-Cơm nhà cơm người (NXB Trẻ, 2012)

-Rồi lẻ loi như gió (NXB Hội Nhà văn, 2016)

-Những đóa hoa lạ nhà (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2017)

-Hát lời cho quả sai (NXB Tổng hợp, 2017)

-Một cảnh không có trên phim (NXB Phụ nữ, 2018)

Ngoài ra anh cũng viết và in khá nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi. Anh cũng đã đoạt được một số giải thưởng văn học. Hiện anh làm việc tại Báo Sài Gòn Giải phóng.

 
Thiện Nguyễn (thực hiên)
Tạp chí VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây