Bài học từ Quốc văn giáo khoa thư

Thứ ba - 12/04/2022 16:29

Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) do các học giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn, xuất bản cách đây đã hơn 80 năm, nhưng nó hầu như vẫn vẹn nguyên giá trị giáo dục và nóng hổi tính thời sự đối với việc dạy văn, học văn trong nhà trường phổ thông hôm nay. Tôi khẳng quyết như vậy vì QVGKT có cái căn cốt văn hóa của giáo dục, vì nó đề cao nền quốc ngữ và quốc văn. QVGKT được viết theo tinh thần khai tâm, khai phóng khi lớp măng non mọc thẳng bắt đầu vươn lên, hướng về phía mặt trời. Văn bản QVGKT tôi tiếp nhận do Nhà xuất bản Trẻ in lần thứ 8 (nộp lưu chiểu quý I, năm 2019).

Những bài học của các bậc tiền nhân không bao giờ cũ. Trái lại, lúc nào cũng như bắt đầu một cuộc khám phá thế giới tinh thần của tuổi học trò khi đến với nhà trường, sách vở, chữ nghĩa… Nghiên cứu QVGKT, tôi nhận thấy đây là cuốn giáo khoa đặc biệt nâng niu, bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ - Tiếng Việt. Đó là tinh thần đến hiện đại từ truyền thống hết sức biện chứng. Giới nghiên cứu ở ta từ trước cho đến nay đều thống nhất quan điểm về quá trình hiện đại hóa văn chương nước nhà trong thời kỳ nửa đầu thế kỷ XX, đặc biệt giai đoạn 1930-1945, diễn ra dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây (chủ yếu là châu Âu và Pháp). Đó là thời kỳ thay đổi hệ hình văn chương từ phạm trù “trung đại” sang “hiện đại” nhờ ngọn gió mới của văn hóa Âu châu (thời ấy các cụ gọi là “Thái Tây”). Nhưng dường như có “kẽ hở” trong quan niệm của giới nghiên cứu khi không chú trọng đúng mức quy luật nội tại, nội sinh: Quá trình hiện đại hóa này diễn ra như là kết quả của một quá trình kép - sự hôn phối giữa cái dân tộc và cái thế giới, giữa cái truyền thống và cái hiện đại, nói cách khác là tinh thần tiếp biến tinh hoa văn hóa dân tộc đồng thời với tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại.

Liên hệ với chương trình Tiếng việt và Ngữ văn trong giáo khoa phổ thông thời gian qua, thực tế cho thấy: Để chuẩn bị cho nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa theo chương trình đổi mới, những người làm quản lý giáo dục và người thực thi đã được cử đi nước ngoài để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp thế giới khá nhiều. Nhưng còn kinh nghiệm của chính các bậc tiền nhân, như các tác giả của QVGKT, hoặc gần hơn là những nhà giáo dục với tinh thần tận hiến thời kỳ đầu sau Cách mạng tháng Tám (1945), đến đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước ở miền Bắc, và của các tác giả miền Nam trước 1975 đã được đặt ra và thực hiện như thế nào? Tiếng Việt, văn Việt (quốc ngữ, quốc văn) hiện trạng không gây niềm lạc quan là do những nguyên nhân sâu xa nào? Câu hỏi này đã có nhiều bàn thảo, nhưng ít khi truy tìm được gốc rễ của nó. Tương tự như vậy, trong lĩnh vực nghiên cứu văn học và sáng tác hiện thời, có tình trạng bội thực các lý thuyết nhập ngoại, khiến cho tinh thần/ căn cốt/ thần thái dân tộc đang có chiều hướng mai một. Kỷ niệm 200 năm năm mất (1820-2020) Đại thi hào Nguyễn Du, nếu cầu thị, chúng ta sẽ thấy Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều rất hiện đại và truyền lại cho hậu thế những kinh nghiệm nghệ thuật tiên tiến, thiết nghĩ, không mất quá nhiều thời gian đi tìm ở đâu xa xôi, nó liền kề chúng ta, nó sinh thành ngay cạnh chúng ta.

Mục đích viết của các tác giả QVGKT rất giản dị nhằm dạy chữ Quốc ngữ cho học sinh cấp Sơ học yếu lược (tương đương với ba năm đầu Tiểu học hiện nay) trên tinh thần đến với cái lớn lao bắt đầu từ cái bình thường. Nội dung chi tiết của QVGKT, tôi không thấy cần thiết trình bày đầy đủ ở đây, vì trước tác này hiện nay được in lại với mật độ dày đặc (riêng ở nhà xuất bản Trẻ, đã in lần thứ 8, năm 2019). Tôi chỉ xin dẫn một bài mở đầu lớp Đồng ấu là Tôi đi học, có tất cả chỉ 160 chữ, bao gồm: phần học, phần giải nghĩa, bài tập, phần giải thích cuối trang và chú thích ảnh minh họa. Bài này, cũng như các bài khác đều: “trên có chữ/ dưới có tiếng/bên cạnh có tranh vẽ”, vì thế: “bao nhiêu giác quan đều hoạt động, chữ nào cũng in vào óc” (người đời sau bình chú). Hai trăm năm mươi tư bài (254) bài trong QVGKT dành cho ba lớp Đồng ấu (55), Dự bị (116) và Sơ đẳng (83), chia cho ba (3) năm học đầu thật nhẹ nhàng, hiệu quả, ấn tượng lâu bền. Tất cả được viết theo tinh thần “tiên học lễ hậu học văn”, nhưng không hạn hẹp phần mở mang kiến thức về lịch sử, xã hội, tự nhiên, khoa học kỹ thuật, ứng xử văn hóa, đến cách quan sát các đồ vật, con vật chung quanh, cũng như biết hưởng các thú vui thanh nhã...

Học sinh THCS và THPT bây giờ, nếu được hỏi: Ai là người sáng chế ra chữ Quốc ngữ? Tôi dám chắc rất ít em trả lời được ngắn gọn, ngọn ngành. Bài 69 của lớp Dự bị: Cố Alexandre De Rhodes và việc đặt ra chữ quốc ngữ được các tác giả viết ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ: “Ngày xưa, ở nước ta, muốn viết tiếng ta, thì người ta dùng một lối chữ gọi là “chữ nôm” do ở chữ nho ra. Nhưng chữ ấy khó đọc lắm. Đến khi các ông cố đạo ở Âu châu sang nước Việt Nam, các ông ấy mới dùng những chữ cái vần la tinh mà đặt ra chữ “quốc ngữ” tức là chữ ngày nay trong nước ta đã thông dụng vậy. Các ông cố người Pháp và nhất là cố Alexandre De Rhodes có công trong việc đặt ra lối chữ ấy lắm. Cố Alexandre De Rhodes ở bên nước Việt Nam ngoại bảy năm. Ông có viết nhiều sách về nước Nam, nhất là quyển lịch sử đất Bắc Việt, và một quyển tự điển tiếng la tinh và tiếng Bồ Đào Nha. Các sách của ông là những sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ” (QVGKT, trang148,149).

Hoặc như bài học về tình yêu lao động trong vẻ đẹp thuần phác của nó được đúc vào trong bài Chăn trâu của lớp Dự bị: “Ai bảo chăn trâu là khổ?

Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu tôi đội nón mê như lọng che. Tay cầm ngành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ. Trong khoảng trời xanh, lá biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng bằng” (QVGKT, trang100). Chỉ với 77 chữ (không tính phần giải nghĩa và bài tập) hiện lên một bức tranh lao động đẹp đẽ trong dáng vẻ đơn sơ nhưng đủ đầy đường nét, thanh âm, sắc màu... Các thế hệ sinh những thập niên 30, 40 của thế kỷ trước nằm lòng bài học nhập môn này, rồi tự nhiên nó đã đi vào thơ ca: “Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/ “Ai bảo chăn trâu là khổ?”/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao” (Bài thơ Quê hương của Giang Nam).

Nhà văn Sơn Nam, người được gọi là “ông già Nam Bộ”, có một truyện ngắn rất đặc sắc có tên Tình nghĩa giáo khoa thư. Truyện kể về một chuyến công cán của một phái viên báo Chim Trời đi cổ động (bây giờ gọi là PR) cho báo và thu tiền của độc giả mua báo thường kỳ ở vùng sâu, vùng xa Sài Gòn. Câu chuyện của ông phái viên báo Chim Trời với độc giả Trần Văn Có diễn ra trong mùng (màn) vì vùng này muỗi nhiều như vãi trấu và chỉ xoay quanh cuốn QVGKT. Trong cuộc thoại, ông Có nhắc liền đến các bài đặc sắc: Chỗ quê hương đẹp hơn cả, Chăn trâu, Chọn bạn mà chơi, Khuân tảng đá... Không chỉ nhắc mà còn phụ họa với ông phái viên đọc theo trí nhớ những câu văn lay động lòng người. Ông phái viên thấm thía: “Văn chương như vậy là cảm động lòng người” (QVGKT, trang 338, 339). Truyện Tình nghĩa giáo khoa thư được đặt ở phần Phụ lục của QVGKT trong tất cả các lần tái bản của Nhà xuất bản Trẻ. Truyện này được viết vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước và theo nhà văn Nguyễn Tuân, thì “nó đem lại nhã thú văn chương cho người đọc liên thế hệ, liên thời gian”. Thiết nghĩ, “ôn cố tri tân” chính là như thế, giản dị mà vô cùng thấm thía!

Đặc biệt, QVGKT hết sức lưu ý học trò biết trân trọng di sản văn hóa dân tộc và vẻ đẹp của tiếng Mẹ đẻ -Tiếng Việt. Không thể nói là không thuyết phục khi vào những năm hai mươi của thế kỷ XX, đã có học giả minh định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Có thể còn ý kiến tranh luận ngay khi câu nói này được trình phát ra trong bài diễn thuyết bằng Quốc văn đọc tại buổi  lễ kỷ niệm Nguyễn Du nhân ngày mất của Đại thi hào (10/8 âm lịch) tại Hội Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội vào ngày 8/9/1924. Không thể chối cãi, với Truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du đã nâng tiếng Việt lên một tầm cao mới, hiện đại, trong sáng, giàu có tiềm năng. Tiếng Việt trong Truyện Kiều đã trở thành quốc hồn, quốc túy, quốc bảo. Văn chương truyền thống dân tộc từ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương… đến Nguyễn Du đã đạt tới giá trị cổ điển. Nhưng còn một văn mạch khác chứa chan hồn cốt dân tộc – tục ngữ, ca dao, dân ca, cổ tích, ngụ ngôn, truyền thuyết. Chỉ cần một câu ca dao Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi đã làm tốn bút mực của biết bao văn nhân, đã làm mê mẩn bao thế hệ yêu thích văn thơ dân tộc Việt. Nhà thơ Lưu Quang Vũ trong bài thơ Tiếng Việt đã tha thiết viết: Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói/ Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ/ Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ…

Thiết nghĩ, những người làm sách giáo khoa hiện nay, đặc biệt là giáo khoa Tiếng Việt cho bậc Tiểu học, cứ học và hành từ trong vốn liếng của cha ông theo tinh thần đến hiện đại từ truyền thống mà sách Quốc văn giáo khoa thư soạn từ hơn 80 năm trước là một mẫu mực!

 

Tác giả: Nhà văn Bùi Việt Thắng
Nguồn Văn nghệ số 15/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây