Đau khổ là trạng thái đối nghịch với hạnh phúc, những hormone được tiết ra căng thẳng, buồn bã, tiêu cực được gọi là hormone stress, điển hình là: Cortisol, Adrenaline, Norepinephrine. Người ta vẫn có câu: “Thời gian là liều thuốc xoa dịu mọi nỗi đau”. Đau khổ không kéo dài mãi mãi nhưng chắc chắn có cường độ lâu hơn trạng thái hạnh phúc.
Người ta vẫn có câu: “sống không bằng chết”, vậy cần phải đặt ra một vấn đề, liệu cái chết có đem lại hạnh phúc? Thúy Kiều hai lần nhảy sông Tiền Đường, Anna Karenina chấp nhận lao đầu vào xe lửa để chết, ở Nhật Bản có khu rừng Aokigahara ở chân núi Phú Sĩ, mỗi năm có bao nhiêu người đi vào đó và vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Trong vở kịch Người tốt nhà số 5, Lưu Quang Vũ đã đặt ra một vấn đề: có nên giải thoát cho những trường hợp bệnh nhân đến với cái chết nhanh nhất, khi y học đã bó tay và không còn biện pháp cứu chữa? Trong các cuộc chiến tranh, nhiều chiến sĩ vẫn tự kết liễu cuộc đời mình khi bị thương quá nặng. Ở các nước Châu Âu có bộ luật trong y học là Quyền được chết. “Quyền được chết” là một thuật ngữ pháp lý dùng để chỉ về việc lựa chọn của con người cụ thể để tìm đến cái chết một cách tự nguyện nhằm giải thoái khỏi đau khổ, bệnh tật hoặc các lý do khác”. Ở góc độ hẹp hơn, Quyền được chết là một hành vi chọn cái chết của người đang phải chịu sự đau đớn về thể chất hoặc tinh thần kéo dài và không thể chịu đựng được sau một tai nạn hay một bệnh lý không thể cứu chữa, rơi vào tình huống y tế không lối thoát. Khi nỗi đau cứ dày vò, hành hạ thì lựa chọn cái chết giải thoát có tạo ra cảm giác dễ chịu? Rất khó để trả lời được câu hỏi này, vì những nhà nghiên cứu, những bác sĩ đều rất hiếm khi chết đi sống lại để chứng minh nhận định này.
Con người đa phần khao khát được sống, thậm chí trường thọ hoặc bất tử, cái chết được coi là niềm đau khổ. Trong lịch sử loài người, có ba thứ ám ảnh, hành hạ con người: đói nghèo, dịch bệnh và chiến tranh.
Đói nghèo là kẻ thù ghê gớm nhất của con người trong hàng nghìn năm qua. Đã từng có 2,8 triệu người Pháp chết đói từ năm 1692 - 1694. Trong thế kỷ 20, nạn đói đã đeo bám chế độ Trung Hoa, từ triều Hoàng đế đến thời kỳ Đảng Cộng sản, đã có hàng chục triệu người chết đói trong cuộc Đại Nhạy Vọt khốc liệt. Năm 1945, sau chiến tranh thế giới, đã có 2 triệu đồng bào miền Bắc Việt Nam chết đói, do mất mùa, do phát xít Nhật bắt nhân dân nhổ lúa trồng đay để phục vụ cho lợi ích chiến tranh.
Bệnh tật cũng là hiểm họa gây những đau khổ bậc nhất cho con người. Trận dịch hạch Cái Chết Đen từng cướp đi mạng sống của 200 người ở lục địa Á - Âu. Các nhà thám hiểm trên với những chuyến hải trình, ngoài mục đích lớn lao là tìm ra những miền đất mới, nhưng ngược lại cũng châm ngòi cho nhiều cuộc bùng phát dịch bệnh. Dịch Đậu mùa đã từng lây lan dịch ra khắp thế giới đã có 100 triệu người chết, phần lớn là người dân ở những nước thuộc địa. Hiện tại, thế giới đang phải đối mặt với hiểm họa Covid 19, đã có 250 triệu người nhiễm bệnh và 5 triệu người chết trên gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chiến tranh hay còn gọi là “Phá vỡ luật rừng” - nỗi khiếp sợ hàng đầu của con người. Nếu dịch bệnh hay đói nghèo còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố khách quan: thời tiết, nguồn nước, không khí… thì chiến tranh hoàn toàn là chủ quan của con người gây ra. Từ triệu năm trước, những người săn bắt hái lượm vì muốn tranh giành lãnh thổ, đồ ăn đã gây nên chiến tranh giữa nhiều bộ tộc. Đầu thế kỷ 20, hai cuộc chiến tranh thế giới đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện trên toàn thế giới. Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) đã gây ra những thảm họa hết sức nặng nề đối với nhân loại: Khoảng 1,5 tỷ người bị cuốn vào vòng khói lửa, 10 triệu người chết, trên 20 triệu người bị thương, nền kinh tế Châu Âu bị kiệt quệ. Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại với sự tham gia của hơn 30 quốc gia, gây nên cái chết của 70 đến 85 triệu người, với số lượng dân thường tử vong nhiều hơn quân nhân. Thế kỷ 21, ở đâu đó trên thế giới vẫn xuất hiện, cuộc nội chiến ở Trung Đông, Tây Á… nhưng quy mô không lớn. Tuy vậy, thế giới đã xuất hiện chủ nghĩa khủng bố, kinh hoàng nhất là vụ tấn công ngày 11 - 9 tại New York. Al - Qaeda, IS, ISIS - K thi thoảng vẫn gây ra những vụ thảm sát gây rung động thế giới, buộc hệ thống chính trị, quốc phòng an ninh phải luôn trong trạng thái sẵn sàng.
Nạn đói, dịch bệnh và chiến tranh có thể vẫn xảy ra trong tương lai và lại giết chết hàng triệu người. Nhưng những thảm họa đó không phải là không thể tránh khỏi, con người cũng đã kiểm soát được. Điều này đã kéo mức đau khổ của con người xuống một phần nào đó. Nhưng con người có thật sự hạnh phúc? Không, con người vẫn phải đau khổ, vì đau khổ là một phần bản chất của cuộc đời. Những kẻ khủng bố không bao giờ có đủ sức mạnh để phá hủy cả một thành phố, cả một trung đội, xâm lược cả một dân tộc. Nhưng năm 2019, bệnh béo phì, máu mỡ, và các bệnh mà y học bó tay đã giết chết 15 triệu người, trong khi đó những kẻ khủng bố chỉ khoảng 6000 người trên khắp thế giới, hầu hết ở các nước phát triển. Thế kỷ 21, con người thích cho vào miệng: Coca cola, KFC, những thứ đồ ăn nhanh, rượu bia nhưng đó lại là những mối chết người nguy hiểm hơn cả đói nghèo hay IS và Al - Qaeda rất nhiều. Nhiều người chết vì ăn quá nhiều hơn là ăn quá ít, chết vì tự tử hơn là bị giết bởi một đội quân xâm lược, người chết vì ung thư hơn là chết vì hạn hán, thiên tai.
Con người vì lợi lộc nên đã đầu độc nhau bằng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, đồ ăn bẩn, nước bẩn… Rồi lại đầu tư cả “tấn” tiền để phát minh ra thuốc chữa ung thư, tiểu đường mỡ máu… Con người khai thác, chặt phá vô tổ chức rừng, ăn mọi thứ động vật trên đời rồi lại hô hoán nhau bảo vệ môi trường sinh thái, cổ động nhau trồng rừng và chống biến đổi khí hậu.
Hiện nay, con người ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, sống đầy đủ tiện nghi hơn. Vậy tại sao đôi khi con người lại “ước muốn” về những thời cũ, thiếu thốn? Con người tức điên vì tắc đường, bụi bặm, cuộc sống áp lực bon chen, nhiều điều nhiễu nhương, bát nháo, sợ vì ra đường bị tai nạn… Bất kỳ thứ gì đưa lên miệng cũng phải chập chờn câu hỏi: là thật hay giả? Làm từ những nguyên liệu gì? Có gây ung thư hay không? Còn cái thời bao cấp thiếu thốn, ai cũng gầy guộc đói kém, chia nhau từng bò gạo, manh áo: nhưng ăn miếng nào thật miếng đó, ít có người chết vì béo phì, tiểu đường, mỡ máu…
Đau khổ chính là bài học để con người đối xử tử tế hơn với nhau, tử tế hơi với thiên nhiên, với muôn loài vạn vật. Và để tránh cho tương lại bớt đi những thảm kịch có thể xảy ra.
Nguyễn Đức Cầm