Tự bạch

Thứ sáu - 25/02/2022 14:57
Người làm báo Hưng Yên xin trân trọng giới thiệu lời "Tự bạch" của nhà thơ Nguyễn Văn Đồng - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hưng Yên. Qua tập thơ "Vẹn ước dưới trăng" - đây là tập thơ ông viết tặng người vợ thân yêu của mình với một mơ ước về một gia đình văn hóa theo đúng nghĩa đích thực!
Vạn vật sự sống con người ai cũng có ước mơ. Mỗi ước mơ là cả một chân trời mới, một khát vọng và niềm đam mê mới. Đất nắng hạn mơ có mưa rào. Hoa mơ nụ hôn của bướm. Nhà thơ mơ tác phẩm. Trẻ em mơ có búp bê xinh đẹp. Nhà buôn mê phát tài phát lộc... còn tôi thì mơ có một gia đình văn hóa theo đúng nghĩa đích thực của nó.
111
Tập thơ "Vẹn ước dưới trăng" - viết tặng vợ yêu nhân 35 năm ngày cưới
Vì thế mùa xuân năm 1968, tôi làm quen và tìm hiểu cô gái kém tôi 9 tuổi tên là Phan Thị Khiêm, quê quán xã Minh Châu, huyện yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, là giáo viên dạy văn Trường Phổ thông cấp II xã Cộng Hòa cùng huyện. Đó là cô gái khỏe mạnh, không thuộc diện mặn mòi hương sắc, có ngoại hình duyên đến mê hồn như lời đồn đại trước đó, mà là một cô gái còn mang khá nhiều "hương đồng gió nội" đằm thắm nết na đường ăn, lẽ ở. Cô là con gái độc nhất của liệt sĩ chống Pháp, mồ côi lúc 3 tuổi. Mẹ đi lấy chồng. Việc học hành tiến thân tự cô bươn trải và dựa vào số tiền học bổng khiêm tốn của nhà nước thời bao cấp. Sau một thời gian tìm hiểu về nhau thấu đáo, chúng tôi đã đính hôn vào một đêm trăng sáng vằng vặc tại quê nhà với lời tôi ước hẹn: "Sau khi đã là của nhau, anh sẽ tặng em một hồ bán nguyệt để "cô nàng đời mới" rửa chân như mấy câu ca dao xưa mà anh đã đọc em nghe". Mùa thu năm 1968, chúng tôi cưới nhau. Cô vượt qua bao rào cản của lễ giáo phong kiến và những lời đàm tiếu thiếu thân thiện về sự chênh lệch tuổi tác, nghề nghiệp... đến với tôi bằng tình yêu nồng thắm, găm lại trong trái tim mình những kỷ niệm của tuổi ban đầu gặp gỡ, cũng như lời ước hẹn trong cái đêm trăng sáng.

Từ đó đến nay, hai chúng tôi đã đi đến gần hết chặng đường đói no, ấm lạnh, san sẻ buồn vui - càng đi, càng mặn mà tình chồng, nghĩa vợ. Trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh cô đã yêu thương chồng con hơn cả bản thân mình: chăm lo chồng con từng miếng ăn, giấc ngủ... ba con chúng tôi (hai trai một gái) nhờ đó mà trưởng thành, tiến bộ... Thật hạnh phúc nhường nào. Tôi thầm cảm ơn "Ông Tơ" "Bà Nguyệt", hay đúng hơn là cảm ơn ông Trời và Trăng đã đem cô ấy - món quà của tạo hóa - ghép với tôi nên vợ nên chồng. Với lòng biết ơn đó, dưới bầu trời lồng lộng và trải qua bao lần Trăng tròn, Trăng khuyết, suốt 35 năm qua (từ 1968 - 2002) không một lúc nào tôi quên lời ước hẹn của mình là xây hồ bán nguyệt tặng cô ấy.

Và năm 1977 tôi đã đánh đổi chiếc xe đạp Thống Nhất - tài sản chủ yếu của gia đình lúc ấy, cộng với 500 đồng vay nóng để lấy mảnh đất hoang ở ven sông Thái Bình, thuộc khu vực phía Tây, dưới chân cầu Phú Lương, phường Ngọc Châu, thành phố Hải Dương, có diện tích trên 650 m2, chỉ vì ở đó có một hố bom tấn (rộng tới gần 100 m2) do chiến tranh chống Mỹ tạo thành, hao hao giống hồ bán nguyệt. Song lúc đó cuộc sống còn vất vả, thiếu thốn nhiều bề nên việc xây hồ không thực hiện được. Mãi đến năm 2001, khi về hưu và được sự giúp đỡ của bầu bạn, tôi "từ đất dấy lên" cái hoán cái hố bom kể trên, thành hồ bán nguyệt tặng vợ.

Để tránh mọi người hiểu lầm là cái hồ nói trên giống như mọi ao hồ khác, chỉ được sử dụng vào việc nuôi cá sinh lợi, tôi quyết định nâng cấp hồ từ dạng công trình hạ tầng vật chất, lên công trình hạ tầng trí tuệ, mang tính chất nhân văn; thổi cảm hứng cho con người, giúp con người cảm thụ cái hay cái đẹp... mà vươn lên. Một nhà nổi có diện tích 12m2 được xây dựng, bên trong có lưu giữ bài thơ "Vẹn ước dưới trăng" - chút tình để lại tặng vợ hiền và con cháu - được khắc trên đá. Tại đây được bầu bạn thường vào thưởng ngoạn đàm đạo về thơ ca, nên nhà nổi được gọi là Lầu thơ. Một cầu cong lát đá từ Lầu thơ vào bờ càng làm đậm đà cái duyên cái nghĩa của công trình.

Bài thơ "Vẹn ước dưới trăng" được viết theo thể lục bát với ngôn từ khiêm tốn, giản dị, nhẹ nhàng, thoáng có cánh cò bay... mang chút hơi thở của đồng bằng Bắc Bộ và đậm chất dân gian xứ Đông ra đời như thế đó.

 
Nguyễn Văn Đồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây