Nhưng rõ ràng việc ở trong Hội đồng duyệt phim cũng giúp chị có những tác động nhất định của mình trong nghề?
- Có đủ hiểu biết lẫn tình cảm để tin vào điện ảnh, tin vào người làm phim thì dù vị trí nào mình cũng sẽ làm được điều có ích cho nó. Tất nhiên, nếu được ở một số vị trí phù hợp thì lợi ích đó sẽ lớn hơn. Kết quả nhờ thế cũng đến nhanh hơn, tôi đoán vậy.
Ví dụ, quay lại năm 2015, tôi tổ chức chuỗi hoạt động "Hà Nội mùa xuân 2015". Đây có thể coi như một trại sáng tác trong mơ. Tôi mời tất cả các nhà làm phim có dự án mà mình "để mắt" cùng tham gia học, thực hành, phát triển. Sau này, khi nhìn lại, những phim nổi nhất của điện ảnh Việt Nam đều từ đó bước ra.
Tôi hay nghĩ 5 năm là một chặng, cho sự xuất hiện của một lứa những nghệ sĩ mới. Nhưng vì Covid-19, tôi phải chờ để làm "Hà Nội mùa đông 2021". Làm xong thì vui lắm vì thành công, vì nhận diện rõ hơn về thế hệ làm phim mới và phải công nhận là họ giỏi.
Những người làm phim trẻ dường như không thiếu kỹ năng, tư duy mới và biết biến những cái riêng của mình thành ngôn ngữ, tiếng nói thời đại. Phải chăng lực lượng này đang thúc đẩy điện ảnh nước nhà phát triển nhanh hơn?
- Đúng vậy, ví dụ ngay lúc đang nói chuyện thì tôi nhận tin từ Busan, năm nay tôi đi cùng dự án phim của Marcus Mạnh Cường Vũ, bạn Linh Đan cũng một dự án phim ở LHP Busan. Năm nào mình cũng thấy điện ảnh Việt Nam đang nảy nở ở đâu đó, vì thế mình phải có trách nhiệm kết họ lại với nhau. Chúng ta hay nói "trăm hoa đua nở" thì không thể để hôm nay nở một bông, ngày mai một bông.
Khoảng 5, 6 năm về trước, chuyện đóng gói một dự án ra nước ngoài là một điều gì đó rất mới, rất xa vời. Nhưng giờ đây mọi thứ đều rất dễ dàng, bởi vì các bạn có thể dễ dàng làm chủ những kỹ năng, có mối quan hệ đủ tốt với những người làm phim trên khắp thế giới.
Giới làm phim quốc tế có một đặc điểm rất hay, đó là họ luôn hỗ trợ những người làm phim trẻ bằng tất cả khả năng của họ. Ví dụ, với ông Giám đốc nghệ thuật của liên hoan phim Berlin hay các giám tuyển từ Locarno, chúng ta thường nghĩ sẽ rất khó để tiếp cận. Nhưng không, họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ những người làm phim trẻ ở tận Việt Nam.
"Gặp gỡ mùa thu" của đạo diễn Phan Đăng Di và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc chẳng hạn, từ rất sớm họ đã đi theo hướng của nền tảng quốc tế, ấy là mời gọi nghệ sĩ và dự án từ khắp nơi trên thế giới về. Điều này giúp những người làm phim trẻ đi cùng nhau, không phân biệt người làm phim Việt Nam, Philippines, Đức, Trung Quốc, Pháp... Sau này là Xinê house rồi Anh Tễu của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và các cộng sự.
Đây là câu chuyện hết sức bình thường trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tức là suy nghĩ phát triển hay thúc đẩy điện ảnh nước nhà nó không chỉ còn theo cách tập trung vào duy nhất nội lực nữa. Nói cách khác, để vững nội lực thì rất cần đến ngoại lực. Dù bằng cách kéo về hay bằng cách cùng dong buồm ra khơi.
Có thể hiểu là trong nhiều lĩnh vực chúng ta vẫn hay đề cao sự tự hào, tính tự tôn dân tộc, nhưng trong điện ảnh thì không có biên giới, không phân biệt quốc gia. Tất cả đều kết hợp để tạo ra những sản phẩm mang ngôn ngữ điện ảnh chung, không nhất thiết phải là sản phẩm của riêng quốc gia nào?
- Đó chính là một quá trình thay đổi về tư duy làm phim rất quan trọng. Nếu như không đi không học thì tôi cũng không nghĩ được như thế. Năm 2012 - 2013 khi mang phim của mình đến các liên hoan phim lớn và đến các nước có nền văn hóa phát triển, tôi vẫn có suy nghĩ rằng cái gì mình có thì phải dành cho nhà mình trước tiên.
Về sau, có dịp tiếp cận nhiều nền điện ảnh khác nhau, nhiều bạn bè trong giới làm phim quốc tế, tôi mới thấm thía hơn cái tình của người làm phim, một mặt ai cũng cần cơ hội cho mình, nhưng mặt khác sự hết lòng giúp đỡ nó trở thành nếp sống luôn. Cơ hội để hợp tác quốc tế trong giới làm phim mang lại cho chúng ta rất nhiều nguồn lợi, từ sự đa dạng về ngôn ngữ trong điện ảnh nói chung đến những món lợi cụ thể và dễ dàng đong đếm.
Cứ hiểu nôm na, một dự án phim của nước khác mà quay ở nước mình thì những người làm phim trong quốc gia đấy được học, được làm việc, họ có thêm sinh kế, người dân ở vùng đấy có thể làm việc trong đoàn làm phim. Rất nhiều cơ hội rộng mở với mọi người…
Giờ đây, tôi nghĩ bất kỳ cơ hội nào mở ra cho điện ảnh, dù ở bất kỳ đâu đều có lợi cho người làm phim, cho công chúng. Phải đi và học. Bản thân tôi nghĩ tôi vẫn là một con ếch ngồi dưới đáy giếng của chính mình.
Khi mới bước chân vào điện ảnh, nhà làm phim nào khiến chị ngưỡng mộ và muốn học hỏi?
- Nhà làm phim mà tôi rất yêu thích là Trần Anh Hùng, sau đó là Phan Đăng Di. Tôi quan sát được bước phát triển của anh Di nên tự cho là rất hiểu anh. Đọc kịch bản mới của anh Di thì tôi chắc chắn một điều anh Di là một tác giả của Việt Nam. Tại vì đọc là nhận ra Di ngay.
Còn các đạo diễn "không quen" thì tôi thích Paolo Sorrentino, Wes Anderson, Quentin Tarantino... à Woody Allen nữa. Ngược thời gian một chút thì Godard vì tinh thần, Tarkopsky hơn hết thảy vì ngôn ngữ. Nói chung hơi tham!
Tôi thích ít tác giả Việt vì điện ảnh của Việt Nam thật ra không đa dạng ngôn ngữ lại ít người làm. Nhưng bây giờ nhé, khi nhìn điện ảnh nước nhà ở góc nhìn di sản thì mê mẩn phết, xúc động đến nỗi bỏ cả 1 năm đeo đuổi dự án bảo tồn di sản điện ảnh Việt Nam. Ví dụ, tôi ngồi xem Chuyện cổ tích cho tuổi 17 của đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn, tôi cứ xúc động mãi vì chất thơ một thời mà ông và cộng sự tạo ra. Giờ thì thành di sản rồi!
Còn trở lại với chuyện yêu ghét thì chính ra yêu dễ, ghét mới ám ảnh. Có một số đạo diễn ban đầu mình thấy không thể ưa được, nhưng mình càng ghét mình càng phải xem họ, rồi mình hiểu được những điều mà người khác chưa thể hiểu được. Rõ ràng người ta phải rất là giỏi mới làm được điều đó, điển hình như đạo diễn Apichatpong Weerasethakul.
Với bản thân đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, chị thấy yêu hay ghét?
- Tôi không thích tôi lắm. Từ bé, tôi đã nhận thấy càng được khen bao nhiêu thì mình càng thấy những lời khen ngợi đấy không đúng với mình. Tôi thấy căm ghét khi phải xem lại phim của mình, thấy không thoải mái khi người thân xem phim của mình, thậm chí cảm thấy rất xấu hổ.
Có những lúc tôi khóc như mưa với đồng nghiệp thân thiết, chỉ vì mọi người càng khen mình càng thấy phim đấy tệ. Trong việc làm phim, người khác muốn được công nhận còn tôi thì mải miết nghi ngờ bản thân.
Kể cả với "Đập cánh giữa không trung"?
- Nhất là Đập Cánh ấy chứ, thái độ anti (ghét) phim của mình rõ quá, nên trong các cuộc phỏng vấn với báo chí quốc tế, các nhà đồng sản xuất Pháp, Đức, Nauy luôn phân công nhau có mặt để đảm bảo tôi không nói lời bất lợi nào cho bộ phim vì các bạn đã từng phải trả giá cho điều đó.
Khi đến LHP Venice, thay vì háo hức như những người khác có phim tham dự, tôi lại đi tìm câu trả lời vì sao họ lại chọn phim của mình, có phải do phim đến từ Việt Nam và của đạo diễn nữ nên mới được chọn không? Chiếu phim xong, tôi cũng rời Venice để sang liên hoan phim khác, và khi một số nhà phê bình rất quan trọng đến chúc mừng, thì tôi lại ra sức kể về những điều tôi thấy tệ trong phim. Khách quan mà nói, làm phim chả ai làm thế!
Khoảnh khắc phim chiếu trên màn ảnh rộng được mọi người vỗ tay thì tôi lại không thể tận hưởng được nó. Tôi chỉ ngồi đó và chỉ trích bản thân tôi, rồi nghĩ mình đâu có xứng đáng, mọi người đang làm quá thôi và chuyện gì sẽ xảy ra nếu ngày mai họ nhận ra, thực ra phim của tôi rất tệ…
Biết tiếng Hoàng Điệp từ thời còn là học sinh trường Hà nội - Amsterdam, sinh viên trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Thời ấy Điệp luôn mang lại một cảm giác lạ mà đến mức có nickname "Điệp điên".
Đến giờ, khi đã là một đạo diễn có tiếng trong giới điện ảnh, ở Điệp luôn toát ra một điều gì đó khác biệt mà chúng tôi luôn tự hỏi "Năng lượng ở đâu? Tiền bạc ở đâu?" để Điệp có thể làm những công việc cô đang làm – những việc chỉ có duy nhất Điệp làm và làm với một tâm huyết cực lớn.
Bố mẹ có phải là người ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp tới chị?
- Thực ra thế hệ của bố mẹ tôi ngược lại với những gì tôi làm hôm nay. Như bình đẳng giới chẳng hạn, tôi quan sát được trong nhà có nhiều chuyện không bình đẳng (theo đúng tiêu chuẩn được text hoá) nhưng bằng một cách nào đó mọi người vẫn rất tôn trọng nhau, sống rất tốt và lâu dài với nhau.
Còn với điện ảnh, gia đình tôi không có ai thực sự hiểu điện ảnh khó và phức tạp như thế nào. Mọi người chỉ hay nghĩ "Điệp nó rất thông minh và cả may mắn nên đi đâu nó cũng được mọi người yêu mến. Mọi chuyện của Điệp đều rất thuận lợi, từ lấy chồng, sinh con đến công việc…"
Tất cả những gì mà mọi ông bố bà mẹ hay nghĩ về "con nhà người ta" thì tôi lại tạo cho bố mẹ mình chính cảm giác đấy. Tôi cũng không biết mình làm thế là đúng hay sai nhưng đến trước khi bố tôi mất, ông vẫn nghĩ là con mình đang rất hạnh phúc và may mắn, còn mẹ trước khi ốm vẫn luôn nghĩ rằng "công việc của Điệp vẫn ổn, mọi thứ tuyệt vời lắm".
Tôi vẫn không thể nào học được cách chia sẻ tất cả những suy nghĩ đó với người thân. Nhưng nghịch lý là bây giờ, tôi lại đòi hỏi con mình phải chia sẻ cho mình toàn bộ những khó khăn của nó vì mình thấy cần phải thế. Đó thực sự điều đang diễn ra trong con người tôi, một thứ tiêu chuẩn kép. Và lạ kỳ là mình thấy như thế là đúng dù không biết tại sao.
Tài sản lớn nhất mà bố mẹ để lại cho chị, tính tới lúc này là gì?
- Đó là tính cách của họ. Ông Định bố tôi sinh năm 1943, trước khi nghỉ hưu là giảng viên đại học. Còn bà Chinh sinh năm 1956 cũng làm công chức nhà nước. Hai ông bà gặp nhau ở một điểm đều là con nhà tư sản và đều gặp phải những biến cố lớn trong xã hội. Vì thế, họ quen và cảm thấy vui vẻ với chuyện đó. Và họ giữ một số thứ mà họ coi đó là cái lề giấy. Họ không thực sự thoải mái với việc quá giàu và tôi thấy đó là một lợi điểm của gia đình mình.
Ví dụ, hai ông bà mà có tiền thì sẽ lập tức "chia" cho người thân, cho họ hàng… Lúc đầu tôi tưởng chỉ bố mẹ mình như thế nhưng thực ra là thế hệ họ đều như thế, một thế hệ đã quen phải sống trong cảnh khó khăn thiếu thốn và đề cao tinh thần "sẻ chia". Họ không thực sự thấy thoải mái khi họ có tiền mà những người xung quanh không có gì. Nên tinh thần đó của họ làm tôi và các em mình bị lây.
Khi làm "Se sẽ chứ", tôi có nghe anh Hoàng Dũng (cố NSND Hoàng Dũng - NV) kể là khi anh từ nhà Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh về, lúc chạy xuống cầu thang, nhà thơ Lưu Quang Vũ chạy theo đưa cho mấy đồng và bảo: "Thôi cầm lấy. Lúc nãy có chị anh ngại đưa". Xong lúc sau, nhà thơ Xuân Quỳnh lại lén chồng chạy xuống vừa dúi vào tay cũng vừa bảo "Em cầm lấy. Lúc nãy có anh chị ngại đưa"…
Tôi xúc động không chỉ vì chuyện cá nhân ông Vũ bà Quỳnh mà xúc động vì nhận ra đó là chuyện chung của cả một thế hệ, vì thấy hình ảnh bố mẹ mình trong câu chuyện đó. Ở đây không phải câu chuyện lòng tin vợ chồng mà là cái nếp ăn ở của một thế hệ luôn nặng lòng san sẻ.
Những suy nghĩ, tâm tư của chị về gia đình mình, đã bao giờ chị chia sẻ với bố mẹ mình?
- Rất kỳ lạ là trong gia đình người Việt truyền thống có những thứ tưởng rằng rất dễ nói ra thì thực ra lại rất khó. Với tôi cũng vậy. Trong phim lúc nào tôi cũng xây dựng kiểu con vô cùng yêu bố mẹ, xong có hiểu lầm xong sẽ xảy chuyện gì đó rồi cuối cùng tất cả nói ra, hiểu nhau và happy ending. Nhưng trong đời sống thực, tôi lại không nói được với bố mẹ mình như thế. Tôi nghĩ chuyện đó cũng giống như nhiều gia đình khác. Kiểu "bi kịch" đó hầu như là câu chuyện toàn cầu.
Khi bố bị ốm nặng, lúc đó ông vẫn tỉnh táo nhưng tôi lại không ôm ông, không nói được là "bố ơi con yêu bố!" câu mà tôi có lẽ sẵn sàng cho diễn viên nói chán vạn lần trên phim. Chỉ đến khi bố bị liệt, mất dần trí nhớ tôi mới làm được điều đấy! Ôm ông rất lâu và thì thầm đến thắt cả ruột gan lại, rằng tôi yêu ông đến mức nào.
Với bố mẹ chồng tôi cũng không nói được câu "Con rất yêu bố mẹ" mà hay "quát" "Ông bà buồn cười thế!", "Ông bà thế này thế nọ!" nhưng phải thân phải thương nhau mới được phép làm thế, còn nếu những người ở mức độ ít hơn, tôi chịu, chẳng biết nói gì. Có lẽ chỉ chat chit được thôi.
Vậy còn thơ có ảnh hưởng thế nào tới chị. Sau nhiều năm làm các chuỗi hoạt động liên quan tới thơ, chị thấy mình được những gì?
- Sau nhiều năm làm các sự kiện về thơ tôi thấy cũng không thể làm mãi, có nhiều người càm ràm là "thi ca không phải thứ để nói vống lên ở chỗ đông người". Nhưng nếu không nói vống lên ở chỗ đông người thì người ta sẽ quên mất thi ca. Còn bây giờ, đã đến lúc làm một cách bền bỉ, tinh tế hơn trong những nhóm nhỏ hơn, đó là kỳ vọng của tôi.
Thực ra với "Se sẽ chứ" tôi có rất nhiều tham vọng. Tôi làm nó trong khoảng 3 năm nay, tôi vẫn có thể làm tiếp, làm cho nó lớn mạnh hơn nhưng thực sự nó cần chuyển trạng thái và có tổ chức lớn hơn.
Còn nếu vẫn chỉ là hoạt động cộng đồng do cá nhân khởi xướng thì có thể vẫn hiệu quả nhưng không đem đến kết quả đủ tốt và bền lâu. Xét cho cùng, một người làm sẽ gặp áp lực rất lớn về tiền bạc, thời gian và công sức. Nhưng nếu là một tổ chức, cộng đồng, chiến lược nhất quán từ trên thì nó nằm trong lòng bàn tay.
Tại sao chị lại chọn thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh làm tâm điểm cho những hoạt động của mình?
- Nếu không phải là Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ, tôi nghĩ là rất khó có thể là ai khác. Tôi không phải là người mơ mộng suông. Tôi là người vừa có thực hành, vừa có lý thuyết.
Tại sao lại là Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ? Ngoài chuyện tôi rất thích, rất yêu họ, nếu nhìn với góc độ một nhà sản xuất khá nhạy bén thì đó là một biểu tượng lý tưởng. Họ trong sáng một cách thật sự, ngay cả chuyện cơm áo gạo tiền của họ đã trở thành một huyền thoại. Không một ai trong số chúng ta có thể vẩn lên trong đầu, nghi ngờ về sự trong sáng của họ.
Khi mình đem một thứ siêu trong sáng như thế đến với người khác thì mình không thể nào đục như phù sa sông Hồng được. Mình cũng phải tự "dọn" mình. Khi mình chọn đi với họ, chọn yêu họ là thực ra mình chọn tự lắng mình, tự lọc mình... Nhiều người bạn miền Nam của tôi trước đây cùng lắm chỉ biết tới "Sóng" nhưng khi ngồi nghe đọc thơ, kịch của Lưu Quang Vũ, họ thấm thực sự. Và cùng nhau, họ bắt đầu nói về thi ca theo cách của se sẽ chứ.
Có thử rồi nên tôi mới tự tin lôi kéo thế hệ trẻ, dù có đang học tập ở đâu vẫn có thể làm những điểm thơ "Se sẽ chứ". Và tôi làm được rồi đấy. Còn lúc này tôi đang ấp ủ chuyện tạo nên một ngày riêng cho thi ca với tinh thần Mây Trắng.
Giá trị của thi ca, của văn học là tài sản vô giá đối với mỗi quốc gia, mà theo cách nói của các bạn trẻ bây giờ là "có không giữ mất đừng tìm". Mình đã có họ, có sự trong trẻo của họ, có đông đảo công chúng "siêu năng lượng" vì yêu họ nên yêu thi ca, yêu sân khấu, yêu cái thật, yêu cái thiện, yêu cái đẹp.
Có thể thấy đây không chỉ là là câu chuyện riêng với thơ mà là câu chuyện chung cả với điện ảnh. Tôi thấy hiếm nơi nào như Việt Nam: Có những người làm phim trẻ dốc hết năng lượng, dành cả tuổi thanh xuân vì nghệ thuật. Bây giờ những nơi khác đều đã nhuốm sắc màu già cỗi. Mà gì chứ điện ảnh già... thật khó để thương!
Nên tôi cứ năn nỉ hãy cho người làm phim trẻ ở Việt Nam một cơ hội, một khoảng trời rộng mở và sự tự do về tư duy để họ có thể thỏa sức sáng tạo. Đấy là quyền lực của nghệ thuật, chỉ cần mình tạo cho họ được khoảng trời rộng mở thôi đã là giúp đỡ họ lắm, chưa cần phải nghĩ chu cấp bạc tiền.
Chị tự thấy Nguyễn Hoàng Điệp khi nổi tiếng với "Đập cánh giữa không trung" và bây giờ khác nhau như thế nào?
- Ngày xưa, tôi có thế đứng trước 1 núi tiền mà không cảm thấy gì nhưng bây giờ đứng trước nửa núi tiền tôi dao động phết. Ngày trước, tôi kiên quyết đeo bám vì tính hiếu thắng, ngoan cố cho tới cùng còn bây giờ thì không.
Bây giờ lúc nào tôi cũng phản biện và bắt đầu tin vào những chuyện chỉ có trên phim: Ví dụ tóc bạc trắng trong một đêm chả hạn. Bây giờ tôi nặng gánh hơn trước và có nhiều thứ bị tổn thương hơn nên việc đưa ra quyết định cũng khó khăn hơn trước.
Ví dụ, nếu hoạt động "Ai góp ý giơ tay lên" được làm cách đây 6 năm mọi người có thể nói là tôi hiếu chiến nhưng bây giờ nói vậy với tôi thì hơi đánh giá thấp việc tôi và bạn bè đã làm. Vì bây giờ là quá trình nghiền ngẫm đủ sâu, đủ lâu và là công việc mang trí tuệ tập thể. Ngày xưa tôi đúng kiểu đạo diễn độc tài, đã muốn là phải được nhưng bây giờ mọi thứ đều có phản biện nhưng không phải tự mình phản biện đơn độc mà biết trân trọng sự hồi đáp từ mọi người.
Mọi người vẫn nói chị mơ mộng?
- Mơ mộng á? Đó là do nhiều người đổ sự mơ mộng lên tôi chứ thật lòng, tôi nghĩ mình thực dụng.
Điều mà tôi không thích lắm, đó là mọi người hay nhìn nhận nếu tôi đã mơ mộng và lãng mạn rồi thì tôi sẽ không thể thực dụng, chu toàn tính toán được. Cơ mà bọn chúng thực sự có sóng đôi.
Như kiểu tôi làm đạo diễn nhưng đồng thời là nhà sản xuất ấy. Phải bay bổng theo kiểu thông minh lãng mạn nhưng đồng thời phải tập trung và có trí tuệ mới làm được việc. Mọi người thường nói nghệ sĩ mơ mộng trên mây và nếu xảy ra chuyện gì thì đổ tại vì nghệ sĩ tính, nhưng thực ra tôi không thích suy nghĩ đấy.
Tôi đã gặp nhiều người phụ nữ làm sếp của những doanh nghiệp lớn, họ khiến tôi đặt câu hỏi về sự lãng mạn. Chắc chắn họ có, vì nếu không có thì chắc chắn họ vẫn thành công thôi nhưng nếu đến tầm đến cỡ thì thực ra là lại bao hàm một tư duy bay bổng.
Tương tự, người nghệ sĩ khi đã thành công ở một ngưỡng nào đấy, thực sự họ phải rất có năng lực quản trị. Họ phải giỏi trong việc quản trị đời sống và thương hiệu của họ. Có thể họ cộng nhầm con số nhưng với các chiến lược phát triển, tôi không bao giờ cho rằng họ kém hơn người khác.
Xin cảm ơn Hoàng Điệp và chúc chị luôn thành công trên con đường riêng của mình.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên