Đừng để thú tính lấn át nhân tính

Thứ tư - 09/03/2022 10:35

Cuối năm ngoái, cả nước rúng động khi “dì ghẻ” Nguyễn Võ Quỳnh Trang hành hạ đứa con gái 8 tuổi của chồng ở thành phố Hồ Chí Minh đến chết. Thông tin vụ việc dã man này vượt khỏi biên giới và lên nhiều trang báo quốc tế. Tờ Dailly Mirror của Vương quốc Anh viết rằng: “Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị buộc tội vì ngược đãi trẻ em nhưng sau đó bị khởi tố vì tình nghi giết người, kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy đứa trẻ này bị đa chấn thương nghiêm trọng”. Một điều thật đáng buồn là chính bố đẻ của nạn nhân không bảo vệ con mình, mà lại là kẻ đồng lõa, và tìm cách xóa bỏ chứng cứ, che giấu tội phạm.

Không thể kể ra hết những vụ hành hạ trẻ em đang từng ngày từng giờ phơi trên mặt báo, mà kể sao hết khi mỗi năm trên toàn quốc có hơn 5000 ngàn vụ (theo thống kê chưa đầy đủ). Hậu quả của nạn bạo hành trẻ em để lại vô cùng nặng nề và rất khó lường, chưa biết đến bao giờ chấm dứt. Nặng thì tử vong như cháu Đỗ Doãn Lộc bị điếu cày của bố phang đến chấn thương sọ não, rồi chết trong bệnh viện khi mẹ vẫn đang ở tù. Dã man nhất của nạn bạo hành trẻ em có lẽ là tháng 1 vừa qua, tên Nguyễn Trung Huyên bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu. Đóng 1 cái đã khủng khiếp rồi, đằng này gã thợ mộc này bắn đinh, hoặc đóng những... 9 cái đinh dài 2,1cm vào đầu bé gái 3 tuổi. Nghe mà sởn cả tóc gáy!

Dã man và thú tính không kém là giữa tháng 2 này, “gã rồ” Trần Văn Viên ở xã Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã bế con gái 5 tuổi ném xuống sông Trường Giang. Hổ dữ không ăn thịt con. Vậy mà gã này đang tâm giết con gái chỉ bởi bắt đầu nghi ngờ vợ ngoại tình. Hàng trăm người suốt đêm mò mẫm trong sông nước tìm kiếm cháu bé. Khoảng 1 giờ sáng thì thi thể cháu bé tội nghiệp mới nổi lên. Khổ thân. Tội nghiệp quá. Con bé mới 5 tuổi thì nó biết gì chuyện của người lớn, nó đâu có tội tình gì? Lỗi lầm của người lớn, sao bắt trẻ con chịu tội thay? Tội tình của bố mẹ, sao bắt con cái phải gánh chịu?

Ghen tuông nổi lòng thù hận, giết con trả thù. Cái loại đàn ông tối tăm, u mê này là cái giống gì? Đến con ruột còn giết thì ai mà nó chả dám tàn sát? Giận cá chém thớt, thù vợ giết con. Cái giống đàn ông, cái giống chồng như thế này, vợ nó không đi ngoại tình mới là chuyện lạ. Thế mới biết xã hội lắm loại người, và chất lượng con người cao thấp khác nhau lắm. Có kẻ, nhìn hình thể thì đúng là con người, nhưng tâm địa là giống cầm thú, thậm chí giống ác quỷ.

Các vụ bạo hành trẻ em, nếu không đến hậu quả chết chóc thảm thương thì cũng tổn thương, nhẹ cũng để lại những đau đớn cơ thể với vết thâm bầm, hay rách thịt da, hoặc gãy mấy rẻ xương sườn, lún não… Nhưng, còn chấn thương tâm thần của trẻ em bị ngược đãi thì ít ai nhận ra bằng con mắt vô cảm, nó có thể kéo dài suốt cuộc đời, hằn sâu trong tâm trí trẻ nhỏ, rồi hình thành tính cách. Tôi cứ nghĩ: đám người lớn bạo hành trẻ em chẳng hay hớm gì. Không u tối, man rợ thì cũng là phường động vật cấp cao hung hãn chưa hoàn thiện.

Kinh Thánh Matheus viết: “Cây tốt sinh quả tốt, cây xấu sinh quả xấu, xem quả biết cây”. Những ông bố bà mẹ cục cằn thô lỗ bạo hành trẻ em; rồi cũng sẽ sinh các các bé mang tính cách, lối sống của kẻ sinh thành. Nỗi ám ảnh đòn roi, kìm búa, và các hình thức bạo hành cũng là một phần đời sống của các công dân tương lai. Hỡi ơi! “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”. Trẻ em bị bạo hành, sau này trở thành người lớn lại mang tính hung hãn, lạnh lùng, tàn độc giống bố mẹ, giống bảo mẫu, và hành xử với con cháu còn độc ác hơn cả thế hệ trước. Còn gì nguy hiểm hơn nếu cứ thế hệ này di truyền cho thế hệ kia thói bạo hành thô lỗ hoang dã ấy.

Tuy nhiên, dân gian Việt lại có câu: “Mẹ Cú con Tiên”; quá trình đồng hóa lại có dị biệt, sẽ có những đứa bé như hạt giống tốt ra đời từ cây héo. Nhưng, các bé ấy phải được nuôi dưỡng ở môi trường lành mạnh cho chồi non sinh trưởng, chứ nếu không may lại trôi dạt vào tay các mụ phù thủ bảo mẫu mấy năm trước ở nhà trẻ Phương Anh bóp cổ dúi đầu trẻ vào thùng nước, nhà trẻ tư thục Mầm Xanh vụt dép vào người, đập can nhựa vào dầu trẻ, hay ông bố nghiện ngập Đỗ Văn Lợi dùng điếu cày nhôm đập vào sọ con… không chết cũng trở thành cây non sâu bệnh, tơ tướp vì bão tố, nắng nóng, mưa lũ mà thôi.

Cần có môi trường trong lành cho trẻ em hít thở dưỡng khí lành trong không thể không nói đến vai trò quản lý nhà nước của các địa phương, đặc biệt là địa bàn phường xã. Xưa rồi cái triết lý: “Thương cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi” của giáo dục phong kiến lỗi thời. Còn nếu như vận dụng triết lý này thì cần hiểu ở thâm ý nhấn mạnh sự nghiêm khắc dạy dỗ hơn là nuông chiều trẻ con. Cụ Hồ nói: “Trẻ em như búp trên cành.” Hoa đã nở rồi còn phải “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, huống hồ là búp là chưa nở. Trẻ con là búp phải được chăm sóc nuôi dưỡng với chế độ đặc biệt. Ở Mỹ: “đánh đập trẻ em, dù chỉ một cái tát đều là phạm pháp. Dù người đánh có là ai thì cũng là người phạm tội. Một khi đã có tội thì họ sẽ bị bắt vào tù ngay lập tức và phải ra tòa để nhận quyết định khởi tố”. Và người mẹ này: “còn phải đi học lớp dạy dỗ con trẻ đúng cách, phải chịu sự giám sát của Hội bảo vệ trẻ em và bị cấm không được hành nghề tiếp xúc với con trẻ.” Nếu còn tái phạm sẽ bị tước quyền làm mẹ vĩnh viễn. Thế mới biết “quân pháp bất vị thân”, pháp luật nghiêm minh thì giảm bớt tội phạm. Còn ở xứ Việt Nam ta bao nhiêu cô bảo mẫu, bao nhiêu ông bố bà mẹ bạo hành con cái đến thân tàn ma dại, mà vẫn cứ sống nhơ nhơn. Điều 110 Bộ luật Hình sự về tội hành hạ người khác quy định: “Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai...”. Đôi khi, xử được một số vụ bạo hành trẻ em cũng là do báo chí phát hiện, nhưng án phạt quá nhẹ, nên chưa đủ răn đe, phạm nhân ra tù trở về cuộc sống đời thường vẫn lại tiếp tục… đánh con mình.

Trẻ em khiếp sợ người đánh đập, nhục mạ mình đó là điều rất dễ hiểu, dễ nhận ra. Nhưng, ít ông bố bà mẹ nào nhận ra mỗi lần người lớn bạo hành trẻ con là thêm một lần chúng cộng thêm nỗi căm ghét. Bi kịch thế hệ đôi khi được ươm mầm từ cái tát, cú đấm bao lực của đấng sinh thành, nhưng ai cũng vô tình đi qua nỗi đau cuộc đời nhau, mà không hề biết hiểm họa đang ủ mầm. Cha mẹ là người chứ không phải hổ, mà hổ dữ còn không ăn thịt con cơ mà?

Bản năng thú vật hay còn gọi là “tâm thú” lấn át tâm người chỉ một phần, còn lại là phần do môi trường xã hội và môi trường gia đình tạo nên. Sự giáo dục không đến nơi đến chốn, giáo dục lơ là, giáo dục không đúng cách… làm cho phẩm chất người không tinh tấn, thậm chí suy đồi. Với lại, mấy năm qua đại dịch Covid-19 quật cho loài người tơi bời. Trong phiên giải trình “Tăng cường chính sách, pháp luật về phóng chống bạo hành trẻ em” của Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Ủy ban xã hội đồng tổ chức, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng: “Trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 dẫn đến bạo lực gia tăng với phụ nữ và trẻ em”. Bệnh tật. Chết chóc. Đói ăn. Thất nghiệp. Vất vả, lam lũ, mưu sinh... Nó làm cho con người bã bời, lúc nào cũng lo lắng, hãi hùng, phấp phỏng, bất ổn, bất an trong một đời sống bấp bênh. Nếu không tỉnh táo nhận ra thời thế đang thử thách giống người, khi bị kích động, thì tâm thú nổi loạn, hành vi thú xuất hiện cũng chẳng có gì lạ.

Các bạn trẻ, các cặp vợ chồng trẻ hãy nghĩ ngợi, hãy chầm chậm nghĩ ngợi về sự việc đau lòng này. Các bậc phụ huynh hãy cảnh giác với mình, với người xung quanh và hãy bảo vệ con cái. Trong nỗi bất an của xã hội, của gia đình, vẫn có thể tìm được lối thoát nhiều khi tưởng như đường cùng không lối thoát. Bi kịch hôn nhân xuất hiện, thì hãy ngồi với nhau và tỉnh táo đối thoại một cách có văn hóa. Cạn duyên, hết tình thì anh đi đường anh, ả đi đường ả. Cánh cửa này khép lại, thì cánh cổng khác mở ra. Cay cú. Hằn học. Thù hận. Ăn thua... chỉ làm cho nhau tổn thương, chỉ như đổ xăng vào đống lửa thù hận. Một người thân bại danh liệt, thì kẻ kia cũng nát tan đường sống. Những đứa con chẳng tội tình chi, hãy để chúng sống tốt trong một cõi người quá nhọc nhằn, lam lũ.

Dường như nhà văn chúng ta thiên viết cho thiếu nhi những trang đầy ánh sáng, hoa thơm và cỏ lạ, mang những điều tốt lành; còn những trang văn lên án cái xấu ái ác hàng ngày vùi rập, bạo hành trẻ em thì đang thiếu?

 

Tác giả: Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Nguồn Văn nghệ số 10/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây