Chúc phúc lá xanh là tập thứ 5, sau 4 tập thơ đã xuất bản từ năm 1988 của Lê Xuân Đố. Từ bấy đến giờ đã ngoài 15 năm, cả một đoạn trường đời và thơ, bạn đọc hằng mến mộ thơ Lê Xuân Đố thật hân hoan với chút ngỡ ngàng khi đọc những vần thơ viết trong tuổi 76 của ông: Máu khóc nhân gian/ Súng đạn cười giọng mới/ Kẻ ác làm ông Trời/ Tình yêu nên chồng nên vợ.
Kết bài thơ là tiếng cười thâm thúy, khúc khích thế gian: Thầm thì bên tai: Hôn đi!/ Hành tinh bồng bềnh hơi thở. (Hành tinh chúng ta)
Thơ ấy như một bổn phận nhằm định dạng lại hành tinh đã chịu nhiều biến dạng do cái ác “súng đạn cười giọng mới” gây nên. Gương mặt hành tinh, đất nước, hay là mảnh đất quê riêng, chừng sẽ được vẽ lại, thơ lại, được trở lại bồng bềnh thơm tho khi chạm câu thần chú: “Hôn đi!”. Tình yêu thương mới chính là một quyền lực vô song, kỳ diệu nhất. Cái nhìn này luôn là một ước vọng, một cưỡng lực lớn ôm trùm thi giới Lê Xuân Đố và nó đã đem lại những vần thơ tha thiết, lãng mạn thể hiện về con người và Tổ quốc: Việt Nam vào bát là cơm/ Việt Nam vào ly là rượu/ Việt Nam trong hồn là thơ/ Việt Nam mở miệng là khúc ca/ ru mềm yêu thương căm hận/ có nhau giọt khóc giọt cười/ …/ đêm Việt Nam là Hằng Nga/ chăm sóc chú Cuội gốc đa/ vun xới giấc mơ qua mùa hiểm họa.
Phải trải qua từng ấy cung bậc: miếng ăn, tiếng hát tới lời ru, giọt lệ với tiếng cười, yêu thương và căm giận, vườn hoa, ong bướm và… làm tình, mới đến được kết cục này: sáng ra Việt Nam là mặt trời/ làm giọt mồ hôi thành hạt ngọc/ vác nụ cười ra soi. (Lãng mạn Việt Nam)
Tôi thèm được dẫn cả bài thơ vào loại hay nhất của thi sỹ. Và không chỉ thế. Thơ về đề tài Tổ quốc trình diễn với bút pháp lãng mạn, hào hoa mà đượm niềm bi mẫn như Lãng mạn Việt Nam của Lê Xuân Đố là thứ của hiếm, hàng độc!
Thi sỹ họa thơ cùng thiên nhiên hoa cỏ, hát thơ với quê hương trong hòa bình, sầu hận thơ lúc non sông lâm đại họa chiến tranh, và khóc thơ cho thân phận con người còn chịu bao bi lụy. Trong cõi thơ ấy, một mối quan tâm sâu nặng, một hình ảnh ngỡ nhỏ nhoi vô vị mà đã thành ra một trường lực hút đắm đuối lấy hồn thơ ông, là hình ảnh Cát: bãi biển cát, làng cát, doi cát, mộ cát. Cát là tình yêu và định mệnh. Cát - cõi an trú đời của đấng sinh thành: “ai nhắm mắt bước khỏi chân mây/ ai lại về chân sóng/ cát đóng dấu vào giọng nói hằn sâu nếp nghĩ một đời…” - Nơi sống, thơ, được gọi lên như một đọi máu sâu tận tâm can gan ruột, đầy day dứt, ám ảnh kiếp phận con người. Mở bài: “cát đi mãi/ còn tôi lún xuống/ Cha Mẹ theo nhau chọn cát để về/ chọn cát làm nôi ru con rốn bão…” Kết bài: “ngày cải táng Mẹ Cha lại về trong cát/ giấc mơ tôi cát làm mây ngũ sắc/ cát đi mãi/ còn tôi lún xuống/ lún bao nhiêu thì tới Mẹ Cha/ để thấu lòng cát” (Bí ẩn cát). Tưởng không gì nhỏ nhoi mà cao quý, thô sơ mà lộng lẫy, tĩnh lặng mà vang động bằng Cõi Cát xứ quê này.
Người thi sỹ cao niên mà tình thơ thật trẻ, giọng thơ thì hiện đại, bút pháp đa dạng. Khi trào tiếu, phúng dụ, ngoa dụ: “… vườn nhà nông chổng mông lên trời/ nằm úp mặt úp mồm mũi/ hơi hớm rơm rạ phân chao/ thịt da mình chồi đâm rễ mọc…” (sắp đặt); Lúc trang nghiêm, cô lắng: “… hạt thóc chảy máu khi mới biết làm đòng ngậm sữa… mồ hôi và máu hai nửa lưng cha/ lời ru và tiếng kêu hai đứa con sinh đôi của mẹ/ cổng làng như sinh ra chỉ để tiễn đưa… lịch sử như định mệnh vừa như vô can/ để tiếng kêu trời bỏ ngỏ” (Mùa). Thơ viết về nông dân mùa màng, chia sẻ những nhọc nhằn, khắc nghiệt: “Nhà nông dán mắt chân mây con ngươi muốn nổ/ hy vọng co thắc điềm trời lành dữ/ mùa hạt mới chưa thành đã mọc mầm trong bao tử”. Bài thơ đượm màu thế sự trầm lắng, bổng thơ chuyển sang phúng dụ, gần với câu ca dân gian, làm mới tình cảm tư tưởng tồn sinh: “nhà nông ngửa mặt cầu Cậu cầu Cô/ chờ vợ đẻ con chờ đất đẻ củ, chờ/ mưa nắng yêu nhau/ tuổi già lột da trẻ lại”.
Bút lực, giọng điệu hồn vía thơ Lê Xuân Đố tinh chất, đa dạng. Bài Hà Nội khát khao trong hy vọng lẫn lo âu, câu thơ mơ hoặc, ám ảnh, đậm chất “huyền đồng vật ngã” (hóa thân vào vạn vật) Trang, Lão: Gõ cửa phố cổ ba mươi sáu phố phường như gõ lên trăng/ Có người Tràng An đấy không/ Mây Tràng An gặp rêu phong kết tựu/ Sự sống giữa tường long vôi cũ.
Và như nơi tựu hồn đất Hà Thành vậy: Vòng xoay Bờ Hồ bước người không dứt như đèn kéo quân/ Khoan thai theo cách người Tràng An lên chùa.
Thành phố Hồ Chí Minh “Thành đô xô bồ năng động/ Ngày đêm trộn vào nhau mồ hôi và giấc mơ”, Lê Xuân Đố vẫn tìm được góc khuất lưu niệm Sài Thành khó quên: Em bảo em yêu Sài Gòn đêm/ Lá me rơi nhìn tóc em thì biết/ Em bảo em yêu mùa giáng sinh/ Sương khói mong manh lòng lành lời nguyện (Sài Gòn và điều ước).
Thời mở cửa, thơ cũng được mở cửa. Thơ hai miền Nam Bắc giao thoa, thơ thế giới cũng được hội nhập. Lê Xuân Đố là một tiên phong đổi mới cách tân thơ. Khi thơ phương Tây trở về tân cổ điển, thì anh đã sớm làm cuộc trở về “thuộc tính thơ” xúc cảm, sâu sắc, trữ tình, nhiều sức gợi. Đây là một dẫn chứng cho cái nhìn, tình cảm mới, hình ảnh giản dị tươi trong. Bài Trúc Thông trong loạt bài thơ chân dung bè bạn văn chương: Maraton thơ một đời/ Ông tản bộ cầu Mirabo nước Pháp/ Mỹ cảm bước thơ/ Chữ một đời sống khác/ Đê sông Hồng nhớ mẹ/ “Bờ sông vẫn gió người không thấy về”/ Chữ khóc/ Mặt người cỏ cây hiện như sao mọc/ Ngôn ngữ lá xanh/ Chữ nẩy lộc đâm chồi/ Ai một lần với ông trò chuyện/ Gieo duyên thơ “chầm chậm tới mình”/ Chúc phúc lá xanh/ Ta làm lành/ Với cả trời xanh.
“Chữ một đời sống khác”! Ai một lần với ông trò chuyện hẳn đều thấy Trúc Thông đời thường và Trúc Thông thơ đúng là vậy. Một tấm chân dung họa lên giản dị mà chân sắc. Không có tài thực, tình chân thì không vẽ thơ chân dung vậy được.
Tác giả: Đỗ Trọng Khơi
Nguồn Văn nghệ số 31/2020