Di cảo Lưu Quang Vũ: Trang Nhật ký thời học cấp và và những tháng năm quân ngũ

Chủ nhật - 28/08/2022 19:43
Lời BBT: Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 và mất ngày 29/8/1988 hưởng dương 41 tuổi. Nhân kỷ niệm 34 năm ngày mất của ông, Người làm báo Hưng Yên xin trích đăng một số trang nhật ký ông viết khi học cấp 3 và những năm ở quân ngũ. (Rút từ cuốn Di cảo Lưu Quang Vũ, nhà xuất bản trẻ năm 2018) - 21/2/1963
...
21/2/1963


Tôi nói chuyện về Nguyễn Trãi. Tuy chưa rành mạch và còn thiếu sót nhưng mình đã đem hết khả năng và tình cảm vào bài nói chuyện nên mình biết là đã thành công, cả lớp rất chăm chú nghe và hứng thú.
Tuy bận và khổ nhưng vui, vui vì mình đã làm được một chút gì cho cuộc đời, làm được hơn 50 người hiểu thêm, yêu thêm một nhà thi hào của dân tộc.
***
Tự nhiên, muốn viết một cuốn hồi ký dài về tuổi thơ của mình và những người thân, có lẽ lấy tên là “Ký ức ngày thơ”. Cuốn hồi ký mình không có ý định sáng tác, chỉ ghi lại cho mình những kỷ niệm và những tài liệu sáng tác rất quý. Kẻo sau này lớn lên, quên hết về những ngày kháng chiến gian khổ mà mình đã sống, vả lại không viết thì không chịu được vì những điều đó để ở tâm hồn mà không viết ra thì rất khó chịu.

26/2/1963

Hôm nay hoàn thành xong tập thơ của 2 tháng đầu năm 1963. 24 bài tất cả - mình viết ghê thật. Độ này tứ thơ ở trong lòng nhiều quá. Mới nghĩ lại rằng: Mình bắt đầu làm thơ từ khi nào nhỉ? Bài thơ đầu tiên là bài thơ nào? Cái đó thì không nhớ, chỉ nhớ rằng từ năm 1958, mình bắt đầu làm thơ, khi đó mình 10 tuổi, học lớp 4, nhớ mang máng một trong những bài thơ đó là, Đắp đường, lớp 5 thì làm khá nhiều: Miền Nam bất khuất, Anh lính Angiêri, Bà hàng bánh ơi, Gửi bạn và Sổ tu dưỡng.

Năm lớp 6 có bài: Lời cha, Bắc Nam v.v...
Năm lớp 7 có: Trường vui, Xuân tới, Lúc tôi chết, Bác Hồ...

Năm lớp 8 thì rất nhiều, hàng mấy chục bài. Thơ lớp 4 thì viết rất trẻ con, chưa biết làm. Lớp 5 sôi nổi hơn, lớp 6 cũng vậy, nhưng ít hơn, lớp 7 bắt đầu có cảm xúc, có tứ thơ nhưng còn rất non, lớp 8 thì vững hơn. Sang năm 63 thì tứ càng già hơn nữa (già: già đặn).

Còn về văn: lớp 4 chưa khá lắm, ít đọc sách và gắn văn chương. Lớp 5 vui nhộn (đọc sách nhiều hơn) (nhờ cô Minh nhiều). Lớp 6 cũng giống như lớp 5, nhưng vẫn chưa có nghệ thuật. Truyện ngắn đầu tiên: Đám trẻ con làng A, Bé Lanh lớp 1, nhờ ở cô Oanh nhiều, học được cách đặt câu, tâm hồn lớn hẳn lên nhưng còn bỡ ngỡ, dại: viết Nhi, Chiều tan, hay, nhưng cường điệu, chưa sát, Lớp 8, lớn và già dặn trầm tĩnh, triết lý hơn. Chưa viết được: Lá thu và Mùa xuân (Nhờ Pautốpxki).

01/3/1963

Ngày hôm kia 27-2, cô Lan sinh con. Tối nay đến thăm đi cùng với cậu Khanh mà thấy rất vui vì tìm ra một niềm hạnh phúc mới của cuộc đời: Lần đầu tiên làm bố. Nhìn cậu Khanh mà tức cười quá, anh chàng cuống lên, hay cười, hay nói ngơ ngẩn, bàn luận về đứa con, tìm đặt tên - lần đầu mình gặp một anh chàng lần đầu làm bố. Thằng nhỏ khỏe, đẹp và ngộ nghĩnh lắm. Nó tay chân bé xíu - không hiểu lớn lên mặt mũi nó như thế nào nhỉ! Cuộc đời nó sướng lắm đấy: Bây giờ thì nó mới chỉ biết khóc, ăn và ngủ thôi.
***
Nghe bố nói chuyện về chèo - xem minh họa - Cụ Mầm đóng hề thánh thật. Xem 2 nữ diễn viên Đoàn Kim Lan hát và múa trích đoạn. Đẹp và hay. Vốn chèo của dân tộc ta quý, trữ tình và lạc quan thật.

 6/3/1963

Đi xem phim ở Bảo tàng Cách Mạng - nghe trình bày ở sa bàn Điện Biên Phủ: Đứng trước niềm tự hào của dân tộc đây. Vĩ đại thật. Rất kiêu hãnh được làm dân của một đất nước anh hùng, của Việt Nam, Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ.

7/3/1963

Tối đi xem một phim vũ kịch về tình yêu: Lâyly và Nétmen. Tình yêu, bao nhiêu đời nay tình yêu vẫn là một đề tài vô cùng tận cho những bài thơ, những bài văn, những vở kịch, những bức tranh. Vui, buồn, sâu thẩm, tan nát và xum họp. Người đẹp cũng là đề tài cao quý, tuyệt diệu. Tưởng như tất cả những bài thơ tình trên thế giới này là để ca ngợi người đẹp Vênuýt.

“Gió có hình đâu sao mây theo
Chớ trêu chỉ thế ôi tình yêu...”

 
(Còn tiếp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây