“Sáng ra sân trước một nhành mai”
Mãn Giác Thiền Sư
Như một thoáng chốc, cái gốc đào năm ngoái dựng ở góc vườn chưa kịp khô thành củi thì tháng Chạp đã xồng xộc ập đến, khi dịch Covid, từ chỗ năm, bảy chục F0 thời giãn cách đã tăng lên ngùn ngụt với hàng dăm bảy ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Năm ngoái còn nơm nớp coi F0 như bệnh nan y, bệnh hủi, giờ đã chấp nhận sống chung với nó, thậm chí coi thường nó. Người dân mình kể cũng lạ, có thể quen với mọi thứ, thích nghi với mọi thứ, kể cả trước sự dậm dọa của cái chết.
Rồi năm, bảy ngày Tết cũng trôi qua thật nhanh như chưa hề có nó, như nó chưa từng đến. Nhưng trong năm bảy ngày ngắn ngủi ấy có quá nhiều điều bất chợt đã tìm đến với tôi, một lão già đã ngoài bảy mươi, lúc nào cũng cảm thấy thời gian đang phụ mình, buông bỏ mình để phi với tốc độ chóng mặt về phía trước.
Ngẫm ra, cuộc đời của mỗi con người, hình như là sự xâu chuỗi của những điều bất chợt. Bất chợt vui, bất chợt buồn, bất chợt được, mất, bất chợt bạn bè… Vạn vật xung quanh con người luôn bất chợt biến đổi khôn lường. Riêng cái gốc mai vàng trồng trước cửa nhà tôi thì đã năm, bảy năm vẫn không chịu đem đến cho tôi một sự bất chợt nào. Mai vàng nhưng Tết đến chỉ để lại những mầm nụ đen đúa run lên trong mưa lạnh và gió rét. Nó đã phụ công bố con tôi chăm bẵm cả năm trời. Năm nào cũng hy vọng nó sẽ nở hoa vào đúng dịp Tết. Nhưng hy vọng để mà thất vọng. Thằng con tôi có lúc ngẫu hứng bảo: Hình như nó cũng đã bị nhiễm Covid rồi. Tôi phì cười. Chưa có nhà khoa học nào phát hiện cây cũng có thể bị nhiễm Covid, ngoại trừ sâu bệnh. Mà sâu bệnh cũng là một loại reo rắc vi rút chứ sao. Con tôi lại nói.
Trước Tết độ tuần, thằng cháu ruột, con chị dâu tôi bất chợt gọi điện cho tôi, giọng méo mó, ngàn ngạt. “Mẹ cháu sắp mất rồi.” Tôi giật mình vội vàng hô hoán, thu xếp cả nhà lên hai chiếc xe cà tàng chạy hấp hoảng về quê. Lần đầu tiên trong nhiều năm, tôi thấy thời gian sao trôi đi quá ư chậm chạp. Dọc đường về, gió cứ thổi hun hút dọc triền đê cùng với đào, mai và quất tỏa về các ngõ xóm. Tôi xác định năm nay nhà mình sẽ không có Tết. Cháu tôi nói “sắp” có nghĩa là chị tôi vẫn đang ở vào giai đoạn cuối.
Tôi sợ mình sẽ không về kịp, để gặp chị khi chị đang còn sống. Cách đây dăm ba tháng chị tôi đột ngột trở bệnh sau một cú bước hụt từ thềm nhà xuống sân. Bắt đầu những ngày tháng nằm liệt giường, liệt chiếu giữa mùa dịch Covid đang ở vào giai đoạn đỉnh điểm.
Lúc đó, trên sân nhà chị tôi đã tấp nập người. Bạt đã được căng, bàn ghế đã được kê một dãy dài để đón khách. Trong nhà, trên chiếc sập kê ở gian giữa, dưới ban thờ, chị tôi nằm thoi thóp, khuôn mặt nhợt nhạt như đanh lại, bất động.
Thời điểm này, làng tôi có đến sáu, bảy trăm người nhiễm Covid. Những tấm biển đỏ cách ly y tế được treo xôi đỗ ở nhiều ngôi nhà trong các ngõ xóm. Mặc kệ con Covid, người thân, bạn bè của chị tôi, các cháu tôi cứ tấp nập, từng tốp, từng tốp đến hỏi thăm, nói là để gặp mặt chị tôi lần chót. Nhiều cuộc điện thoại của các F0, bạn bè của các cháu tôi cũng nheo nhéo gọi hỏi han, chia sẻ và đều tỏ ra lấy làm tiếc vì không thể đến được.
Tôi ở nhà một ngày, hai ngày. Chị tôi vẫn nằm đó bất động và dạn dĩ. Những cây đào trồng ở vườn nhà đã chập chờn những bông nở đầu tiên, đỏ bầm, đỏ như được chắt ra từ nhựa cây, từ giá rét. Chỉ còn vài ba ngày nữa, qua mồng 1 tháng Giêng, theo cách tính của ông bà ta, chị tôi sẽ tròn 90 tuổi.
Chị dâu tôi là vợ liệt sĩ. Chị ở góa từ năm mới ngoài 30 tuổi. Một nách bốn con. Lớn lên chúng tỏa đi khắp nơi. Đứa lấy chồng ở xã bên, đứa vào Nha Trang lập nghiệp ở Ty Thủy Lợi. Đứa lên đường nhập ngũ thời chống Tàu, giờ đã nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Đứa lên cao nguyên trồng cà phê, ca cao… Sau gần 50 năm, đây là lần đầu chúng cùng trở về tụ họp bên mẹ, ăn Tết với mẹ. Âu đó cũng là niềm hạnh phúc của chị tôi, của các cháu. Có lẽ đó cũng là lý do để chị tôi dùng dằng không nỡ, không muốn dứt bỏ cõi sống của mình.
Dẫu sao thì cả nhà tôi vẫn cứ hồi hộp, nơm nớp, lo chị tôi sẽ bất chợt ra đi vào dịp Tết. Như vậy sẽ không chỉ phá vỡ ngày Tết của gia đình tôi mà còn phiền lụy tới bà con, họ hàng. Giữa lúc còn đang hoang mang như vậy thì cháu dâu tôi từ Chèm Vẽ trở về vui vẻ thông báo: Cô chú và cả nhà yên tâm. Cháu vừa đi xem về. Thầy gọi vía mẹ cháu lên, vía dặn: còn muốn ở thêm một xuân nữa cho tròn 90 tuổi. Tôi bán tín bán nghi nhưng cũng tạm yên lòng để trở về thành phố, nơi tôi đã sống, đã làm việc già nửa đời người. Về nhưng vẫn cứ ngong ngóng chờ một sự bất chợt từ cháu tôi. Cả nhà tôi cũng xác định sẵn sàng bỏ Tết phố để về quê chịu tang chị.
Chiều 30 Tết, lúc tôi đang xăm xoi nhìn cái đen đúa của chậu mai trước nhà thì cháu tôi đột ngột gọi điện bảo: Cô chú đừng lo. Mẹ cháu vẫn thế, có phần tỉnh táo hơn trước. Tôi thở phào, dặn phải test nhanh cho mẹ để biết mà phòng tránh cho những người còn lại. Người ra, người vào đông như vậy, người nào cũng ghé xuống hỏi han, thăm dò xem chị tôi có còn nghe được không, còn nhớ người đang trò chuyện là ai không?
Khác với sự lo lắng của tôi, vợ tôi lại nghĩ: Nếu test chẳng may bị F0, y tế người ta sẽ lập tức ập đến đưa chị tôi đi, lúc ấy chỉ còn biết chống mắt lên mà nhìn, mà chịu đựng.
Được chết bên con cháu là một hạnh phúc, may mắn của người chết trong mùa dịch. Ở làng tôi, nhiều người chết vì dịch Covid đã phải ra đi lạnh lẽo từ bệnh viện và chỉ được trở về trong một bình tro cốt nhận lại từ nhà hỏa táng trong thành phố!
***
Chị Liễn, tên của chị, về làm dâu mẹ tôi từ hồi còn rất trẻ. Chị hơn anh trai tôi ba tuổi. Thấy bảo đêm đầu tiên, chị cuộn chăn nằm trên giường còn anh trai tôi đắp chiếu nằm dưới đất. Đêm sau chị trốn về nhà mẹ đẻ. Từ hôm đó, sáng nào tôi cũng phải lên nhà chị, đứng ở ngoài đường, gọi vọng qua cái ao nhỏ đầy bèo tấm. “Chị Liễn ơi, u bảo về đi cấy.”
Nhà tôi nghèo nhưng trong cải cách lại bị quy là địa chủ. Mẹ tôi bị đưa ra đấu tố ở sân đình vì trước đó, bố tôi đi lính lê dương Pháp đến ngót 10 năm. 4 năm ở Pháp, 2 năm ở Thượng Hải, 2 năm ở Đáp Cầu, chủ yếu đi để kiếm tiền về làm nhà, tậu ruộng. Năm 1950, ông bị vu cho là du kích nằm vùng, bị Pháp bắn chết ở ao đình giữa làng. Những năm cải cách là những năm khốn khó nhất của gia đình tôi. Chị tôi, một nách hai con cùng với anh tôi, mẹ tôi đã phải cầm cự từng ngày để vượt qua cái đói, cái rét. Vì bị quy là địa chủ, lại bị tịch thu tất cả của cải còn lại, nên cả nhà sáu, bảy miệng ăn chỉ có cháo loãng và khoai lang luộc.
Thấu hiểu gia cảnh nhà tôi, bà con họ hàng mỗi người một chút lén giấu đội cải cách mang đến nhà bên cạnh chờ đêm xuống quẳng qua hàng rào sang sân nhà tôi. Sáng nào trở dậy, tôi cũng thấy những chiếc đẫy vải buộc thắt nút trong chứa vài đấu gạo, mươi bắp ngô nằm rải rác trên sân. Cậu ruột tôi, nguyên là Chủ tịch Liên xã Kháng chiến cũng bị vu cho là thành phần Quốc dân Đảng. Ông phẫn chí treo cổ tự vẫn. Sau sửa sai, gia đình tôi xuống thành phần trung nông, còn cậu ruột tôi thì cho đến nay, vẫn không được ai minh oan cho cả.
Cuộc cải cách năm ấy đã đổ ập vào làng tôi như một cơn bão với sức phá hủy ghê gớm. Bão tan, cuộc sống cũng dần dần ổn định. Chị và anh trai tôi lao vào làm lụng, buôn bán để mấy năm sau thay được mái nhà tranh bằng mái ngói Sông Cầu. Cái đói tạm qua đi nhưng cái án trung nông lớp trên, nhà có người đi lính Pháp thì cứ bám dai dẳng trong cuộc sống của gia đình tôi. Năm 1965, tôi bỏ học nhập ngũ. Năm sau, anh trai tôi cũng làm đơn tình nguyện nhập ngũ mặc dù theo luật định, anh tôi được miễn nghĩa vụ quân sự vì năm đó anh đã ngoài 30 tuổi. Trong một bức thư gửi cho tôi, anh tôi viết đại ý: Anh phải đi để thay đổi lý lịch cho các cháu. Lúc đi anh chị tôi đã có bốn mặt con. Một gái ba trai. Đứa lớn mười một, còn đứa út thì mới tròn hai tuổi.
Chị tôi ở nhà, gồng gánh nuôi bốn đứa con. Chị xin ra ở riêng theo tục lệ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không cắt nghĩa được, bằng cách nào, chị tôi và mẹ tôi đã vượt qua được cái giai đoạn khốn khó ấy. Anh tôi vào chiến trường khu 5 được một năm thì mất. Bù lại, các con của anh tôi trở thành con liệt sĩ được đi học hết đại học, ít nhất thì cũng tốt nghiệp phổ thông trung học như thằng cháu út.
Trường hợp hy sinh của anh tôi khá đặc biệt. Sau ngày nhập ngũ, anh được biên chế vào Lữ đoàn Tên lửa vác vai ĐKB. Năm ấy anh là quản lý đại đội, đang là đối tượng cảm tình Đảng. Trong trận đánh tập kích nổi tiếng vào sân bay Đà Nẵng rạng sáng ngày 31 tháng 7 năm 1966, do một người đồng đội cùng tỉnh, cùng huyện cáo ốm nên anh tôi được phân công đi thay. Trận tập kích bất ngờ ấy, ta đã phá hủy mấy chục máy bay của địch. Chiến tích được đăng trang trọng trên trang một báo Nhân Dân ở Hà Nội. Sau trận tập kích, đơn vị anh tôi rút nhanh về căn cứ. Trên đường rút, khi đã lên đến đỉnh dốc của một ngọn đồi, anh tôi chợt nghe tiếng gọi đuối hơi dưới chân dốc: “Anh Khái ơi, giúp em với”. Anh tôi quay lộn trở lại chân dốc, giúp người đồng đội vác chiếc nòng pháo to và nặng. Lên đến đỉnh đồi thì pháo bầy truy đuổi của Mỹ kịp ập tới. Anh tôi và hai người khác bị dập nát. Ba ngày sau, đơn vị mới cử được người đến tìm xác của ba anh em. Họ đưa ba cái thi thể không còn nguyên vẹn xuống chôn vội vã dưới chân đồi. Năm 1975, vẫn những người đồng đội ấy đã tìm về con dốc. Họ đã phải cuốc đất tìm lại ba ngôi mộ như cuốc khoai. Những người dân trong xóm nói: Họ biết ở mảnh vườn có ba ngôi mộ bộ đội giải phóng, nhưng vì được chôn quá nông nên đã bị heo nhà, heo rừng rũi ủi tanh bành. Người dân trong xóm đã bảo nhau hốt xương cốt, chia thành ba chôn lại. Năm 1969, Mỹ cho xe ủi đến san bình địa khu vườn. Để rốt cuộc, cho đến ngày được quy tập, cả ba liệt sĩ, gom lại cũng chỉ còn một bọc xương nhỏ và lại được chia ba một lần nữa. Phần mộ của anh tôi chỉ là một mảnh xương chậu. Cũng không dám chắc mảnh xương ấy có phải là của anh tôi không? Chính vì biết được điều này, nên trong rất nhiều năm sống ở Đà Nẵng, tôi vẫn không có ý định đưa phần mộ anh tôi về quê, theo ước muốn cay đắng của mẹ tôi.
Sau này, qua một người đồng đội của anh tôi, tôi được biết, cái con người cáo ốm khiến anh tôi phải đi thay trong trận đánh năm ấy vẫn còn sống sờ sờ ở xã bên. Nhiều lần tôi muốn tìm đến gặp ông để hỏi chuyện về trường hợp hy sinh của anh tôi nhưng lại ngần ngại vì như vậy chẳng khác nào dồn ông ta vào thế khó. Vả lại tôi rất sợ phải nghe những điều dối trá. Dù sao thì anh tôi, mẹ tôi cũng đã mất. Thêm nữa, tôi không muốn chị tôi, các cháu tôi mang cái mặc cảm ngờ ngợ khi đứng trước ngôi mộ của anh tôi đã được các cháu tôi đưa về nghĩa trang liệt sĩ của làng.
Bây giờ thì chị tôi đang nằm đó, yên lặng và thanh thản sau một đời bầm dập, vất vả vì con, vì cháu. Những năm gần đây, chị cứ nhớ nhớ, quên quên. Hỏi thì cười, một nụ cười hồn hậu và cởi mở khác với sự gay gắt và quyết liệt khi phải gồng gánh cả cái gia đình khốn khổ, trong đó có anh em tôi.
Tối mồng một Tết, theo thông lệ hàng năm, cả nhà tôi về quê, hưởng trọn một đêm Tết quê. Một đêm Tết tròn trịa và yên ả để sáng mồng 2 cả hai bên nội ngoại sẽ tụ họp, ăn bữa cỗ đầu năm, cũng là để mừng thọ chị tôi tròn 90 tuổi. Nhưng vì chị tôi đang nằm đó, thêm nữa dịch Covid đang hoành hành dữ dội nên phạm vi gặp gỡ được thu hẹp, chỉ con cháu trong nhà. Trong mấy ngày áp Tết chị tôi có vẻ tỉnh lại, mỗi ngày cũng cố ăn được vài lưng bát cháo bằng hình thức bơm xông. Hình như chị cũng cố chờ cho đầy tròn 90 tuổi, cố nấn ná ở thêm với con, với cháu.
Sáng mồng 2 Tết, tôi dậy sớm, đang xăm xoi cái cành đào chưa hết Tết đã nở bung nở bét, thì cháu dâu tôi chạy xuống thông báo: hai mẹ con con Bơ, cháu nội của thằng cháu tôi, có nghĩa là đứa chắt gọi tôi bằng cụ đã bị nhiễm Covid. Thế là tá hỏa cả lên. Tối hôm qua mấy đứa trẻ vẫn còn dan díu chơi đùa ầm ĩ với nhau khua động cả các nhà hàng xóm. Mặc dù vào thời điểm này, người làng tôi bắt đầu coi thường con Covid. Người ta bảo đã tiêm vắc xin mũi ba, cứ dính dăm bảy ngày lại khỏi, đôi khi cũng chả cần thuốc men gì. Tuy vậy tôi vẫn hoảng. Một phương án lập tức được thực hiện. Vợ chồng tôi chạy sang nhà ông bà ngoại làm lễ, chạy lên nhà trên mừng tuổi chị tôi rồi đôn đốc con cháu ra xe chạy một mạch về thành phố. Bỏ lễ, bỏ cỗ. Một cuộc tháo chạy khỏi con Covid hết sức ngoạn mục và buồn cười. Trước khi đi, tôi còn dặn các cháu test nhanh cho mẹ. Nếu chẳng may mẹ bị F0 thì cũng không được báo với y tế xã. Tôi biết như vậy là sai nhưng không muốn các cháu tôi phải xa mẹ trong một trường hợp oái oăm như vậy.
***
Những ngày Tết Nhâm Dần là những ngày Tết thật khác thường. Không pháo hoa, không lễ hội. Đường phố trở nên hoang vắng, sâu hun hút. F0 nhan nhản khắp nơi. Ba ngàn, 4 ngàn rồi mười mấy ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Nhưng khác với thời kỳ phong tỏa, người Hà Nội có vẻ bình thản. Ai nhiễm Covid thì nằm nhà. Ai khỏe thì cứ ra đường bình thường, làm ăn bình thường. Cái khác thường nằm ở chỗ rất bình thường ấy.
Qua rằm, chị dâu tôi mất. Chị đã được hưởng trọn những ngày Tết bên con cháu. Khi gọi cho tôi, thằng cháu nói giọng nhẹ nhõm: “Chú ơi, mẹ cháu đi rồi sạch sẽ và thanh thản lắm.” Cả nhà tôi lại rồng rắn về quê. Riêng trẻ nhỏ thì phải để lại. Gì thì cũng không thể đùa rỡn với con Covid được.
Sân trên, sân dưới nhà tôi lại ồn ào. Bạt lại được căng trên những khoảng sân trống. Bàn ghế tiếp khách lại được kê dọn. Cả họ, cả xóm vào việc, đâu vào đấy răm rắp. Tuy là đám tang giữa mùa dịch nhưng không bị bỏ sót một nghi thức nào. Cũng phục dĩ, chèo đò, cũng các vãi trong bộ đồ nâu sồng gõ mõ tụng niệm.
Khi thằng cháu trai trưởng của chị tôi cầm chiếc áo của mẹ, bước lên chiếc thang dựng sát mái nhà vừa khóc vừa phất chiếc áo ba lần, gọi hồn chị tôi ba lần, tôi chợt rùng mình, tưởng như anh trai tôi cũng đang trở về đón chị tôi sau gần 60 năm âm dương cách biệt.
Hồi còn ở nhà, anh trai tôi là một người sống nhu hòa, đôn hậu. Mới ngoài 30, mái tóc anh đã lốm đốm bạc. Anh luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, lo cho người khác. Anh Sước, một người bạn thân của anh tôi thường bảo: Thằng Khái nó cứ lo chuyện đâu đâu, toàn một thứ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Có một câu nói cửa miệng của anh trai tôi mà cho đến nay tôi vẫn nhớ: Lơ tơ mơ con chim xanh. Câu nói ấy thực ra chẳng có nghĩa gì cả, nhưng lại vận vào cuộc đời của anh tôi. Đúng ra, anh không được chủ động lo cho cuộc sống của mình.
Năm ấy, ngoài cái lý do đi bộ đội, sẵn sàng vào chiến trường để thay đổi lý lịch cho các cháu, còn một nguyên do khác. Đó là những năm khốn khổ sau cải cách chị dâu tôi đòi ăn riêng đẩy anh vào một trường hợp khó xử. Một bên là mẹ và hai đứa em còn non dại, một bên là vợ và 4 đứa con. Thực ra việc đòi ra ở riêng của chị tôi hồi đó cũng có cái lý của nó. Một cái khó nếu được chia làm đôi thì cái khó chỉ còn lại một nửa. Chị tôi nghĩ thế, bảo thế và làm thế. Thương mẹ, thương vợ anh tôi chọn con đường đi khỏi nhà và đã vĩnh viễn không bao giờ quay trở lại.
Khi thằng cháu trưởng của chị tôi bước xuống thang, lễ phát tang và lễ viếng mới được bắt đầu. Mọi việc diễn ra xuôn xẻ và sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu như tôi không tình cờ được tiếp một người khách lạ. Một người đàn ông tóc bạc trắng, gầy gò, đôi mắt mờ đục như cùi nhãn. Sau khi làm lễ trước linh cữu chị tôi, ông trở lại bàn uống nước, cử chỉ chậm chạp và có phần đờ đẫn. “Các ông các bà dưới này không biết tôi đâu. Ông chậm rãi nói. Tôi là người cùng đơn vị với ông nhà, là cái người cáo ốm để ông nhà phải đi thay trong trận tập kích sân bay Đà Nẵng năm trước. Hồi các cháu đưa ông nhà về quê, tôi muốn xuống nhưng cứ mặc cảm sao ấy nên chỉ dám vái vọng từ xa. Tôi là người đi quy tập đưa ông về nghĩa trang nên tôi biết, hài cốt ông không thực sự còn nguyên vẹn. Nhưng người ta nói quan trọng là ở cái hồn, cái vía. Sớm nay, nghe tin bà mất, tôi liều xuống, thắp hương và tạ lỗi với bà. Nếu như tôi không cáo ốm năm ấy thì chắc gì ông đã mất, bà nhà phải ở góa chừng ấy năm”….
Tôi sững sờ nhìn ông, lúng búng nói rằng, thôi chuyện đã qua rồi, chiến tranh nó thế, con người nó thế. Lúc thế này, mai thế khác, bác đừng bận tâm nữa, cố sống vui, sống khỏe là mừng rồi. “Hơn năm mươi năm nay, tôi cứ ân hận về điều đó. Giờ cũng đã ngót 90, chả sống được mấy nữa. Điều gì cần nói thì phải nói cho thanh thản chú ạ.” Ông đột ngột gọi tôi bằng chú một cách thân tình. Tôi nắm vội lấy bàn tay nhớp nhớp mồ hôi của ông, thấu hiểu những gì ông nói và thấy nhẹ lòng. Người ta bảo, được nhẹ lòng trước cái chết của người thân là phúc phận của người còn sống.
***
Sau năm ngày chịu tang chị, vợ chồng tôi trở lại thành phố. Không hiểu sao, tôi cứ bị ám ảnh mãi về cuộc gặp gỡ bất chợt với người đồng đội cũ của anh tôi. Trước khi về, tôi dặn thằng cháu đại tá nhớ để ý tới ông cụ. Khi nào ông cụ mất thì nhà mình cũng phải có vòng hoa phúng viếng cho phải lẽ. Người dám nghĩ, dám làm, dám chịu như vậy không còn được nhiều trong thời buổi bây giờ. Không dè, cháu tôi cũng đã biết tên ông, nhà ông, một thương binh nặng. Cháu tôi còn bảo ông đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ sau trận tập kích năm ấy.
Với một tâm trạng nhẹ nhõm như vừa gặp được một điều gì hết sức quý giá, tôi đã trở về ngôi nhà thành phố của mình. Cứ nghĩ, ở đời còn ẩn khuất bao nhiêu điều tốt đẹp. Dịch dã tai họa đôi khi lại đẩy con người về phía lương thiện, về sự chia sẻ. Người với người gần gụi với nhau hơn, bao dung và dễ tha thứ hơn. Tôi định bụng sẽ mua một cành mận trắng, mơ trắng cũng được để thay thế cành mai đen đúa trước nhà. Sau rằm, người Hà Nội vẫn có thói quen chơi đào, mận cho đến hết tháng Giêng.
Nhưng vừa mới bước vào khoảng sân nhỏ trước nhà, tôi sững sờ khi thấy trên cái cành mai khẳng khiu đã bị bỏ quên hôm nào đang bất chợt bung ra những cánh hoa vàng rực. Một màu vàng mỏng manh nhưng chói gắt như đang sẵn sàng chống trả với cơn gió mùa đông bắc đang cuồn cuộn đổ về. Tôi nghĩ cái loài mai này thật lạ. Khi người ta chăm chút, hy vọng vào nó, thì nó cứ câm nín đen đúa. Và khi đã bị quên đi, bị ném bỏ thì nó lại biến đổi một cách bất chợt. Tôi nhìn chậu mai vàng còn chi chít nụ, lại nghĩ, không biết sẽ còn điều bất chợt nào tìm đến với tôi, với cái gia đình đang đoàn tụ của các cháu tôi và rộng lớn hơn, với cái thành phố đang ở vào thế da báo Covid mà tôi đang cư ngụ?
Nhưng sẽ chẳng có sự bất chợt nào đáng kể hơn sự bất chợt mai vàng trước cửa nhà tôi. Kể cả việc sau ba ngày lễ tang chị dâu tôi kết thúc, con dâu, con trai tôi đều bị nhiễm Covid, đẩy vợ chồng tôi tuổi cao, bệnh nền vào thế phòng ngự, chờ đợi. Nhưng hình như, khi người ta sẵn sàng đối diện với tai họa, với sự dậm dọa của cái chết, thì tai họa và cái chết lại không bất chợt tìm đến.
Tháng Giêng 2022
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên