Lần theo dấu xưa tôi cứ hình dung như bóng Người về trong sương sớm trong bộ quần áo nùng Già Thu, tay xách chiếc va ly mây, dừng chân bên cột mốc lặng lẽ hôn lên nắm đất Tổ quốc, lắng nghe trong đất thấy cả nhịp đập “... trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”, mà bật lên những lời cảm khái:
“Non xa xa nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê-nin, kia Núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà”
Thật là hào hùng và tràn đầy niềm lạc quan tin tưởng... Mốc 108 hiên ngang, sừng sững một cột đá thề, đẫm màu thời gian dãi dầu sương gió. Có lẽ đây là cột mốc bằng đá nguyên khối duy nhất được lưu giữ lại bên cạnh cột mốc mới mang số hiệu 675 nổi bật son đỏ dòng chữ Việt Nam.
Đặt tay lên cột mốc, bạn tôi khe khẽ đọc:
“Bác đã về đây Tổ quốc ơi
Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người
Ba mươi năm ấy chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi”
Câu thơ cũng là tâm trạng của chúng tôi, hẹn nhau mấy chục năm rồi mới về thăm được cột mốc. Cột mốc linh thiêng phân định ranh giới quốc gia, được nhân dân hai nước trân trọng, giữ gìn nguyên vẹn như một bằng chứng tự nhiên, ghi nhớ công ơn của một nhân chứng lịch sử đặc biệt: Bác Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - Nguời đã dày công vun đắp tình hữu nghị Việt - Trung.
Tôi im lặng nhìn sang bên kia cách cột mốc khoảng gần 100 m, nước bạn đã dựng lên một công trình nhà xây kiên cố, gọi là “trạm dừng chân” nằm ẩn mình giữa lưng chừng núi, nhưng có cả hệ thống loa phóng thanh to và camera quan sát từ xa.
Chúng tôi tiếp tục đi theo con đường mòn dốc đá dẫn đến đầu nguồn, rồi ngược lên hang Cốc Bó, nơi ngày xưa Bác từng qua lại. Dưới tán lá rừng xanh biếc, ánh sáng ban mai đang chiếu rọi những tia nắng vàng lấp lánh. Không gian như bừng thức bởi mấy tốp du khách cả trong và ngoài nước đến sớm đang gọi nhau quay phim, chụp ảnh xung quanh khu vực đầu nguồn, cái bàn đá chông chênh Bác dịch sử Đảng, Bác ngồi câu cá, ngâm thơ như để chiêm nghiệm và hồi tưởng về chuỗi ngày gian khổ:
“Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”
Dòng suối trong xanh soi rõ từng đàn cá tung tăng, giống cá “pja liềng’’ khi bơi quẫy mình lại sáng lên ánh bạc màu hồng son lung linh mặt nước, tưởng như bóng hình Bác vẫn còn đây, in sâu trong hồn cốt dân tộc và mạch nguồn sông núi mãi vang vọng lời ca
“Người quyết chí xông pha
Hiến dâng cả cuộc đời
Người vì dân chiến đấu
Đêm thao thức nhớ Người…”
Trong hang đá lạnh, tượng Các Mác và dòng chữ Bác tạc trên vách đá: “Bát nhật, nhị nguyệt, nhất cửu tứ thập nhất” (ngày 8/2/1941) vẫn còn nguyên nét khắc. Nơi Bác nằm đây trên nền đá ướt, lót lá cây rừng làm chiếu chống chọi với đêm dài giá rét:
“Hang lạnh nhớ tay Người đốt củi/
Bập bùng ngọn lửa suốt đêm thâu”.
Nhớ những năm bôn ba hải ngoại ở phương trời châu Âu, Bác từng nướng viên gạch hồng sưởi ấm qua mùa băng giá. Đơn giản mà phi thường, dân dã mà kết tinh thành ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn.
Nhờ có người dẫn đường thông thạo địa hình, chúng tôi cũng tìm được lối lên lách theo khe đá, có đoạn phải bám dây leo chằng chịt quấn quýt theo rễ cây si. Xem ra cũng khá mạo hiểm nhưng đều sinh ra và lớn lên ở rừng núi, chúng tôi hiểu rõ thân, rễ loài cây si một khi đã bám chặt vào đá núi thì trở nên rất bền chặt, với lại ai cũng nghĩ rằng mình theo dấu chân Bác nên càng quyết tâm leo lên bằng được… Tuy vậy cũng mất hơn một giờ mới lên đến ngọn núi, dừng chân trên một mỏm đá lớn rợp bóng cây xanh, không khí mát lành, cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng, nhanh chóng xua tan giây phút mệt mỏi ban đầu. Chúng tôi nghĩ nếu sau này có đường cáp treo, Phja Tào sẽ thành điểm đến hấp dẫn du khách, cáp treo từ đây vượt suối Lê-nin sang bên kia lán Khuổi Nặm rất gần, còn nối đến núi Linh Sơn, nơi đền thờ Bác, sẽ tạo thành một chặng tham quan khép kín với đầy đủ các yếu tố lịch sử văn hóa tâm linh và sinh thái tự nhiên.
Phja Tào (tiếng Tày, Nùng là núi Đào), theo sự tích lưu truyền là nơi tiên giáng trần dừng chân tắm suối, lập vườn Đào thượng uyển bốn mùa hoa thắm. Sau này được Bác đặt tên là núi Các Mác, mạch núi ăn sâu cả vùng lục khu Hà Quảng - Trấn biên vươn dài qua Thạch Lâm, Hòa An, Thạch An, Đông Khê, Thất Khê… vòng cung Đông Bắc điệp trùng hùng vĩ.
Mặt trời gần đứng bóng, chúng tôi mới quay lại bờ suối Lê-nin, men theo chân núi đi lên lán Khuổi Nặm, nơi tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), quyết định chủ trương, sách lược đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phát hành tờ Báo Việt Nam Độc lập, tập hợp, đoàn kết toàn dân ta khẩn trương chuẩn bị điều kiện, thúc đẩy thời cơ tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.
Lán Khuổi Nặm vách liếp đơn sơ vẫn còn trang trọng lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, như một lời hiệu triệu soi sáng niềm tin. Lạch nguồn Khuổi Nặm rì rào đã không ngừng vận động tạo nên dòng nước lớn đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vững vàng…
Bên cột Km 0, nơi khởi đầu con đường Hồ Chí Minh trải suốt chiều dài Bắc - Nam, dòng người lên thăm và thắp hương tưởng niệm Đền thờ Bác nối tiếp nhau thành từng hàng dài không dứt. Đền thờ Bác hôm nay có sự chung tay vun đắp của nắm đất tổ Vua Hùng, đất sinh thành Nghệ An, đất Nhà rồng kiêu hãnh và các loại cây quý hiếm của mọi miền đất nước… Sự hội tụ kỳ diệu như tôn thêm sự ứng nghiệm linh thiêng cho bầu trời Pác Bó - tinh hoa Cao Bằng ngày càng rực sáng.
Nhà hàng Mế dưới chân núi Kéo Già, nhà hàng Dân tộc quán bên Pài Co Nhản (nơi Bác chỉ đạo tổ chức và huấn luyện Đội du kích Pác Bó) được làm theo phong cách nhà sàn, có vườn hoa, cây cảnh liền kề với suối Lê-nin sơn thủy hữu tình. Trong ráng chiều hoàng hôn, từng tốp thanh niên nam nữ trẩy hội đang mải mê tung còn. Những cánh còn xuân tua rua xanh, đỏ, tím, vàng mềm mại bay lên vòng tròn hồng tâm cao vút giữa nền trời trong veo tiếng cười reo vang vách núi. Tôi bồi hồi nhớ lại một thời trai trẻ đã từng say sưa với cánh còn xuân giao duyên gửi gắm bao điều mơ ước…
Là khách quen nên chúng tôi được chủ nhà hàng cho ngồi trên lầu Nghinh phong bốn bề thông thoáng, vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức món cơm lam mộc nhĩ với thịt lợn hun khói ghém lá mác mật thơm lừng, rượu ngô non nấu bằng nuớc suối, ngân nga câu hát đàn Then “Bác làm thơ cho suối/Đặt tên gọi Lê-nin...”.
Nâng mấy chén rượu chuyền tay xoay vòng (tục kin lẩu pắn xay) uống cạn, chuếnh choáng hơi men. Tôi xin phép ra duỗi mình trên chiếc ghế gấp, trong giấc ngủ mơ màng bỗng thấy mình đang thong dong trên chiếc xe ngựa chở đầy hoa tuơi, trái ngọt, đi trên con đường thảm cỏ xanh, men theo sườn núi Nà Mạ, lên Bản Hong, Bản Hoàng, Bó Bẩm đến đầu nguồn Khuổi Nặm… Khi quay về lại thấy bồng bềnh trên chiếc thuyền Rồng xuôi dòng suối Lê-nin. Ra đến ngã ba Đôn Chương có tiếng xe ồn ào, tiếng gọi nhau ơi ới tôi mới giật mình tỉnh giấc… Hóa ra do một ngày thấm mệt, lại ngấm hơi rượu, mọi nguời đã đưa tôi lên xe trở về Thành phố. Nghe tôi kể lại những điều vừa thấy trong “giấc mơ say”, mọi nguời đồng thanh reo lên: Hay quá! Phải nói đây là “giấc mơ xuân”, giấc mơ xuân thật tuyệt vời, mà biết đâu sau này sẽ thành hiện thực?…
Tôi mỉm cười khẽ kéo cánh cửa xe lên, một luồng gió ùa vào, cảm giác khoan khoái dễ chịu, đầu óc tỉnh táo nhớ lại sáng xuân xưa Bác về “Bác về im lặng con chim hót/Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ’’… Đến sáng xuân nay thấm thoắt đã 81 năm. 81 năm ấy đất nước ta không hề ngơi nghỉ…
Pác Bó đang đổi thay từng ngày, nông thôn mới dựng xây, cuộc sống mới khởi sắc, kinh tế du lịch và hội nhập phát triển mở mang tầm nhìn mới xứng với vị thế khu di tích lịch sử đặc biệt của quốc gia… Những năm qua, tôi về Pác Bó hàng trăm lần, bạn bè ở xa có dịp lên Cao Bằng đều muốn tôi đưa đến Pác Bó, tôi tin rằng tất cả con em các dân tộc Việt Nam ai cũng mong một lần về thăm Pác Bó, vùng đất cội nguồn cách mạng thiên thời, địa lợi, nhân hòa và một chút tâm linh huyền diệu lẫn niềm vinh dự, tự hào và khát vọng vươn tới.
Lã Vinh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên