KẾ THẾ GIA THANH(*) MỘT ẤN PHẨM VĂN HOÁ CÓ GIÁ TRỊ

Thứ hai - 26/09/2022 14:39
                                 (Về cuốn “Kế thế gia thanh” của Bùi Văn Hưng - 
                                   NXB thông tin và truyền thông- Hà Nội - 2021)

 
Cuốn sách “Kế thế gia thanh” của Bùi Văn Hưng mở đầu bằng câu danh ngôn:“Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ và cũng không có tương lai” (Robert A.Heinlein- nhà văn Mỹ), được tác giả dùng làm đề từ, như tư tưởng chủ đạo xuyên suốt công trình nghiên cứu “Lịch sử họ Bùi Hoa Chiếu xưa - Phương Chiểu nay (1697 - 2017), 320 năm song hành cùng lịch sử dân tộc Việt”. Tác giả Bùi Văn Hưng đã bỏ công sức mấy năm trời sưu tầm, nghiên cứu tư liệu viết sử một dòng họ, để “cho con cháu đời sau nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn cội, để thêm tự hào về dòng dõi, truyền thống gia đình”(Kế thế gia thanh- trang 5); “làm bừng cháy khát vọng nối gót tiền nhân, tiếp tục làm cho danh thơm tiếng tốt của tổ tiên, cha ông mãi tỏa ngát hương”(Sách đã dẫn- trang 21).

Cuốn sách là tác phẩm đầu tay của Đại tá hải quân Bùi Văn Hưng. Ở tuổi U70, hoàn thành trách nhiệm công dân với Tổ quốc, với quân đội, anh về nghỉ hưu đã mấy năm. Được dòng họ tin tưởng giao nhiệm vụ, Bùi Văn Hưng bước vào một lĩnh vực mới mẻ, đầy thử thách. Gần 30 năm công tác trong quân chủng Hải quân, sóng gió Trường Sa mặn mòi đã hun đúc tình yêu của anh đối với gia đình, quê hương, Tổ quốc…, làm giàu thêm vốn sống, giúp cậu học sinh giỏi văn ngày nào thoả mãn niềm đam mê sáng tạo. Những trang sách đầy ắp tư liệu, được bố cục thành chương mục, tiểu mục một cách khoa học đem lại cho người đọc, cho các thế hệ dòng họ Bùi của anh cái nhìn tổng quát về chặng đường hơn ba thế kỷ lập nghiệp trên mảnh đất Phương Chiểu- thành phố Hưng Yên “song hành cùng lịch sử dân tộc”. Có nỗi thăng trầm khi thiên di tứ xứ làm ăn và có cả niềm tự hào về bước trưởng thành, tiếp nối truyền thống tổ tiên của các thế hệ. Những trang sử Họ dần dần hiện ra qua 172 trang viết, sống động như cuốn phim quay chậm. Những hình ảnh vừa đẹp đẽ trang nghiêm, vừa bay bổng, hào sảng, tràn đầy lòng biết ơn xen niềm tự hào được là con cháu của một dòng họ “thư hương”, “mặc hương”… “Kế thế gia thanh” có sức cuốn hút người đọc nhờ cách kể, cách tả hấp dẫn, lối lập luận sâu sắc, khoa học. Anh viết: “Số phận lịch sử của một dòng họ luôn gắn liền với số phận lịch sử của đất nước, dân tộc... Quốc gia, dân tộc nào cũng được tạo lập từ sự kết nối các gia đình, dòng họ. Nhưng có lẽ, không quốc gia nào mà các gia đình trong gia tộc, dòng họ lại cố kết chặt chẽ như ở nơi này… Việt Nam cơ bản là đất nước nông nghiệp với nền văn minh lúa nước nên việc quy tụ, bồi đắp, xây dựng dòng họ giàu người, mạnh của là một nhu cầu, một tất yếu xã hội” (Sđd- tr.21 ). Từ một “Cội” với ba “Nhành”, sau hơn 3 thế kỷ, giờ đây dòng họ Bùi đã phát triển: đông về số lượng, mạnh về tài vật, giàu về tri thức, trọng thi thư, lễ nghĩa. Gia tộc có hàng trăm người đã và đang đóng góp công sức cho quê hương, đất nước trong các cuộc đấu tranh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có: 1 thiếu tướng, 5 đại tá, 3 tiến sĩ, 1Phó giáo sư và nhiều bác sĩ, kỹ sư …

Nhờ công tác lâu năm trong quân đội mà Bùi Văn Hưng đã rất khéo khi huy động được sức mạnh tổng lực trí tuệ, kiến thức chuyên ngành của thân tộc và bạn bè văn nghệ sĩ. Anh dày công “tầm sư học đạo”, gặp gỡ các nhà nghiên cứu lịch sử nhờ họ dịch văn bia, đại tự, câu đối. Dễ đến vài chục bức hiện diện trong nhà thờ Họ, ngoài mộ Tổ. Bởi thế, không ngạc nhiên khi ngoài những trang văn chương bay bổng, khúc chiết, đầy ắp tư liệu lịch sử thì cuốn sách có kênh hình phong phú, trình bày trang trọng những thiết chế thờ tự của Bùi tộc. Anh tham vấn các nhà Hán học đặt tên cuốn sách là “Kế thế gia thanh”, hàm ý khẳng định bề dầy truyền thống đạo đức và văn hoá của dòng họ; mong mỏi lớp lớp con cháu sẽ kế tục tiền nhân làm cho danh thơm tiếng tốt của tổ tiên mãi ngát hương. Với ý nghĩa đó, ngoài phần mở đầu và phần kết thúc, cuốn sách được anh bố cục cân đối thành ba chương:

• Chương I: Thuở sơ khai thiên di về Hoa Chiếu

• Chương II: Tiếng vọng trăm năm. Hành trạng của tổ tiên và các bậc tiền nhân (Thời kỳ 1697- 1917)

• Chương III: Cây đời tiên tổ “Gốc Đức- nền Văn”, một thế kỷ cháu con kế thừa tinh hoa và phát triển (Thời kỳ 1917-2017)

Đáng quý nhất ở cuốn sách là nguồn tư liệu lịch sử dòng họ vô cùng quý giá được lưu giữ trên ba thế kỷ. Đó là các cuốn gia phả viết bằng chữ Hán, chữ Nôm; bốn tấm bia đá, mấy chục bức đại tự, câu đối có tuổi đời trên 100 năm. Có tư duy khoa học sắc bén, cộng với tình yêu, trách nhiệm đối với dòng họ, Bùi Văn Hưng không chỉ dừng lại ở các cứ liệu truyền khẩu, phả kí truyền lại. Anh còn đọc hàng chục cuốn sách sử rồi so sánh, đối chiếu tìm chứng lý đầy thuyết phục cho câu chuyện sử họ Bùi. Từ một thông tin ghi trong Gia phả: 

“29 - Năng thúc kỳ đại giã yên
30 -Ngã Bùi chi tiên Bình Lãng phát kỳ nguyên Đông Chiếu
31 - Nhuệ kỳ lưu khoa giáp tiếm, tuy giai cự tộc
32 - Ngã Triệu tổ Chân Dương xã
33 - Bảng nhãn tướng công chi duệ
34 - Hiền Lương công chi tự dã…” (Sđd- tr.23 )

Từ mấy chục năm trước, các cụ túc nho trong Bùi tộc đã phiên âm và dịch là:

“29 - Truyền thuyết nói rằng
30 - Họ Bùi ta trước ở Bình Lãng
31 - Có thời chiếm khoa giáp hưởng lộc lớn
32 - Triệu tổ ta ở xã Chân Dương thôn Đông Chiếu
33 - Duệ (hậu) Bảng nhãn, tướng công
34 - Tên cụ là Bùi Hiền Lương…” (Sđd- tr.27)

Bùi Văn Hưng căn cứ nội dung thông tin trên và câu đối tán thán công đức viễn tổ Bùi Quốc Khái, vị bảng nhãn tướng công của dòng họ, lập năm 1900: “Vô dịch ư nhân Bình Lãng danh hương Đông Khê lệnh tộc/ Bất hiển diệc thế trung tráng triệu võ Bảng nhãn cơ văn”, (Dịch: Do người mà bất hoại, Đông Khê vọng tộc, Bình Lãng danh hương/ Cõi thế thôi hiện hình, võ bảng nền văn, giữa đời trung tráng) (Sđd- tr.52), tìm tòi cứ liệu, lọc thông tin: “Từ triều Trần đến triều Nguyễn, đỗ Bảng nhãn, nước ta có bốn vị mang họ Bùi. Các bậc danh sĩ đó không phải quê ở Bình Lãng, Đông Khê. Đó là:

1. Bùi Doãn Đốc: đỗ năm Ất Mùi (1533), quê xã An Thọ, huyện Từ Liêm, nay là thôn An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Tây, Hà Nội

2. Bùi Mộ: đỗ năm Giáp Thìn (1304), quê xã Kim Bài, nay là xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Tây, Hà Nội

3. Bùi Nguyên: đỗ năm Ất Sửu(1505), quê huyện Vĩnh Xương, sau là Thọ Xương, nay thuộc Q. Hoàn Kiếm - Hà Nội.

4. Bùi Vịnh: đỗ năm Nhâm Thìn (1532), quê xã Định Công, huyện Thanh Đàm, nay thuộc phường Định Công, Q. Hoàng Mai, Hà Nội. (Sđd- tr.56 )

Từ đó, anh khẳng định:“Suốt triều đại nhà Lý chỉ có một người họ Bùi là cụ Bùi Quốc Khái đỗ đầu khoa Thi Thư năm 1185 (có tài liệu nói cụ đỗ thứ nhì). Trùng lặp với điều đã được ghi trong phả ký, đúng là Thánh tổ họ Bùi ta hiển đạt” (Sđd- tr.58 ).

Tác giả nhờ nhà thơ Đỗ Trung Lai, nhà Hán học Phan Cẩm Thượng phiên âm, dịch nghĩa các bức đại tự và câu đối ở nhà thờ Họ; lập cây phả hệ; thu thập thông tin hàng trăm hậu duệ Bùi tộc sinh sống trong và ngoài nước. Với một cái nhìn toàn diện, tổng thể mà vẫn hết sức chi tiết, tỉ mỉ- Bùi Văn Hưng khai thác tinh thần yêu nước thương nòi, tài năng và phẩm cách trọng thi thư, lễ nghĩa, chỉ ra dòng chảy truyền dẫn qua các thế hệ họ Bùi (Phương Chiểu). Anh nghiên cứu, đối chiếu các sự kiện của dòng họ trong mối liên hệ chặt chẽ với biến động lịch sử của quê hương, đất nước. Tất cả đã làm nên sự chân xác của các sự kiện và nhân vật; tái hiện và phục dựng khá rõ nét chân dung lịch sử của dòng họ một cách sống động; làm nổi bật tấm lòng yêu quý, kính trọng công ơn tiền nhân của các thế hệ họ Bùi. Thái độ làm việc với lịch sử dòng họ, với văn chương của Bùi Văn Hưng thật nghiêm túc. Nhờ lời văn trong sáng, giàu hình ảnh, cuốn sử Họ chẳng những không khô khan, riêng tư mà trở nên hấp dẫn, giàu sức thuyết phục. Sách có bố cục chặt chẽ, lớp lang, sinh động; những hình ảnh mượt mà, bay bổng, dạt dào niềm cảm hứng sử thi: “Con cháu đời sau luôn tưởng nhớ công sức và sự nghiệp của các cụ đã dành cho dòng tộc, cho xóm làng một thuở. Khi đặt bút viết những dòng này, trong lòng kẻ hậu sinh không khỏi trào dâng niềm tiếc nuối khôn nguôi: “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?” (Ông đồ- Vũ Đình Liên)” (Sđd- tr.51 )

 Không chỉ khai mở những lớp trầm tích lịch sử riêng dòng họ Bùi xã Phương Chiểu,“Kế thế gia thanh” còn chứa đựng nhiều thông tin về đất nước, về quê hương trong một chiều dài lịch sử trên 300 năm, trở thành nguồn tham khảo quý cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, văn học dân gian của  tỉnh Hưng Yên. Thấm đẫm tình yêu gia đình, dòng họ, yêu xóm nhỏ Phủ Vị, Phương Chiểu quê hương, cuốn“Kế thế gia thanh”  của Bùi Văn Hưng có thể coi là một tác phẩm văn hoá địa phương với văn phong giản dị, trong sáng, chứa đựng minh triết sống nhân văn sâu sắc. 
 
      Nhà văn Nguyễn Nguyên Tản
    
(*) Kế thế gia thanh: tạm dịch là “Kế tục tiếng thơm của gia tộc”

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây