Hằng năm, công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh và đam mê khám phá thế giới luôn chờ đợi kết quả các cuộc thi ảnh đẹp thiên nhiên và động vật hoang dã do các cuộc thi danh tiếng trên thế giới tổ chức. Bởi vì theo họ, loài người tạo ra những kiệt tác nghệ thuật, nhưng kiệt tác nghệ thuật vĩ đại nhất của nhân loại chính là tự nhiên.
Các cuộc thi ảnh đẹp thiên nhiên diễn ra hằng năm như Cuộc thi ảnh Thiên nhiên của National Geographic, “Wildlife Photographer of the Year” của Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên London, “European Wildlife Photographer of the Year” của Hiệp hội Nhiếp ảnh Thiên nhiên Đức (GDT), “The Nature Conservancy”, thậm chí cuộc thi Nhiếp ảnh thiên nhiên hài hước (Comedy Wildlife Photo Adwards) ra đời từ năm 2015 do nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Paul Joynson-Hick sáng lập luôn thu hút hàng chục ngàn bức ảnh mỗi năm từ các nhiếp ảnh gia thiên nhiên hàng đầu thế giới.
Ngày 8/2/2022, theo thông cáo báo chí của cuộc thi ảnh “Nhiếp ảnh gia đời sống hoang dã” do Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh) tổ chức hằng năm. Trong đó, bức ảnh giành giải cao nhất thuộc về nhiếp ảnh gia người người Ý Cristiano Vendramin. Những bức còn lại như Hai con sư tử trong mưa, Mẹ con kangaroo trong khu rừng cháy ở Úc, Đại bàng đầu hói và và gấu đen ở Mỹ… đều để lại cho người xem những ấn tượng mạnh mẽ và câu chuyện đằng sau những bức ảnh gây xúc động sâu sắc.
Chúng ta biết gì về tự nhiên?
Chúng ta hầu hết không biết gì về tự nhiên, hay những hiểu biết đó là quá ít ỏi. Những bức ảnh về thiên nhiên và động vật hoang dã đến với công chúng không phải chỉ nhằm mục đích đem đến những khoảnh khắc độc, lạ, đẹp, choáng ngợp, mà luôn với mục đích truyền tải thông điệp bảo vệ thiên nhiên, hòa thuận với tự nhiên. Trong hàng chục năm qua, những nhiếp ảnh gia thiên nhiên hoang dã, những tổ chức bảo vệ môi trường không ngừng lên tiếng kêu gọi nhân loại hãy ngưng bớt tham vọng chiếm hữu, hủy diệt, tác động tiêu cực đến tự nhiên, thì thiên nhiên và động vật hoang dã cũng không ngừng nỗ lực sinh tồn, thích ứng và… bị tiêu diệt. Cuộc sống của động vật hoang dã trong tự nhiên vừa đem đến cho loài người sự ngạc nhiên về cái đẹp, vừa là tiếng kêu cứu đau thương.
Vendramin, người thắng giải năm nay nói: “Tôi hy vọng rằng, bức ảnh của tôi sẽ khuyến khích mọi người hiểu rằng vẻ đẹp của thiên nhiên có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta và chúng ta có thể ngạc nhiên trước nhiều cảnh quan gần nhà. Tôi tin rằng việc tiếp xúc hằng ngày với thiên nhiên ngày càng cần thiết để có một cuộc sống thanh thản và khỏe mạnh. Do đó, chụp ảnh thiên nhiên rất quan trọng để nhắc nhở chúng ta về mối liên kết này”.
Ông Douglas Gurr, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London nói rằng, ảnh của Vendramin tượng trưng cho tác động tích cực mà thiên nhiên có thể đem lại cho cuộc sống. “Tôi hy vọng những người nhìn phong cảnh bị đóng băng này được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc kết nối với thế giới tự nhiên và các bước mà tất cả chúng ta phải thực hiện để bảo vệ nó.
Cứ mỗi dịp cuối năm, National Geographic lại bình chọn và giới thiệu những ảnh chụp thiên nhiên hoang dã đáng chú ý, với vẻ đẹp tráng lệ và ẩn chứa nhiều thông điệp về môi trường. Năm nay, khi thế giới loài người vẫn chìm trong sự biến động do đại dịch gây ra, ở một thế giới khác, chính là thế giới tự nhiên của các loài động vật hoang dã, chúng dường như đã bị lãng quên bởi loài người, nhưng vẫn tiếp tục sinh tồn mạnh mẽ. Chủ đề chính của những bức ảnh luôn là mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên hoang dã. Các nhiếp ảnh gia sẵn sàng thực hiện những bức ảnh mà chưa ai từng thấy trước đây, để thông qua đó chia sẻ thế giới tự nhiên, cũng như đặt mối quan tâm sâu sắc đến những câu chuyện mà họ đang kể đến.
Trong thời gian làm nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã ở Đông Phi, người sáng lập Cuộc thi Nhiếp ảnh thiên nhiên hài hước (Comedy Wildlife Photo Adwards) Paul Joynson-Hicks nhận ra rằng, sự hài hước của những bức ảnh vừa mang tính giải trí vừa là một phương tiện để thu hút mọi người quan tâm đến các loài vật khi chúng trước những mối đe dọa về sự tồn tại trong tự nhiên.
Một bức ảnh động vật vui nhộn là hình thức tuyên truyền vô cùng hiệu quả vì không có rào cản nào đối với ngôn ngữ hay kiến thức của người xem. Những tác phẩm này gợi lên sự cảm xúc và đồng cảm của con người với các “cư dân” sống trên cùng hành tinh. Với cuộc thi này, chúng tôi muốn thu hút sự chú ý và năng lượng của mọi người bằng cách khiến họ cười khúc khích. Để có thể bảo vệ động vật, chúng ta cần làm cho mọi người yêu chúng”.
Nhưng, để lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất của tự nhiên và động vật hoang dã, những nhiếp ảnh gia, những nhà làm phim tài liệu với đặc thù riêng biệt của nghề nghiệp luôn ăn gió nằm sương, dấn thân vào những nơi nguy hiểm nhất để có được những bức ảnh, những thước phim giá trị nhất để kể về thế giới tự nhiên.
Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu sau 5 tháng mắc kẹt ở vườn quốc gia Cát Tiên do đại dịch Covid –19 đã chụp được những bức ảnh quý giá, gồm những loài chỉ “mới gặp qua” và nghe nói, thể hiện sự đa dạng của sinh cảnh Việt Nam. Theo ông, chụp ảnh động vật hoang dã vừa phải am hiểu vừa phải có sự may mắn nữa.
Chịu khổ, kiên nhẫn, và tình yêu đặc biệt với nghề, các nhiếp ảnh gia đánh đổi thời gian quý báu của họ cho công việc lặng thầm và nguy hiểm. Ví như chụp được bức ảnh hải cẩu bị cát phủ kín, cả nhiếp ảnh gia Eugene Kitsois và chú hải cẩu đều bị lấp dưới lớp cát trong một cơn bão ập đến bất ngờ.
Để chụp được bức ảnh Sinh tồn, nhiếp ảnh gia người Pháp Laurent Ballesta cùng nhóm của mình đã trở lại một khu đầm phá trong năm năm liên tiếp và lặn ngụp cả ngày lẫn đêm để ghi lại những hình ảnh về loài cá mú ngụy trang sinh sản. Đây là loài cá đang trên bờ vực tuyệt chủng, hiện được bảo vệ trong một khu dự trữ sinh quyển đặc biệt. Năm 2021, bức Sinh tồn đã đem lại cho tác giả danh hiệu “Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã của năm”. Laurent cũng là tác giả của 13 cuốn sách nhiếp ảnh về động vật hoang dã dưới nước cho đến nay.
Để có được bức ảnh mẹ con kangaroo xám sống sót sau trận cháy rừng tàn khốc đang càn quét nước Úc, nhiếp ảnh gia Jo –Anne đã tích cực làm việc với Animals Australia để được quyền tiếp cận những khu vực nóng bỏng cứu hộ động vật hoang dã. Mẹ con kangaroo xám là hai trong số những con vật may mắn sống sót trong khu rừng đã bị đốt cháy.
David Yarrow, David Yarrow một nhiếp ảnh gia đã thực hiện những hành trình tới những điểm xa xôi của thế giới, đối mặt với nguy hiểm để lưu lại cái nhìn tuyệt đẹp về động vật hoang dã. Ông đã chụp 90 bức ảnh đen trắng về động vật hoang dã ở những nơi khắc nghiệt nhất của trái đất, và thậm chí thoát chết trong gang tấc khi đến gần một con sư tử cái trên đồng cỏ.
Tự nhiên có thể lay động lòng người, khơi gợi những trắc ẩn sâu thẳm trong tâm hồn họ. Ngay cả sa mạc cũng có vẻ đẹp huyền diệu của riêng nó, đã được kể lại qua nghệ thuật nhiếp ảnh, điện ảnh, văn học. Và chính sa mạc, một ngày nào đó có thể rực rỡ sắc màu của muôn loài hoa đẹp, mà hạt giống của chúng có thể đã ngủ cả trăm năm trong cát bỏng. Thiên nhiên là nghệ thuật, còn nhiếp ảnh gia và thế giới nhân vật của họ là những nghệ sĩ tài hoa nhất. Và, đúng như niềm mong chờ hằng năm của những người yêu thiên nhiên đối với các cuộc thi ảnh đẹp về thiên nhiên: Con người tạo ra kiệt tác, nhưng thiên nhiên là kiệt tác vĩ đại nhất mà loài người đang có.
Tác giả: Gia Hân
Nguồn Văn nghệ số 9/2022
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên