Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Thứ hai - 17/01/2022 14:04

NGƯỜI TÀI HOA CẦN MẪN

Nhân đọc Trường ca Văn đàn bi tráng & Thơ chọn lọc, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021                      

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm quê gốc Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội, định cư ở thành phố Hồ Chí Minh, vừa trình làng cuốn sách khá đồ sộ bìa cứng khổ 16 x 24 dày 524 trang in Trường ca Văn đàn bi tráng &Thơ chọn lọc do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành quý 4 năm 2021. Để nói về sự kiện này, xin được viết một  bài báo nhỏ về anh, một  nhà  giáo, nhà báo, nhà  thơ, nhà biên khảo, nhà lý luận phê bình, nhà tiểu thuyết, nhà dịch thuật

111
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm (1940-2022)
1. 

Nhà thơ của các kỉ lục

Đây là theo tư liệu của tác giả Trần Thanh Bình trong bài viết in ở trang 509 của cuốn sách thứ 24 Trường ca Văn đàn bi tráng & Thơ chọn lọc. Quả thật tôi rất kính nể nhiều nhà trong nhà giáo Nguyễn Vũ Tiềm.

Tác giả Nguyễn Vũ Tiềm đã in 24 đầu sách thuộc nhiều thể loại làm nên tên tuổi Nguyễn Vũ Tiềm nhiều nhà trong một người. Nhiều nhà trong một nhà cũng là một kỉ lục không phải nhà văn nào cũng đạt được.

Anh có tấm bằng “XÁC LẬP KỶ LỤC” VIETNAM RECORDS BOOK CENTRER do Trung tâm sách kỉ lục Việt Nam Vietbooks cấp ngày 5 tháng 2 năm 2007. Kỉ lục này xác nhận tập thơ thủ bút bán đấu giá được 287 triệu đồng tương đương 22 cây vàng. Tập thơ thủ bút của nhiều tác giả mà anh là người có sáng kiến thực hiện. Toàn bộ số tiền dành làm quà Tết  cho các cháu bị chất độc Da cam của thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng theo Trần Thanh Bình thì nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cũng lập các kỉ lục khác đáng ghi vào Gi-nét Việt Nam.

Đó là:

  • Một mùa xuân có thơ in ở 32 tờ Báo Tết, sau in thành một tập riêng có nhan đề Hương giao thừa, nhà xuất bản Văn học, 1995.
  • Cuốn biên khảo Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam được làm trong 10 năm, tập hợp 6000 đơn vị câu thơ của 1333 tác giả dày 1236 trang, in tới lần thứ tư.
  • Trường ca Văn đàn bi tráng gồm 30 chương, dài hơn 3000 câu thơ (Truyện Kiều của Nguyễn Du dài 3254 câu Lục bát), liên quan đến 269 tác giả (từ Văn Cao số 1 đến Ngô Thế Oanh số 269) của  văn thơ  Việt Nam từ Trung đại đến nay, chủ yếu là thơ hiện đại.
  • Người viết bài học toán, luyện toán bằng thơ nhiều nhất.
  • Làm báo có tiền mua đất xây nhà cho cơ quan. Nguyễn Vũ Tiềm là một trong các nhà báo sáng lập tạp chí Thế Giới Mới. Anh sáng lập chuyên san TÀI HOA TRẺ. Chuyên san kinh doanh có lãi đủ tiền cho cơ quan mua đất, xây trụ sở.
  • Tiểu thuyết Bắc cung Hoàng hậu được trả gía bản quyền điện ảnh cao nhất hiện nay.
  • Chúng tôi thấy cần kể thêm một kỉ lục buồn khác là bài thơ Cô giáo em giàu nhất đã khiến cho 4 thầy cô giáo trẻ bị kỉ luật oan, dù cho cơ quan báo có công văn can thiệp (trang 216 Trường ca Văn đàn bi tráng & Thơ chọn lọc).
  • Thêm một kỉ lục khác nữa là tuy số sách in không quá nhiều (24 đầu sách), nhưng lại chiếm kỉ lục về sự đa dạng: Thơ, Thơ cho thiếu nhi, Tiểu thuyết, Tiểu thuyết Lịch sử, Biên khảo, Văn toán kết hợp, Nghiên cứu phê bình, Tiểu luận, Trường ca, Truyện tranh Lịch sử, Bút kí, Dịch thơ… Hiếm có nhà văn nào có được kỉ lục này.

1. 

Tác giả của trường ca độc đáo

Theo tác giả Đỗ Quyên, người theo dõi Trường ca ở Việt Nam, thì chúng ta có 366 tác giả với 866 trường ca và thơ dài. Nhưng lấy đối tượng là văn đàn gồm các nhà văn, nhà thơ để viết một trường ca 30 chương như Nguyễn Vũ Tiềm đã làm thì là trường hợp độc nhất vô nhị.

Về bản trường ca này, đã có 3 bài viết của các tác giả Vân Long, Vũ Nho, Nguyễn Anh Tuấn. Cả ba tác giả đều đánh giá cao công phu và thành công của Nguyễn Vũ Tiềm. Nhà thơ Vân Long nhận định: “Văn đàn bi tráng vẫn phải được coi là một công trình lí luận phê bình độc đáo bằng thơ, tác giả đã tổng hợp được mọi ưu thế có được trên đường học tập và nghiên cứu với nhân cách của một nhà giáo, nhà thơ tài hoa, tính chuyên cần, cẩn trọng của người nghiên cứu, tính công bằng và phát hiện của một nhà phê bình” (trang 178 sách đã dẫn - sđd).

Nhà văn kiêm đạo diễn Điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn thú nhận “Tôi đọc trường ca “Văn đàn bi tráng” của Nguyễn Vũ Tiềm nhiều lần, lần nào cũng phải ngỡ ngàng, thậm chí thấy ngợp trước sự phong phú và kì lạ của nó – cả nội dung lẫn hình thức thể hiện”. Và Nguyễn Anh Tuấn không ngần ngại phong tước hiệu “hiệp sĩ” cho Nguyễn Vũ Tiềm người bảo vệ văn chương đich thực. Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Có thể coi đây là một cuốn văn học sử bằng thơ, giúp người đọc và để chính tác giả suy ngẫm về “Đêm trước đổi mới”, để góp phần “vuốt mắt quá khứ” – một quá khứ vừa có sự tráng lệ hào hùng, vừa có những bi kịch đau đớn – hơn thế, để suy ngẫm về những điều tạo nên cội nguồn văn chương. Nó bi tráng như bản thân tên gọi, ở cách chọn đề tài, ở thế tranh luận, ở tính triết lí và ở thế “hùng tâm” của tác giả với tư cách là một “hiệp sĩ” muốn bảo vệ những gì cần bảo vệ trước hiện trạng “Đểu giả đớn hèn được định vị/ Thiện lương tử tế nhỡ tàu”…” (trang 187 sđd).

Tác giả Vũ Nho đánh giá cao các thủ pháp kĩ thuật và khối kiến thức lớn văn thơ mà Nguyễn Vũ Tiềm đã đọc và nghiền ngẫm để tạo nên trường ca. Đồng thời cố gắng nhận xét trung thực, khách quan: “Văn đàn bi tráng là trường ca riêng về văn học trong đêm trước đổi mới. Có thể nó sẽ gây tranh cãi về việc đánh giá tác phẩm, đánh giá nhân vật, đánh giá cái bi hài, bi tráng, bi thảm… và cả những khúc tráng ca. Nhưng ít nhất nó cũng cho độc giả một cách nhìn, một cách đánh giá, một cách tổng kết của một nhà thơ, một người tâm huyết trong cuộc để cùng trao đổi và suy ngẫm…” (trang 184, sđd).

Chúng tôi tin là các nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình sẽ còn khám phá và xem xét nhiều khía cạnh của bản trường ca đồ sộ và độc đáo này.

1.

Người luôn trăn trở đổi mới thơ mình

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm từng có công trình đồ sộ Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam hơn ngàn trang in. Bản thân tác giả trong quá trình thu lượm các câu thơ tài hoa cổ kim không ngừng trăn trở về thơ.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm không chỉ làm thơ như một nhà thơ bình thường. Anh luôn luôn đau đáu trăn trở tìm tòi “Mật mã thơ” và cố gắng khám phá, giải mã nó cho riêng mình, cho các đồng nghiệp và cho bạn đọc rộng rãi. Anh đã tổng kết những tìm tòi của mình trong hai cuốn sách phê bình có tính lí luận là Đi tìm mật mã thơ (2006) và Tiếp cận mật mã thơ (2019). Bằng kinh nghiệm sáng tác của bản thân, kết hợp với việc suy ngẫm, tìm kiếm, tác giả đã làm công việc của một nhà nghiên cứu. Và anh đã tìm thấy những điều cần tìm.

 Có thể có người tranh luận, bổ sung thêm hoặc phản bác. Nhưng phải thừa nhận sự khổ công của tác giả khi xác lập tứ thơ và cách tiếp cận mới. Tứ thơ đã bao nhiêu nhà thơ, nhà nghiên cứu quan tâm. Đến lượt mình Nguyễn Vũ Tiềm nghiên cứu và khái quát thành hai câu lục bát:

        Túi nhà thơ có ba ngăn

       Tứ - Từ - Tư đủ quanh năm tiêu xài (Tứ - Tứ thơ; Từ - Từ ngữ; Tư - Tư tưởng).

Nghĩa là bài thơ có tứ, được diễn đạt bằng từ ngữ phù hợp và nhất thiết phải có tư tưởng. Tác giả cũng nêu ra 4 hình thức cấu tứ với các ví dụ cụ thể là Cấu tứ Chủ đề, Cảm đề, Định đề, Phản đề (Tiếp cận mật mã thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019, trang 18 -33).

Đóng góp thứ hai của Nguyễn Vũ Tiềm là xác định sự chuyển đổi thi pháp trong thơ Việt. Anh tóm tắt lần chuyển đổi thi pháp từ Thơ luật sang Thơ mới:

    Hệ thi pháp cũ: Niêm luật gò bó, khuôn sáo, ảnh hưởng từ thơ cổ đại Trung Hoa, cái tôi phải giấu kín.

    Hệ thi pháp mới:  Tự do, bay bổng, ảnh hưởng thơ hiện đại châu Âu, cái tôi được mặc sức phô bày.

                         (Tiếp cận mật mã thơ, sđd, trang 169).

Cuộc chuyển đổi thi pháp lần thứ 2:

    Hệ thi pháp cũ: Kể - Tả - Suy luận – Kết thúc đóng (Nghiêng về cổ vũ động viên).

   Hệ thi pháp mới: Nghĩ – Cảm – Suy tưởng – Kết thúc mở (Nghiêng về chia sẻ nỗi niềm - Tiếp cận mật mã thơ, sđd, trang 185).

Tiếp cận được tứ thơ theo lối mới, vận dụng đổi mới thi pháp, Nguyễn Vũ Tiềm cũng thay đổi thơ mình. Anh kiên quyết gạt bỏ lối thơ dễ dãi, xuôi chiều, kết thúc đóng, nghiêng về cổ vũ, động viên để bước vào thế giới thơ hiện đại hơn. Rõ rệt nhất là bắt đầu từ tập Hoài nghi và tin cậy (2004). Và đến năm 2015, tập thơ Minh triết đất đai được giải thưởng của Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đánh dấu sự đổi mới thành công của tác giả.

Trong tập sách Văn đàn bi tráng & Thơ chọn lọc này, tác giả mạnh dạn bỏ đi những bài thơ trung bình hoặc trung bình khá của các tập thơ trước. Chỉ tinh tuyển, giữ lại các bài thơ anh ưng ý. Kèm đó là một số bài bình thơ, bài viết của các tác giả Nguyễn Trường, Vân Long, Vũ Nho, Nguyễn Anh Tuấn,  Ngô Văn Phú, Phạm Đình Ân, Nguyễn Hoàng Sơn, Hoàng Cát, Trần Quốc Toàn, Cao Xuân Sơn, Đỗ Trọng Khơi, Thạch Văn Thân, Lưu Khánh Thơ, Trúc Thông, Vũ Quần Phương, Đặng Huy Giang, Hoàng Nhân, Hùng Tấn, Nguyễn Hoàng Hoa, Bình Nguyên Trang, Lê Thiếu Nhơn, Trần Thanh Bình.

Những bài viết của các tác giả trên giúp người đọc thấy được cái hay nhiều vẻ và cả những chỗ chưa tới của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm.

Tập tinh tuyển về trường ca và thơ này xuất hiện khi nhà thơ đã ngoại bát tuần. Nó minh chứng cho đánh giá của các nhà văn bạn bè và cộng đồng bạn đọc rằng Nguyễn Vũ Tiềm là người tài hoa, cần mẫn!  

 

Tác giả: Vũ Nho
Nguồn Văn nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây