Với người say mê, dạy học cũng như viết văn không đơn giản chỉ là nghề kiếm sống. Bởi đối tượng lao động của cả hai nghề đó đều là Con người, là bồi đắp tri thức tâm hồn và nhân cách. Yêu văn tôi bớt khô khan khi dạy toán. Nghề giáo cho tôi tính kĩ càng khi viết văn…
Tôi bước lên bục giảng làm thầy năm 21 tuổi. Thư sinh, nhút nhát, đôi khi còn “thẩn thơ ngơ ngẩn” vì thơ phú, nhưng lại sớm phải chững chạc đạo mạo trước học trò. “Trông ông có tướng mạo giáo chức”, nhận xét của một nhà thơ về tôi có lẽ đã hình thành từ đấy. Ngôi trường tôi dạy học thời trẻ nằm bên sông Đuống, một dòng sông đẹp với làng mạc trù phú bên bờ. Học trò của tôi là con em nông dân ở nông thôn nên thường “già” tuổi hơn học trò thành phố. Nhất là nữ sinh, có em chỉ kém thầy độ 4-5 tuổi. Con gái vùng sông nước rất mềm mại nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ… Thời ấy tôi có nhiều kỉ niệm nho nhỏ vui vui, mấy chục năm tôi vẫn nhớ như in, nay xin kể một chuyện. Có một đồng nghiệp là thầy giáo trẻ, dạy văn, quê ở huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội. Anh mới tốt nghiệp trường sư phạm 10+3 nên rất hay bị học trò “bắt nạt”. Có lần anh kể với tôi: - Em ngủ trưa không biết trò nào cứ viết thư nhét vào dưới gối anh ạ. - Thế em ấy viết gì? Anh bạn lúng túng không trả lời, khuôn mặt đỏ bừng... Hồi ấy ở miền Bắc thầy gọi trò là “em” chứ không gọi là “con” như bây giờ.
Thế đấy, “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”. Chắc thấy thầy giáo mới ra trường hiền lành, người như cục bột, lại có tính cả thẹn nên có trò nữ nào đó đã trêu chọc. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đấy như cơn mưa bóng mây đầu mùa của tuổi trẻ. Tinh nghịch, hồn nhiên, bạo dạn… nhưng không bao giờ vượt qua giới hạn. Với học trò là vậy! Còn với làng xóm, với các bậc cao niên, các cán bộ xã hay phụ huynh… thì chúng tôi luôn nhận được những tình cảm qúi mến tôn trọng. Một điều thầy hai điều thầy dù chúng tôi chỉ đáng tuổi con em họ. Họp hành được xếp ngồi các hàng ghế trên… “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”; “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”; “Mồng 1 tết Cha, mồng 2 tết Mẹ, mồng 3 tết Thầy”… Công lao sinh thành của cha mẹ và tâm sức dưỡng dục của thầy cô luôn được xã hội khắc ghi và gìn giữ. Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp và lâu đời của dân tộc ta. Chung quan niệm ấy, R.Tagor - thi hào Ấn Độ - từng viết đại ý: Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một thầy giáo thì được một thế hệ! Chỉ ít ngày nữa là tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ngày vui của rất nhiều người, trong đó có tôi, một cựu giáo chức.
Nhắc chuyện xưa là để nói chuyện nay. Nhiều niềm vui vì trường lớp bây giờ đẹp hơn, tiện nghi đầy đủ hơn… nhưng cũng lắm nỗi lo và nhiều trăn trở về môi trường sư phạm thời “hiện đại”. Vẫn có rất rất nhiều thầy cô chúng ta đang tận tâm với nghề, nhiều trò ngoan trò giỏi… Nghề dạy học vẫn được xã hội kính trọng tôn vinh và khắc ghi công đức. Nhưng cũng phải nói là đang có rất nhiều phức tạp nhiêu khê, nhiều điều buồn, nhiều hình ảnh méo mó của ngành giáo dục. Báo chí đã nói nhiều tới chuyện thầy cô đánh đập, chửi mắng, thậm chí bắt học trò quì ngay trên lớp. Mới đây, trong một clip học online nghe lẫn cả những câu “mày tao” của cô giáo xưng hô với học trò. Có ngồi bên cạnh cháu học online, tôi mới thông cảm hết cho sự vất vả và dễ cáu kỉnh đến mức không kiềm chế được của các thầy cô khi dạy theo phương pháp này. Đến trường vẫn thấy câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn”, nhưng tình trạng bạo lực học đường hình như càng nhiều hơn, có cả học trò nữ cũng đánh nhau. Lại còn có cả chuyện trò đánh thầy, trò tung lên mạng những hình ảnh tiêu cực, thầy nhắn tin quấy rối nữ sinh, phụ huynh xông vào trường cãi vã... Rồi “phong trào” dạy thêm như một căn bệnh nhờn thuốc, rồi mua bán điểm và gian lận thi cử v.v… Nguyên nhân của tình trạng xuống cấp đau lòng ấy, hầu như ai cũng biết. Đó là sau hai cuộc chiến tranh, để hồi phục và phát triển kinh tế, đất nước cần “mở cửa”. Mở cửa thì có gió tươi nắng mới tràn vào, nhưng bụi bặm ú xuế cũng vào theo. Đặc biệt trong môi trường “thế giới phẳng” thì sự “ùa tràn” càng trở nên dễ dàng. Thông tin đại chúng phát triển cho phép người ta dễ dàng tiếp cận nhiều thông tin cả tích cực lẫn tiêu cực. Nhưng lợi dụng công nghệ người ta cũng dễ dàng tung lên mạng những thông tin bị bóp méo hoặc phóng đại mà chưa được kiểm chứng và không được kiểm soát. Những thông tin ấy tác động xấu đến cái nhìn và tâm lý người nhận. Hậu quả là cũng có người bị “ném đá” oan.
Tất cả những tác nhân ấy diễn ra trong một nền kinh thế thị trường mà sức mạnh ma quỉ của đồng tiền đang ở thế thượng phong. Kinh tế thị trường giúp người giàu ngày một nhiều, có trò tuy đang đi học phổ thông nhưng giàu hơn hẳn thầy cô. Cuộc sống lại mỗi ngày một hối hả, căng thẳng, “tốc độ”… Cuộc sống có thêm nhiều áp lực, nhiều nhu cầu bắt con người phải lựa chọn, phải đánh đổi... Tất cả đều tác động mạnh đến thầy cô học trò và cả phụ huynh, cả môi trường giáo dục, thử thách tính bền vững của những gì tốt đẹp truyền thống. Và nữa: ngân sách giáo dục có hạn, đồng lương viên chức khiêm tốn mà nhà trường thì luôn cần thành tích, thầy cô luôn phải lo cho gia đình, lo thăng tiến, trò muốn học ít nhưng điểm nhiều, phụ huynh thì kì vọng đôi khi quá mức vào con cái. Một thế hệ con cái càng ngày càng trở thành những “cục cưng”, thành của gia bảo quí hiếm hơn vàng bạc. Có một tài liệu nghiên cứu về lớp trẻ - hình như là của Singapore – cho thấy thế hệ thanh niên, thiếu niên thời 4.0 hôm nay nhiều em thiếu lý tưởng, thiếu khát vọng vươn lên, ngại khó ngại khổ…chỉ muốn hưởng thụ(!) Tất nhiên không phải tất cả đều như thế! Ôi trong hoàn cảnh ấy mà bảo dạy học không đơn giản chỉ là nghề kiếm sống chỉ là niềm say mê thánh thiện… thì đúng là thật khó. Vượt lên được còn tùy lòng đam mê và bản lĩnh mỗi cá nhân.
Trách nhiệm làm cho môi trường sư phạm ngày một trong lành sáng tươi tốt đẹp không thể chỉ là của ngành giáo dục, của nhà trường, của các thầy cô và học trò… mà là của toàn dân, của toàn xã hội và của chế độ. “Có bột mới gột nên hồ” và cũng phải có thời gian… VĨ THANH Giữa những ngày đại dịch Covid-19 vừa rồi, một ông bạn nhà văn kể cho tôi nghe câu chuyện nhà ông: như mọi học sinh tiểu học, đứa cháu của ông suốt mùa hè vừa rồi chỉ ở nhà, không được đi du lịch tham quan ở đâu, cũng không đến nhà ai và không mời bạn tới… Một kì nghỉ kéo dài từ sau Tết đến mùa hè. Hết hè vào học online. Cô giáo gửi đề bài “Kể chuyện mùa hè năm nay của em”. Cháu nhờ ông giúp. Ông bảo cháu cứ kể những việc cháu đã làm như gọi điện thăm bố vào Nam chống dịch, chơi cầu lông hoặc nhảy dây trong nhà với mẹ… Cháu thêm: mẹ cháu nghỉ việc ở nhà, ngoài việc kèm cháu học còn làm sữa chua nấu chè cho cháu nữa! Thế là cháu hớn hở say sưa viết “trả bài”. Nhưng bài văn của cháu theo gợi ý của ông và bổ sung của cháu không được cô đánh giá cao. Cô bảo mùa hè là phải về quê thăm ông bà ngoại (mà ông bà ngoại cháu cũng ở thành phố); phải ra vườn nhặt cỏ, bắt sâu… Nghĩa là phải giống như một bài văn mẫu trong sách giáo khoa. Phải làm thế thì mới được điểm cao. Ông bạn nhà văn của tôi lắc đầu ngao ngán… Tôi xa nghề đã lâu nên không hiểu hết các phương pháp dạy học mới. Tôi cũng không phản đối các bài văn toán mẫu. Nhưng tôi nghĩ: dạy học - nhất là với môn văn - cần dành cho các em một khoảng trời sáng tạo riêng nếu không muốn nói hãy để các em “tự do” một chút, nếu không muốn đào tạo con người kiểu lắp ráp robot hay không muốn sau này toàn các nhà văn “đồng phục”. Âu đấy có thể cũng là một vấn đề nữa của giáo dục hôm nay?
Tác giả: Nhà thơ Nguyễn Trác
Nguồn Văn nghệ số 47/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên