Tìm mộ Hồ Xuân Hương như mò kim đáy biển. Năm 1822 khi nữ sĩ qua đời mộ chôn ở nghĩa địa Phủ Tây Hồ, làng Nghi Tàm. Năm 1842 họ hàng của ông Trần Phúc Hiển đã di hài cốt nữ sĩ về quê chồng ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Năm 1850 lăng mộ nữ sĩ được xây khang trang dấu tên đổi họ thành Huỳnh Hoàn Nhân, mộ vô chủ, nay thuộc phường An Sơn TP Tam Kỳ. Đó là bí ẩn cuối cùng bí ẩn thứ 9 được giải mã trong tác phẩm “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” của tác giả Nghiêm Thị Hằng.
Phần 4 của tác phẩm: Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”, tác giả Nghiêm Thị Hằng kể về hành trình tìm mộ Hồ Xuân Hương và ông Trần Phúc Hiển.
Thông tin về phần mộ ban đầu của Hồ Xuân Hương được xác định theo bài thơ “Long Biên trúc tri từ” của Tùng Thiện Vương viết đầu thu năm 1842, sau 20 năm nữ sĩ qua đời. Bài thơ chỉ dấu, mộ nàng thơ được chôn ở ven Hồ Tây.
Năm 2003 con cháu họ Hồ có cuộc đi tìm mộ nữ sĩ lần thứ nhất, với sơ đồ vẽ phần mộ thuộc nghĩa địa Đồng Táo đã chìm trong sóng nước Hồ Tây. Việc tìm mộ thất lạc thiếu thông tin trên cạn đã khó, tìm mộ chìm dưới sóng nước Hồ Tây, chẳng khác gì “mò kim đáy biển”. Cả 3 lần con tàu của họ Hồ ra giữa Hồ Tây tìm mộ nữ sĩ đều trục trặc, khi thì tàu hỏng máy, khi thì mưa giông gió lớn, cản ngăn. Là người đã có kinh nghiệm đi tìm mộ, thường mưa thuận gió hòa, thuận âm thuận dương, có người đưa đường chỉ lối, sự trục trặc trên, dường như nữ sĩ đã ngăn cản, chỉ dẫn mộ nàng thơ không ở nghĩa địa Đồng Táo.
Theo thông tin của những người có khả năng đặc biệt chỉ dẫn, thì mộ nữ sĩ được chôn tại nghĩa địa phủ Tây Hồ, trước mé nước phủ Tây Hồ hiện nay ra hồ khoảng 100m, đây là nơi chôn những người danh tiếng của triều đình và trong xã hội. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương dạy học ở làng Nghi Tàm, là nhà thơ nổi, bà được dân làng chôn ở nghĩa địa Phủ Tây Hồ cùng những người danh tiếng.
Dường như có sự kết nối vô hình giữa tâm linh và người đi tìm mộ (nhà báo Nghiêm Thị Hằng) đã có những thông tin hữu ích. Theo tử vi thì phần mộ nữ sĩ không nằm ở dưới hồngập nước vì cuối năm 1842 khi bài thơ “Long Biên trúc tri từ” xuất hiện, người họ hàng của ông Trần Phúc Hiển đã đưa mộ nàng thơ về quê chồng yên nghỉ.
Vậy quê chồng nàng thơ ở đâu? Tác giả đã giải mã được bí ẩn, ông Trần Phúc Hiển có biệt hiệu là Mai Sơn Phủ, từ đây cánh cửa về quê chồng nữ sĩ được mở ra. Nếu như bài thơ “Vịnh Thanh Minh” của Hồ Xuân Hương năm 1815, chỉ dấu cho tác giả tìm được phần mộ song thân nữ sĩ cụ Hồ Phi Diễn, cụ Hà Thị, an nghỉ ở nghĩa địa Đồng Táo, thì bài thơ “Long Biên trúc chi từ” của Tùng Thiện Vương, chỉ dấu mộ nàng thơ chôn ở ven Hồ Tây, còn bài thơ “Thu Nguyệt hữu ức Mai Sơn Phủ ký” ( tức bài Đêm Thu nhớ Mai Sơn Phủ”, Hồ Xuân Hương viết vào mùa Thu năm 1815, trước khi lấy ông Trần Phúc Hiển (năm 1816), lại chỉ rõ dấu tích quê hương của ông Mai Sơn Phủ. Nữ sĩ viết : “Bên am Nhất Trụ trông còn đấy/Ngọn nước Tam Kỳ chảy lại đâu?”, hai câu thơ này là nỗi lòng của nữ sĩ ở kinh thành Thăng Long (chùa Một Cột- am Nhất Trụ) nhớ về quê của ông Mai Sơn Phủ –Ngọn nước Tam Kỳ chảy lại đâu?
Tác giả cũng đã tìm ra quê hương ông Trần Phúc Hiển trong “Đại Nam thực lục chính biên” ở đằng trong. Vậy ở đằng trong thì tỉnh nào có “ngọn nước Tam Kỳ” tức là sông Tam Kỳ? Theo dư địa chỉ thời nhà Nguyễn, thì tỉnh Quảng Nam có sông Tam Kỳ. Câu thơ “Ngọn nước Tam Kỳ chảy lại đâu?”, tình ấy, cảnh ấy, chỉ rõ đây là quê hương của Mai Sơn Phủ, bên bến nước Tam Kỳ. Tác giả đã giải mã bí ẩn quê hương của ông Trần Phúc Hiển- Mai Sơn Phủ ở làng cổ Tam Kỳ, ngã ba sông Tam Kỳ, thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng, thời nhà Nguyễn.
Lại theo sách “Thọ Mai-Gia Lễ” của người xưa nói về phần mộ của người phụ nữ khi qua đời, thường được chôn ở quê chồng theo câu ca “ Sống quê cha-Ma quê chồng”? Vậy hài cốt Hồ Xuân Hương có được đưa về quê chồng?
Nhờ có kinh nghiệm gần 30 năm đi tìm mộ thiếu thông tin, nhà báo, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng đã từng giúp các gia đình liệt sĩ tìm được thông tin, để đủ điều kiện khai quật phần mộ, lấy hài cốt liệt sĩ đi kiểm tra ADN, sau đó đón hài cốt liệt sĩ về quê. Kinh nghiệm ấy, giờ đây đi tìm mộ Hồ Xuân Hương, tác giả đã liên kết giữa dấu tích phần mộ của nữ sĩ khi qua đời chôn ở ven Hồ Tây là sự thật, nhưng hài cốt có còn ở nơi chôn cất ban đầu, hay đã cải cát đưa về quê chồng, giống như mộ liệt sĩ đã quy tập về nghĩa trang, nhưng sau đó gia đình lại đưa hài cốt về quê, thì ở nghĩa trang phần mộ vẫn còn nhưng không có hài cốt?
Trong hành trình đi tìm mộ nữ sĩ tại quê chồng ở Quảng Nam, Nghiêm Thị Hằng đã có được thông tin từ những người có khả năng đặc biệt cho biết, mộ nữ sĩ đã đưa về quê chồng nhưng không chôn gần mộ chồng. Trên mộ hoang có chữ cổ, minh bia ghi năm xây dựng 1850, thông tin này do cô Trương Thị Diệp ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, chỉ dẫn từ tháng 8/2020. Còn bà Nguyễn Thị Thùy ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, chỉ dẫn ngày 22/12/2020, mộ ông Trần Phúc Hiển và mộ nữ sĩ đều thay tên đổi họ và chôn ở nơi hoặc là gần núi (Vì có chữ SƠN), hoặc là địa phương có tên địa danh có chữ SƠN vào. Trước đó tác giả cũng đã mơ thấy việc chuyển hài cốt nữ sĩ Hồ Xuân Hương từ nghĩa địa phủ Tây Hồ về quê chồng phương tiện di chuyển bằng con ngựa màu vang.
Khi giúp gia đình ông Nguyễn Văn Thu tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân ở thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam kết thúc vào ngày 30/12/2020, ngày 31/12/2020, tác giả đã được chỉ dẫn hành trình tìm mộ ông Trần Phúc Hiển và nữ sĩ Hồ Xuân Hương thuận lợi “Thiên thời địa lợi”.
Trước khi vào Tam Kỳ tìm mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương và mộ ông Trần Phúc Hiển, tác giả đã nghiên cứu kỹ những ngôi mộ cổ gần 200 năm vô thừa nhận ở phường An Sơn và ngôi mộ Giày Thầy Lánh đầy màu sắc huyền thoại ở phường Hòa Hương. Sau khi được cán bộ UBND phường Hòa Hương đưa đến viếng thăm ngôi mộ Giày Thầy Lánh vào cuối chiều ngày 30/12/2020, tác giả nhận định đây không phải là mộ chôn chiếc giày của Thầy Lánh theo huyền thoại mà dưới mộ là con người thật mang tên Nguyễn Đức Thêm và có hậu duệ ở làng Diêm Điềm, huyện Núi Thành thờ cúng. Từ phát hiện này tác giả được chỉ dẫn đến thắp hương tại nhà thờ cổ (gần 200 năm) ở thôn Bản Long xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, thờ cúng cụ Nguyễn Đức Thêm. Tại nhà thờ cổ họ Nguyễn, tác giả đã gặp ông Nguyễn Văn Phúc hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Đức Thêm. Ông Phúc có người con trai là Nguyễn Trần Vĩnh Hiển. Thêm một bí ẩn nữa được phát lộ, tác giả đang đi tìm phần mộ của cụ Trần Phúc Hiển, về chính ngôi nhà thờ cụ Nguyễn Đức Thêm, lại gặp hậu duệ của cụ (bố tên Phúc- con tên Hiển) như điềm báo đã tìm đúng hậu duệ của cụ Trần Phúc Hiển. Sau khi cụ Trần Phúc Hiển là tội phạm của triều đình bị xử tội chết, thì con cháu đã đổi họ từ Trần sang Nguyễn, nhưng đến đời hậu duệ thứ 6, con ông Nguyễn Văn Phúc thì lại lấy họ Trần ghép sau họ Nguyễn để lại dấu tích người họ Trần.
Từ đây những bí ẩn về dòng họ Trần, họ Nguyễn, từ Thanh Hóa theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam mở đất thế kỉ 16, được phong là Tiền hiền của làng Tam Kỳ cổ, có liên quan đến phần mộ tộc Trần và mộ Giày Thầy Lánh được làm sáng tỏ. Mộ Giày Thầy Lánh được giải mã là mộ cụ Trần Phúc Hiển chôn ở bãi SƠN, trước khu lăng mộ tiền hiền họ Trần làng Tam Kỳ, được kiểm chứng đúng như thông tin của bà Nguyễn Thị Thùy chỉ dẫn. Mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương chôn ở phường An SƠN mang tên Huỳnh Hoàn Nhân có minh bia chữ hán ghi năm xây mộ 1850, đúng như thông tin của cô Trương Thị Diệp và bà Nguyễn Thị Thùy đã đưa ra từ tháng 8 và tháng 12/2020.
Như vậy dấu tích về phần mộ của nữ sĩ tại quê chồng (miền đất cổ Tam Kỳ-Quảng Nam) đã được tác giả Nghiêm Thị Hằng giải mã, đây là bí ẩn thứ 9 trong tác phẩm “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” được minh chứng sáng tỏ có cơ sở và có khoa học.
Thân thế của Hồ Xuân Hương đã được Nghiêm Thị Hằng giải mã 9 bí ẩn rõ ràng, đây là những kết quả nghiên cứu khoa học, đủ điều kiện để UBND tỉnh Nghệ An làm tờ trình Bộ Văn hóa –Du lịch và UNESCO Việt Nam trình UNESCO thế giới hồ sơ ứng viên nữ sĩ Hồ Xuân Hương một con người tài danh bậc nhất trong các nhà thơ nữ Việt Nam thế kỉ XVIII-XIX. Dưới chế độ phong kiến, nữ sĩ là người phụ nữ đầu tiên dám lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ cho nữ quyền qua tác phẩm thi ca. Những kiệt tác của bà để lại không chỉ được tôn vinh trong nước mà có tầm ảnh hưởng thế giới, đến nay đã có hơn 10 quốc gia đã dịch và giới thiệu thơ của Hồ Xuân Hương. Bà xứng đáng được UNESCO vinh danh “Danh nhân văn hóa” nhân kỉ niệm 200 năm ngày mất (1822-2022) của bà – nữ sĩ Hồ Xuân Hương-Bà Chúa thơ Nôm. Đó chính là mục tiêu tác phẩm “ Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” của tác giả Nghiêm Thị Hằng hướng tới.
Tác giả: Hồ Xuân
Nguồn Văn nghệ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên