Mùa xuân năm Kỷ Mùi (1979) lúc 4 giờ 17 phút sáng 17 tháng 2, giữa lúc nhân dân Hoàng Liên Sơn đang ngủ ngon thì bất thình lình hàng loạt đạn đại bác từ phía Bắc dội tới làm khắp biên giới bốc lửa ngùn ngụt. Hàng loạt quả đại bác thi nhau trút xuống thị xã Lào Cai, Cốc Lếu, nhằm thẳng các cơ quan, nhà máy… Một cuộc chiến đấu mới - cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc - của quân và dân ta đã chính thức bắt đầu. Cũng trong thời điểm này, một cuộc chiến chống quân xâm lược bằng âm nhạc do các nhạc sĩ phát động cũng bắt đầu hình thành.
Trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, giai điệu hào hùng của ca khúc "Chiến đấu vì độc lập tự do" của nhạc sĩ Phạm Tuyên là bài hát được phát đi phát lại nhiều lần: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...”. Cùng với đó, nhiều bài hát khác ra đời như thúc giục, hiệu triệu toàn dân nhất tề xông lên chống quân xâm lược.
Những ca khúc hào hùng trong giai đoạn đó sau nay được gọi bằng cái tên rất đẹp là “dòng nhạc biên giới”. Nhạc biên giới ra đời, không chỉ là những ca khúc hào hùng mà còn rất nhiều bài hát chan chứa chất lãng mạn, thi vị, chở đầy những tâm tư tình cảm của người lính nơi tuyến đầu khói lửa.
“Nhạc biên giới” cũng được xem như là “nhân chứng lịch sử” về một giai đoạn bi thương nhưng rất đỗi hào hùng trong lịch sử chống quân xâm lược của dân tộc ta. “Nòng súng thép, dán câu thơ, ý thơ thật hay là thơ Lý Thường Kiệt”, “Giặc dùng đạn bom thì ta quyết trả đạn bom”…
Trong số nhiều ca khúc về "dòng nhạc biên giới” thì Chiều biên giới của nhạc sĩ Trần Chung là bản tình ca về chiến tranh biên giới lãng mạn nhất khi phổ thơ từ bài thơ của nhà thơ được mệnh danh là “cây bút miền biên cương” người dân tộc Dáy - Lò Ngân Sủn:
Chiều biên giới em ơi!
Có nơi nào xanh hơn.
Như chồi xanh cỏ biếc.
Như rừng cây của lá. Như tình yêu đôi ta
Chiều biên giới được mở đầu bằng giai điệu nhẹ nhàng trên nền lời thơ đầy lãng mạn. Đó là một buổi chiều biên giới xanh biếc, êm đềm với chồi non cỏ biếc đã làm trái tim của người lính lay động nhớ về “tình yêu đôi ta”.
Bài hát ra đời trong chiến tranh, nhưng tuyệt nhiên trong ca từ không có tiếng súng, tiếng hô xung phong, tiếng pháo giặc dội vào trận địa. Tất cả lắng đọng, thi vị êm đềm nhưng một chiều yên ả ở làng quê nào đó:
Em ơi có nơi nào đẹp hơn
Chiều biên giới khi mùa đào hoa nở
Khi mùa sở ra cây
Lúa lượn bậc thang mây
Mùi tỏa ngát hương bay...
Thế nhưng phía sau cái bình yên đó là quân thù đang rình rập, là máu, là nước mắt, là những nòng súng chĩa về quân thù và và những con người sẵn sàng chết để bảo vệ biên cương tổ quốc.
Chuyện kể rằng, vào năm 1980, thầy giáo trẻ người dân tộc Dáy - Lò Ngân Sủn xem văn công phục vụ bộ đội ở một điểm tựa biên giới phía Bắc và nghe được bài Chiều trên bến cảng - ca khúc nói về miền biển đã tạo cảm hứng cho ông viết bài thơ về vùng biên giới quê hương mình - nơi mà nhà thơ chứng kiến bao nhiêu đau thương mất mát khi quân xâm lược Trung Quốc tràn vào. Không lâu sau đó bài thơ Chiều biên giới được ông sáng tác và gửi đi. Bài thơ lần đầu đăng tải trên chuyên mục Thơ của báo Nhân Dân.
Tưởng chừng như bài thơ sẽ chìm khuất trên trang báo, thế nhưng, tình cờ nhạc sĩ Trần Chung (tác giả của những ca khúc nổi tiếng Bài ca Trường Sơn, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Cô gái hội Lim, Tiếng gọi sông Đà) phát hiện được bài thơ này và phổ thành bài hát cùng tên.
Sự hội ngộ thơ - nhạc đã cho ra đời một tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp cho cả hai người. Chiều biên giới của Trần Chung và Lò Ngân Sủn sau đó được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, giai điệu, lời ca đã lay động trái tim của hàng triệu thính giả trên cả nước. Bài hát cũng thúc giục các chiến sĩ nơi tuyến đầu biên giới vững tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc.
Cũng cần nhớ rằng năm 1980, khi Chiều biên giới ra đời, tuyến biên giới phía Bắc của nước ta vẫn chưa hề bình yên, quân thù vẫn rình rập nã pháo vào Vị Xuyên, Hà Giang, những trận chiến giành nhau từng điểm cao vẫn giằng co ác liệt kéo dài đến 10 năm nữa mới chấm dứt. Trong khoảng thời gian đó, biết bao nhiêu xương máu của đồng bào chiến sĩ đã đổ xuống để bảo vệ vùng trời biên giới bình yên và thơ mộng như Lò Ngân Sủn đã mô tả:
Chiều biên giới em ơi!
Có nơi nào đẹp hơn
Khi mùa đào hoa nở
Khi mùa sở ra cây
Lúa lượn bậc thang mây
Mùa tỏa ngát hương bay
Cuộc chiến chống quân xâm lược bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta đã trôi qua gần nửa thế, bài hát Chiều biên giới cũng có những thăng trầm theo dòng thời cuộc, lúc được ca lên da diết và có những khi trầm lắng. Thế nhưng sức sống của giai điệu lời ca vẫn âm thầm tồn tại trong lòng công chúng. Bài hát đã thành một phần trong dòng chảy lịch sử của đất nước.
Mỗi năm, cứ vào dịp tháng 2, nghe lại giai điệu đẹp đẽ lãng mạn của bài hát chúng ta vừa tự hào, vừa rưng rưng nhớ lại một thời hào hùng của thế hệ cha anh đã chiến đấu hi sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Làm sao có thể quên được những năm tháng bi hùng của đất nước khi hàng triệu chàng trai cô gái tuổi vừa mười tám, đôi mươi tạm khép lại những hẹn hò mang ba lô cầm súng hành quân ra tiền tuyến chiến đấu chống quân xâm lược bảo vệ biên giới. Có những người mãi mãi nằm lại dọc tuyến biên giới phía Bắc bên những cánh rừng bạt ngàn hoa sim tím... Nhân dân, Tổ quốc mãi mãi không bao giờ quên các anh các chị...
Thế hệ sau này sẽ mãi nhớ những “chiều biên giới” được chuyển tải qua thơ, qua nhạc.
Theo Tiểu Vũ/VNQĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên