Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa:Tôi sẽ làm để nghệ thuật hát Xẩm không bị lãng quên

Thứ năm - 31/03/2022 14:27
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa hiện nay đang công tác tại Kênh Truyền hình VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam, và chị cũng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc. Chị được biết tới là người học trò xuất sắc của cố nghệ nhân hát Xẩm, NSƯT Hà Thị Cầu. Từ tình yêu với nghệ thuật hát Xẩm, chị đã thành lập ra nhóm Xẩm Hà thành, một trong những Nhóm Xẩm “hiếm” ở Việt Nam còn biểu diễn nghệ thuật hát Xẩm và các làn điệu dân tộc.
111
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa
Cố gắng gìn giữ, phát triển để nghệ thuật hát Xẩm không bị lãng quên:

- Khi xã hội càng ngày hiện đại văn minh, nhưng nghệ thuật hát Xẩm cũng dần mai một, đặc biệt sau sự ra đi của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Là một người nghiên cứu Xẩm, hát Xẩm, chị suy nghĩ gì về điều này?

Ở nước ta, nghệ thuật hát Xẩm chưa được đưa vào trong chương trình giảng dạy chính khóa, chưa có một giáo trình nào để dạy hát Xẩm. Hát Xẩm hoàn toàn dạy bằng truyền miệng lẫn nhau. Rất may UBND Quận Hoàn Kiếm, đã có chương trình riêng cho nhóm Xẩm Hà Thành biểu diễn tại tượng đài Vua Lê cho khán giả hàng tuần, nhưng vẫn là quá ít với một loại hình đặc sắc như Xẩm. Các đoàn nghệ thuật khác: Cải lương, Chèo, Tuồng còn được làm bài bản từ gốc, được trả lương hàng tháng, dù thấp, có các kỳ liên hoan sân khấu, nhưng nghệ thuật hát Xẩm làm gì có những điều như vậy? Khi tôi nghiên cứu khóa luận về Xẩm thì thấy loại hình nghệ thuật này vô cùng hay và giá trị, tôi sợ nếu không nghiên cứu, đào sâu thì nghệ thuật Xẩm sẽ mất, sẽ bị lãng quên. Nghệ thuật hát Xẩm từng có một thời lừng lẫy, đặc sắc, Xẩm chạm tới niềm vui, niềm đau của con người. Từ một loại hình ca hát của người hát rong khiếm thị kéo đàn nhị bên chiếc thau đồng mà đã phát triển, sáng tạo trở thành hệ thống bài bản đạt tới một trình độ gọi là “Nghệ thuật hát Xẩm”. Tôi mong muốn hát Xẩm sẽ được lan tỏa, được giảng dạy, đào tạo một cách chuyên nghiệp nhất
111
Nhóm Xẩm Hà Thành biểu diễn các tối cuối tuần tại Tượng đại Vua Lê
- Khi đất nước ngày càng du nhập những dòng nhạc mới mẻ, hiện đại… dường như những điệu hát dân tộc như xẩm đang dần yếu thế so với xu thế âm nhạc đương đại. Đặc biệt là người trẻ, họ ít quan tâm tới âm nhạc truyền thống của dân tộc, nói đúng hơn là họ không biết nghe. Chị suy nghĩ gì về điều đó?

Tôi không trách người trẻ, mà luôn tự vấn: “Tại sao người ta không nghe mình hát?”. Vì quan niệm, sở thích của mỗi thời khác nhau, những gì hay nhất, hấp dẫn nhất, mới mẻ nhất thì tại sao không đưa vào trong chất liệu nghệ thuật truyền thống? Muốn khán giả trẻ có thể hiểu và tiếp thu, thì mình phải truyền tải những gì họ cần. Thực tế, là chúng tôi đã thành công, nhiều bạn sinh viên tới thưởng thức và tìm hiểu, thậm chí mong muốn nhờ tôi thực hiện những dự án liên quan tới Xẩm: lập những trang Page Xẩm Quán, Xẩm trên Tiktok… dù các bạn không phải là sinh viên về âm nhạc. Nhưng tôi thấy người trẻ tiếp cận với âm nhạc truyền thống rất hiện đại, mà thậm chí có những điều chúng tôi cần phải học tập người trẻ.

- Loại hình nghệ thuật nào cũng cần có sự đổi mới, hát Xẩm là chất liệu nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Vậy nhóm Xẩm Hà thành đã có những sáng tạo gì trong phong cách biểu diễn, lời ca, giai điệu để khán giả đương đại dễ dàng đón nhận?

Loại hình nghệ thuật nào cũng cần có sự sáng tạo, ví dụ một bài Xẩm cổ dài mười phút thì chắc chắn khán giả bây giờ sẽ không nghe, nhưng giờ làm ngắn lại chỉ tầm hai phút mà phải có những nét chấm phá gây ấn tượng nhất, đặc sắc nhất thì sẽ kéo khán giả. Vốn dĩ, cuộc sống hiện đại nhanh hơn, gấp gáp hơn nên cách thưởng thức nghệ thuật cũng phải nhanh và trực diện. Rap đang là chất liệu được khán giả ưa chuộng và tôi nhìn thấy sự tương đồng giữ chất liệu Xẩm cổ và hát Ráp đương đại, những câu Rap của Đen Vâu, hoặc trong những chương trình Rap Việt, chất liệu đều là đồng giao, hát nói có vần điệu. Nhóm Xẩm Hà cũng từng kết hợp với Nhà hát Múa rối Trung Ương trong chương trình phòng chống dịch covid với bài Xẩm “ Tiễu trừ Corona”, và chúng tôi cũng mong muốn kết hợp với những loại hình nghệ thuật khác để có những thể nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho Xẩm.

- Trong các tác phẩm của nhóm Xẩm hà thành trình diễn, thứ nhất là biểu diễn những bài kinh điển của Xẩm cổ truyền thống, thứ hai là sáng tác và trình diễn những bài Xẩm để nói về sự kiện của xã hội đương đại. Vậy phong cách biểu diễn của nhóm Xẩm Hà thành là gì?

Chúng tôi cố gắng gìn giữ đúng những giá trị của Xẩm truyền thống: Xẩm Thập, Xẩm Chợ, Chênh Boong, Phồn Huê… hoặc muốn tái hiện một phần nào đó nét văn hóa xưa: Xẩm tàu điện Hà Nội. Ngoài ra sẽ sáng tạo trên những giai điệu Xẩm cổ truyền sẽ lồng những lời thơ mang hơi thở của cuộc sống đương đại, có tính tuyên truyền như: tiễu trừ Corona, Văn hóa giao thông, Xẩm trà đá, Xẩm đường lưỡi bò… Với mong muốn ai cũng có thể nghe được Xẩm, dù già hay trẻ, địa vị thế nào, tầng lớp gì cũng sẽ cảm nhận được những giá trị tinh thần, cách giáo dục con người mà Xẩm mang lại.
111
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và Nghệ nhân, NSƯT Hà Thị Cầu - người được ví như “Báu vật dân gian”
Tôi luôn cố gắng để có một chất “riêng”.

- Mỗi lần khán giả nhắc tới nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người ta sẽ ngay “học trò” của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Và chị đã làm gì để khán giả nhớ tới mình với chất riêng?

Nghệ nhân, NSƯT Hà Thị Cầu được coi là “báu vật dân gian” chắc chắn sẽ không có người thứ hai ở Việt Nam hát Xẩm hay như bà. Đương nhiên, một người thầy tài hoa như vậy thì bất kỳ người học trò nào cũng bị ảnh hưởng… Nhưng tôi là người nghiên cứu âm nhạc, đặc biệt là nghệ thuật hát Xẩm, được học đàn nhị bài bản từ nhỏ ở Nhạc viện, thì sẽ hiểu và tạo ra một phong cách riêng dựa trên những căn bản mà mình được học. Bất kỳ người nghệ sĩ nào muốn sống được trong lòng khán giả cũng cần có một nét riêng, vì vốn dĩ cảm xúc của nghệ sĩ là không ai giống ai. Ngay cả khi tôi dạy cho các học sinh của mình, tôi chỉ muốn họ có một nền tảng căn bản, và phát triển theo một phong cách riêng biệt.

(Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa theo học đàn nhị từ năm 8 tuổi, đàn nhị là nhạc cụ không thể thiếu của người hát Xẩm)

- Dù đã hoạt động nghệ thuật hơn 20 năm trời, nhưng phải đến năm 2019, chị mới ra Album đầu tay và tới giờ vẫn là Album duy nhất. Vậy dự định trong thời gian sắp tới của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa là gì?

Để đánh dấu chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình thì ngoài những chương trình Xẩm tôi tổ chức cùng Nhóm Xẩm Hà Thành đã dành được những dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả và giới chuyên môn thì năm 2019 tôi đã ra Album đầu tay và cũng đã nhận được sự đón nhận nồng hậu từ khán giả. Hiện nay, tôi vẫn ấp ủ những Album tiếp theo, nhưng dường như công chúng không còn nghe đĩa nhạc nữa, nên cần phải có những cách làm mới: thu thanh và làm MV trên Youtube, Tiktok,… Là một người nghệ sĩ, tôi luôn muốn đổi mới không chỉ trong phong cách biểu diễn mà trong cách tiếp cận tới khán giả cũng phải mới mẻ.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ đầy giá trị này!

Nguyễn Đức Cầm (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây