Di cảo Lưu Quang Vũ: Trang Nhật ký thời học cấp và và những tháng năm quân ngũ

Thứ ba - 30/08/2022 22:35
Lời BBT: Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 và mất ngày 29/8/1988 hưởng dương 41 tuổi. Nhân kỷ niệm 34 năm ngày mất của ông, Người làm báo Hưng Yên xin trích đăng một số trang nhật ký ông viết khi học cấp 3 và những năm ở quân ngũ. (Rút từ cuốn Di cảo Lưu Quang Vũ, nhà xuất bản trẻ năm 2018)
* Từ ngày 8/3/1963 - 31/3/1963
...
8/3/1963


Ngày phụ nữ quốc tế. Tự ngàn xưa, trên đất nước ta, người phụ nữ đã là niềm thương mến với nàng Kiểu, với Xuân Hương.

Xin cúi chào tất cả những người mẹ, người chị, người vợ, người yêu, người bạn gái trên thế giới với tất cả niềm thương yêu và kính trọng của tôi.


9/3/1963

Muốn đem hết sức mình mà làm thơ, mà viết văn để ca ngợi cuộc sống, để phục vụ cho đời yêu mến.

16/3/1963 (thứ bảy)

Buổi chiều, ra công viên Thống Nhất với Châu, Ninh, Hiển nói chuyện tâm tình. Tối nhận giấy khen kết quả thi văn nhất toàn thành.

23/3/1963 (thứ bảy)

Trời ẩm và đẹp. Lại ra Bảy Mẫu. Trời rộng, liễu xanh, nước bạc với em nhỏ. Làm hai bài thơ: Chiều và Én.
                 Én
Nhành khô trụi lá đã đâm chồi
Cánh én bay về từ núi khơi
Như thư tin báo mùa xuân tới
Náo nức trong lòng, chim én ơi.


                 Chiều
Sương chiều nhẹ phủ tựa trong mơ
Liễu rũ bên hồ vương tóc tơ
Sóng biếc rì rào, hôn ngọn có
Gió yêu hoa thắm tới làm thơ.


31/3/1963


Đi trại với lớp ở chùa Thầy. Trời hơi lạnh. Cả lớp đi ô tô khá xóc và mệt. Chùa Thầy rất đẹp, đứng trên núi mà nhìn xuống thì yêu vô cùng. Hôm nay lại đúng vào ngày hội, đông quá, hàng quà cũng nhiều. Khá đắt. Khi vào hiệu phở thì gặp bác Trung. Trèo núi mệt phờ ra, Anh Tuấn, Hiển và mình vào hang Thần: rộng nhưng đông người mà lại tối.

Buổi chiều, đi Tây Phương, ghé vào động Hoàng Xa, leo núi, lên tới đỉnh thì mệt, hết cả sức, nằm vật ra. Khi đang trèo thì chuột rút cứng cả hai chân. Nếu không có Hữu Châu1 ở đấy thì gay thật, hú vía.

Chùa Tây Phương ở cao chót vót, leo lên bậc phải nghỉ mấy lần. Tượng ở đây tuyệt thật. Không phải chỉ là những tượng phật không hồn. Mà phật ở đây rất Người, rất có tình Người. Có cá tính dân tộc độc đáo. Điêu luyện từng nét mặt, ngón tay, tà áo. Dân tộc ta thông minh và tài thật.

Làm lễ ra Đội. Buồn quá. Thế là tuổi thơ của mình đã hết rồi. Chóng quá, như một giấc mộng. Muốn khóc òa lên - anh phụ trách đọc đơn quyết định, dặn dò. Khi Viết Đông đi thu khăn lại, mình cởi khăn đỏ ra mà thấy tiếc lạ. Cái tuổi đẹp nhất của đời  người thế là hết rồi. Tuổi thơ ơi... thôi, thế là vĩnh biệt. Mãi mãi triệu triệu năm sau, không bao giờ trở lại nữa.

Nhớ lại ngày 27-10-1957. Ngày mình vào Đội. Ừ nhỉ, đêm trước hôm kết nạp. Không ngủ được. Lúc lên tuyên thệ, rồi nhận khăn đỏ. Anh Kim lúc đó là phụ trách. Trời, chóng quá. Mới đó mà đã 6 năm rồi. Mới ngày nào, mình còn là một chú bé. Buồn quá đi thôi. Bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp, bao nhiêu ngày tươi nắng đã qua rồi. Khi viết những dòng này, mình muốn gục đầu xuống mà khóc. (kèm theo đây là bài thơ Ra Đội. Thôi viết nốt chuyện chùa Thầy.

3 giờ đi về, ô tô xóc, mệt quá. Ngồi trên ô tô quấy nhộn vô cùng. Bọn nó ngang nhiên trêu chọc những cô gái đi qua. Họ thường chỉ mỉm cười bỏ qua, hoặc cô nào bạo thì giơ nắm đấm lại. Mình thoáng trông thấy ai hình như X.

Về đến nhà hầu như kiệt sức, nằm ngủ một mạch từ chập tối.


 

(Còn tiếp)
1 GS.TS Toán học Nguyễn Hữu Châu, bạn học lớp 10H cùng tác giả Lưu Quang Vũ. 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây