Một ngày đẹp giời chị Thúy thông báo mở quán cà-phê tại nhà, gọi là “Cà phê Thúy”. Trên phây-búc, bạn bè xôn xao chúc bà chủ đắt khách. Nhưng có lẽ chả chúc, thì quán chị Thúy lúc nào cũng sẽ đông khách. Khách ở đây nào phải ai xa lạ, toàn là nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ tới chơi thăm, đàm đạo chuyện đời chuyện nghề cùng nhạc sĩ Hồng Đăng. Chị Thúy tất bật vào ra, hết pha thức uống này lại bày món ăn khác. Nào là xôi xéo, xôi ngô, xôi sắn, nào là khoai luộc, ngô luộc-những món ăn đồng quê ai cũng thích. Nói chung, ở đâu có chị Thúy là ở đó rất vui. Chị hồn nhiên, am hiểu âm nhạc, khi cần cũng “chém gió” tưng bừng về mọi đề tài, lĩnh vực. “Nhiễm” tính đọc nhiều của ông chồng nhạc sĩ, lại tiếp xúc nhiều với giới văn nghệ, chị Thúy là cả một kho chuyện cho chúng tôi hóng lúc trà dư tửu hậu. Đến nhà nhạc sĩ, chúng tôi mỗi thường chào “bác Hồng Đăng” và “chị Thúy”, bởi chị Thúy trẻ trung, giàu năng lượng, lúc nào cũng hồ hởi sẻ chia, khiến cho người đang buồn cũng thấy vui lây.
Nhiều năm nay sức khỏe của nhạc sĩ Hồng Đăng không được tốt. Ông vào ra bệnh viện liên tục vì nhiều căn bệnh mãn tính. Tất bật chạy đi chạy về từ nhà đến bệnh viện chăm lo thuốc thang ăn uống cho chồng nhưng chưa từng ai nghe một tiếng thở than từ chị Thúy, cứ như đó là cả một niềm hạnh phúc. Khi nhạc sĩ Hồng Đăng còn đi lại được, chị Thúy thường đưa chồng đến các cuộc vui bè bạn bằng chiếc xe Cub đời cũ. Hình ảnh bà vợ trẻ dáng cao lớn chở ông chồng nổi tiếng trên chiếc xe đi thong dong trên phố Trần Hưng Đạo trong một trưa mùa hè rực rỡ nắng cứ làm tôi nhớ mãi. Nhạc sĩ Hồng Đăng thật may mắn khi có được người vợ trẻ tận tụy như chị Thúy, để có thể neo đậu bình yên, chấm dứt những “lênh đênh” đời nghệ sĩ.
Cuối năm 2021, nhạc sĩ Hồng Đăng được nhận giải thưởng lớn “Vì tình yêu Hà Nội”. Đây chắc chắn là niềm vinh dự lớn lao cho người nhạc sĩ quê xứ Nghệ. Ông đã đến và ở lại Hà Nội từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước, và tạo ra một sự nghiệp âm nhạc trong đó Hà Nội là một trong những nguồn cảm hứng bất tận. Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ... là những ca khúc nằm lòng người Hà Nội, là tình yêu của ông dành cho mảnh đất tuy không sinh ra nhưng có công nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc của ông, mang cho ông khán giả và bè bạn. Dù rất muốn nhưng sức khỏe không cho phép nên nhạc sĩ không thể đến nhận giải thưởng. Chị Thúy lại xúng xính áo dài đi “ẵm” giải thưởng thay chồng. Nhìn cách chị trả lời báo chí, đủ biết chị đã trở thành “nhà Hồng Đăng học”, và tự hào về người đàn ông của đời mình như thế nào.
Nhạc sĩ Hồng Đăng thường khá kiệm lời khi nói về vợ, nhưng khi đã nói thì dành những lời rất đắt giá. Vẫn cách nói hài hước, bông đùa nhưng đáy sâu là một niềm biết ơn sâu sắc ông dành cho vợ. Vì những “gánh vác” của chị Thúy không phải phụ nữ nào cũng làm được. Bạn bè đến chơi, nói chuyện tưng bừng về âm nhạc, nghệ thuật, nhưng phía sau có thể chị Thúy đang quắt quay lo tiền thuốc, tiền bệnh viện cho chồng. Dù nổi tiếng là vậy, nhưng nhạc sĩ không phải người biết kiếm tiền bằng âm nhạc. Cuộc sống của ông chỉ eo hẹp đồng lương hưu. Tiền tác quyền âm nhạc hằng năm cũng chỉ thêm thắt vào mua thuốc cho ông. Nói chuyện tiền, nhạc sĩ Hồng Đăng thường bảo, nghề này (ý nói nghề làm âm nhạc) rất tốn tiền, phải có tiền. Quả là “khó bó khôn” nếu không có tiền. Vì nhạc sĩ sáng tác ra rồi thì để tác phẩm mình trên giấy hàng chục năm, có khi cả đời, nếu không có tiền hòa âm, phối khí, trả cát-xê ca sĩ hát, làm sản phẩm, làm show diễn, nếu muốn đưa bài hát vào đời sống. Việc tự nhiên có ca sĩ đến nhà xin ca khúc để biểu diễn là hãn hữu lắm, phải có duyên, phải có lý do đặc biệt, thí dụ họ cần một bài độc đáo để đi thi, chinh phục giải thưởng. Nhạc sĩ cần chủ động mang tác phẩm của mình đến với công chúng, sau đó việc nó đi xa được đến đâu là chuyện khác. Nhạc sĩ bảo, số phận cho gì nhận lấy, “mỗi một tình yêu, mỗi một cuộc đời”- như câu hát của ông trong Biển hát chiều nay.
Cách đây chừng chục năm, trong một lần ngồi trò chuyện cùng nhạc sĩ, khi nói về tình trạng thiếu ca khúc hay, cả cho người lớn và thiếu nhi, nhạc sĩ Hồng Đăng xác quyết: “Không thiếu bài hát đâu. Thậm chí, với nhiều nhạc sĩ, bài hát đang “ứ” ra mà không có cách nào đến với công chúng được”. Gia tài khoảng 700 ca khúc đã viết nhưng chỉ một phần nhỏ trong đó là đến được với khán giả âm nhạc là cuộc chơi tốn kém, không phải ai cũng đủ tiền. Ông cũng thừa nhận các nhạc sĩ trẻ thế hệ sau ông giỏi giang hơn trong nắm bắt thị trường, chủ động tìm cách mang âm nhạc của mình đến với công chúng. Nhưng thế hệ ông thì ít người làm được như vậy, họ chỉ biết sáng tác và để đấy, chờ đợi những cơ duyên cho “bầy con” của mình.
Nhìn lại, quả đúng là như vậy, những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hồng Đăng hiện nay thường bắt đầu từ ca khúc viết cho phim, nghĩa là được đặt hàng. Rồi từ phim, vì vượt lên trên, những ca khúc này trở thành một tác phẩm độc lập. Chẳng hạn, ca khúc Hoa sữa là ca khúc cho phim Hà Nội mùa chim làm tổ, được cố NSND Lê Dung hát đầu tiên và trở nên nổi tiếng với giọng hát Nhã Phương. Hoa sữa gây sốt ở Sài Gòn rồi mới quay ra bắc “lấy lòng” công chúng ở đây. Các ca khúc nổi tiếng khác gắn với phim còn là Lênh đênh (phim Đời hát rong), Biển hát chiều nay (trong nhiều phim về đề tài biển), Nỗi nhớ đêm đại dương (phim Những hạt muối của biển), Biển và cô gái tôi chưa quen (phim Những ngôi sao nhỏ), Không gian xanh (phim Vùng trời)...
Gắn bó với âm nhạc cả đời, nhưng nhạc sĩ Hồng Đăng mới chỉ có một album nhạc, một đêm nhạc mang tên Lênh đênh biển. Kỷ niệm về đêm nhạc đó với ông đến nay vẫn là một kỷ niệm buồn. Đêm nhạc nắn nót mãi mới tổ chức được, nhưng phút cuối lại bị “vỡ tài trợ”, khiến ông phải chấp nhận lỗ. May sao có bạn bè giúp đỡ ông mới tạm ổn. Ở tuổi 86, cha đẻ của ca khúc Biển hát chiều nay vẫn ước ao một ngày, những chiếc cặp đựng tác phẩm một đời của ông được mở tung, và những bản nhạc nằm im nhiều năm tháng trong đó có thể hoàn thiện nốt các khâu để trở thành tác phẩm bay đến với mọi người, trong đó không chỉ ca khúc dành cho người lớn, mà có cả ca khúc dành cho thiếu nhi, hợp xướng, thanh xướng kịch nữa. Chị Thúy có lần “tiêng tiếc” mà chia sẻ: “Chồng tôi làm việc rất nhanh và viết cũng đa dạng. Nhưng ngặt nỗi, mỗi khi sáng tác xong, nếu là người khác thì họ tập trung dàn dựng, quảng bá, còn ông ấy lại bỏ qua một bên và làm việc khác. Đó là lý do những ca khúc của ông phải rất lâu mới được công chúng đón nhận”. Hỏi chuyện này, nhạc sĩ Hồng Đăng chỉ cười. Biết đâu ông lại đang nghĩ “mỗi một tình yêu, mỗi một cuộc đời”, mỗi chúng ta đến với cuộc đời đều mang theo số phận riêng, tiếc hay buồn cũng để làm chi.
Mà nói về “lênh đênh”, nhạc sĩ Hồng Đăng thừa nhận, cái “máu” xê dịch có từ trong ông từ nhỏ. Cha của nhạc sĩ là cụ Phan Đăng Tài (em ruột của nhà chí sĩ cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu) - một nhà nho học nhiều biết rộng, thông thạo bảy ngoại ngữ, biết chơi đàn nguyệt và truyền tình yêu với âm nhạc cho các con. Thủa nhỏ, nhạc sĩ Hồng Đăng thường theo cha đi rất nhiều nơi, nhất là vùng biển miền trung. Chính những chuyến đi đó vô tình tạo cảm hứng cho nhạc sĩ viết nhiều ca khúc về biển. “Chất biển thấm vào tôi như máu thịt để sau này tôi sáng tác các ca khúc về biển” - nhạc sĩ chia sẻ. Cũng chính vì yêu biển nên “lênh đênh” phần nào trở thành đời sống của nhạc sĩ. Ông lận đận cả trong đời riêng và âm nhạc. Nếu như đời riêng đã “thôi lênh đênh” thì trong âm nhạc, ông vẫn còn những điều chưa trọn vẹn. Nhưng nhạc sĩ Hồng Đăng không phải người bi quan, ông luôn nhìn mọi điều theo hướng tích cực. Cuối cùng thì đời sống vẫn phải là tiếng cười, niềm vui. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn pha trò tếu táo. Ông biết rõ rằng trong sáng tạo, khi viết ra một tác phẩm là người cầm bút đã xong nhiệm vụ của mình. Phần còn lại sẽ là cơ duyên, là thời điểm. Và điều đó thì chẳng ai biết trước được.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên