“U tôi ngày ấy mỗi mùa XUÂN...”

Thứ hai - 07/02/2022 19:33
Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh khép lại trang bản thảo cuối cùng vào tháng 12/1941. Vậy là, tính từ Tản Ðà, với những thi phẩm xuất hiện ở thập kỷ 20, thế kỷ 20, Hoài Thanh đã làm một cuộc “tổng kết” hai mươi năm thơ Việt Nam đầy biến động, với hàng nghìn thi sĩ cũ, mới, để chọn ra 40 tác giả, trong đó có Ðoàn Văn Cừ.
111
Ảnh minh họa
Nhưng Ðoàn Văn Cừ là ai, ở đâu, bao nhiêu tuổi? Ngoài bảy bài thơ mà nhà phê bình kiệt xuất này đọc được trên báo Ngày nay vào những năm 36-38 của thế kỷ trước, Hoài Thanh cũng không biết gì thêm, “... Tuy đã hỏi nhiều người. Vậy xin mạn phép ông (Ðoàn Văn Cừ) trích mấy bài thơ: Ông ở đâu làm ơn cho chúng tôi biết” (Thi nhân Việt Nam, trang 188).

Thì ra ngày ấy đã không tuyển thơ theo cánh hẩu!

Ngày giải phóng miền Nam (4/1975) những bạn đọc ở vùng tạm chiếm mãi khi gặp chúng tôi cũng đều hỏi những câu như vậy. Ồ thì ra, chỉ cần dăm bảy bài thơ thôi, Ðoàn Văn Cừ đã đi cùng bạn đọc qua biết bao nhiêu thăng trầm của hơn nửa thế kỷ. Thế rồi người ta đọc lại cho nhau nghe bằng trí nhớ, bằng nỗi rưng rưng từng câu, từng đoạn, và đến cả bài, những Chợ Tết, Ðám hội, Ðám cưới mùa xuân, Trăng hè, Ðường về quê mẹ...

Thật ra, Ðoàn Văn Cừ không ở đâu xa. Quê gốc của ông là làng Ðô Quan, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Ðịnh, và ông sinh năm 1913.

“Thấy hay hay cảm động thì viết. Viết rồi gửi đi cho báo in để nhiều người cùng đọc, chứ cũng chẳng gặp ai, biết ai mà tìm. Mà tìm để làm gì nhỉ?... Ðến như ông Hoài Thanh, mãi tới khi giải phóng thủ đô 1954, đi nghe ông ấy nói chuyện thì thích, nhưng gặp thì lại ngại lắm cậu ạ...”. Ðoàn Văn Cừ là thế, đúng như lời nhà thơ nói với tôi trong một cuộc gặp mặt các nhà thơ Thành Nam năm 1982 khi tôi đã về làm ở Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng còn một lý do nữa, có lẽ vì tính tình kín đáo, khiêm nhường, Ðoàn Văn Cừ đã không thể nói ra. Ông không gửi ảnh, tiểu sử theo yêu cầu tuyển chọn của Hoài Thanh nhắn trên báo chí hồi đó cho tuyển tập (1940-1941) là vì cũng chính thời gian ấy, anh giáo trẻ Ðoàn Văn Cừ đã về quê gốc là Nam Ðịnh dạy học, tham gia phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy sợi và bị mật thám Pháp theo dõi xít xao... Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi trở về Hà Nội, làm ít năm ở Nhà xuất bản Phổ Thông, rồi, nhoáng một cái, năm 1974, đúng tuổi hưu là nhà thơ lại tìm về quê gốc Nam Ðịnh cho đến cuối đời.

Ðúng là nhà thơ này không thể xa được những làng quê vào những thập niên giữa thế kỷ trước, trong khi các nhà thơ cách tân khác tìm cảm xúc từ nhiều những chân trời triết lý, nghệ thuật, cuộc đời, thì lạ thay, chỉ có bốn nhà thơ là tìm về những làng quê. Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Ðoàn Văn Cừ. Họ tìm sự cách tân ngay trong những điều tưởng như đã quá quen thuộc, cũ kỹ là hồn quê - mảnh đất cội rễ thân thuộc tự đáy lòng: “U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân/ Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần/ Lại dẫn chúng tôi về nhận họ/ Nơi miền quê ngoại của hai thân/ Tôi nhớ đi qua những rặng đề/ Những dòng sông nhỏ chạy ven đê/ Cồn xanh bãi tía kề liên tiếp/ Người xới cà ngô rộn bốn bề”. Cảnh trí gần gũi thế, lại còn được lon xon chạy theo mẹ, tuổi thơ nào hạnh phúc hơn? “Thúng cắp ngang hông nón đội đầu/ Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu/ Trông u như thể thời con gái/ Mắt sáng môi hồng má đỏ au”. Mẹ hiện ra trong tiềm thức mới rõ ràng thương nhớ làm sao! Có người vì quá yêu bài thơ Ðường về quê mẹ đã có ý định tạc tượng người mẹ muôn thuở qua thơ Ðoàn Văn Cừ. Ðúng là Tà áo nâu in giữa cánh đồng  thì có thể tạc được, nhưng Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng, cái Gió chiều đầy phong trần ấy thì tạc làm sao! Lại còn Trăng hè, có thể nói là một kiệt tác của thơ tả chân: “Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa/ Ðầu thềm con chó ngủ lơ mơ/ Bóng cây lơi lả bên hàng dậu/ Ðêm vắng, người im, cảnh lặng tờ// Ông lão nằm chơi ở giữa sân/ Tàu cau lấp lánh ánh trăng ngân/ Thằng cu đứng vịn bên thành chõng/ Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân//... Trăng tà hạ xuống ngang đầu núi/ Ðom đóm bay qua dải nước đen... // Sao trời từng chiếc rơi thành lệ/ Sương khói bên đồng ủ bóng mơ”... Liệu đã có ai trong thi ca viết được những dòng khi trăng xế ở những làng quê Việt đẹp hơn thế này chăng? Và đây là phiên “Chợ Tết” quê xưa: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp mái nhà gianh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết// Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/ Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ... Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa”...  Làm sao mà quên được cảnh “Ðám hội” làng mùa xuân. Ở ngày hội ấy có rước kiệu, có vật, có cờ người, có uống rượu, có tế lễ, có hát bội... đủ cả những trò vui trên khắp các làng quê Việt Nam ai cũng đã từng biết, từng thấy nhưng phải qua cách nhìn và cảm xúc của Ðoàn Văn Cừ, đám hội ấy mới thực sự cụ thể và... kỳ ảo. Với những áng thơ của Ðoàn Văn Cừ, Hoài Thanh đã không do dự chút nào khi ông hạ bút bình: “Gần đây (giữa thế kỷ 20) đã có một ít nhà viết tiểu thuyết ưa thuật chuyện đồng quê, nơi nương náu cuối cùng của dĩ vãng. Nhưng đời sống đồng quê có một nhịp nhàng riêng, tiểu thuyết không diễn ra được. Phải có thơ! Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào và rực rỡ như Ðoàn Văn Cừ”. Thạch Lam, cũng đã phải bật thốt trước những trang thơ thấm đẫm hồn quê của Ðoàn Văn Cừ: “Một lối thơ riêng, rất riêng; đặc biệt nhiều mầu sắc và cảnh sắc...”.

Nói về mình về thơ ca, Ðoàn Văn Cừ tâm sự: “Ngót 60 năm cầm bút, tôi chỉ có một ước mơ khiêm tốn: Trang thơ góp một đường cày/ Nước non gieo hạt mong ngày nở hoa. Sở trường về lối thơ miêu tả hiện thực đồng quê: tả cảnh, tả chân kết hợp với suy tư, tưởng tượng, lãng mạn. Một lối thơ nhiều mầu sắc, hình ảnh, hình tượng mang tính dân tộc và hiện đại, hiện thực và lãng mạn, bình dân và trí tuệ”.
Ðoàn Văn Cừ - Nhà thơ của làng quê Việt Nam đã đi xa nhưng những tác phẩm sâu đậm hồn quê của ông chắc chắn sẽ còn sống mãi!...

 

Nguồn Văn nghệ  Xuân 2022
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây