VĨNH BIỆT NHÀ THƠ TRẦN QUANG QUÝ
Nhà thơ Trần Quang Quý sinh ngày 2/1/1955 tại xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Ông từng tham gia lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), sau làm cán bộ văn hóa thông tin Phú Thọ. Năm 1985, tốt nghiệp khóa II Trường Đại học Viết văn Nguyễn Du. Ông từng đảm nhận vai trò Trưởng ban biên tập báo Nông dân Việt Nam (nay là báo Nông thôn ngày nay; Tổng biên tập tạp chí Dân số và Gia đinh; Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội; Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn…
Trần Quang Quý được biết đến là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ Việt hai thập niên đầu thế kỷ 21. Ngoài những tập thơ đã xuất bản trong nước, thơ Trần Quang Quý đã được dịch và in ở nhiều nước… Gia tài tác phẩm của ông khá phong phú với gần 20 cuốn sách gồm cả tập thơ, truyện ngắn, kịch bản phim, bút ký…
Các giải thưởng văn học: Giải nhì thơ tạp chí Văn nghệ quân đội (1983-1984), Giải thưởng thơ tuần báo Văn nghệ (các năm 1990, 1995), Giải ba truyện ngắn báo Người Hà Nội, (1986), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (các năm 2004, 2012 và 2019). Giải thưởng nhà nước về VHNT năm 2016…
Nhà thơ Trần Quang Quý đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào 11 giờ ngày 10/9/2022, sau thời gian dài chống chọi với bạo bệnh.
Trần Quang Quý có tiếng cười phá lên trong đó có sự ngạc nhiên, dí dỏm bất chợt, chính cái tiếng cười ấm áp và tin cậy này đã tạo ra mối đồng cảm của ông và những người khác vô tư mà nhiều ngẫm ngợi. Tính ông trầm lắng không bốc đồng kể cả những khi bia bọt vẫn có chút lơ đễnh như đang nghĩ gì đâu đâu. Cái “đâu đâu” thường trực ấy chính là nàng thơ đỏng đảnh, kiêu kỳ mà đầy ma lực quyến rũ. Tôi thường nghĩ đa số những người “làm thơ”, nhưng rất ít người bị “thơ làm” như ông…
Thường, phần lớn người làm thơ khi trẻ thì say mê nhiệt huyết với thơ. Đó như là một lớp nhung tuyết run rẩy trên “tấm áo thơ” đầy bản năng. Nhưng càng lớn tuổi, thì sáng tác chậm lại thậm chí có người không viết nữa, buông bút. Nhưng Trần Quang Quý thì ngược lại, càng tuổi nhiều càng chiêm nghiệm như phù sa lắng lại trầm tích ông lại càng viết khỏe. Trong khoảng thời gian 10 năm mà ông cho ra đời bốn tập thơ đầy ấn tượng. Đó là Giấc mơ hình chiếc thớt (2003); Siêu thị mặt (2006); Cánh đồng người (2010); Màu tự do của đất (2012); và nhận được nhiều giải thưởng văn học. Thậm chí ngay cả lúc đang bạo bệnh, phải giành giật từng ngày với sự sống, thì tháng 7/2022 ông cho ra đời liên tiếp hai tập thơ mới viết. Đó là Những nẻo người và Miền tỏa bóng.
Tôi nhớ mình có vài kỉ niệm khá sâu sắc với nhà thơ Trần Quang Quý trong những chuyến đi dài ngắn, trong nước và ngoài nước khác nhau. Đó là lần đi dự liên hoan thơ quốc tế ở Ấn Độ. Ông làm trưởng đoàn kiêm phiên dịch tiếng Anh. Đoàn chúng tôi gồm bốn người, ngoài ông có thêm tôi, nhà thơ Lê Huy Mậu và Đặng Thị Thanh Hương. Hương nhanh nhẹn hoạt bát, hoạt ngôn, Lê Huy Mậu có vẻ cũ kỹ, chất phác thật thà đến vụng về, và tôi cũng vậy, cứ ngơ ngác vì lần đầu tiên được “xuất ngoại” lại không biết một tiếng bẻ đôi ngoại ngữ. Khi quá cảnh ở Băng Cốc (Thái Lan) trong khi ba chúng tôi rủ nhau đi xem hàng hóa, chụp ảnh thì Trần Quang Quý ngồi một mình nhiều vẻ trầm tư nghĩ ngợi và lấy ra một cuốn sổ tay nhỏ ghi chép những câu thơ vụt đến. Trong cuốn sổ này tôi còn nhìn thấy nhiều mẫu câu tiếng Anh mà ông đang tự học. Ông nhìn thấy sự óng ánh vàng li ti của mạch nha của lúa mì trong chai rượu Chivas mà tôi vừa mua ở sân bay chảy trong huyết mạch, huyết quản khi chúng tôi nâng ly. Cũng như sau này dọc hành trình chuyến đi chúng tôi hành hương về đất phật Lumbini (Nepal) và khi trở về thị trần Gaia, bang Bihar nơi Đức Phật ngồi thiện định, niết bàn (Bồ Đề đạo tràng), ông bất ngờ phát hiện ra một “Bình minh trên sông Hồng” mà chúng tôi không nghĩ tới: “Dòng sông như người mẹ cần lao và đa mang vắt từng giọt sữa – Sữa của trời xanh- Sữa đất đai huyền bí – Rót nhân từ, từ cuống họng châu thổ” .Trong những đêm lưu trú ở ngôi chùa Việt Nam quốc tự do thầy Thích Huyền Diệu xây dựng ở Bồ Đề đạo tràng, hay trên chuyến xe rong ruổi gần một ngày từ Ấn Độ sang Nepal, khi đi qua những triền sông, những câu cầu, những cánh đồng làng mạc của nông thôn Ấn Độ, Trần Quang Quý say sưa kể cho chúng tôi nghe về làng quê ông nơi cội nguồn của trầm tích thơ không vơi cạn trong ông. Ông nói, mỗi miền quê trên đất Việt đều in dấu những truyền thuyến cổ tích huyền thoại những biểu tượng, những công trình văn hóa và vùng núi Tản sông Đà quê ông cũng có những đặc trưng riêng biệt... Khi đến chùa Việt Nam ở Nepal, Trần Quang Quý đọc một bài thơ về quê, về mẹ thật da diết cảm động. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ một ý thơ hay đến giật mình: “Tất cả cùng gặt hái cánh đồng này/ Và cánh đồng đã gặt hái họ”. Thì ra nguồn cội, đất đai, thân phận con người trong những chuyển biến của đời sống thời mở của là những chủ đề xuyên suốt thơ ông.
Sau tập thơ Viết tặng em trong ngôi nhà chật đến tập Mắt thẳm, ông muốn bộc lộ một cách nhìn sâu về cuộc sống và con người. Ý tưởng này được tập trung và thể hiện đa diện hơn qua tập Giấc mơ hình chiếc thớt đi vào thân phận những người yếu thế, những người ngoài lề, những người thua thiệt trong xã hội. Và đến Siêu thị mặt là những con người đang đi trên đường phố hay trên cửa hàng một khu chung cư nào đó, trong đó có những gương mặt tốt, những gương mặt giả dối, có gương mặt ngụy tạo, có gương mặt xu nịnh. Đến tập Màu tự do của đất, ông lại quan tâm nhiều đến đời sống của người nông dân. Họ muốn thoát khỏi mảnh đất gần như là số phận đã chôn chân họ trong một không gian văn hóa làng. Trong ngôi làng khép kín của mình, trên cánh đồng của mình suốt đời nối nhau mùa vụ nắng mưa gió bão vất vả quanh năm luôn luôn túng thiếu, luôn luôn quẩn quanh. Tôi nhớ hôm giao lưu đọc thơ với bạn bè thơ quốc tế ở Ấn Độ, Trần Quang Quý và những người khác đã đọc thơ mình bằng tiếng Việt và cả bản dịch sang tiếng Anh, được nhiều người yêu thích và ngạc nhiên. Ðến lượt tôi, thật bất ngờ khi nhà thơ Trần Quang Quý bước ra sân khấu trịnh trọng giới thiệu bằng tiếng Anh về Đại thi hào Nguyễn Du, cùng quê với tôi. Mọi người trong hội trường đứng dậy vỗ tay vì họ đã nghe tiếng Nguyễn Du là vị thánh thơ, như thi hào Tagoo của Ấn Độ. Màn dạo đầu về Nguyễn Du rất tuyệt đã giúp cho phần trình diễn của tôi có được sự chú ý hơn của mọi người. Suốt hành trình gần 10 ngày ở Ấn Độ về nhà tôi chỉ viết được một bút ký còn Trần Quang Quý có hẳn một chùm thơ hơn 10 bài, bài nào cũng hay mang đậm sắc màu văn hóa thần bí của đất nước và con người Ấn Độ. Sau này tôi mới biết ông đã đi hàng chục nước và thơ ông cũng đã được chuyển ngữ nhiều…
Nhà thơ Trần Quang Quý có tố chất “thủ lĩnh”, ông là người xây dựng và chèo lái con thuyền của báo Gia đình Xã hội vượt qua sóng gió thị trường để chiếm lĩnh và phát hành với số lượng lớn trong cả nước… Ông là người năng động luôn nghĩ ra cái mới và chính ông cũng là người thực thi một cách quyết đoán bằng tài năng của mình. Trần Quang Quý là người đầu tiên nghĩ ra hình thức thơ năm câu, đặt tên là Namkau, và đây là một trong bài thơ Namkau của nhà Trần Quang Qúy: “Sông Đà duỗi nắng thu/ Mây trắng thắt nơ trên đỉnh Ba Vì/ Làm phông cho sóng diễn/ Mỗi lần về quê/ Sông giặt tôi phơi lại”. Bây giờ câu lạc bộ thơ Namkau đã ra đời với nhiều Hội viên tham gia…
Có thể nói Trần Quang Quý luôn đau đáu với thơ và thơ luôn “thường trực” trong ông. Ví như lần cùng ông về thăm làng cổ Đường Lâm, khi đến thăm các di tích lịch sử, tôi mãi mê chụp ảnh, còn ông mê mãi ngồi trong xe làm thơ, cũng với cuốn sổ tay ghi chép nhỏ quen thuộc để trong túi áo. Và cứ thế Một sáng ở Đường Lâm ra đời một cách lộng lẫy mà thấm đẩm vô cùng: “Đá ong xếp thâm trầm khung cổng vào những căn nhà cổ/ Tôi vừa bước qua một bước mấy trăm năm/ Thưởng chén trà ngậy hương trong nhà cổ bạn văn họ Hà/ Nắng trộn vào sắc áo dài thiếu nữ/ Nụ cười duyên và rỗ đá ong” – Thơ đến với ông một cách nhuần nhị chậm rãi mà tài hoa như thế. Nhưng để có những câu thơ rất thần ấy Trần Quang Quý đã từng đau đáu chiêm nghiệm, vắt kiệt mình dâng hiến, hết mình với thơ...
Vâng, ông đã có chuẩn bị tiềm lực, nội lực cho mình một cách âm thầm bền bĩ và kỹ lưỡng; Ông cũng đã từng trả giá, cuộc đời cũng như thơ ông nếm trải bao đắng đót để dâng hiến cho đời “mật ngọt”. Mùa thu này nắng thật vàng, nắng vàng sóng sánh như rót mật ong, thu Hà Nội thật đẹp và quyến rũ. Chàng thi sĩ ngày nào là chiến sĩ trinh sát biên phòng vạm vỡ và giỏi võ xông xáo đi thực tế với một nội lực sức khỏe và thơ tiềm tàng thì nay phải nằm trên gường bệnh trong căn phòng bốn bức tường màu vôi trắng lạnh. Những ngày cuối đời, khi sức khỏe ông đang hụt dần và ngọn đèn càng hút cạn dần thì càng lóe lên ánh hào quang kỳ diệu, bao dự định đang được ông thực hiện một cách kỳ diệu. Sức mạnh vào trong ông vậy? Có lẽ là như nhà thơ Phùng Quán đã viết “Vịn cây thơ mà đứng dậy”. Nhà thơ Trần Quang Qúy đã bị “thơ làm” và chính thơ đã “làm ra ông”, một thi si Trần Quang Quý mà nhiều người trong giới văn nghệ sĩ đã đánh giá ông là một trong số những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ sau năm 1975.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên