Thơ dẫn tôi đi về phía mọi người

Thứ hai - 18/07/2022 14:30

Trong vòng 5 năm qua, thi sĩ Trần Quang Đạo thu hút sự chú ý của công luận và giới yêu thơ khi anh đoạt liên tiếp các giải thưởng văn học danh giá: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019 cho tập thơ Bay trong mơ; Giải thưởng văn học Asean năm 2020, Giải thưởng nghệ thuật Danube của Hungary năm 2022. Hai tập thơ Bay trong mơ và Nhẫn trăng của anh cũng được xuất bản tại Hungary (2021) và Canada (Tháng 6.2022).

Dưới đây là cuộc trò chuyện về nguồn năng lượng thơ và sức làm việc, cũng như những suy tư về nghề, về phong cách thơ, về chuyện “xuất khẩu” thơ của thi sĩ Trần Quang Đạo.
111

Những đỉnh núi đầy mây cuối trời

* Thưa nhà thơ, từ giai đoạn 1982-2008, trong ¼ thế kỷ đó, anh đang ở thời kỳ sung sức nhất của sáng tạo, hẳn tập thơ Nhẫn trăng là đỉnh cao của thơ anh? Có điều gì lạ xảy ra giữa thơ và đời trong thời kỳ ấy?

Giai đoạn 1982-2008 tôi in 7 tập thơ. Những tập thơ đầu của tôi cũng “hiền lành”, nó hoà chung vào thơ của thế hệ sáng tác sau 1975 trong dòng chảy ít xáo trộn. Thời kỳ đầu mới xuất bản thơ, chúng tôi thường phải “chiều” các biên tập viên và nhà xuất bản để được in thơ. Thời bao cấp được in một chùm thơ, một tập thơ cũng không dễ dàng gì. Sau khi đã quen mặt với độc giả qua một số giải thưởng, thì việc in thơ cũng dễ dàng hơn. Hồi đầu mới làm thơ, được in bài trên báo Văn nghệ hoặc Văn nghệ quân đội là hân hoan vui sướng, xúc động âm ỉ nhiều ngày và nó được lan truyền trong bạn bè như thắp lửa chia vui. Vì vậy mà việc làm thơ tạo cho tôi một niềm vui, một nguồn động viên rất lớn. Niềm vui thơ ca lan truyền sang công việc làm báo của tôi. Nó tạo một niềm hưng phấn và làm việc rất hiệu quả. Tập thơ “Nhẫn trăng” là tập thơ được chọn lọc trong những bài thơ của tôi viết từ 1982 đến 2008. Theo chủ đề của tập thơ mà gọi bài vào “đầu quân”. Nói nó là đỉnh cao của thơ tôi thì chưa phải. Vì các nhà thơ hay nhìn xa ở những đỉnh núi đầy mây ở cuối trời. Họ tìm đích và đỉnh ở cái nơi mù tăm ấy! Không ai nhận tập nào là đỉnh cao cả. Chỉ có bạn đọc, các nhà phê bình chọn tập này, tập kia là đỉnh cao của nhà thơ A nhà thơ B thôi. Nhưng dẫu sao, “Nhẫn trăng” là tập hợp những bài thơ “ưu tú” của tôi viết trong thời gian đó. Đó là những bài thơ tâm huyết, được viết từ những xúc cảm bồng bột, trong sáng. Nó là những hạt giống được chọn ra. Và nó là đỉnh của thời đó! Còn giữa thơ và đời lúc đó là một. Vì lứa chúng tôi thời đó sống trong sáng, tôn thờ thơ, coi thơ là số một. Giai đoạn về sau, sau năm 1993, khi Nguyễn Quang Thiều in và đoạt giải thưởng Hội nhà văn với tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” thì sự đổi mới thơ trong lớp trẻ bắt đầu khởi động và sục sôi. Tôi cũng lao vào tìm tòi đổi mới, thể hiện với lối thơ văn xuôi. Nhưng bỏ ngỏ ở đó. Bởi vì hồi đó công việc làm báo của tôi, đặc biệt là làm tờ Thời trang trẻ, một tờ tạp chí rất hot, nên tôi chạy theo cái đẹp áo váy hơi hăng hái, nên có sao nhãng cách tân thơ. Tôi đã viết những câu thơ về thời đó để nói về công việc của mình như sau: “Chỉ một mình tôi trong căn phòng New fashion/ Những bức ảnh cắt chéo góc độ ánh sáng ngả ngốn nhiều dáng hình người mẫu/ Mắt nâu môi trầm/ Chân dài váy ngắn/ Những chỉ số tiêu chuẩn của vòng đo ám ảnh rần rật/ Căn phòng bén lửa!/ Tôi vội dội vào ngực một li nước lạnh/ Nhưng nhầm một cốc Whisky uống dở để trên bàn/ Liền lao ra đường như đuốc sống!/ Cuộc sống báo chí thời đầu mở cửa sôi động và rất nhiều cám dỗ. Nó đã nuốt tôi và nuốt thơ tôi. Giờ nhìn lại mình… bỗng thấy ớn lạnh.

* Trong tập thơ Nhẫn trăng, và những sáng tác trong giai đoạn ấy nói chung, có phải anh đã cố thoát ra khỏi vần điệu, để chữ của thơ được bay lên tự do mà không gò ép vào bất cứ khuôn mẫu nào? Mục đích cuối cùng của thơ anh là gì?

Thời kỳ đầu thơ tôi chưa cố gắng thoát ra khỏi vần điệu. Bởi thoát ra khỏi vần điệu thì khó được in lắm! Mấy ông biên tập viên ở các báo là các nhà thơ thế hệ trước, chỉ tôn thờ vần điệu thôi. Sau này in thành tập, mình bỏ tiền in thì chủ động hơn, có thể đưa nhiều bài vào để “thương lượng” với biên tập viên. Từ tập thơ “Khúc biến tấu xương rồng” và “Những giấc mơ cắt dán” thì thơ tôi đã hoàn toàn lột xác. Thơ nghiêng về văn xuôi với những chiêm nghiệm, triết lý cuộc sống. Đó là những biến tấu trong giấc mơ thơ của tôi. Còn mục đích cuối cùng của thơ tôi là gì ư? Có lẽ chả có mục đích nào! Viết mà cứ mục đích như kế hoạch 5 năm, 5 năm sau phải có gì đó hơn 5 năm trước thì mệt và chán lắm. Mục đích của tôi là phải viết trong sự tươi mới, thăng hoa của cảm xúc. Viết trong cảm xúc của cái gì đó thật đích đáng để viết. Viết trong việc tạo lập một ý tưởng, chuỗi ý tưởng, và … trong sự tham vọng làm ra tư tưởng! Nhưng tôi viết với mục đích này: Cho thơ được đến với bạn đọc (cả trong nước và ngoài nước), thơ tôi được họ yêu thích và giúp cho đời sống tâm hồn của họ chút ít nào đó…

Tự quất roi vào mình

* Mẹ và vợ, hai người phụ nữ ấy có ảnh hưởng như thế nào tới thơ của anh? Liệu họ có là nàng thơ vĩnh viễn? Nếu không có họ, thơ anh tựa vào đâu?

Mẹ và vợ là nơi tôi gửi gắm nhiều bài thơ gan ruột nhất. Cha mẹ tôi chia tay nhau khi tôi mới 6 tuổi. Tôi sống thiếu tình cảm của mẹ. Vì thế trong thơ, tôi dành tình cảm cho mẹ nhiều và sâu đậm nhất. Tập thơ nào cũng có bài thơ về mẹ. Bài nào cũng tìm được nét tình cảm đẹp nhất về mẹ. Hai câu thơ của tôi: “Nửa đêm cháu thức gọi bà/ Giật mình nghe giọng quê nhà đã phai” là cái thảng thốt của người con khi con của mình đã xa rời quê hương thêm một bước, mẹ và làng quê càng hút bóng. Và hình ảnh của mẹ tôi hiện lên với một nét đẹp đầy yêu thương của người mẹ Việt Nam: “Khi con về vụ gặt đã xong rồi/ Không giúp mẹ được tay liềm tay hái/ Lại đón nhận bao mùi thơm hoa trái/ Mẹ để dành trên cành lá chờ con”, mà tôi tìm gặp được. Và tôi tưởng tượng ra, rồi trào nước mắt, khi bao bà mẹ để dành hoa trái trên cành cho tươi để chờ con về, rồi trái rụng. Đến mùa sau, mùa sau nữa, mà nhiều người mãi mãi không về…

Còn vợ tôi là một nguồn cảm hứng cho cảm xúc thơ của tôi. Tôi cần mẫn những dòng thơ đề tặng “Dưới sắc trời như cỏ xanh non”. Tôi yêu cô ấy khi vào đại học. Yêu rồi lấy. Đường tình trên chỉ tay của tôi có vẻ “đơn độc”, nên chủ yếu làm thơ tặng vợ. Học theo mấy nhà thơ lớn, hồi yêu KL., tôi làm một tập thơ có tên “Ngọn lửa” được trình bày rất đẹp tặng nàng. Và nàng “chết” vì thơ trước khi đổ gục vào tôi! Không hiểu ngọn lửa đó nhen lên bằng lửa gì và củi nào mà đến nay vẫn âm ỉ cháy… Mẹ và em là nguồn thơ không bao giờ vơi cạn trong tôi. Vì đó là hai người mà tôi chịu ơn nhiều nhất. Họ là điểm tựa vĩnh viễn của thơ tôi. Một cách vững chắc. Bởi sau họ là quê hương giăng luỹ giăng thành.

* Anh quan điểm thế nào về lao động thơ? Thơ có sứ mệnh nào với riêng anh, và với độc giả của anh?

Lao động thơ là một lao động cực nhọc. Một loại lao động khổ sai đặc biệt. Nó bắt anh phải thổ ra máu. Nếu không thế anh không thể thành công. Các dạng viết khác có thể lươn lẹo, đánh võng, nhưng với thơ thì không thể. Vì thơ là tinh tuý nhất của văn chương, chữ của nó là thần chữ, chữ có đẳng cấp cao. Vì thế lao động thơ đối với tôi thật vất vả. Làm được một bài thơ, hôm sau đọc lại thấy chán. Viết xong bài thơ muốn xé vứt đi. Nhiều lúc hoang mang khi ngồi trước trang giấy. Nhiều lúc thấy oải khi theo đuổi nghiệp viết. Nhưng đã mang lấy nghiệp vào thân rồi thì phải tự quất roi vào mình thôi. Ngựa phải chạy đường trường cho kịp chúng bạn. Nếu vượt được thì quá tốt! Và viết cũng là một quá trình. Nếu ta không nạp đủ năng lượng thì không đi được đường xa. Đi. Đọc. Cảm nhận. Làm giàu chữ, làm giàu vốn sống. Suy tưởng. Gửi thông điệp gì. Chọn cách/ lối viết/. Tất cả phải nhuần nhuyễn mới lập ý, lập tứ cho bài thơ ra đời. Vất vả hơn đi cày. Đi cày tối về còn được ngủ ngon. Còn làm thơ tối nằm vắt tay lên trán. Theo tôi lao động thơ là một loại lao động “khó nhằn” nhất. Và nó cũng mang lại lợi nhuận bèo nhất. Nhưng đã làm thơ, đeo đuổi với thơ thì phải thuận theo nó mà đi thôi! Rồi có lúc được hưởng vinh quang bằng những tràng vỗ tay! Đối với tôi, thơ có một sứ mạng cao cả! Nó băng bó vết thương cho tâm hồn tôi. Nó làm cho vườn cây trong hồn tôi úa vàng bừng lên sắc lá tươi non. Thơ dẫn tôi đi về phía mọi người. Thơ đưa tôi đến miền Thiện phúc. Tôi mang thông điệp đó, đưa vào thơ mình, mong bạn đọc cảm nhận và chia sẻ! Nhiều hy vọng và không ít hoang mang.

Vẫn mơ một chân trời Sao Hoả

* Khi đã giành được giải thưởng thơ quan trọng trong nước (Giải thưởng Hội nhà văn năm 2019), anh đã bắt đầu hành trình đưa thơ mình vượt ra khỏi biên giới và đã đoạt 2 giải thưởng khu vực và quốc tế. Vậy hành trình này có ý nghĩa thế nào với riêng anh?

Hành trình để thơ mình “vượt biên” không dễ dàng chút nào. Ngày xưa thì văn thơ vượt biên theo tiêu chuẩn “tem phiếu” cao. May ra trong số đó có những tác phẩm xứng đáng. Nay càng khó hơn, vì văn hoá đọc xuống cấp. Các nhà xuất bản ở nước ngoài hầu như ít mặn mà với văn học Việt. Mong ước được đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài là mong ước của hầu hết các nhà văn. Nhưng tiếp cận để cho thơ mình được ra nước ngoài quá khó. Nó như đi vào cõi mù tăm. Hội nhà văn Việt Nam đã hai lần tổ chức Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài mà kết quả chỉ được dăm mười đầu sách được ra đời. Tôi may mắn có Quý nhân phù trợ. Cô ấy là một đồng nghiệp của tôi, một phóng viên giỏi của tôi trong thời gian chúng tôi làm báo với người Thuỵ Sĩ. Cô ấy đã đại diện, giúp đỡ tôi từ khâu dịch thuật, tìm người hiệu đính… tóm lại là từ A đến Z cho đến khi sách ra đời. Đó là một may mắn! Cũng có một đôi nhà xuất bản ở nước ngoài muốn in sách của tôi, nhưng không tìm được người dịch. Khó nhất bây giờ là tìm được người dịch giỏi. Vượt qua cửa ải này thì việc in ấn ở nước ngoài đạt 30%. Tôi rất phục nhà thơ Mai Văn Phấn khi đã có hơn 30 nước dịch và in thơ của anh. Muốn bằng anh bằng em thì phải cố gắng, học hỏi, nhờ giúp đỡ thôi. Nhưng quan trọng là phải làm thơ, có thơ hay. Tôi không còn trẻ nữa, nhưng vẫn mơ một chân trời Sao Hoả. Hành trình để thơ mình được xuất bản ở nước ngoài có một ý nghĩa đặc biệt với tôi. Thơ tôi có bạn đọc ở ngoài đất nước mình. Qua thơ tôi bạn đọc nước ngoài có thể hiểu thêm về một tâm hồn Việt. Với bản thân, việc thơ được xuất bản ở nước ngoài nó tạo cho tôi một động lực viết mạnh mẽ. Tôi có nhiều hưng phấn hơn trong sáng tạo.

Anh tới Canada chưa? Và tác giả nào, hoặc nét văn hóa nào ở nơi ấy khiến anh ấn tượng? Anh muốn nói gì với độc giả Canada nói riêng và độc giả thế giới nói chung qua tập thơ Nhẫn trăng phát hành bởi một nhà xuất bản của Canada?

Tôi chưa tới Canada. Tôi chưa đọc một cuốn sách nào của nhà văn Canada viết và được dịch sang tiếng Việt. Tôi chỉ biết một biểu trưng rất đẹp là lá phong vàng, nó được đưa lên quốc kỳ của Canada. Những thiếu hụt về văn hoá của một đất nước có tầm cỡ như Canada trong kiến thức là một điều hết sức xấu hổ đối với tôi. Tôi thành thực về điều này và tìm cách bù đắp. Tôi rất vui khi NXB Ukiyoto xuất bản tập thơ của tôi, tập thơ của một người rất xa lạ, ít hiểu biết về đất nước họ. Nhưng tôi cũng rất buồn vì mình chẳng hiểu gì về họ cả! Nói thông điệp về tập thơ với độc giả Canada và thế giới thì hơi to tát. Nhưng tôi gửi gắm trong đó một tấm lòng thi nhân đầy ắp những tình cảm sâu nặng về quê hương đất nước, về những người yêu thương gần gũi, những phận người của một đất nước phải chịu nhiều mất mát do chiến tranh, do thiên tai. Tôi muốn bạn đọc biết đến một nhà thơ Việt Nam và biết ông ta nghĩ gì về đất nước mình. Và tôi muốn thơ tôi được trở thành một cầu nối tình cảm…

Quê hương Quảng Bình đóng góp bao nhiêu phần trăm trong việc hình thành phong cách và tâm hồn thơ Trần Quang Đạo? Anh muốn giới thiệu gì về quê mình với bạn đọc Việt Nam và thế giới?

Quê hương Quảng Bình là cái gốc quyết định thơ tôi. Dấu ấn thơ tôi mang đậm “đặc sản” Quảng Bình như gió Lào, cát trắng, ớt cay. Mang cái nắng chói chang, cái xanh mút mắt của trời biển, sông nước, núi rừng. Không dễ gì có một nơi thứ hai có thắt eo của tổ quốc, có động Phong Nha vào loại động đẹp nhất thế giới. Không phải ngẫu nhiên nơi đó sinh ra đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm, các nhà thơ như Hàn Mạc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập… Mảnh đất mà tôi đã nói trong thơ “giọt mồ hôi rơi xuống đất là muối” không thể không tạo cho nguồn xúc cảm hồn cốt thơ tôi. Nhưng quan trọng đó là người quê tôi luôn sống hết mình, đốt hết mình để cháy, tình cảm không vòng vo, yêu ra yêu ghét ra ghét đã tạo cho tôi có một tính cách thơ quyết liệt. Nhưng lại dễ mềm lòng như nước dòng sông luôn xanh biếc! Chính những thái cực này tạo nên tính cách con người, phong cách ngòi bút. Tuy nhiên, nếu chỉ Quảng Bình thì dễ khô cứng, một chiều, cực đoan. Tôi đã hài hoà kết hợp những gì quê tôi có được với xứ Kinh kỳ và những vùng miền đặc sắc khác để làm nên bản thân mình, tạo cho mình một cá tính thơ. Đọc thơ tôi chắc bạn đọc dễ nhận ra tôi, một ông Bọ xịn Quảng Bình trong cách nghĩ, cách viết, trong hiện thực mà ông bọ đưa vào thơ từ ngôn ngữ, thi ảnh, cách cấu tứ bài thơ. Nếu họ không nhận ra điều đó là tôi thất bại, tôi không còn là tôi nữa, tôi đã hoà lẫn nhạt nhoà vào mọi người…

 

Kiều Bích Hậu (Thực hiện)
Nguồn Văn nghệ số 28/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây