1. Cuối những năm Người ta thường nói, đời người trôi đi như bóng câu cửa sổ. Có chợt nhớ…một thời đã trôi qua thuộc về quá khứ. Có một thời đang chờ phía trước là tương lai. Tương lai mỗi người không thể biết trước, đó chính là bí ẩn diệu kỳ của cuộc sống, nhưng quá khứ bao giờ cũng là những ký ức hằn sâu trong trí nhớ, trong trái tim và tâm hồn mình. Quá khứ có thể buồn vui, xấu đẹp…nhưng đó là một thời ta đã đi qua, nó là của riêng ta, và đó chính là một thời mãi mãi để ta ghi nhớ… sáu mươi của thế kỷ XX, Trọng Khôi là diễn viên Đoàn Kịch nói Trung ương, được phân một căn buồng tập thể, khoảng 9 mét vuông sau Nhà hát Lớn. Thế là cả nhóm “nghệ sĩ” trẻ chúng tôi, tuổi ngoài 20, hầu hết chưa có vợ con thường xuyên tụ tập. Ngọc Thụ, Thanh Tân, Chu Hoạch, Lương Vĩnh, Diệu Tô Minh, anh Văn Xương – họa sĩ Đoàn Xiếc Trung ương, Tường Vân từ Hải Phòng về, rồi các nhà thơ Phùng Quán, Tạ Vũ, Trúc Cương… cũng đến tụ tập… với những bữa ăn nghèo nghèo là mì sợi nấu với rau muống, dăm ba củ lạc rang, lạc luộc, nhưng rượu quê (cuốc lủi) thì rất sẵn… Ai có gì thì mang đến, vài ba đồng, chai rượu, cân mì… nhưng khổ chủ vẫn là Trọng Khôi. Thi thoảng các bậc đàn anh Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt cũng lui tới với các đàn em. Rồi do đam mê văn chương nghệ thuật, tuần nào chúng tôi cũng tụ tập như thế trong cái thiếu, cái nghèo chung của đất nước đang chiến tranh chống Mỹ. Và cái tên “Nhóm chân đất” (nghệ sĩ nghèo, chỉ “đá bóng” bằng chân đất ở bãi Long Biên, chứ không đá chân giày ở sân Hàng Đẫy), hay “Vê Zét” (Vô Danh- không in thơ, không triển lãm tranh); “Bàng thống” (chứ không đi con đường “Chính thống”… đã được chúng tôi đặt ra cho vui như thế. Nhưng nào có ai ngờ, cái tên gọi ấy đã làm khổ chúng tôi một thời gian dài đến hàng chục năm sau mới được giải tỏa…(Một lũ trẻ bơ vơ không nhà cửa/ Sống bằng thơ đau và rượu cay- thơ Phùng Quán. Tôi hốc hác vì miếng ăn, miếng uống -Thèm một bữa cơm chiêm thật nóng – thơ Trúc Cương. Nhịn đói, thức đêm và đi bộ lang thang- thơ Lê Huy Quang).
2. Nhớ lại những năm tháng chiến tranh ấy. Những ngày máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Những ngày B52 Hà Nội – An Dương, Bạch Mai, Khâm Thiên. Tôi, họa sĩ, nhà thơ Tường Vân từ Hải Phòng về, nhà thơ Lưu Quang Vũ, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà thơ Phùng Quán và đạo diễn điện ảnh Trần Thịnh vẫn lang thang mấy quán rượu phố Tạ Hiện nhập nhoạng lên đèn; cùng dăm bảy anh em diễn viên Đoàn Kịch Hà Nội là Hoàng Quân Tạo, Nhật Đức, Trần Kiếm, Quốc Toàn…Chúng tôi ngồi nhâm nhi tí rượu “cuốc lủi” và mấy củ lạc luộc, gói lạc rang, điếu thuốc lào. Bùi Xuân Phái thường cười nhẹ nhẹ, mặt ửng hồng vì tửu lượng ông vốn rất ít, chỉ để lấy vui với bạn hữu thân tình. Rồi những buổi tối mùa đông chuyển gió heo may Hà Nội, tôi cùng nhà thơ Phùng Quán, họa sĩ Bùi Xuân Phái, đạo diễn Trần Thịnh lang thang đến nhà nghệ sĩ điện ảnh Trần Trung Tín số 7 phố Nguyễn Biểu ở gần Hồ Tây. Anh là diễn viên Xưởng Phim truyện Việt Nam, người Nam Bộ tập kết, đã ngoài băm nhưng cứ thích độc thân, chẳng vợ con gì- chuyên đóng những vai Bí thư Chi bộ, hay lãnh đạo cơ quan, huyện, xã- nghĩa là toàn những nhân vật chính diện. Nhưng rồi do ngẫu hứng, Trần Trung Tín tìm đến với hội hoạ- suốt ngày đêm quay sang bôi vẽ. Năm anh em chúng tôi quây quần vừa ngâm nga thơ phú, vừa vẽ, vừa nhâm nhi chén rượu cuốc lủi, vài hạt lạc rang, lưng cơm nguội rang lên đỡ đói lòng. Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nghệ sĩ Trần Trung Tín đã trở về Sài Gòn. Anh lấy vợ, vẫn vẽ, làm thơ rồi đi đạp xích lô- mỗi khi vào Sài Gòn, có ngày, anh chở tôi trên xích lô đến nhà bạn bè nhậu từ trưa đến tối mịt… Cho đến hôm nay, nhiều người anh, người bạn, những văn nghệ sĩ thực sự tài hoa, thân thiết một thời của tôi trong đó có Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Xuân Phái, Phùng Quán, Trần Trung Tín, Trần Thịnh, Thanh Tân, Tường Vân, Lưu Quang Vũ, Chu Hoạch, Trúc Cương, Trọng Khôi, Tạ Vũ… đều đã đi xa mãi mãi. Thi thoảng, có lúc đi qua số 7 phố Nguyễn Biểu rẽ thước thợ vào Quán Thánh- những kỷ niệm vui buồn thời chiến tranh lại hiện về thật là rõ nét…
3. Nhà thơ, Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ qua đời cách đây tròn 27 năm. Anh đã để lại khoảng 50 vở kịch cho nền sân khấu đương đại Việt Nam. Mùa đông năm 1987, sau một vở diễn của Lưu Quang Vũ mà tôi thiết kế mỹ thuật, tôi đã viết tặng anh bài thơ “Cảm tác nỗi niềm sân khấu”. Nào có ngờ đâu, chỉ qua nửa năm sau (1988), anh đã đột ngột qua đời. Bài này tự nhiên, như in dấu “một thời” suốt 20 năm của chúng tôi đã trải qua trên con đường làm nghệ thuật…
“Mở cánh ri-đô thấu rõ mặt người
những nỗi buồn lang thang
những niềm vui lang thang
và tuổi trẻ lang thang…
Thời chúng mình có nhành cỏ mềm vườn bách thảo
một góc ghế đá Hồ Tây gió xoáy thầm
một mẩu bánh mì nằm cánh gà
liêu xiêu nhịn đói
thức ròng đi bộ
câu thơ vơi đầy leo lét nét sao đông…
Thời chúng mình là hai bàn tay trắng
trăng trắng suông và mây trắng bay về
đêm diễn tan rồi em rầu rầu xóm trắng
sương trắng buông nhòe lá trắng ao quê”…
4. Năm 2009, tôi in tập thơ “Phải khác” (NXB Hội Nhà văn). Nhà văn Nhật Tuấn từ TP Hồ Chí Minh đã gửi cho tôi bài viết dài “Về một thời chân đất”, nhắc lại một thời vẫn tụ tập tại căn phòng nhỏ của anh ở ngõ Thọ Xương, Hà Nội, mà trong đó, có đoạn: “Bạn ơi giao hợp nơi đâu?” – thơ Hoàng Hưng viết về Lê Huy Quang, đọc lên cứ như tiếng thở dài tủi phận của cả một “thế hệ chân đất” thập kỷ 70. Trên 30 năm rồi, ngày đó, Lê Huy Quang cứ “xô-lếch dài… đêm tóc… môi lang thang”, xô-lếch mù thì hay hơn, ngược xuôi phố xá Hà Nội trong túi thổ cẩm kè kè bên vai lúc nào cũng có ít ra vài câu thơ mới. Ngày đó thường tụ tập nhau để “dài mùa khóc mướn thương vay”; có Hoàng Hưng “chờ gió thu sao chẳng tới”, có Trí Dũng – tức Dũng Bảo Đại, có Lê Xuân Đố tức Đố “điên”, có Chu Hoạch một thời móc cống…. Và đúng như thơ Trí Dũng: “Trăm ruộng dâu không chín một nong tằm”. Tụ tập thế thôi, bàn bạc thế thôi, lang thang thế thôi, thơ ca thế thôi nhưng cũng chỉ “samizờđát” – tự xuất bản mồm với nhau, vẫn là “bọn bàng thống” theo cách quy chụp của bác Chế Lan Viên, “bọn chân đất” theo phân loại của “cơ quan chức năng”, mà hồ sơ dành cho mỗi thằng chắc phải dày cả thước. Kể ra lập hồ sơ cũng phải, có đêm Lê Huy Quang nằm nhà tôi thao thức: “Ước gì sáng mai ngủ dậy…Hà Nội đã ”trắng” lá thu rơi”. Sáng hôm sau, thơ Lê Huy Quang sì ra những câu như là “tuyên ngôn”: “Cái đói dồn về ga/Chúng mình thì như thế…/Thân cò run chơi vơi../Bốn ngàn năm lặn lội/Trắng một chùm dấu hỏi; hoặc: “Thời chúng mình là hai bàn tay trắng/trăng trắng suông và mây trắng bay về…”
Chao ơi! Nghĩ đi nghĩ lại. Cũng chợt giật mình. Đã nửa thế kỷ vèo qua chớp mắt. Từ tuổi đôi mươi hoa niên, nay đã trên dưới thất thập cả rồi, kẻ ở còn đây và cũng nhiều người khuất núi. Những kỷ niệm một thời trai trẻ với những buồn và vui, no và đói, thành và bại, lợi và danh, cả tù và tội… đã trôi đi. Nhưng đó là một thời để nhớ, một thời đẹp đẽ… mà thế hệ chúng tôi đã sống hết mình, cháy hết mình để trở thành một người tử tế. Nhất là mỗi độ tết đến, xuân về… nỗi nhớ một thời càng thêm da diết!
NSND Lê Quang Huy/Tiền phong Chủ nhật
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên