Nhà báo Phạm Vân Khảm, nguyên là Phó TBT Báo Hưng Yên, đang nghỉ hưu tại xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào vừa bị một căn bệnh khá nghiêm trọng: xuất huyết đường thở trên do bị tai biến.
“Chú nghĩ, xuýt nữa thì đi gặp cô rồi” (Vợ nhà báo mất cách nay gần chục năm), nhà báo Vân Khảm giọng thều thào kể với tôi: “May quá hôm đó có vợ chồng em Giang ngủ ở nhà, 5 giờ sáng, chú vào nhà vệ sinh thì tưởng gục tại đó, máu chảy rất nhiều, chú lết ra và gọi được các em… rồi chú nhập viện đa khoa Phố Nối, đến đêm hôm đó, cũng may là có người quen tại bệnh viện Bạch Mai, nên chú được cấp cứu tại khoa Tai-Mũi-Họng… Vào viện được mấy ngày mà thỉnh thoảng máu lại trào ra… Mấy ngày sau, chú được mổ, đau tưởng chết, bây giờ tạm ổn, nhưng đấy mới là xong bước 1, ăn tết xong lại nhập viện để mổ lần 2…”
Nhà báo Vân Khảm vui chuyện và nở nụ cười khen ngợi xen lẫn sự khâm phục các bác sĩ, y tá, hộ lý nhiệt tình và “cao tay” trong điều trị… Vậy là nhà báo Vân Khảm nằm tại viện Bạch Mai 15 ngày, phục vụ chú là cô con dâu thứ hai.
“Mừng là bệnh đang được chữa trị, vui nữa là trong 10 ngày điều trị, chú đã hoàn thành 2 bài thơ, nghe nhà báo Vân Khảm cao hứng kể vậy, tôi tiếp lời: “Hay quá, thơ chú làm về đề tài gì?
Nhà báo Vân Khảm nói: “Bài thơ thứ nhất chú viết để cảm ơn các thày thuốc đã tận tình cứu chữa… Chú ghi vào sổ cảm ơn của khoa. Mọi người biết rồi đấy, mắt phải chú hỏng hẳn gần 20 năm nay, mắt trái còn 2/10, chú không đọc được và viết cũng là theo quán tính, viết liền một mạch thì được, chứ dừng giữa dòng là chẳng nhìn thấy gì nữa, chữ nghĩa “leo lên tụt xuống” ngay. Vậy mà mọi người đều khen chú viết đẹp”. Điều này tôi tin, vì thời làm báo Hải Hưng những năm đầu 90 của thế kỉ trước với nhà báo Phạm Vân Khảm, cánh trẻ chúng tôi rất nể nhà báo vì sự ghi chép cẩn thận, lại viết nhanh và viết đẹp một cách chân phương. Rồi nhà báo Vân Khảm cho biết đã viết mấy dòng cảm ơn Ban Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cùng đội ngũ thày thuốc tại khoa Tai- Mũi -Họng và đọc bài thơ:
“ Như bông sen ngát hương đời
Những người thày thuốc rạng ngời nghĩa nhân
Vượt qua gian khổ phong trần
Cứu người bệnh khỏi mười phân vẹn mười
Bệnh nhân ghi nhớ suốt đời
Thiên thần áo trắng sáng ngời chữ Tâm”
Ngồi nghe Nhà báo Vân Khảm giảng giải từng câu, tôi thêm nể phục vì đã ngoài 80 mà ông vẫn minh tường, trước đây quen viết báo, nay lại “đột phá” sáng tác thơ. “Vậy bài thơ thứ 2 thế nào?”, tôi hỏi ông. Ông cười rất đắc chí, và hạ giọng: “Vào đấy, có một cô người nhà bệnh nhân, dáng người nây nấn, giọng nói dễ thương, rất hay quan tâm trò chuyện với chú, lại hỏi chú “anh sáu mấy rồi”. Nói đến đây, nhà báo cười tươi và bảo “Nhờ cô ấy mà có thơ”. Dường như ông quên mình đang ốm mà tươi tỉnh lên bổng xuống trầm đọc bài thơ thứ 2:
“Tám ba (83) tuổi đã đến rồi
Không còn khỏe mạnh như thời trai tơ
Mắt mờ, tai điếc lơ mơ
Bước đi lập cập, thẫn thờ run tay
Có bà vẫn cứ mê say
Mặc ta má hóp, răng bay mất rồi
"Rằng yêu ông lắm ông ơi”
Thều thào thẽ thọt những lời nỉ non…
“Thôi tôi xin lạy bà luôn
Để tôi vui Tết cháu con xum vầy”
Nghe đến đây, tôi cười phá lên và đùa nhà báo Vân Khảm: “Có bạn gái quan tâm, chú thích đi viện là phải”.
Hai chú cháu cười vang vang như chẳng có chuyện gì đau yếu. Chia tay nhà báo Vân Khảm, tôi chúc ông sức khoẻ để điều trị dứt điểm bạo bệnh của mình.
Những ngày cuối tháng Chạp Tân Sửu
Công Đán