1. Những năm gần đây, khi đã nghỉ hưu, NSND Phan Muôn đã rời căn nhà trên phố Cát Linh về sống tại khu vực ngoại thành Hà Nội. Với người nghệ sĩ đã có hơn 40 năm gắn bó với ca hát, với các chuyến biểu diễn xa nhà, đây có lẽ là khoảng thời gian ông dành cho gia đình nhiều hơn cả. Nơi ở mới rộng rãi, thoáng mát và nhiều cây xanh, thực sự là không gian lý tưởng cho vợ chồng ông vui sống tuổi già. Cuộc sống viên mãn nên trong câu chuyện với tôi, ông không giấu vẻ tự hào, nhất là khi nhắc đến âm nhạc thì ông hào hứng hẳn lên, bao ký ức đẹp đẽ ùa về.
Nghệ sĩ Phan Muôn sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Mẹ của ông rất say mê ca hát và sự say mê đó đã truyền sang người anh cả - nhạc sĩ, ca sĩ Phan Huấn, rồi đến ông. Ông bảo, từ bé, khi nghe những ca khúc cách mạng từ chiếc loa đầu phố, ông đã thầm mơ ước một ngày như các anh, các chị trở thành ca sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Rồi cuối cùng ước mơ ấy cũng thành hiện thực vào năm 1983 sau khi Phan Muôn tốt nghiệp khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Trước đó, khi mới 19 tuổi ông đã cùng Đoàn Nghệ thuật xung kích Tỉnh đội Bắc Giang đến nhiều chiến trường để cổ vũ, động viên các chiến sĩ vượt qua bom đạn kẻ thù, giành thắng lợi.
2. Khi được phong danh hiệu NSND (năm 2019), ca sĩ Phan Muôn khẳng định: “Đài Tiếng nói Việt Nam là “bệ phóng” đưa tiếng hát của tôi đến với công chúng. Nếu không có Đài Tiếng nói Việt Nam thì đã không có Phan Muôn ngày hôm nay”.
Những ngày đầu bước chân vào phòng thu ở số 58 Quán Sứ - trụ sở của Đài, với ông luôn mang một ý nghĩa đặc biệt. Ở đó ông đã thu thanh ca khúc đầu tiên của đời mình - ca khúc “Tình em” của nhạc sĩ Huy Du. Sau khi bài hát được phát sóng, rất nhiều bạn nghe đài từ khắp nơi gửi thư yêu cầu phát lại. Biết được tin ấy, người ca sĩ trẻ vui mừng khôn tả và đó cũng là một lý do mà sau này ông quyết định gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam.
Một ca khúc khác cũng gắn với tên tuổi Phan Muôn mà thế hệ khán, thính giả 5x, 6x, 7x không thể nào quên, đó là “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Riêng với bài hát này, ông có một kỷ niệm đáng nhớ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khi viết bài hát này đã lấy nguồn cảm hứng từ hình ảnh người mẹ ở làng quê Đa Mai (nay thuộc thành phố Bắc Giang) vá áo cho các chiến sĩ trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ. Phan Muôn chính là người con của mảnh đất bên dòng sông Thương ấy, bởi vậy ông đã hát nó bằng trách nhiệm và tình yêu lớn lao với quê hương mình. Cũng trong nỗi niềm ấy, ông đã thể hiện ca khúc “Thành Đông nhớ” do anh trai Phan Huấn sáng tác để tri ân quê mẹ.
NSND Phan Muôn từng đi biểu diễn ở khắp mọi miền Tổ quốc, phục vụ đồng bào chiến sĩ và bà con nhân dân. Ông đã tham gia nhiều chuyến lưu diễn ở nước ngoài như Pháp, Đức, Tây Ban Nha... “Với tôi được mang danh ca sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam là một niềm vinh dự và cũng là trọng trách trên vai. Điều đó nhắc nhở mình phải thể hiện tốt nhất, hay nhất các ca khúc để viết tiếp truyền thống lịch sử của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Đi đến đâu biểu diễn tôi cũng cố gắng lựa chọn những bài hát gắn bó với vùng miền ấy để phục vụ mong mỏi của đông đảo công chúng”, ông trải lòng.
Nhiều nghệ sĩ của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam đều có chung cảm nhận Phan Muôn là người nghiêm túc, trách nhiệm, tận tình với công việc. Trên cương vị Trưởng đoàn Ca nhạc mới, ông luôn khuyến khích, động viên các ca sĩ trẻ thể hiện tình yêu nghề. Có nhiều năm công tác cùng NSND Phan Muôn, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Doãn Nguyên (Trưởng ban Âm nhạc VOV3 - Đài Tiếng nói Việt Nam) chia sẻ: “Nhắc đến Phan Muôn là nhắc đến nghệ sĩ gạo cội hàng đầu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những ca khúc gắn bó với sự nghiệp ca hát của ông hầu hết là những tác phẩm đỉnh cao của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông có chất giọng trầm, hết sức tình cảm, mượt mà, giàu nội lực. Giọng hát ấy một phần là do năng khiếu, một phần lớn nữa là do sự khổ luyện không ngừng. Có lẽ rất lâu nữa Đài Tiếng nói Việt Nam mới có một giọng hát như Phan Muôn”.
Từng hát ở không biết bao nhiêu sân khấu lớn nhỏ ở trong, ngoài nước cũng như phát hành nhiều DVD, CD, nhưng điều mà NSND Phan Muôn luôn canh cánh là ông vẫn chưa có được một đêm nhạc của riêng mình. Hiện tại, ông đang ấp ủ phát hành một CD với những ca khúc do ông sáng tác. Mỗi bài hát đều mang kỷ niệm của ông trong những năm tháng cùng đoàn mang lời ca tiếng hát dâng cho đời. Với ông thì sáng tác ca khúc là một hành trình bất tận của cảm xúc mà ông có thể được thỏa sức sáng tạo trên khuông nhạc, không bị phụ thuộc bởi bất cứ điều gì.
Không chỉ là một ca sĩ thành danh, Phan Muôn còn là người thầy giáo dạy thanh nhạc cho nhiều thế hệ học trò mà đến nay nhiều người trong số họ đã thành công, như NSND Vi Hoa, Trần Lập, Quang Hà, Hoàng Hải, Quỳnh Hoa... Nhìn vào thế hệ ca sĩ tiếp nối thế hệ của ông hát nhạc cách mạng hiện nay, như Đăng Dương, Việt Hoàn, Trọng Tấn, Anh Thơ, Mai Hoa..., ông vô cùng vui mừng nhưng cũng đau đáu trăn trở. Ông bảo, hiện nay, nhiều ca sĩ không còn quá mặn mà với dòng nhạc cách mạng do đây là dòng nhạc phải khổ luyện rất nhiều trong khi “đất diễn” cũng chưa thực sự nhiều, cát xê chưa cao so với mặt bằng chung. Theo ông, xu hướng của thị trường đã đẩy âm nhạc chạy theo hướng giải trí nhiều hơn mà coi nhẹ tính giáo dục, bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ. Và ông hy vọng Đảng, Nhà nước sẽ có chính sách để tạo “luồng gió mới” cho âm nhạc, nhất là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua.
NSND Phan Muôn sinh năm 1955, quê ở thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Ông từng là ca sĩ của Đoàn Nghệ thuật xung kích Tỉnh đội Bắc Giang (1974-1976), từng theo học Thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (1976-1983) và công tác tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1983 đến khi nghỉ hưu trên cương vị Trưởng đoàn Ca nhạc mới. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2001 và danh hiệu NSND năm 2019. Ông cũng được tặng nhiều Huy chương Vàng, Bằng khen, Giấy khen tại nhiều cuộc liên hoan diễn ra ở trong nước và nước ngoài.
Nguồn: http://hanoimoi.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên