Chủ đề Làng quê và thế sự trong thơ Hà Cừ

Thứ ba - 25/01/2022 16:22
Trong dòng chảy của nền thi ca hiện đại hình như mỗi nhà thơ đều có phong cách riêng để thể hiện cảm xúc, kí thác tâm sự của mình với cuộc sống qua ngôn ngữ thi ca, dấu ấn rất riêng ấy đã hấp dẫn lôi cuốn bạn đọc và đã đánh dấu trong trái tim những người yêu thơ. Ở trường hợp ví von này, có lẽ rất đúng với nhà thơ tài hoa xứ Đông Hà Cừ. Thật ra nhà thơ Nguyễn Hà Cừ, không xa lạ gì bạn đọc và công chúng yêu thơ trong cả nước từ những bài thơ nổi tiếng  như “Chợ quê”, “Thơ những ngày xa”, “Nắng thu”,  Côn Sơn bất chợt”…mà nhà thơ đã trình làng trong những tập thơ đầu tiên. Nhà thơ Hà Cừ có lẽ là một trường hợp hiếm hoi trong làng báo Đảng địa phương trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2005). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học , khoa cử. Thời chống Mỹ , hai người anh trai đang ở chiến trường nên ông nhập ngũ là bộ đội địa phương, sau đó làm “ông giáo làng” rồi đi học Trường Cao đảng Mĩ thuật Hà Nội  rồi về làm báo. Với lợi thế của một người được đi nhiều, gắn bó lâu năm với nghề báo và cảnh sắc  làng quê của miền đồng bằng châu thổ sông Hồng vốn đã đẹp như cổ tích nên những sáng tác cuả ông có nhiều bài viết về làng quê rất giàu cảm xúc . Trong bài thơ “Chợ quê”, nhà thơ miêu tả: “Chợ quê con tép cũng gầy/ Con cua con cá dính đầy bùn tươi/ Mớ rau muống mớ mồng tơi/ Quả bầu quả bí nói lời gió sương”. Bằng lối miêu tả trực quan , ngôn ngữ thơ đậm chất dân gian để  nhà thơ miêu tả  những  sản vật của vùng  quê nghèo, qua đó , gắm tâm sự của mình vừa ca ngợi vừa cảm thowng những người nông dân chất phác hồn hậu của quê hương dấu yêu…Trong bài “Người quê ra phố” với bao trăn trở suy tư, nhưng con chữ được chắt lọc: “Bỗng thành ngọn gió bơ vơ? Bỏ làng ra phố đến giờ chưa xong” hay: “Phố đông không nhập hồn người/ Mái nghiêng che nửa tiếng cười nồng khê...”. Nỗi buồn man mác như có sợi dây giao cảm vô hình nào đó làm cho tác giả đắm chìm trong thẳm sâu ký ức để tìm được những câu thơ giàu suy tư, chiêm nghiệm. Là người con mắc nợ với quê  nghèo nên trong những câu thơ viết về làng quê, dòng tộc thì cũng đều rưng rưng cảm xúc : “Thanh minh trời ẩm ướt hạt mưa/Đường lầy lội cỏ bờ xanh như khói /Xanh như thể nỗi niềm tiếc nuối/Những ngày xa vĩnh viễn chẳng quay về”(Làng quê chiều thanh minh). Sinh ra, lớn lên, gắn bó với một vùng đồng bằng, giữa hai đầu cảnh quê và tình quê, thơ Hà Cừ đằm thắm của tâm hồn người quê vốn trong lành, hiền hậu. Thơ như cô gái dịu dàng, thơ mộng, trong thơ ông  có những câu thơ tinh tế trong cảm xúc trước cái nghe, cái nghĩ nơi biến cải dòng đời: “Không phải là hè, chưa hẳn đã là thu /Sao trời đất cũng dùng dằng lạ thế/ Chỉ một chút mà lòng như sóng bể/ Giữa không gian xao xác gió sang mùa”(Thơ những ngày xa). Rồi, vẫn hình ảnh “Lời mẹ xưa” với “Cỏ biếc bờ đê”… từ nét tĩnh tại này, ông đã tìm lấy cái động, cái vang ở chiều sâu từ phía lòng mình: “Hai mươi năm cỏ vẫn biếc bờ đê/Lòng thương nhớ cứ dào lên như sóng/Lời mẹ xưa chiều nay như tiếng vọng/ Gọi ta về ngày ấy một chiều mưa”(Điệp khúc thời gian). Ở mảng thơ thế sự, ông cũng diễn đạt cái tâm và tình của mình rất thành công. Là một nhà quản lý, một nhà báo, gắn với trách nhiệm công dân, cái tâm sự , kí thác nỗi buồn của lòng mình trước nhân tình thế thái cũng rất tinh tế: ““Đồng tiền bạc chốn bùa mê/ Có còn tìm được nẻo về mà trông…”. Hay: “Mình ta lủi thủi đi vềLẻ loi ngay giữa bốn bề lao xaoXóm làng cửa kín tường caoMà nghe vắng cả lời chào rỗng không (Bây giờ xa đã là xa). Trong bài “Những bước chân đi qua chiều” một vấn đề nữa được phản ánh khá rõ nét, đó chính là các khía cạnh bức xúc của đời sống xã hội. Bằng cách nói trực tiếp hay gián tiếp, lối ví von tinh tế, chuyển tải những trở trăn của mình về các vấn đề nhân tình thế thái. Một anh thợ phục chế được mọi thứ, nhưng: “Không phục chế được tiếng cười trong veo một thời lãng mạn/ Không phục chế được tuổi xuân của chính mình” (Phục chế). Rồi những câu thơ vạm vỡ, trần trụi, nhịp điệu phóng khoáng, chất chứa tâm trạng: “Nghe tiếng rao/ Tôi bỗng thấy mình cũng thành đồng nát” (Đồng nát). Có những câu thơ đậm chất liệu dân gian, mang một thủ pháp nghệ thuật,  tạo ra bước đột phá :“Riêng sự thật/ Có thể nào che đậy trong bao bì/Trước sóng gió thời gian?"(Bao bì). Một cách so sánh khá nhạy , người cầm bút đã tìm thấy cái động, cái vang ở sâu xa từ phía hồn mình. Những câu thơ giàu sức tưởng tượng, đôi lúc hư cấu về nghệ thuật, như đang vào một lối hẹp tưởng chừng không có lối thoát, nhưng câu kết lại bất ngờ ở tình huống mở, đánh thức lòng người: “Bao xương máu để “Người cày có ruộng”/ “Tấc đất tấc vàng”- chân lý của nhà nông/ Chân lý đổi thay ư? Giờ nông dân bỏ ruộng/Ta ngơ ngác trên đồng, gió lạnh thốc sau lưng!”(Gió lạnh thổi trên đồng). Khi thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị,  nhà thơ dường như không còn cảm giác của không gian thực tại mà ông  chìm đắm trong không gian suy tưởng với những hình ảnh đậm nét: “Giữa chiều mà tưởng cõi mê/Chìm trong hương khói bốn bề cỏ xanh/ Gió như sóng dậy Cổ Thành/Từ trong lòng đất cũng duềnh sóng xô... Kiếp người kiếp cỏ mỏng manh/Hóa thân liệu có ru lành nỗi đau” (Cỏ và nắng gió Cổ Thành). Hoặc khi đi tham quan ở một địa phương vùng Tây Bắc, bao ký ức còn vương lại, tác giả đã dùng câu nghi vấn, giả định, chất vấn nội tâm làm khổ thơ trở nên độc đáo: “Xa Hà Giang/ Một chiều/ Vẫn còn nghe tiếng khèn/ Trong ngực!...” (Tiếng khèn). Và, bao suy tư day trở của tác giả đứng trước số phận của quê hương đất nước bằng những câu thơ nhuần tươi, đa nghĩa đa tầng: “Đêm đêm / Như người mắc nợ/. Đất nước trong tôi canh cánh bên lòng!...” (Đất nước một bên lòng)…

Hơn 50 cầm bút và làm thơ, trong đó ông đã gắn bó đời mình với 33 năm làm báo( có 12 năm làm Tổng Biên tập tờ báo Đảng địa phương), nhà thơ  Hà Cừ đã có số lượng các tác phẩm thật đáng trân trọng : Ông đã xuất bản  hơn chục đầu sách, trong đó có 7 tập thơ riêng : “GIÓ CHÂN MÂY, DẤU CHÂN TRONG CỎ, NHỮNG BƯỚC ĐI QUA CHIỀU , THƠ NHỮNG NGÀY XA, DÒNG SÔNG NĂM THÁNG, THĂM THẲM CÕI NGƯỜI, BUÔNG, HAI &BỐN&VÀ NHỮNG BÀI THƠ KHÁC” và nhiều tập in chung với bè bạn. Thơ của ông còn  được tuyển chọn trong tập tuyển quốc gia  và hơn mười bài thơ được phổ nhạc. Những đóng góp của ông cho nền văn học nghệ thuật  thật đáng trân trọng.


 
Nguyễn Viết Hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây