Tháng 3/2021, tạp chí lâu đời về nghệ thuật Harper’s Magazine đã đăng tải bài viết của vị đạo diễn/biên kịch 79 tuổi Martin Scorsese với tiêu đề “Il Maestro” (tạm dịch: Bậc thầy nghệ thuật). Nội dung chính của bài viết nhằm bày tỏ lòng kính phục và yêu mến của vị đạo diễn gạo cội này dành cho một tượng đài điện ảnh vĩ đại – đạo diễn Federico Fellini, người mà Scorsese luôn xem là một người thầy và một người bạn.
Tuy nhiên, điều gây chú ý và cũng như tranh cãi nhất trong bài viết này là đoạn Martin Scorsese cho rằng điện ảnh đang dần mất đi giá trị mà chúng vốn có trong quá khứ, với nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển của các kênh streaming và cách nền công nghiệp giải trí hiện đại đã hạ thấp nghệ thuật điện ảnh khi gói gọn chúng lại vào một cụm từ “nội dung”. Ông cho rằng trong quá khứ, thuật ngữ “nội dung” được sử dụng để bàn luận về điện ảnh ở mức độ nghiêm túc. Nhưng càng về sau, thuật ngữ này bị lạm dụng bởi những người đứng đầu các công ty truyền thông, và những người này không có kiến thức về loại hình nghệ thuật này, hay họ cũng không thèm quan tâm để tìm hiểu về chúng.
Trong một bài phỏng vấn với tờ Associated Press vào năm 2016, ông từng chia sẻ rằng: “Điện ảnh đã chết. Thứ điện ảnh cùng tôi lớn lên và tạo ra từ trước tới giờ đã chết”.
Liệu quan điểm của Martin Scorsese có đúng với thực trạng điện ảnh hiện nay không, hay chỉ đơn thuần là những người ở thế hệ cũ luôn có cái nhìn bảo thủ với sự thay đổi không thể tránh khỏi trong tương lai?
“Bạn có thể nói nhiều điều về những bộ phim của Fellini, nhưng ta không thể chối cãi một điều rằng: chúng đều là điện ảnh. Các tác phẩm của Fellini có ảnh hưởng lớn trong việc định nghĩa loại hình nghệ thuật này”. Khi lấy phim của Fellini ra làm ví dụ cho điện ảnh, Scorsese đang ám chỉ tới một thể loại phim nhất định và phong cách làm phim của các bộ phim này. Đó là những bộ phim không mang nặng tính thương mại như những sản phẩm được sản xuất bởi các tập đoàn giải trí khổng lồ dựa trên các nhân vật và tài nguyên được xây dựng sẵn từ trước (các loạt phim nhiều phần hay bản làm lại) đã có một cộng đồng người hâm mộ nhất định. Và những bộ phim này cần phải có một câu chuyện riêng biệt cùng với sự chú trọng vào ngôn ngữ điện ảnh nhằm truyền tải những cảm xúc và trải nghiệm mang tính cá nhân nhất của nhà làm phim tới khán giả. Không những thế, theo Scorsese, tính điện ảnh còn nằm trong cách chúng ta thưởng thức một bộ phim. Đó chính là trải nghiệm độc nhất khi đi tới rạp để thưởng thức bộ phim ta mong muốn với chất lượng âm thanh và hình ảnh tốt nhất.
Đã từ lâu, rạp phim không còn là nơi duy nhất để ta có thể xem những bộ phim mới nhất, nhưng nó vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người khi họ mong muốn một trải nghiệm xem phim tốt nhất, một nơi mà không có sự phân tâm, không điện thoại, chỉ có ta và bộ phim. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 nổ ra vào đầu năm 2020 đã làm thay đổi ngành công nghiệp điện ảnh mãi mãi khi mọi rạp phim đều phải đóng cửa và mọi người không còn sự lựa chọn nào khác ngoài xem phim tại gia.
Nắm bắt được lợi thế này, các ông lớn trong ngành streaming, đặc biệt là Netflix, đã ra sức đẩy mạnh việc mua bán và sản xuất các nội dung độc quyền để thu lại một khoản lợi nhuận khổng lồ. Không muốn bỏ lỡ vùng đất màu mỡ này, nhiều tập đoàn khổng lồ trên thế giới như Apple TV hay HBO Max cũng nhảy vào cuộc chơi. Giữa cuộc chạy đua ngày càng gay gắt như vậy, các hãng streaming cố gắng tạo ra càng nhiều phim lẻ và phim bộ độc quyền càng tốt để có thể thu hút khán giả sử dụng dịch vụ của mình. Và tất nhiên, hậu quả của cuộc chạy đua này là một số lượng lớn sản phẩm phim ảnh thương mại đi theo các công thức làm phim ăn liền, lười biếng và đáng quên.
So với nhiều năm về trước khi mà ta chỉ có thể xem phim ngoài rạp hoặc trên TV, thói quen xem phim của mọi người cũng đã có một sự thay đổi rõ rệt. Giờ đây, ta có thể xem phim ở bất cứ đâu bằng TV, máy tính bảng, laptop hay cả điện thoại. Không những thế, nhiều studio phim lớn đã chuyển đổi cách phân phối phim sang cách công chiếu phim trên rạp và trên nền tảng streaming vào cùng một ngày. Với động thái này, các nền tảng streaming một lần nữa đã đem lại một sự ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt đến sự sống còn của các rạp chiếu phim.
Chúng ta cũng cần phải nói đến sự bành trướng của các loạt phim thương hiệu (franchise) của các “ông lớn” như Disney hay Warner Bros có thể kể đến như là: Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), Star Wars, Vũ trụ Mở rộng DC (DCEU) hay Fast and Furious. Đây là những bộ phim bom tấn thuần giải trí được sản xuất như một món ăn nhanh. Theo Scorsese, những bộ phim này không được xem là điện ảnh bởi vì chúng không đặt nặng vào kĩ thuật làm phim cũng như ngôn ngữ điện ảnh mang tính cá nhân của người làm phim. Đây là những sản phẩm phim an toàn được dựa trên một vài công thức đã được nghiên cứu và khảo sát kĩ lưỡng để có thể phù hợp với một lượng lớn khán giả đại chúng. Do đó chúng mất đi sự mạo hiểm để thử những điều mới lạ và cũng như là bộc lộ cái tôi của người nghệ sĩ làm phim. Giờ đây, các vũ trụ điện ảnh đã xoá mờ đi lằn ranh giữa điện ảnh và truyền hình bởi sự tái xuất hiện của các nhân vật trong nhiều phần phim cũng như sự liên kết chặt chẽ về mặt cốt truyện của các phần phim lẻ và phim bộ. Các bộ phim truyền hình hiện nay của các studio lớn đã được chú trọng vào phần hình ảnh không khác gì phim chiếu rạp nên chúng đem lại cảm giác như một bộ phim lẻ được cắt ra thành nhiều tập nhỏ.
Mặc dù các dịch vụ chiếu phim trực tuyến gây ảnh hưởng tới các rạp phim nhưng nó lại đem tới cho người dùng nhiều lợi ích to lớn. Đối với nhiều người thì các kênh streaming là một sự lựa chọn hoàn hảo để ta có thể thưởng thức các bộ phim được nhiều lần với một khoản chi phí hợp lí. Ngoài ra, một số kênh streaming, trong đó nổi bật nhất là Criterion Channel, Mubi và TCM, đã mua bản quyền trình chiếu các bộ phim kinh điển với định dạng HD, tạo cơ hội cho những người trẻ đam mê điện ảnh có thể đắm chìm vào những thước phim xưa cũ. Đây là những nền tảng yêu thích của Martin Scorsese bởi vì những bộ phim được chiếu trên các nền tảng này đều được giám tuyển kĩ càng thay vì sử dụng các thuật toán máy móc chỉ coi khán giả như là một người tiêu thụ sản phẩm đơn thuần. Không những thế, Mubi còn tạo cơ hội cho những nhà làm phim trẻ độc lập có thể gửi gắm những đứa con tinh thần của mình đến với khán giả, trong đó có bộ phim Vị của do Lê Bảo biên kịch và đạo diễn đã bị cấm phát hành tại Việt Nam.
Những sự thay đổi, dù tiêu cực hay tích cực, là một điều không thể tránh khỏi và những nhà làm phim và người đam mê điện ảnh thấp bé sẽ không thể làm gì đối với các ông trùm giải trí. Tuy nhiên, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì nghệ thuật điện ảnh sẽ không bao giờ bị lụi tàn, bởi vì thời đại nào cũng sẽ có một cộng đồng cinephile nhất định để chia sẻ niềm đam mê điện ảnh với nhau.
Bài viết này không có ý xem thường những bộ phim mang tính giải trí, vì dù cho ở bất kì lĩnh vực sáng tạo nào thì vẫn luôn tồn tại hai thái cực: giải trí và nghệ thuật dành cho mọi đối tượng khán giả. Song, bên cạnh việc giải trí, con người ta cần phải luôn bỏ thời gian ra để thưởng thức nghệ thuật để khám phá ra những kiến thức và trải nghiệm mới được gửi gắm từ những bậc thầy xưa cũ. Đi công viên giải trí chơi thì không sao cả, nhưng thỉnh thoảng ta cũng cần phải đi thăm quan bảo tàng.
Tác giả: Kinh Quốc
Nguồn Văn nghệ số 10/2022
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên