Ưu tiên số một cho đam mê viết

Thứ ba - 28/12/2021 15:33

Gần 30 năm công tác, nhà thơ Vũ Trọng Thái miệt mài viết nhiều thể loại, thơ, bút ký, phóng sự, ghi chép. Nhiều tư liệu cả đời khám phá, tích lũy, hết thời gian công tác, mới ào ạt viết, xuất bản. Trong năm 2021, ông in năm tập sách, trong đó một tập thơ xuất bản ở Hungary.
 

111

Phóng viên (PV): Ông hãy kể về một ngày làm việc mà ông có thể tự hào khi cuối ngày khép lại?

Nhà thơ Vũ Trọng Thái (VTT): Để có thể tự hào khi cuối ngày khép lại là viết được một bài thơ tâm đắc, hoặc kết thúc được dòng chữ cuối cùng của một truyện ngắn mà phải ấp ủ mất bao thời gian. Có một lần tôi viết một truyện ngắn, khi kết thúc thì nhìn đồng hồ đã hơn 5 giờ của sáng sớm ngày hôm sau. 

Tôi luôn ưu tiên số một cho việc viết. Tôi vẫn nói vui khi đến bữa vợ gọi ăn cơm rằng “Khi nào thấy anh ngồi trước máy tính mà mặt cứ “đần” ra thì tự ăn trước đi, đừng gọi gì cả”. Còn riêng thứ bảy và chủ nhật thì ưu tiên hàng đầu là chơi với hai cháu ngoại của mình là cu Bi và bé Na-những nguyên mẫu của nhiều bài thơ trong tập “Bầy sẻ phố Máy Tơ” vừa được xuất bản.

PV: 2021 có thể coi là năm nở rộ của ông khi ông xuất bản tới năm tập sách, ở các thể loại, cho đối tượng khác nhau. Ông đã phải nỗ lực thế nào? 

VTT: Chính tôi cũng không ngờ! Ngoài ba tập thơ xuất bản cùng lúc trong tháng 9/2021: “Bông hồng và chiếc bình cổ” (NXB AB Art-Hungary); tập thơ lục bát “Vọng quê” (NXB Văn học) và tập thơ thiếu nhi vừa kể (NXB Kim Đồng), tập truyện ký “Cánh hải âu giữa trùng dương” (tháng 11/2021) thì vào hiện nay tôi đang chuẩn bị khép lại năm 2021 bằng tập thơ “Đêm trắng” với 36 bài thơ về chủ đề dịch Covid (xuất bản tháng 12/2021), đã được dịch sang tiếng Hàn và đang trong quá trình chuẩn bị xuất bản tại Hàn Quốc.

Tôi có một năng lượng làm việc khá lớn bởi lòng đam mê và cảm xúc của mình. Trong bốn tập thơ xuất bản năm nay thì nhiều bài tôi đã viết từ hơn chục năm trước, nhờ  đi nhiều, khắp 63 tỉnh, thành phố. Mỗi lần đi như thế, tôi luôn tìm hiểu và thu lượm được nhiều thông tin và có nhiều cảm xúc phục vụ cho đam mê viết. Tôi người rất yêu quý trẻ con, lại chịu khó quan sát và thường xuyên chơi với hai đứa cháu của tôi. Nhờ thế mà tôi gần gũi và hiểu được phần nào tâm tính con trẻ để có cùng góc nhìn và suy nghĩ của các cháu. Tôi cũng luôn để sẵn tập giấy nháp và cây bút ngay trên đầu giường, mỗi khi có ý tưởng gì xuất hiện là ghi chép lại ngay cho khỏi quên… Tôi nghĩ với những người viết, ngoài năng lực là thứ trời cho thì đam mê và cảm xúc, chịu đi và chịu đọc là điều không thể thiếu.

PV: Ông thần tượng tác giả văn học nào? Sự ảnh hưởng của tư tưởng tác giả ấy với ông ra sao?

VTT: Thời bọn tôi thì hay thần tượng Paven Coocsaghin của tác giả Nicolai Oxtropxki (Liên Xô cũ). Chuyện thuộc lòng đoạn văn câu nói của Paven thì hầu như hồi đó phần lớn ai cũng thuộc và tôi cũng vậy, nhớ cho đến tận bây giờ, chẳng bao giờ quên được. Hồi ấy, tôi đã tìm mượn sách để đọc xong rồi, nhưng vẫn dành tiền để tìm mua bằng được cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” cho riêng mình, dù thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn nhiều lắm.

Sự giáo dục của thời đó tạo nên một lớp người biết sống theo cách mình vì mọi người; giản dị và thân ái với nhau. Chính nhờ sự giáo dục và ảnh hưởng của tinh thần đó mà tôi đã hình thành và có được tính cách biết sống vì mọi người, có trách nhiệm với công việc và ham thích hoạt động, biết cách tổ chức và kết nối.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà thơ!

Kiều Bích Hậu (thực hiện)
Nguồn Thời Nay

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây