Cuối tháng 5 năm ngoái, có một chuyện động trời xảy ra ở Hà Nội: Công an Hà Đông phát hiện hơn 1300 thi hài thai nhi cất giữ trong 2 tủ đông lạnh ở tại một nhà trọ. Nhiều người giật mình, kinh ngạc, lo sợ. Xưa nay, từng có chuyện ma quỷ gọi hồn, chuyện dùng xác thai nhi luyện bùa, luyện tinh để hô phong hoán vũ, độn thổ, tàng hình, thôi miên người khác đầy màu sắc mê tín hư thực đầy dẫy trong dân gian. Cho nên khi nghe tin này, nhiều người nghi hoặc, nửa tin nửa ngờ. Cứ nghĩ có chuyện bùa ngải, huyền thuật gì ở đây? Hú vía! Rất may là... không! Càng không có dấu hiệu hình sự.
Chỉ là việc làm thiện nguyện của một nhóm thiện lành “Chia sẻ sự sống”. Đêm đêm, họ thay nhau đến các cơ sở y tế, phòng khám tư nhân xin các xác thai nhi đã bị phá thai kỳ trong ngày, hoặc đến các bãi rác nhặt các thai nhi bị vứt bỏ..., dồn lại bảo quản trong tủ đông lạnh, rồi tiến hành cầu siêu tập thể, và chôn cất các bé xấu số. Hóa ra trong cõi đời thường ngổn ngang, hổ lốn này lại có những người thiện lành rất đáng nể phục. Họ âm thầm làm việc thiện, mà không cầu lợi cầu danh, lo cho những xác thai nhi được cư ngụ ở một nơi ấm áp, để linh hồn các bé không trôi nổi phiêu dạt.
Cái chuyện động trời lan xa bởi số lượng xác thai nhi bảo quản trong tủ đông lạnh không phải vài chục, vài trăm, mà hơn 1300. Một số lượng quá nhiều, của một nhóm thôi. Còn các nhóm khác, còn bao nhiêu người đơn lẻ tự giác, tự nguyện khác nữa làm cái việc tương tự thì số lượng thai nhi bị phá, bị bỏ ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam là bao nhiêu?
Có một sự thật là: Không chỉ nhóm “Chia sẻ sự sống”, mà còn nhiều nhóm khác, nhiều người khác âm thầm lặng lẽ làm việc thiện, cứu rỗi những xác hài nhi bị quăng quật, những linh hồn vất vưởng, phiêu dạt có nơi nương tựa. Hóa ra, rất nhiều hài nhi xấu số không được làm người, bị các ông bố bà mẹ chối bỏ. Tôi lục lọi các báo và mạng xã hội đọc, càng biết càng giật mình, lo sợ, hãi hùng, càng thương cảm xót xa cho những kiếp người quá vắn số. Càng quá nhiều người làm việc tốt ấy, thì cũng là một bằng chứng có quá nhiều các ông bố bà mẹ bỏ con.
“… Đạo lật dở cuốn sổ ghi chép số lượng thai nhi xấu số gom được trong ngày. Ngày nào cậu cùng nhóm 4-5 người của mình chia nhau khắp các quận, huyện tại thủ đô nhặt được 40-50 sinh linh bị chối bỏ sự sống, có ngày nhiều tới 60-70 cháu. Tính từ thời điểm bắt đầu ghi nhật ký cuối năm 2016, đến giờ, con số đã lên đến hơn 40.000 xác thai nhi được thu nhặt”. Một con số rùng mình của một nhóm thiện nguyện, cũng đồng nghĩa với chừng ấy ông bố, bà mẹ chối bỏ con.
“… Bà Đỗ Thị Cúc (49 tuổi, trú tại làng Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) kể trên báo chí: “Mấy năm gần đây, cứ tan mỗi buổi chợ là tôi lại đi khắp các bệnh viện, phòng khám trong và ngoài tỉnh để xin các con về. Những tháng hè, có tháng tôi mang được gần 600 xác thai nhi về chôn cất, còn tính trung bình thì mỗi tháng cũng đưa được khoảng 300 về”. Người ta tính hơn 10 năm, bà âm thầm đến các bệnh viện, phòng khám tư nhân xin, hoặc nhặt xác thai nhi ở bãi rác rồi chôn cất hơn 27 ngàn thai nhi bị chối bỏ.
Tỷ lệ nạo phá thai nhiều quá. Theo anh Lê Trung trưởng nhóm “Chia sẻ sự sống” thì càng gần Tết Nguyên đán, số lượng xác thai nhi được thu lượm càng nhiều. Có thể gọi là… mùa phá thai. Mùa phá thai đến trước Tết, mùa xuân đến sau, thì những ông bố bà mẹ bỏ con ấy có được hưởng trọn mùa xuân? Theo truyền thông thì Việt Nam ta mỗi năm có hơn 300 ngàn ca phá thai, và là một trong số 5 nước có tỷ lệ nạo phá thai nhiều nhất trên thế giới.
Chuyện này có các nguyên nhân cơ bản:
- Một là, sinh hoạt tình dục bừa bãi, không có kỹ năng kế hoạch hóa, phòng chống có thai ngoài muốn.
- Hai là, nước ta nhiều người vô thần, không niềm tin, đức tin thần linh, tôn giáo, nên không tin con người sau khi chết là có linh hồn, cho rằng chết là hết… Vì thế vô cảm với cái thai nhi mình bỏ đi.
- Ba là, thời kinh tế thị trường hội nhập thế giới, giá trị CÔNG - DUNG - NGÔN - HẠNH không còn là chuẩn mực như thời phong kiến nữa, hoặc CÔNG - DUNG - NGÔN - HẠNH được hiểu theo quan niệm nhận thức mới. Sinh hoạt tình dục, nếu không bừa bãi thì cũng tự do hơn, mà không phòng tránh thai, và cũng không kịp nghĩ đến hậu quả là… bỏ thai ngoài ý muốn.
- Bốn là, nghề nghiệp chưa có, điều kiện kinh tế, điều kiện sống chưa đủ để sinh con ngoài ý muốn, nhiều bạn trẻ chọn giải pháp phá thai. Chọn một cuộc sống ổn định hơn, chứ không chọn một đứa con (ngoài ý muốn) mà phải sống trong bấp bênh, bất an bất ổn.
- Năm là, thanh nữ chưa chồng mang thai sẽ chịu áp lực gia đình, búa rìu dư luận. Việc bảo vệ thanh danh gia đình của các bậc phụ huynh quá quyết liệt cũng làm cho rất nhiều thai nhi lẽ ra được làm người, được đến với thế giới này, thì lại phải luân hồi chuyển kiếp quá sớm.
- Sáu là, việc tuyên truyền giáo dục giới tính, tình dục và phương diện quản lý nhà nước về nạo phá thai dường như còn những điều bất cập, lạc hậu, không theo kịp với hiện thực đời sống thời kinh tế thị trường đang diễn ra nhanh mạnh gấp gáp và khốc liệt.
- Vân vân và vân vân…
Mỗi hài nhi là một sinh linh. Khi đã kết thành sinh linh là đã có linh hồn. Các bé có tội tình chi mà linh hồn bơ vơ? Ở Thiên chúa giáo, nhiều nghĩa trang giáo xứ dành riêng khu vực cho người chết không có người thân và khu riêng chôn xác hài nhi, để các linh hồn mồ côi có nơi đi về. Các bé có tội tình chi mà không được làm người? Làm người ở cái trái đất lở loét thương tật, đau đớn này có mấy ai sung sướng hạnh phúc? Nhưng, làm người vẫn cứ là chúa tể của muôn loài, vẫn hơn kiếp cây cỏ, ngựa dê, hổ báo. Làm người vẫn là một hành trình tiến hóa của giống loài của vũ trụ vô cùng vô tận.
“Người ta là hoa đất”, con người là giống quý nhất trong muôn loài. Nếu không muốn có con, thì phải phòng tránh thai. Còn đã có thai rồi thì nên cố gắng giữ. Bỏ một giọt máu là bỏ một con người trong tương lai. Con người ta đôi khi không coi cái thai là mầm sống, mà triệt đi sớm là vô tình làm điều ác mà không biết. Nhiều người có thai ngoài ý muốn là hốt hoảng, hoang mang. Điều này có thể cảm thông được. Nhưng, phá thai thường để lại các hậu quả rất nặng nề, đó là khuyến cáo của các nhà sản khoa. Có những người có thai lần đầu lại nông cạn, hoặc sợ hãi bỏ thai, không may tai biến, bị vô sinh. Suốt đời đi đền nọ, chùa kia lạy ông Hoàng, cầu Phật mà vẫn không thụ thai được, đành chịu cả đời sống trong cô quạnh không con cái. Ân hận đến lúc chết mà vẫn không hết giày vò.
Mỗi người tự trách nhiệm về cuộc đời mình. Mà cuộc đời thì có bao nhiêu mối liên hệ nhằng nhịt néo giữ. Có những mối liên hệ vô hình mà chúng ta không nhìn thấy được. Đấy là mối quan hệ nhân quả. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Có thể đời này quả chưa ra, thì luân hồi kiếp sau, sẽ đến. Nhưng, người ta nói, hầu như không chờ đến kiếp sau, mà gặt quả ngay từ cuộc đời đang hiện hữu. Chỉ có điều, người này thì ngẫm ra, người kia lại chẳng biết hoa thơm trái ngọt, hay bất hạnh đến từ đâu. Cứ điềm nhiên hưởng thái bình, hoặc cứ nhẫn nhịn cam chịu bất hạnh khổ đau, mà không ý thức được phải thay đổi chính mình bằng những việc làm thiện lành.
Mỗi hài nhi là một sinh linh. Viết đến đây, tôi lại nhớ trong cuộc đời làm báo, tôi đã có một đêm thắp nến tri ân liệt sỹ ở Nghĩa trang Đường 9 - Quảng Trị. Hơn một vạn ngọn nến được các bạn trẻ thắp lên hơn 1 vạn mộ liệt sỹ. Cả nghĩa trang như một rừng sao sáng lung linh. Khi ấy, tôi ngước lên bầu trời nhìn các vì tinh tú. Tôi nghĩ đến mỗi ngọn nến là một linh hồn ứng với một vì sao. Vậy là, có hơn một vạn tinh tú đang nhấp nháy cùng những ngọn nến đang cháy rực nồng. Còn lúc này, tôi lại nghĩ đến 300 ngàn hài nhi bị chối bỏ trong một năm, nếu 10 năm sẽ là 3 triệu hài nhi - ba triệu sinh linh. Và sẽ là bao nhiêu sinh linh bị chối bỏ từ khi loài người vô tình hay cố ý phá bỏ thai? Nếu mà có chỗ nào đó đủ rộng (chẳng hạn như sa mạc Sahara chẳng hạn) để thắp cho mỗi hài nhi một ngọn nến. Tôi tin rằng trong tầm nhìn của con người, trên bầu trời sẽ có hàng triệu triệu vì tinh tú nhấp nháy cùng sa mạc nến khắc khoải cháy trong tiếng gió đêm hoang.
Khổ thân các bé xấu số, tội nghiệp không được làm người. Cầu nguyện cho các bé siêu thoát khỏi thế giới xô bồ, đau thương này!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên