Sau bữa điểm tâm buổi sáng, tạm biệt thành phố Cần Thơ – miền đất Tây đô nổi tiếng gạo trắng, nước trong, nơi có Bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng luôn làm đắm say lòng người du khách, chúng tôi đi về vùng đất Mũi Cà Mau.
Trước khi xe khởi hành, anh Phú – hướng dẫn viên du lịch cho đoàn thông báo với chúng tôi rằng; không như trước đây, bây giờ giao thông đường bộ phát triển, đi lại thuận tiện, xe ô tô chạy một mạch là tới Đất Mũi. Song đi để biết, để khám phá vùng đất trẻ mũi Cà Mau, du khách nên đi bằng xuồng máy, như thế sẽ có đôi điều cảm nhận về sông nước miền Tây.
Từ thành phố biển Cà Mau, xe của đoàn chúng tôi chạy hết địa phận huyện Cái Nước, đến thị trấn Năm Căn huyện Năm Căn thì dừng lại. Chúng tôi nghỉ tại đây chừng mươi, mười năm phút, đợi xuồng máy đến đón đưa chúng tôi về vùng Đất Mũi. Mới có gần 9 giờ sáng mà cái nóng, cái nắng của vùng đất Năm Căn đã làm chúng tôi bức bối, khó chịu. Tuy có mệt mỏi đôi chút song ai nấy đều tỏ ra háo hức, phấn khởi với hành trình mới trên con sông khá rộng mà chúng tôi chưa biết tên, nước con sông này không được trong lắm. Đây rồi, một con xuồng máy khá lớn từ từ rẽ sóng, nhẹ nhàng cập bến đón hơn hai mươi người chúng tôi đi. Đúng là vùng đất của kênh, rạch, sông nước nên ngoài xuồng của chúng tôi, còn có rất nhiều xuồng ghe khác chạy ngược xuôi, tấp lập làm náo động cả vùng sông nước. Phóng tầm mắt nhìn sang phía bờ bên kia dòng sông chỉ thấy xanh thẫm màu xanh của cây lá. Khi tất cả du khách đã ngồi yên vị trên xuồng, có ai cất tiếng hỏi dòng sông tên gì? Không biết có phải đây là con sông khá rộng lớn nên hướng dẫn viên nhanh nhảu trả lời ngay đây là con sông Cái. Trước khi xuồng của đoàn chúng tôi xuất bến, hướng dẫn viên du lịch của đoàn lại thông báo; bình thường xuồng máy chạy với tốc độ cao, song đến gần các tụ điểm có dân cư sinh sống, hoặc nơi họ làm nghề nuôi, trồng đánh bắt thủy hải sản, xuồng sẽ giảm tốc độ, chạy chậm lại, du khách tranh thủ tham quan, cảm nhận về cuộc sống, cách mưu sinh của người dân miền Tây vùng sông nước Cà Mau.
Sau tiếng máy nổ giòn tan, con xuồng chở chúng tôi băng băng rẽ sóng, lao mình về phía trước cũng là lúc chúng tôi cảm nhận rõ ràng nhất sự mát mẻ do gió, sóng nước và màu xanh của cây lá mang lại, bao nhiêu bức bối, mệt nhọc giường như tan biến hết. Trước mắt chúng tôi là một không gian rộng lớn, thoáng đãng, trong lành của vùng sông nước, khiến mọi người trên xuồng càng sảng khoái, phấn chấn hẳn lên, ai cũng thấy tuyệt vời khi được ngồi xuồng máy chạy trên kênh rạch, sông nước Cà Mau. Chạy được chừng một tiếng đồng hồ, xuồng chở đoàn chúng tôi bắt đầu len lỏi trên các dòng kênh, ven theo những cánh rừng tràm ngút ngát màu xanh, thi thoảng có những đàn chim sải cánh, bay lượn giữa lưng trời, mang đến cho du khách cảm giác thư thái bình yên. Theo lời hướng dẫn viên du lịch, xuồng chở chúng tôi đang ở khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ. Khu rừng này nằm trên địa bàn của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau. Đây là vùng chiến khu xưa, từng là nơi ở, làm việc của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng. Vùng đất này cũng là nơi để nhà Văn Đoàn Giỏi tìm hiểu, khai thác viết nên tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam nổi tiếng. Ở vùng đất này nhân dân còn lưu truyền rất nhiều giai thoại về ông Ba Phi như ; “cọp xay lúa”, “nếp dẻo”... Sau nhiều giờ lên lỏi trên kênh, rạch, qua các cánh rừng, làng, ấp, tụ điểm dân cư, hơn mười một giờ trưa, đoàn chúng tôi đặt chân lên ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, một địa danh thân thương của Tổ quốc Việt Nam, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Mũi Cà Mau nằm trong khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, ở đây có rừng đước Năm Căn. Quanh khu vực Mũi Cà Mau có hệ động, thực vật tự nhiên phong phú. Động vật có tôm, cua, sò, các loại cá, thực vật có cây mắm, cây đước. Mắm là loại cây tiên phong đi lấn biển, đước là cây đi sau có nhiệm vụ giữ đất, để cho “Tổ quốc ta như một con tàu, mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau” vươn dài ra biển mỗi năm gần 100 m. Tại đây đoàn chúng tôi chụp ảnh lưu niệm bên Mốc tọa độ quốc gia Mũi Cà Mau; đứng trên bờ kè bê tông xi măng đón cơn gió mát, ngắm nhìn biển khơi rì rào vỗ sóng, xa kia là đảo Hòn Khoai, một vọng gác tiền tiêu canh giữ vùng biển, vùng trời và dải đất tay nam của Tổ quốc.
Đặt chân lên đất Mũi Cà Mau rồi tôi mới nhận ra về Cà Mau không còn xa nữa, bởi đường đến đây toàn là đường nhựa, to rộng, phẳng lì, ô tô bon bon chạy đã rút ngắn khoảng cách cả về không gian lẫn thời gian khi đến với Cà Mau. Thêm nữa tình trạng cách sông cách đò giờ đây hầu như không còn, bởi đã có nhiều cây cầu vươn những nhịp dài nối đôi bờ giúp người dân đi lại dễ ràng thuận tiện. Nếu di chuyển bằng đường thủy trên sông nước thì người dân có các phương tiện thủy như; tắc ráng, xuồng máy...nên Cà Mau xa mấy cũng gần. Quan trọng hơn, với tình yêu quê hương, đất nước mỗi người chúng ta đã dành tình cảm thân thương cho điểm cực nam trên đất liền của Tổ quốc Việt Nam – Mũi Cà Mau.