Thơ Bùi Ngọc Hà: Đẹp tình đời, nặng tình non nước
Thứ hai - 18/07/2022 15:31
Tập thơ “TÌM TRONG ÁNH MẮT” của anh Bùi Ngọc Hà - một người làm thơ không chuyên đã thật sự cuốn hút tôi bởi sự chân thật đẹp tình đời và nặng tình non nước. Tập thơ do NXB Hội Nhà văn in đẹp với 500 trang, gồm 232 bài thơ, trong đó có 6 trường ca, như là bản tổng kết cuộc đời của anh Bùi Ngọc Hà với những năm tháng là thanh niên xung phong miền Tây Bắc, rồi trở thành người thợ và sau đó là Chủ nhiệm HTX Mộc Dân Chủ của thành phố Hưng Yên nhiều năm. Anh Hà là một doanh nhân lịch lãm và yêu văn nghệ thơ ca, anh đàn ngọt hát hay, khi bước sang tuổi 77 anh mới xuất bản thơ. Thơ anh hấp dẫn người đọc vì anh kể rất thật về cuộc đời của mình. Có lẽ vì xuất thân trong một gia đình có lý lịch cha là lý trưởng nên con đường phấn đấu của chàng trai Bùi Ngọc Hà gặp nhiều khó khăn. Và anh chọn đi thanh niên xung phong vào năm 1964 khi tròn 18 tuổi. Anh tham gia khai hoang và làm công trình thủy lợi tại Điện Biên và Lai Châu. Chàng trai quê An Vũ - Hiến Nam - TP Hưng Yên say sưa làm các công trình thủy lợi và đã có thơ từ những năm tháng sống tại Tây Bắc những năm 60 của thế kỉ XX:
“Tôi đã xung phong lên miền Tây
Xếp lại bút nghiên, xa bạn thầy
Để lại cha một mình hiu quạnh
Đơn vị tôi thanh niên xung phong
Xây dựng công trình đại thủy nông”
(Đặt bút làm thơ, sách đã dẫn, trang 92). Và:
“Dòng sông Nậm Rốn nên thơ
Mùa xuân nước chảy lững lờ trong xanh
Mùa mưa nước lũ tràn nhanh
Mường Thanh đồng lúa hóa thành hồ sâu...”
(Dòng sông Nậm Rốn, tháng 7/1968, sách đã dẫn, trang 252).
Tác giả yêu mỗi ngọn núi, yêu từng con đường rừng:
“Chiều Tủa Chùa cao vút mênh mông
Phóng tầm mắt ta yêu từng ngọn núi
Yêu lũng sâu đọng ắp mây bông
Yêu lối nhỏ đường mòn đi mỗi buổi...”
(Chiểu Tủa Chùa- tháng 3/1969, sách đã dẫn, trang 254).
Hoặc tác giả ghi nhớ một hang sâu :
“Qua sông Nậm Mức samg Đề Bâu
Ngầm hang lòng núi có từ lâu
Mùa mưa nước lũ hang phun tỏa
Cuồn cuộn phun lên nước đỏ ngầu...”
(Hang suối ngầm Đề Bâu, sách đã dẫn, trang 258)
Nói thơ Bùi Ngọc Hà đẹp tình đời là anh dành nhiều tình cảm cho người thân và bạn bè cùng những đúc rút về lẽ đời. Anh viết trường ca về cha mẹ và còn có nhiều bài thơ viết riêng tặng người thân như: “Mẹ tôi” (Trang 45), “Ơn mẹ kính yêu” (Trang 220), “Trước mộ mẹ con giãi bày nỗi đau” ( Trang 289), “Tặng vợ sinh nhật tuổi 70” (Trang 313), “Tặng vợ yêu” (Trang 335), “Viếng anh ruột Bùi Ngọc Châu” (Trang 362), “Viếng chị nuôi Trần Thị Lan” (Trang 366), “Viếng anh Hoàng Ngọc Lập” (trang 228), “Ba người con” (Trang 79)... Trong “Trường ca về gia đình bố mẹ và tôi”, Bùi Ngọc Hà kể về cha mẹ anh như cuộc đời vốn có:
“...Vợ hai vợ ba khó chiều
Gia đình lục đục đủ điều ghen tuông
Bà cả hai năm lên đường
Bà hai đóng chặt cửa buồng không ra
Bà ba như một đóa hoa
Được chồng chiều chuộng chan hòa yêu thương...”
Mẹ anh vốn là một cô đào xinh đẹp hát hay được cha anh chuộc ra làm vợ ba. Trong cảnh đời như vậy nên mẹ anh chịu nhiều ghen tuông va chạm...
Kể về người bố giỏi giang làm lụng, nhiệt thành ủng hộ Việt Minh, anh Bùi Ngọc Hà viết:
“...Cha tôi giàu có gì đâu
Vài ba mẫu ruộng con trâu kéo cầy
Ao vườn với mấy khóm cây
Cái sân gạch, cái nhà xây bao tường
Sinh hoạt rau muống chum tương
Việc làng khuya sớm ruộng đồng chăm lo...”
Và thân phụ anh:
“Ban đêm công tác Việt Minh
Dẫn đường cho bộ đội mình đánh Tây
... Bố tôi lập nhiều chiến công
Ủng hộ vải, thóc, vàng dòng nuôi quân...”
Mặc dù đã 2 lần được Bác Hồ khen ngợi, nhưng rồi thân phụ của anh Bùi Ngọc Hà vẫn bị đưa ra đấu tố trong cải cách ruộng đất, bị tịch thu gia sản và phải đi tù 18 năm, bản thân anh phải đi ở thuê... Trước đó, vì những mâu thuẫn gia đình, mẹ đẻ anh đã bỏ anh và gia đình trong một đêm tối trời, khi anh mới lên 2... Nhắc lại những chuyện bi thương này để càng thấy rõ con đường rèn luyện đi lên phấn đấu và trưởng thành của chàng thanh niên Bùi Ngọc Hà là nhiều khó khăn, nhiều chông gai, nhưng đã đến được bến bờ bình yên sau chặng đường dài không biết mệt. Sau những năm tháng đi thanh niên xung phong, anh về làm nghề thợ mộc:
“Tôi bước vào học nghề thợ mộc
Buổi đầu tiên bỡ ngỡ làm sao
Vụng về tay nắm chiếc bào
Đẩy từng nhát vấp
Một ngày qua tay bỏng rát phồng...”
(Vào nghề thợ mộc, sách đã dẫn, trang 48)
Và Bùi Ngọc Hà đã thành công khi làm chủ nhiệm HTX nhiều năm. Lo việc làm cho hàng trăm thợ. Bận rộn với công việc là thế nhưng anh Hà yêu và có năng khiếu về thơ. Thơ anh như lời tâm sự với người thân và bạn bè. Anh đúc kết nhiều lẽ đời bằng thơ. Anh coi việc giữ gìn đạo đức là “của để dành”:
“Có hiếu có đức nở hoa
Thất hiếu, thất đức, đời nhòa khổ đau”
(Của để dành, sách đã dẫn, trang 101).
Anh quan niệm: “Hương hoa là của trời cho. Hương đời người tự khắc lo cho mình” (“Hương hoa hương đời”, sách đã dẫn, trang 102). Trong cuộc đời vốn trắng đen lẫn lộn, Bùi Ngọc Hà luôn tự thức tỉnh: “dại mãi cũng phải khôn ra. Khôn ra chưa phải đã già lắm đâu. Vẫn còn nghĩ được trước sau. Khơi trong gạn đục bắc cầu mà noi" (Dại mãi, sách đã dẫn, trang 295). Bùi Ngọc Hà tự nhủ: “Khắc đi phải đến. Khắc làm phải nên. Tôi tự dặn mình. Làm nhiều việc tốt” (Tôi tự dặn mình, sách đã dẫn, trang 297), và “Sống thoải mái ung dung. Ngẩng cao đầu mà sống. Nhìn bốn phía tây đông. Mai về với tổ tông. Cũng không bị hổ thẹn” (Ngẩng cao đầu mà sống, sách đã dẫn, trang 309).
Thơ Bùi Ngọc Hà đẹp tình đời, nặng tình non nước. Anh có nhiều bài thơ về quê anh - phường Hiến Nam, và nhiều bài thơ về mọi miền tổ quốc. Chỉ tính riêng về phường Hiến Nam và thành phố Hưng Yên nơi anh sống, anh đã có hơn 20 bài thơ như các bài: “Quê tôi An Vũ Hiến Nam”, “Chùa Táo chùa Đông làng An Vũ”, “Đền Âm hồn An Vũ Hiến Nam”, “Bến đò Yên Lệnh”, “Nhãn tổ Phố Hiến nhãn lồng Hưng Yên”, “Văn Miếu Xích Đằng”... Bùi Ngọc Hà ghi lại An Vũ một thời nghèo khó :
“Quê tôi An Vũ Hiến Nam
Chiêm khê mùa thối, cơ hàn quanh năm
Có làm mà chẳng có ăn
Nghề phụ trồng trọt rau dăm rau cần...”
(Quê tôi An Vũ Hiến Nam, sách đã dẫn, trang 172).
Và anh cùng vui mừng với sự đổi mới của quê hương:
“Ngày nay An Vũ mạnh giàu
Hàng năm mở hội đình cầu bình an.”
(Đình làng, sách đã dẫn, trang 315).
Trong tập thơ “Tìm trong ánh mắt”, Bùi Ngọc Hà còn dành nhiều áng thơ ca ngợi những con người Việt Nam anh hùng cùng những chiến công hiển hách của dân tộc, cũng như những vẻ đẹp của mọi miền đất nước. Anh viết về các miền quê tươi đẹp của Tổ quốc như; “Thăm cảng Nhà Rồng”, “Đà Lạt thành phố vạn hoa”, “Đảo Cô Tô”, “Đảo Lý Sơn”, “Huế thương”, “Thủ đô Hà Nội”, “Gặp lại Điện Biên”, “Thăm phà Long Đại”... Với những người con đã dũng cảm hy sinh vì đất nước, Bùi Ngọc Hà thể hiện lòng biết ơn qua những vần thơ mộc mạc mà tôn kính nhường bao. Anh có các bài thơ dâng tặng Mẹ Suốt, nữ công an Bùi Thị Cúc, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cùng những liệt sĩ tại Truông Bồn, tại hang Tám cô... Và Bùi Ngọc Hà ca ngợi sự hy sinh dũng cảm của 64 chiến sĩ ta tại đảo Gạc Ma và đau đáu nỗi niềm mất đảo:
“Nào ngờ bành trướng đến nhà
Chúng cướp biển đảo Gạc Ma giết người...”
(Viếng thăm tượng đài đảo Gạc Ma, sách đã dẫn, trang 194).
Là một chủ nhiệm HTX Mộc Dân Chủ giỏi và có một ngôi nhà hạnh phúc với vợ đảm con ngoan, đó là quả ngọt của sự lao động, rèn luyện và phấn đấu vượt lên hoàn cảnh số phận của Bùi Ngọc Hà. Cuộc đời còn cho anh điệu đàn tiếng hát cùng những vần thơ. 500 trang thơ cũng là một món quà đẹp dành cho mối tình Ngọc Hà Kim Huệ. Tập thơ “Tìm trong ánh mắt” chính là cuộc đời thật của anh Hà - một chàng trai có số phận gian truân nhưng cũng thật vẻ vang hạnh phúc khi anh sống có hoài bão và đã có những thành công thật đáng ngưỡng mộ:“Ta muốn sống như dại bàng trong bão táp. Ta không thèm sống như chim câu ăn thóc của chuồng. Cuộc đời ta dù trải qua ngàn bể khổ gian truân. Ta sẽ luyện đời ta như người thợ lò cao luyện thép”. (Tìm cuộc sống, Điện Biên Phủ tháng 7/1968, sách đã dẫn, trang 94). Sẽ có người hỏi: “Bà ba”- mẹ của anh thế nào? Như trong thơ anh kể: “Năm 1971 tôi tìm thấy mẹ ở Yên Thủy, Hòa Bình. Năm 1991 mẹ mới về ở với vợ chồng tôi...”. Đón được mẹ về, âu cũng là một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất của đời người.
Đọc tập thơ “Tìm trong ánh mắt” của Bùi Ngọc Hà, thấy anh có tình đời đẹp và nặng tình non nước yêu Tổ quốc mình cùng nhiều thú vị khác nữa. Xin chúc mừng chàng trai thanh niên xung phong Bùi Ngọc Hà năm xưa và Chủ nhiệm HTX Mộc Dân Chủ hôm nay.
Công Đán