Buồn vui nhì nhằng cùng Đồng Đức Bốn

Thứ sáu - 19/11/2021 20:56

Tôi với Đồng Đức Bốn là bạn thơ ở cái thời anh còn chưa thành “nhà”. Những năm tháng ấy chúng tôi có với nhau một số kỷ niệm, nay mới có dịp chia sẻ để tưởng nhớ 15 năm ngày anh về với đất mẹ. Dù là nhì nhằng, thì nó cũng sẽ góp thêm một chút vui buồn vào cái gọi là “hiện tượng Đồng Đức Bốn” một thời chưa xa.

Thoáng gặp Đồng Đức Bốn tôi đã cảm nhận anh có “căn cước lục bát”, bởi tôi nghiệm ra rằng ai có căn cước ấy cũng đều ít nhiều lôm lam, bùi bụi. Bởi lục bát, truy xuất về nguồn gốc, là con của hoa hoang cỏ dại, là cháu của bùn đất lam lũ. Sau này, khi anh đã thành danh, thành “đại gia”, vàng nặng tay túi đầy tiền, thì cái lôm lam, bùi bụi vẫn cứ lộ ra. Với tôi, Bốn là người nhà quê chứ không chân quê, quê kiểng chứ không quê mùa, đúng hơn là “nửa tỉnh nửa quê”.
111

Người nhiều chữ, lịch lãm thì họ không chọn lục bát, hoặc chỉ đá qua cho nó “đậm đà bản sắc dân tộc”. Nguyễn Du là ngoại lệ, bởi ông có mười năm chìm nổi giữa đám trồng dâu, trồng gai thuở tao loạn: “Thôn ca sơ học tang ma ngữ/ Dã khốc thời văn chiến phạt thanh”. Tôi tin là ông tâm đắc với Thanh hiên thi tập, Bắc hành tạp lục, chứ Đoạn trường tân thanh ông chỉ coi là “Lời quê chắp nhặt dông dài”. Còn với Đồng Đức Bốn thì đúng là lục bát chọn anh, hành anh. Nếu có một câu lột tả chân dung tinh thần Bốn thì, theo tôi, đó là “Bụi bay trắng dốc Ngọc Hà/ Có ai thương bụi như là tôi không”. Viết về bụi thì nhiều nhưng “thương bụi” thì có lẽ chỉ có mình nhà thơ “họ Đồng, tên Bốn vốn người xứ Đông” này. Con người Bốn cũng như thơ Bốn “phong trần”, chứ không “phong lưu”, chua cay, đắng đót nhiều hơn đằm thắm, ngọt ngào. Có cái do trời bắt, nhưng có cái anh tự chuốc lấy, hoặc vơ vào.

Tôi với Bốn khá khác nhau về nhiều phương diện, từ tuổi tác, học vấn, vóc dáng lẫn tính cách. Nhưng chúng tôi lại có cái chung là gốc quê ra tỉnh, mà là quê biển “ăn sóng nói gió”, và nhất là cùng trình làng bằng lục bát, men lục bát mà nhô lên, tựa vào lục bát mà làm nên danh phận mình. Chúng tôi có ít nhiều “duyên nợ” với nhau, mà cái “duyên” thì cũng vầy vậy, còn cái “nợ” thì cũng tí ti. Cái duyên là cùng ngồi với nhau trên một “mảnh chiếu” thơ.

Ấy là lần trên báo Nông nghiệp Việt Nam, nhà văn Văn Chinh giới thiệu “ba nhà thơ trẻ từ quê ra tình”, mà anh phóng bút xem là “ba nhà thơ chân quê nhưng đang thuộc hàng hay nhất của cả thơ nông thôn lẫn thơ thành thị”. Ba “nhà” đó là Đồng Đức Bốn, Trần Quang Quý và Phạm Công Trứ. Trong đó, anh viết về Bốn “… giọng thơ phóng túng, tứ thơ luôn có xu thế dứt đứt những ràng buộc tập quán của câu chữ, nên khó chấp nhận. Chẳng hạn, cả bài thơ lại chỉ có một câu: Chiều nay Hồ Tây có giông/ Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm”…

Lần nữa, là ở Ngày Tết đọc năm bài thơ lục bát (trong sách Chân dung và đối thoại) của Trần Đăng Khoa. Trong bài đó, Khoa xếp những năm người khác nhau về tuổi tác, cách biệt nhau về văn nghiệp, văn tài vào cùng một “chiếu”, rồi mượn lục bát để diễu cả lũ cho xôm trò... Với tôi thì Khoa lỡm ra mặt: “… anh cứ đi mãi, đi hút mãi về xứ dân gian. Ở đó anh gặp Nguyễn Bính, và ngay lập tức anh đã bị ông thi sĩ đồng hương này bắt mất hồn!”. Rồi “Đời đã có một Nguyễn Bính rồi. Có nên cần thêm một Nguyễn Bính hạng hai, hạng ba nữa không? Giá không có Nguyễn Bính, có lẽ Phạm Công Trứ đã có một cái chiếu giữa làng văn. Nhưng cái chiếu Trứ đang ngồi vào hiện nay, Nguyễn Bính đã ngả bóng mình xuống đó cách đây nữa thế kỷ. Bởi thế, thơ Trứ có chỗ quả cũng cớm nắng, xanh xao”. Câu này mới chết người “Thiết tưởng, Trứ cũng có thể bắt chước người xưa, ngửa mặt lên trời mà than rằng: Trời đã sinh ra Trứ sao trước đó còn sinh ra Bính?”.

Đồng Đức Bốn cũng chẳng hơn gì, thoạt đầu Khoa cho lên mây xanh “… Anh viết rất nhuần nhuyễn, điêu luyện. Nếu ví thi sĩ như một người thợ kim hoàn mà bậc cao nhất là 7/7, thì Đồng Đức Bốn là ông thợ vàng có tay nghề ở bậc 9/7”. Song “Giời hảo tâm, phóng khoáng trao cho anh đôi tay lão luyện nhà nghề, nhưng lại hại anh, chẳng cho anh một chút nguyên liệu vàng nào… Nhưng nếu cứ bình tĩnh, nhắm mắt lại mà nhìn, và lấy đầu bút khẽ gõ vào toà lâu đài của anh thì thấy chúng không phát ra những âm thanh của kim ngân. Hoá ra đó là thứ vàng mạ. Anh mang đồng, chì, kẽm, và đôi khi, anh vác cả đất sét ra để mạ vàng. Tuy nhiên, mạ được vàng những thứ ấy, đâu phải là dễ”…

Hôm gặp Trần Đăng Khoa tôi trách: “Ông biếm họa chúng tôi, bây giờ đi đâu, gặp ai người ta cũng “Trời đã sinh ra Trứ…”, rất ngượng. Ông độc mồm lắm”. “Con Giời” hì hì mà rằng: “Thì tôi đã so ông với đàn anh Nguyễn Bính rồi còn gì. Viết thế mà gặp tôi, Đồng Đức Bốn còn cám ơn rối rít đấy”. Hồi ấy tôi cứ nghi nghi, bây giờ ngẫm lại, tôi tin Khoa nói thật bởi bên cạnh một Bốn ma mãnh là một Bốn vốn hồn nhiên “chăn trâu đốt lửa”. Có điều là hồi ấy Bốn chưa được trao “y bát”, chứ sau này thì…

Tôi quen Đồng Đức Bốn qua nhà thơ Nguyễn Đăng Luận, thuở Bốn mới có vài chùm thơ đăng báo trung ương, mà tôi thì cũng mới trình làng Lời thề cỏ may. Theo anh Luận thì “Tay người Hải Phòng này bốc lắm, dọa là sẽ làm lu mờ tất cả các nhà thơ, lều thơ Hà Nội”… Lúc này Bốn đang được Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Bế Kiến Quốc… cổ vũ, o bế, nên hăng tiết vịt lắm. Đi đâu cũng ăn nói bạt mạng, đọc thơ ông ổng, tặng thơ vung vít. Ai quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương”, chứ Bốn thì không chờ “tự nhiên hương”, anh mang thơ xông thẳng vào chỗ các cụ Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm để “trân trọng kính tặng, kính biếu”. Ai đó tâm niệm “đời có cùng thì thơ mới hay”, chứ Bốn thì phải giầu thơ mới hay, mới sang, chứ đã nghèo thì chỉ có hèn. Muốn thế thì phải “đánh quả” mà nói theo ngôn ngữ bây giờ là “ba trong một”: “quả thơ”, “quả tiền” và… “quả tình”. Tôi không biết cụ thể công việc của Bốn, chỉ biết rằng anh đi rất nhiều nơi, quan hệ với rất nhiều người. Khi túng kiết thì anh nợ nần như “Chúa Chổm”, có lúc phải chạy nợ, trốn nợ. Khi đã có tiền anh tỏ ra hào phóng (chứ không hào hoa) như một ông hoàng, một đại gia mới nổi.

Vậy mà chỉ một thời gian sau gặp lại anh Luận, hỏi thăm về Bốn thì anh cau mặt bảo: “Cấm cửa rồi! Anh đuổi thẳng. Không chơi. Lưu manh chứ thi sĩ gì”. Thì ra Bốn đã làm Nguyễn Đăng Luận cáu, bởi cái sự ăn nói tục tĩu, bặm trợn…

Dạo ấy, tôi lại đang “cơm bụi nằm bàn” tại Tòa soạn Báo Pháp luật, nằm trong trụ sở Bộ Tư pháp, ở 25 A Cát Linh. Thỉnh thoảng thấy tiếng Bốn gọi giật giọng từ ngoài cổng: “Ông Trứ có đấy không?”. Thấy tôi loẹt quét dép tổ ong ra là anh văng tục ngay, liên hồi “đ... mẹ sao chậm thế”, “đ… mẹ đang “làm quả ban ngày” hay sao mà lâu thế” (!). Đến nỗi có lần tay bảo vệ của cơ quan Bộ, cũng chúa nói tục, phải kêu lên. Y rằng, cứ thấy Bốn ôm cặp lù lù xuất hiện là miệng sặc hơi men, mắt vằn đỏ. Sau khi tự giới thiệu là Bốn từ chỗ nọ chỗ kia đến (không doanh nhân thành đạt, thì cũng nhà văn, nhà báo tên tuổi), là đọc thơ. Vài ba bài mới là “rửa lưỡi”, “thông mạch” thì phải hàng chục, thuần là lục bát. Có bài anh bảo làm ngay trên xích-lô trên đường đi đến. Theo Bốn là vào chơi để “đọc thơ cho nhau nghe”, song rốt cuộc tôi thành thính giả ngồi nghe Bốn “tra tấn” là chính, mà còn phải gật gù khen nữa. Chứ chê là Bốn vằn mắt. Trút hết “bầu thơ” là anh bắt tay lên đường, cũng đột ngột như khi đến…

Trong làng thơ đương đại, Đồng Đức Bốn là một “ca” lạ. Bốn sống khác người, thơ Bốn cũng thế. Người ta tránh bão giông thì Bốn mong giông bão để được “ngồi trên sóng mà không thấy chìm”. Người ta sợ dao búa, thì Bốn thấy “Cánh hoa sắc một lưỡi dao/ Vì yêu tôi cứ cầm vào như không”. Người ta mơ những gái tơ, thì Bốn “Chỉ tơ tưởng gái có chồng”. Người ta ham sống, thì Bốn “Chỉ khao khát chết xem ai thương mình”. Thơ Bốn đầy những hoài nghi, rạn vỡ, bất ổn: “Nghìn năm đi giữa mịt mờ/ Cái gì cũng thấy ngờ ngờ lo lo”; “Tôi tìm cái mất để ngờ/ Cái thương để nhớ cái chờ để tin”; “Nỗi buồn là những vinh quang/ Niềm vui là đám cháy tàn thành tro”“Buồn thì nín để quên đau/ Sướng thì kêu để người sau chết dần”. Bốn có cái ngông ngênh, song đó là cái ngông của “Tôi là vua không có ngai/ Trị một vương quốc chỉ vài mét vuông”. Bốn phiền muộn, nhàu nhĩ, bầm dập, ít nhất cũng là ở trong thơ “Tôi vừa lo được miếng cơm/ Thì mất tí lửa tí rơm gầy lò”; “Bòn mãi được mấy sợi tơ/ Giăng ra bao kẻ đã vơ vào lòng”. Chẳng ai như Bốn bảo “Đời tôi là một nghĩa trang/ Những mô đất cứ xếp hàng thành thơ”.

Ngông ngênh, khinh bạc, song Bốn trong sâu thẳm vẫn động lòng trắc ẩn, dẫu chỉ thoáng qua: “Ngậm ngùi thịt chó bánh đa/ Chiều nay lại thấy bà già xin ăn”; “Chợt đâu có tiếng ca ru/ Nhìn ra lại bác xẩm mù hát rong”. Bốn đi với em, em thật, em ảo đủ cả, đôi khi anh thảng thốt nhớ về làng Moi bên bờ sông Cấm, quê anh, nhớ về bố mẹ. Bố thì “Có bao nhiêu những mơ màng/ Bố tôi trút hết vào hàng nan thưa”. Mẹ thì “Còng lưng gánh chịu gió mưa/ Nát chân tìm cái chửa chưa có gì”. Còn Bốn thì “Tôi là thi sĩ đồng quê/ Dám mang lục bát làm mê cung đình”. Cung đình ở đây theo ám chỉ của Nguyễn Huy Thiệp thì là Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ, Bế Kiến quốc, Nguyễn Duy… những nhà thơ “thời danh”, đang chiếm lĩnh văn đàn lúc ấy.

Gặp lúc ê chề, mệt mỏi trên gió bụi đường đời Bốn thao thiết “Tìm về với mẹ ta thôi/ Kẻo mai chết lại mồ côi dưới mồ”. Về với mẹ tức là về quê, về cội nguồn chất phác, trong trẻo, ân tình. Nhưng cảnh quê, người quê trong thơ Bốn thì “Nhà quê có mấy trai tơ/ Quần bò mũ cối giả vờ sang chơi”; “Lề đường trong những túp lều/ Có cô hàng xén ngồi vêu cả ngày”; “Ngả nghiêng mấy lão thợ cày/ Rượu say vác cả cối chày nện nhau”. Nó đâu có “sáng như trăng đẹp như lụa” như trong thơ Nguyễn Bính.

Lại nhớ sự kiện, nhà thơ Tố Hữu đã “liên tài” viết tặng Bốn mươi chữ kèm với chữ ký, khi anh tặng thơ ông (Nghe nói là anh đã phóng thành khổ lớn những dòng “thủ bút” này cùng với bức ảnh chân dung chụp chung với Tố Hữu thả trùm cửa nhà hát Hải Phòng trong “Đêm thơ Đồng Đức Bốn”). Ở mấy dòng “bút tích” đó, Tố Hữu xem Đồng Đức Bốn như “một tiếng đàn đồng điệu; ngọt ngào và chua xót”. Đúng, thơ Bốn có ngọt ngào và chua xót (mà chua xót nhiều hơn ngọt ngào), phần nào chia sẻ với tác giả Một tiếng đờn có thoáng chút chạnh buồn, mệt mỏi ở tuối xế chiều. Nhưng nếu lại bảo đó là “một tiếng đàn đồng điệu” thì xem ra không phải. “Điệu” của thơ Bốn, về cơ bản, không “đồng” với “điệu” thơ Tố Hữu - lá cờ đầu của thơ ca cách mạng, thậm chí còn trái chiều nữa…

Một điều khó giải thích, là một gã đàn ông mạnh mẽ, vào loại “bợm tình”, trong thơ cũng đầy rẫy em út, tôi lại chưa thấy Bốn cặp bồ với gái trẻ, gái xinh bao giờ, mà “chỉ tơ tưởng gái có chồng”. Sau này, khi Bốn đã nổi tiếng tôi có bảo Nguyễn Đăng Luận: “Sao anh ác cảm với Đồng Đức Bốn thế, chả gì thì Bốn cũng là bạn với Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Huy Thiệp cơ đấy?”. Luận: “Chơi với ai thì chơi, chứ xui người ta bỏ chồng về ở với mình đã có vợ, lại còn được Thiệp tán là bài thơ hay, thì chả lưu manh là gì?”.

Nguyễn Đăng Luận rất ngạc nhiên rằng, một người lành như cỏ may mà lại chơi được với tên “lưu manh” ấy. Đúng là chơi với Đồng Đức Bốn cứ tức anh ách, lắm lúc phải chín bỏ làm mười, nhưng cũng có cái thú: anh không mắc bệnh lý luận, hay chỉ độc một mình một đường cũng tự “đánh võng” như cánh lắm chữ. Thơ Bốn không kết tinh ở kiến văn, sự lịch lãm của sách vở đông tây kim cổ, hay dụng công chơi trò chữ nghĩa, mà ở chỗ ứng xử “tay bo” với đời. Anh có lộng ngôn song không khoe chữ, có đánh đu song không đánh võng, có ma mãnh song chưa đến mức lưu manh. Vừa đỏ mặt tía tai văng tục vì không vừa ý gì đấy lại có thể cho qua ngay, ứng xử tùy thời, miễn là được việc, theo kiểu “đời nó phải thế, trách gì tôi”. Có những cái tức với Bốn, tiếc cho Bốn, nhưng cũng có cái phải thông cảm với anh. Bốn đã trải nhiều cay đắng, sóng gió cuộc đời. Rời thanh niên xung phong thời chiến tranh, anh đã phải làm đủ thứ nghề từ thợ gò, sửa chữa ôtô, đóng gạch... rồi đại diện này khác để kiếm sống và nhất là để… nuôi thơ.

Bốn làm thơ như những tay đánh dậm sừng mỏ ở làng quê xưa, chỉ nhằm những chỗ bờ bụi gai góc cóc cáy mà dấn thân vào, như Nguyễn Huy Thiệp cứ rình chỗ không ai ngờ mà “giăng lưới bắt chim”. Bốn một thân lụi mụi, bì bũng, sùa sẫm, gặp nhiều vấn rác, phân gio, đỉa rả, rắn rết, thậm chí bị mảnh sành, mảnh chai, cứa cho tóe máu. Nhưng chính vào cái lúc tóe máu, nhăn mặt, điếng người ấy là xuất thần, là thăng hoa. Kiểu săn bắt thơ như vậy, thường chỉ con rô con diếc nhì nhằng, song đôi khi cũng được những con “sộp”, cứ tươi roi rói, giãy đành đạch, mà kẻ dụng công nắn nót cả đời có khi chưa một lần chộp được. Thì đấy “Chốc nữa thế nào cũng giông/ Sang đò tôi đến giữa đồng là mưa”; “Chẳng mong thì bão cũng đi/ Chẳng chờ thì nắng đương thì vẫn sang”; “Xong rồi chẳng biết đi đâu/ Xích lô bà Triệu ra cầu Chương Dương”; “Mẹ không còn nữa để gầy/ Gió không còn nữa để say tóc buồn”; “Anh tặng em quả chuông chùa/ Khi ba tiếng mở thì mưa bỗng rào”… Bên cạnh những câu “để đời” đó, lại không thiếu những câu “chưa sạch nước cản”, huyên thiên “đầu Ngô mình Sở”, thậm chí buồn cười “Ăn mày thì phải lang thang/ Quần manh áo mảnh rộn ràng khắp nơi/ Chân đạp đất đầu đội trời/ Ở đâu không có con người thì đi”; “Tưởng rằng gió đến xôn xao/ Không ngờ hai chú cào cào đánh nhau”...

Đời Bốn “động”, thơ Bốn cũng động, gây ấn tượng mạnh mà ít “đọng”. Bốn nhiều tâm sự, nhưng hình như “sự” nặng hơn “tâm”. Bốn không phải loại thi sĩ “hướng nội” ngồi một chỗ đào sâu vào lòng mình, chưng cất tâm hồn mình thành thơ, mà phải đi mới có thơ, va chạm với đời mới bật ra thơ, tóe ra thơ. Thơ Bốn thời đầu song hành với cái gọi là “đại diện thương mại”. Tôi ngờ rằng, những địa danh đầy dẫy trong thơ Bốn như Cát Cụt, Cát dài, Cầu Tre, cầu Đất, Quán Toan… hay phố Huế, Bà Triệu, Chương Dương, ngõ Cấm Chỉ, ngõ Tạm Thương, Ô chợ Dừa… rồi phố Nối, Vinh, Huế, Bà Kẹo, Đà Lạt… đã đi vào thơ Bốn khi đang trên đường hành nghề, như một kiểu “đường thi” (không phải thơ ở đời Đường, bên Tàu).

Đến đây, tôi lại thêm một hình dung, thi nhân kiêm kẻ “đánh quả” là Bốn đó, cứ lim rim, lắc lư, lẩm rẩm trên xích lô, hay taxi, rồi bỗng nhiên xe xóc giật nảy người khiến anh choàng tỉnh, mắt lóe sáng như một con đồng, hay con nghiện lên cơn. Ấy là khi anh cho ra đời những câu lục bát ấn tượng nằm giữa cái khoảng “mơ” và “tỉnh” (nghĩa đen là “ngủ gật”), mà các nhà có lý luận gọi là giữa “ý thức” và “vô thức”. Những “chợ Thương”, “chợ Mơ”, “chợ Buồn”, “chợ Tình” cứ trộn lẫn, đồng hiện với những “chợ Người”, nơi ra giá, mặc cả “chín xu đổi lấy một hào”, “cầm lòng bán cái vàng đi” là như vậy.

Người xưa có câu “cao nhân tất hữu cao nhân trị”, ngẫm ra chỉ có đúng. Bốn được Nguyễn Huy Thiệp, một tài năng truyện ngắn được xem như “vô đối” cho lên mây xanh, thì dưới mắt Nguyễn Đăng Luận - một người làm thơ không mấy tên tuổi, thì lại như một tên “lưu manh”. Tiến sĩ Đoàn Hương xem Bốn là “người mê sảng, lên đồng, bị thơ nhập, trời hành và ban cho ân huệ. Thơ với Đồng Đức Bốn chính là nước mắt, là muối, là máu của cuộc đời” thì dưới mắt nhà phê bình Nguyễn Hòa “Phải chăng sự dông dài của những câu thơ “rỗng ruột” là một trong những đặc điểm làm nên phong cách thơ Đồng Đức Bốn, và nếu trên đời có cái gọi là “y bát thơ lục bát” thì dường như nó đã bị trao nhầm chỗ”. Cái người “thị tài” là Nguyễn Huy Thiệp “mục hạ vô nhân”, ấy vậy mà dưới mắt Bốn thì cái tài cũng vầy vậy thôi. Bốn từng khoe với tôi rằng Nguyễn Huy Thiệp viết khó khăn lắm. Trước khi ngồi vào bàn thường bày hàng ôm sách trước mặt, cả sách ta lẫn sách Tàu, để tham khảo hay lấy cảm hứng gì đấy. Còn Bốn chẳng sách vở gì sất, chỉ “tay bo”, lúc hứng lên cứ tù tì hết bài này đến bài khác, thuần sáu tám, khiến Thiệp… chết khiếp!

Tôi phần nào tin lời Bốn, vì anh đã từng có thời “lưu trú” trong nhà Thiệp. Nhưng có lẽ do cái viết nhanh, như lên đồng ấy, được Nguyễn Huy Thiệp nức nở khen là loại lục bát “đốn ngộ” (tức là viết bằng bản năng chứ không viết bằng trí năng) mà thơ anh chỉ hay ở đơn vị câu, còn toàn bài thì thường là xộc xệch. Không thấy ở thơ Bốn lóe lên tí ti “thi triết” nào, dù là triết lý vặt, triết lý đời thường. Nếu nhìn kỹ thì ngay với hai bài được cho là tuyệt bút, toàn bích của Bốn là Chăn trâu đốt lửa và Vào chùa cũng có điều chưa thật ổn.

Tôi có lần bảo với Bốn rằng, cái tứ “đốt lửa” thì dân gian đã từng nói rồi, mà xem ra ý tưởng còn kinh hơn “Ngồi buồn đốt một đống rơm… Khói lên đến tận Thiên tào/ Ngọc Hoàng phán hỏi đứa nào đốt rơm”Chăn trâu đốt lửa chỉ thành độc bản và bản quyền mang tên Đồng Đức Bốn, là do ông có giây phút thả hồn về lại cánh đồng thuở “chăn trâu cắt cỏ”, trải một ít rơm rạ, vùi một củ khoai, châm một mồi lửa, và nhất là “mải mê đuổi một con diều”… số phận. Như thế cũng là bắt được của giời rồi. Người kỹ tính có thể bảo rằng, đã rạ rơm ít, gió đông nhiều thì củ khoai nướng phải sống sít chứ sao có thể cháy thành tro? Hay nhà sư chứ có phải thầy mo, thầy cúng đâu mà ban cho khách vãng lai bùa ngải? Hoặc nữa, chỉ có bốn câu thơ ở bài Vào chùa mà chữ “đi” lặp lại đến hai lần, là điệp chữ điệp vần thì không thể gọi là toàn bích.

Vào đầu những năm 90, Bốn xuất hiện ở Toàn soạn báo tôi, mắt thì đỏ hoe, râu ria lởm chởm. Thì ra anh đang có chuyện đau buồn. Con trai anh đang ở độ tuổi thanh niên chẳng hiểu vì sao mà lại kéo bè kéo cánh đi “xin tiền” người ta. Run rủi thế nào, lần này bị người ta chống trả quyết liệt, quá đà dẫn đến chết người. Biết tôi từng dạy luật, làm Báo Pháp luật, anh muốn tôi lên tiếng “để cháu nó khỏi… chết oan”. Nghe anh trình bày tôi rất thương cảm, nhưng nghĩ đây là một “ca” phức tạp, có thể là “lỗi hỗn hợp”, báo chí khó vào cuộc ngay. Tôi chỉ biết an ủi động viên và bảo anh nên thuê luật sư, nếu cần tôi sẽ giới thiệu cho. Nhưng rồi sau đó vụ án giải quyết thế nào không rõ. Còn nhớ hôm ấy, chỉ mấy phút sau sụt sịt là Bốn lại ông ổng đọc thơ. Nhìn Bốn mắt lim dim, tay vung vẩy, thả hồn vào lục bát, tôi thầm nghĩ: thế mới là Đồng Đức Bốn! Sau này đọc thơ Bốn thấy “Bây giờ vợ theo người ta/ Con giờ ở bãi tha ma một mình”. Vợ theo người ta là anh “ăn gian”, “tố điêu” lên, song con nằm bãi tha ma thì đúng thế.

Cái gọi là “nợ” tí ti nói phần đầu bài, chỉ là chuyện vặt song nó lại cũng rất Đồng Đức Bốn. Lần ấy, biết tôi “cơm bụi nằm bàn” nghèo kiết xác nên Bốn nói chỉ “giật tạm” một ít vì có việc cần, rất cần. Cầm tiền rồi, Bốn hể hả bảo tôi lấy xe máy lai Bốn đi. Đi đâu? Cứ đi khắc rõ! Giữ đường Bốn ra hiệu tôi dừng xe trước một quán ăn để mua một cái giò lụa. Mua giò làm gì? Thì có việc! Loanh quanh theo tay Bốn chỉ, xe dừng ở trước khu tập thể báo Văn nghệ nằm bên hồ Ngọc Khánh. Tôi theo Bốn leo lên căn hộ mới được phân của vợ chồng Bế Kiến Quốc - Đỗ Bạch Mai. Nhà thơ Bế Kiến Quốc lúc đó đang phụ trách trang thơ của báo Văn nghệ. Vừa qua cửa Bốn đã giơ cái giò lên, giọng trịnh trọng: “Chào hai bác, Bốn đến chơi “chả có cái gì, chỉ có cái giò”, hai bác thông cảm”. Chuyện rất gấp, đi rồi sẽ biết, thì ra là vậy. Rõ ràng là tiền của Phạm Công Trứ, song chủ nhà lại cảm ơn Đồng Đức Bốn!

Chuyện thơ phú cũng gián đoạn khi tôi có thời sang Tây nghiên cứu luật học, rồi cơ quan báo tôi chuyển địa điểm. Biết là tiếng tăm Bốn nổi như cồn, nhất là sau khi Nguyễn Huy Thiệp dành cho “những lời có cánh”, vậy mà anh lại trầy trợt vào Hội nhà văn. Có dịp gặp Bốn tôi an ủi: “Thơ ông thì không ai phủ nhận được rồi, trục trặc chắc là do mấy cái chuyện scandal ông gây ra chứ gì. Nghe nói có lần ông đã đến cổng Hội làm ầm lên, còn dọa viết đơn kiện BCH Hội nữa cơ mà”. Bốn vằn mắt, giọng đầy cay cú: “Hội đồng chuột, có mắt mà như mù. Thơ Bốn nổi tiếng toàn thế giới. Cỡ No-ben. Thử hỏi thời nay tìm đâu ra “chăn trâu đốt lửa”, “ăn mày vào chùa”...”. Biết chạm đến nỗi đau mấy lần trượt Hội của Bốn, tôi đành đánh bài lảng “cho nó lành”. Nói Bốn “đau” vì anh đi đâu cũng oang oang tự giới thiệu “Tôi Đồng Đức Bốn, nhà thơ” mà nếu chưa là hội viên, tức là chưa “chính danh”, thì có khác nào bảo Bốn ăn gian, tự cơi nới mình.

Đồng Đức Bốn bị bạo bệnh thì làng văn ai cũng biết, miệng Bốn, thơ Bốn đã sớm lên tiếng “Sừng tê giác cổ linh chi/ Thuốc men nào có thiếu gì nữa đâu”. Thời anh chữa bệnh, trú ở nhà nghỉ (hay khách sạn?) Hoa Hồng, đường Đào Duy Anh, biết tin tôi có đến thăm. Tối ấy có mặt cả Nguyễn Huy Thiệp. Thiệp đang lúi húi, hý hoáy gì đó, rồi anh thở dài bảo “không thành”. Thì ra anh ký họa bạn. Bốn người khô gầy, dáng mệt mỏi, giọng khàn khàn thì đang ăn bún chanh mắm. Vừa ăn Bốn vừa giải thích: “Rất lạ, cái bệnh này nó lại thích mùi mắm tôm, ông ạ”. Người nhà Bốn có đến dăm người, phần nhiều là đàn bà con gái vây quanh, động viên anh ăn uống, khiến tôi rất cảm động. Lúc này tôi không thấy bóng dáng “đại gia” quen thói “bốc rời” nơi Bốn, mà chỉ thấy một ông già lành hiền, ốm yếu như bao người bố, người ông khác. Thì ngoài “cái lộc thơ” trời cho, như Bốn tự nhận, anh còn có cái lộc con cháu, lộc bạn, lộc tiền đấy chứ. Để làm dịu không khí bệnh tật, tôi bảo: “Ngày nào ông với chúng tôi khá thân thiết, kể từ khi ông thành “vị cứu tinh của thơ lục bát”, nhận “y bát” người ta trao, thì ông coi chúng tôi như cỏ rác, có khác nào AQ coi khinh cu D trong văn Lỗ Tấn”. Chẳng biết Bốn đã đọc AQ chính truyện chưa, nếu như mọi khi thì anh đã vằn mắt, song lần này chỉ thấy “hừ hừ” trong cuống họng ra ý “thôi đi cho”. Ấy cũng là lần cuối cùng tôi gặp Đồng Đức Bốn.

Đúng ra, tôi còn lần nữa gặp Bốn tại sân Văn Miếu vào ngày thơ Việt Nam, tháng giêng Bính Tuất, 2006. Đồng thi sĩ ngự trên một “cây thơ” đầu trọc lốc, áo vàng, mắt nhìn đầy xa vắng. Bên cạnh là chồng tuyển thơ hoành tráng Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc. Chẳng phải tôi, mà bất cứ ai đi qua cây thơ này cũng phải sững lại, sờ vào tuyển tập thơ với rưng rưng xa xót. Vắng ông, làng lục bát vốn đang thất thế trước những “tân hiện đại”, “hậu hiện đại” sẽ càng thêm đìu hiu. Sau ông chẳng biết có còn ai “chăn trâu đốt lửa” khói um cả cánh đồng lục bát, khiến nhiều kẻ cay mắt, hắt hơi sổ mũi nữa không? Ông, cái người kiêu căng, khẩu khí vào hàng bậc nhất làng thơ Việt, với những câu cuồng thi “Nay ta bảo cho các người/ Ta đến chỉ ở với người không lâu”, rồi “Suốt đời sống trên ngọn gai/ Chỉ khao khát chết xem ai thương mình?”; hay “Nay tôi về với trăng sao/ Xin trời một trận mưa rào đón tôi” là đây ư? Là như vậy ư?

***

Đến đây chắc có ai đó sẽ chau mày, nhăn mặt mà rằng: cứ cà kê dê ngỗng nhì nhằng mãi cái điều “biết rồi, khổ lắm…”. Ý ông thế nào khi Nguyễn Huy Thiệp gọi Đồng Đức Bốn là “vị cứu tinh của thơ lục bát” là người được Nguyễn Bính trao “y bát”? Không thể không đồng ý với Nguyễn Huy Thiệp rằng: “Thơ đồng Đức Bốn cũng hay”. Còn hay như thế nào thì đành phải nhờ chàng Kim trong Truyện Kiều đỡ cho “Rằng hay thì thực là hay…”. Ở thế giới bên kia, các cụ Nguyễn Du, Nguyễn Bính…, những “truyền nhân lục bát” tài danh, đáng kính, có tổ chức “hội thảo” nhất trí trao “y bát” cho đệ tử họ Đồng hay không, và nếu có thì nghi thức diễn ra như thế nào, có sự chứng kiến của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Đăng Luận không, thì người trần mắt thịt như người viết bài này “bất khả tri” nên cũng “bất khả tư nghị”. Còn cao vọng “Viết câu thơ để sống nghìn năm sau” của nhà thơ họ Đồng có ứng nghiệm không thì có mà… giời biết! Đại thi hào Nguyễn Du cũng chỉ dám nghĩ “ba trăm năm sau” mà còn hoài nghi “thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” đó thôi!

 

Tác giả: Phạm Công Trứ
Nguồn Văn nghệ số 46/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây