Thăm rừng Trà Sư
Thứ tư - 24/11/2021 15:59
Trong một lần đi thăm thú, thực tế tại một số tỉnh miền Tây đồng bằng sông Cửu Long, tôi được đến nhiều nơi, trong đó có một số điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang. Buổi sáng hôm ấy đoàn chúng tôi xuất phát từ thành phố Rạch Giá của tỉnh Kiên Giang, sau khoảng 3 giờ chạy xe ô tô, đến hơn 10 giờ sáng, lần đầu tiên tôi được đặt chân xuống khu dịch vụ hành chính thuộc rừng tràm Trà Sư, một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang.
Đập vào mắt tôi chưa phải là rừng tràm, mà là những đoàn người vui vẻ nói, cười, trong nước có, khách ngoài nước có, họ đang nối nhau, tấp nập vào, ra điểm du lịch này. Tôi thầm nghĩ vùng đất này chắc phải có gì hấp dẫn đặc biệt mới thu hút được đông đảo khách đến thăm quan như vậy. Tranh thủ lúc đoàn làm thủ tục để thăm quan khu rừng, tôi đọc nhanh trên mấy bảng thông báo treo gần cửa ra vào, được biết: Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư được thành lập theo Quyết định số 1530/QĐ-CTUB ngày 27.5.2005 của UBND tỉnh An Giang, vị trí khu rừng tại ấp Trà Văn, xã Trà Giáo, huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang. Khu rừng có diện tích 835 ha, gồm 3 phân khu chức năng là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt,phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành chính. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu của vùng tây sông Hậu, là nơi sinh sống của 140 loài thực vật, 70 loài chin, cò, 11 loài thú, 22 loài bò sát, 5 loài ếch nhái, 25 loài cá. Thời điểm chúng tôi đến thăm tuy chưa phải là mùa nước nổi song rừng tràm Trà Sư vẫn đẹp long lanh trong mắt du khách, bởi nơi đây trời trong xanh, không khí mát lành thoang thoảng mùi hương tràm, nhất là màu xanh ngút ngát, trải dài tưởng như vô tận của lá tràm đã làm dịu đi cái nắng, nóng của vùng biên giới phía tây nam của Tổ quốc, nơi mà cách đây khoảng 40 năm về trước dân ta đã từng chịu nhiều thương đau khi quân tây Pôn Pốt tràn sang cướp bóc, bắn giết dân thường một cách man rợ.
Theo sắp xếp của ban tổ chức khu du lịch, đoàn chúng tôi 10 người xuống một chiếc xuồng máy, người địa phương gọi là tắc ráng để bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu khám phá vẻ đẹp của rừng Trà Sư. Chiếc xuồng nổ máy, chạy dọc theo lòng kênh nhỏ, hai bên bờ là những rặng tràm, được trồng thẳng hàng, thân cây cao vút nhưng cành lá vẫn xum xuê, nhiều chỗ tán lá tràm khép lại, che kín một khoảng trời, ngăn lại những tia nắng vàng khỏi bị rơi xuống nước. Thi thoảng xuồng chạy ngang qua bãi sen, qua những vạt bào tây xanh mướt, du khách thỏa thích ngắm nhìn từng bầy bìm bịp, con sít đen sì, con le le nhảy nhót, bơi lội đuổi theo nhau vui đùa và kiếm mồi. Tới một bến đò nhỏ trong rừng, đoàn chúng tôi rời xuồng máy, lên bờ rồi được chuyển sang những chiếc xuồng ba lá mộc mạc, đang nằm gếch mũi lên bờ đợi khách. Ở đó những cô thôn nữ trẻ trung bận bộ đồ quần đen, áo bà ba màu xanh ôm sát lấy thân người tròn lẳn, cổ quàng khăn rằn duyên dáng, trên đầu nón trắng nghiêng che cũng đang chờ đợi chúng tôi. Khi du khách đã ngồi yên vị dưới xuồng, thôn nữ hai tay nhịp nhàng, thăn thoắt khua mái chéo, đưa đoàn chúng tôi vào khu vực đẹp nhất của rừng tràm Trà Sư. Sắp tới vườn chim, cô thôn nữ khua chậm mái chèo, chiếc xuồng dần chậm lại, từ từ rẽ sóng, theo lời hướng dẫn, du khách chúng tôi ngước mắt nhìn lên cao, để ý một chút, tôi thấy ngọn cây nào cũng có vẻ hơi xơ xác, cành cây oằn xuống vì phải cõng đến hàng chục con chim lớn, nhỏ. Thấy có tiếng người, đàn chim đồng loạt vỗ cánh bay đi. Du khách mải mê, thích thú ngắm nhìn hàng vạn cánh cò trở nắng, lấp lánh, chấp chới bay trên bầu trời. Một cảnh tượng khác khá đẹp mắt đầy yêu thương đập vào mắt chúng tôi ấy là trên rất nhiều tổ chim là những chú chim non rướn cao cổ, há to miệng để chim mẹ mớm cho thức ăn.
Sau ít giờ của hành trình tìm hiểu, khám phá rừng Trà Sư được ví như người vừa cưỡi ngựa, vừa xem hoa song tôi đã được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp của khu rừng, mang lại cho tôi sự khoan khoái đến dễ chịu, bao nhiêu nóng bức, mệt nhọc trong người giường như tan biến hết, nhường chỗ cho tâm trí thảnh thơi, khung cảnh thanh bình với con xuồng nhỏ nhẹ nhẹ trôi trên nước, giữa ngút ngàn cây lá xanh tươi và những cánh chim bay lượn trên bầu trời rừng tràm Trà Sư.
Nguyễn Đản