Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, vấn vương hương Đại, hương Sen

Thứ ba - 25/01/2022 16:41

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu là cha chú của tôi, hiền như đất, hiền như đôi mắt. Mà mở ra thanh thoát xa khơi.

Nguyễn Đức Mậu quê ở đâu ta? Quê chính là Nhà số 4 chứ đâu. Ở nơi hương đại, hương sen thoang thoảng trăm năm, người đi mây trắng vòm xanh sóc nhỏ nâu tròn mắt biếc. Ở nơi tiếng súng ì ùng chưa vơi đến mức người lính Thời hoa đỏ ra đi từ ấy không về.
111

Nguyễn Đức Mậu làm thơ thời tôi còn chưa sinh ra, vào chiến trường từ khi tôi còn là hạt bụi, vậy đó mà sao sau này thi thoảng bia hơi rượu vang, tôi lại thấy thật gần.

Nhưng chưa bao giờ tôi gọi Nguyễn Đức Mậu bằng anh. Bao giờ cũng gọi nhà thơ bằng chú. Chú cháu với nhau từ trại viết Đồ Sơn năm 1995 một mạch đến bây giờ.

Thơ Nguyễn Đức Mậu rất hay.

 “Hà Nội chiều nay nắng vừa đủ nắng

Gió cũng vừa đủ gió để rung cây

Mặt hồ rộng thực hư làn khói mỏng

Rượu bạn mời tôi uống cũng vừa say”

Những câu thơ vừa loang xa vừa chừng mực. Đó là thơ hay.

“Nơi tôi ở hoa đại rơi trắng đất

Có ai nhìn hoa nghĩ tóc bạc trên đầu

Cái hòm thư mới một lần sơn lại

Bác gác cổng già năm trước giờ đâu”

Ôi chao! Thơ đâu cần cao xa triết lý hoặc như câu chữ bí hiểm vòng vèo. Cứ một mạch tả chân mà hay mới là khó. Như Dòng tên anh khắc vào đá núi chẳng hạn. Như Tóc em dài buông xõa xuống mùa thu chẳng hạn. Thì hay là hay thôi. Như Mưa rơi không cần phiên dịch vậy.

Nguyễn Đức Mậu sinh năm 1948 tại xã Nam Điền, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Ông nhập ngũ năm 1966, vào chiến trường rồi về Văn nghệ quân đội một mạch đến lúc nghỉ hưu. Những bài thơ từ chiến trường gửi ra luôn thấm đẫm mùi đạn bom và đôi khi là máu xương đồng đội. Những bài thơ ấy khi in trên Văn nghệ quân đội là sung sướng tột cùng của người chiến sĩ. Khi lần đầu tiên tới Văn nghệ quân đội, Nguyễn Đức Mậu đã phải rụt rè mấy lần trước cổng Nhà số 4 mới dám nhấn chuông. Vô cùng đặc biệt, người đàn ông cao lớn từ trong phòng khách đi ra mở cổng đón nhà thơ trẻ Nguyễn Đức Mậu chính là Tổng Biên tập Thanh Tịnh. Thanh Tịnh - một nhà thơ tiền chiến nổi tiếng với câu thơ nhiều người còn nhầm tưởng là thơ của Bác Hồ: Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong và một câu khác cũng giống như ca dao đúng với thân phận cuộc đời Thanh Tịnh: Trải qua mấy chục năm trường/ Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân. Nguyễn Đức Mậu đã sớm được tiếp xúc với những nhân vật lẫy lừng từ lâu hâm mộ. Đó là Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Xuân Sách, Nhị Ca, Văn Thảo Nguyên, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu... Đến nỗi, anh lính Sư đoàn bộ binh Nguyễn Đức Mậu tưởng như còn đang nằm chiêm bao vậy.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu tính khí trầm hậu, ưu tư nhưng hóm hỉnh. Cái gì cũng biết mà không nói. Có nói thì nói vào thơ. Không to giọng. Càng không ồn ào. Cứ thủng thẳng thế thôi mà tận cùng bờ bãi. Ông rất sợ thơ dở. Cuộc đời ông đã phải đối diện với biết bao bài thơ kém chất lượng gửi đến. Phải đọc nó. Phải loại bỏ và đau đớn. Thiên hạ ai đua nhau làm thơ để khổ thân người biên tập như ông. Ông đọc. Ông đãi khối đất cát, đá sỉ ấy để lựa ra những hạt vàng siêng nhặt. Hơn nửa thế kỷ là như vậy. Cứ nhìn ông như chiếc lá xô nghiêng chiều phố Lý Nam Đế thấy thật thương ông. Miếng ngon miếng ngọt chẳng biết gì, chỉ chút bài thơ của mấy vị to mồm yếu thơ mà ông loại bỏ chúng lại rú lên, vây bủa la hét để chiếc lá nghiêng Nguyễn Đức Mậu càng lạnh đi trong chiều gió thổi.

Cơ mà kiếp nhà thơ là vậy. Kiếp biên tập thơ là như thế. Chúng tôi làm nghề biên tập luôn buốt đến tận xương, đôi khi lạnh cả sống lưng trước những “đại ca” viết ẩu ngày càng đông đúc như rừng.

Nguyễn Đức Mậu là người chừng mực, đôi khi là “thừng mực”. Nghĩa là rất thẳng và nóng tính. Nhưng chân thành, chí thiết và nghĩa khí. Đừng bao giờ nghĩ là dễ bắt nạt các nhà thơ trong cuộc sống hoặc trên văn bản văn chương. Các nhà thơ cứ lơ tơ mơ vậy mà lập pháp, lập quốc như chơi. Có người còn nổi dậy khởi nghĩa như Cao Bá Quát.

Nguyễn Đức Mậu là nhà thơ “cứng cựa” còn lại của lớp chống Mỹ. Bỏ ông ra đội ngũ có kẽ hở ngay. Địch lọt vào? Không đâu! Nhưng vắng ông và Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Thi Hoàng là gay lắm. Ông là cây cột lớn trong ngôi đền thơ phú trăm năm.

Tôi cho rằng cái cách Hữu Thỉnh ứng xử với đồng lứa văn chương là diệu kế. Thấu lý đạt tình. Suy bụng ta mà ra. Ngẫm kiếp người mà sống vậy. Sau Hữu Thỉnh, e rằng là khó. Bởi đã có sự vênh nhau. Sự quả quyết không cần thiết đã xé các nhà thơ chống Mỹ ra. Điều này là một sự buồn.

Nguyễn Đức Mậu lá nghiêng bay cũng buồn chứ nhỉ? Dòng tên anh khắc vào đá núi cũng xao buồn là lẽ sống trong kiếp nhân sinh. Lứa thơ chống Mỹ kiên gan là vậy mà cũng rất biết giá của buồn đau. Đến mức một hôm, tôi đã viết về các ông như sau:

Ai kia định ngôi dân nước

Ai kia cỏ nội hoa hèn

Người nối người lên bát ngát

Đang về thắm thiết như sen

 

Mùa màng xôn xao tim mực

Máu còn âm ỉ xanh cây

Từng trang, từng trang kết ngọc

Xác thân thầm vào đất đai

 

Kẻ non xanh đi khuất khuất

Gửi đá ven đường chiến công

Người lấy thân làm tre trúc

Bên cầu nước chảy bâng khuâng


Ai người cát non kê biển

Tổ quốc u oa đánh vần

Ai người đọc lời ai điếu

Đường khuya đá sỏi phân vân
 

Ai tự khoác vào tai ách

Trâu cày ngựa cưỡi gươm khua

Ai kia nửa chừng buông bút

Lặng im như thóc trong bồ

 

Ai còn nhân tình vương lại?

Giọt máu đào thơm bến sông

Ai người oan khiên ngậm bóng

Mây xa thanh thản hư không…

Nguyễn Đức Mậu như cây cầu độc mộc còn sót lại sau nắng mưa giông gió, đúng như ông từng viết: “Nơi tôi ở vắng Thâm Tâm, Trần Đăng, Thôi Hữu, Nguyễn Thi. Lớp nhà thơ, nhà văn một thời đi kháng chiến. Trang bản thảo nằm trong ba lô, những nhân vật câu thơ là mẫu quặng. Căn hầm thay phòng viết, ngọn đèn thắp bằng nhựa cây cháy sáng mặt trời. (Những nhà thơ, nhà văn ăn khẩu phần lính trận, ngủ gối đầu rễ cây, bao gạo. Đường kháng chiến hiểm nghèo đèo dốc. Đường văn chương bạc tóc đêm dài. Cây bút và khẩu súng. Các anh quên mình đã có một thời trai).

Những trận sốt rừng, những viên đạn giặc, đã tràn vào trang viết dở dang. Nhà văn hy sinh, nhường khát vọng đời mình cho nhân vật. Máu thấm đất, máu chảy vào trang viết, máu thay cho đoạn kết không lời. Nhà thơ hy sinh như ngọn lửa cháy hết mình để tự hóa thân. Trên vuông đất bia khô cằn đá sỏi, những câu chữ như hạt cây sót lại, ngôn ngữ cỏ xanh tự chắp nên vần.

Cây đại già làm một chứng nhân, ngôi nhà các anh giờ chúng tôi đến ở. Căn phòng cũ mấy lần thay ổ khóa. Lớp nhà thơ mang áo lính nhiều thêm.

Trái tim các anh, khoảng đất nào xa lắc. Trái tim đập phập phồng trên trang sách chẳng bình yên”.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thấm thoắt đã bước vào U80 mà xem ra vẫn còn  nặng nợ với thơ ca chữ nghĩa lắm. Lứa các ông dường như đều đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những gì cần viết ra, nói ra thảy đều trân trọng được bày lên mặt giấy. Chỉ riêng với bài thơ Thời hoa đỏ thôi đã xứng đáng một cống hiến, một tài năng không thể lẫn vào đâu với nhân dân và Tổ quốc. Tổ quốc và nhân dân cần lao đã hy sinh vô bờ bến thực rất cần những câu thơ như trong Thời hoa đỏ. Vẻ đẹp của người lính trong Thời hoa đỏ đã như những hình ảnh đạt tầm biểu tượng của sự hy sinh:

Có người lính

Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo

Có người lính

Mùa xuân ấy ra đi từ đó không về

 

Dòng tên anh khắc vào đá núi

Mây ngàn hóa bóng cây che

Chiều biên cương trắng trời sương núi

Mẹ già mỏi mắt nhìn theo

 

Việt Nam ơi! Việt Nam!

Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con

Việt Nam ơi! Việt Nam!

Ngọn núi nơi anh ngã xuống

Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa

Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn.

Đó cũng là nỗi niềm của hương đại, hương sen.
 

Tác giả: Phùng Văn Khai
Nguồn Văn nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay7,775
  • Tháng hiện tại99,403
  • Tổng lượt truy cập3,200,158
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây