“Ông không phải là bố tôi” - vở kịch đánh thức lương tri

Thứ ba - 21/12/2021 09:14
Tối 18/12, Nhà hát Tuổi trẻ đã ra mắt công chúng vở diễn “Ông không phải là bố tôi” của nhà viết kịch đại tài Lưu Quang Vũ, dưới bàn tay dàn dựng của NSƯT Sĩ Tiến.
 
111
Phân đoạn nhân vật Lại Văn Ủng khi về già đau đớn, giằng xé vì bị con trai ruồng bỏ
“Ông không phải là bố tôi” là câu chuyện đau đớn, mâu thuẫn của gia đình ông Lại Văn Ủng, vì sự nghiệp Cách mạng cao cả đã phải thay tên đổi họ. Bi kịch xảy ra khi cấp trên của ông Ủng biết được lai lịch của người bố vợ ông, vì sợ liên lụy tới sự nghiệp, ông Ủng đã ruồng rẫy vợ con, chối bỏ quá khứ… Đến lúc về hưu, không có ai để nương tựa, ông Ủng lại trở về tìm người thân, nhưng ông không ngờ rằng vợ ông đã mất và trong lòng người con cả Nguyễn Mạnh Thiết đã nuôi dưỡng sự căm hờn với bố mình. Từ đó mở ra những mâu thuẫn vì chối bỏ tình phụ tử, tranh chấp nhà cửa và quả báo cho lối sống bất nhân, bất nghĩa…

“Ông không phải là bố tôi” được ra đời năm 1988, nhưng dường như vở kịch đã sống “xuyên thời gian”, phản ánh mối quan hệ căn cốt trong gia đình, đặc biệt trong xã hội đương đại. Con người vì chức tước, lợi lộc mà sẵn sàng ruồng rẫy, chối bỏ đi tình huyết nhục của mình. Người con lợi dụng bố để được lên chức, nhưng cũng sẵn sàng đuổi bố ra đường khi biết bố đã “về vườn” không còn giá trị. Người bố cũng sẵn sàng bán nhà của con trai mình chỉ vì thú vui “trai gái” nhố nhăng. Kịch Lưu Quang Vũ luôn đánh thức lương tri con người…
111
Gia đình ông Ủng khi đầm ấm, hạnh phúc
Là vở kịch đầy rẫy những đau đớn, phê phán mạnh mẽ về lối sống vô đạo đức của con người, nhưng Lưu Quang Vũ vẫn gửi vào đó niềm tin vào những người tốt, những giá trị cốt lõi trong gia đình. Nguyễn Mạnh Tân - người cháu đích tôn ông Ủng, không chấp nhận sống trong cảnh giả dối - bố và ông nội cứ chà đạp nhau, Tân đã thức tỉnh ông nội và bố mình nhận ra những giá trị tình cảm thiêng liêng của con người…
111
Ông Ủng đau đớn khi ruồng bỏ vợ con đã ôm chiếc dây thừng trong tay gợi nhiều liên tưởng
Dưới bàn tay dàn dựng của NSƯT Sĩ Tiến và ê kíp Nhà hát Tuổi trẻ, kịch bản đã được chỉnh sửa đôi chút cho phù hợp với cách thưởng thức của công chúng đương đại. Vở diễn là sự đan xen giữa quá khứ ấu trĩ và thực tại đau đớn mâu thuẫn, hiện tại - mở đầu là phiên tòa phân xử quan hệ huyết thống, còn quá khứ là cậu bé Nguyễn Mạnh Thiết, 13 tuổi theo mẹ đi thăm cha đầy buồn tủi… Chi tiết ba chiếc ghế ở chính giữa sân khấu mang nhiều biểu tượng: biểu tượng của pháp luật, biểu tượng giữa ba thế hệ trong một gia đình. Còn sợi dây thừng gợi về tuổi thơ êm đềm của Nguyễn Mạnh Thiết, nhưng cũng gợi về cuộc đời ông Ủng bị buộc chặt vào những đau đớn do chính ông tạo ra…
 
111
Người cháu đích tôn Nguyễn Mạnh Tân đã đánh thức lương tri của bố và ông nội mình
Vở kịch “Ông không phải là bố tôi” đã quy tụ dàn diễn viên quen thuộc với công chúng yêu kịch của Nhà hát Tuổi trẻ: Thanh Dương, Thanh Bình, Thanh Sơn, Hoa Thúy, Chí Huy, Quang Ánh, Thu Trang… Là vở chính kịch, đa phần khiến khán giả phải “bần thần” soi chiếu những mảng tối trong lòng mỗi người, nhưng cũng không thiếu những đoạn thoại và chi tiết gây hài…

Do tình hình dịch bệnh Covid vẫn còn diễn biến phức tạp, Nhà hát Tuổi trẻ chỉ bán 30% số vé, khán giả vào rạp phải có thẻ xanh chứng nhận đã tiêm hai mũi vaccine, khai báo y tế, sát khuẩn và đảm bảo giãn cách khi xem kịch… 

Nguyễn Đức Cầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây