Di cảo Lưu Quang Vũ: Trang Nhật ký thời học cấp và và những tháng năm quân ngũ

Thứ tư - 05/10/2022 23:07
Lời BBT: Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 và mất ngày 29/8/1988 hưởng dương 41 tuổi. Nhân kỷ niệm 34 năm ngày mất của ông, Người làm báo Hưng Yên xin trích đăng một số trang nhật ký ông viết khi học cấp 3 và những năm ở quân ngũ. (Rút từ cuốn Di cảo Lưu Quang Vũ, nhà xuất bản trẻ năm 2018)
Tối 26/6/1963

Khoảng 8 giờ tàu về tới Hà Nội... Khuya, đi ăn phở... Lòng có bao nhiêu ý nghĩ, sau chuyến đi này, mình thấy có bao nhiêu cái phải viết và chỉ muốn bỏ những cái đã viết đi, viết cái mới đạt hơn...

2/7/1963
Cảm thấy lo lo về tình hình quốc tế: Chuyện phe ta, chuyện các đảng anh em.

3/7/1963
Tối nay đi Sầm Sơn 10 ngày với cả nhà. Sáng ra ga lấy vé, chuẩn bị tối đi.

Đêm 3/7/1963
10 giờ tàu chạy. Nửa thức, nửa ngủ, ngoài kia là đêm đen dày đặc, chỉ có bóng tối...

4/7 /1963
5 giờ tới Hàm Rồng, đi phà qua sông Mã rồi chuyển sang ô tô vào Sầm Sơn. Trời mát và đẹp, không khí trong lành của vùng biển. Bố, mẹ, Thơ, Điền và bác Lãm ở nhà nghỉ mát Tổng Công đoàn. Mình và Hiệp ở nhà chú Vô. Cùng Hiệp ra khách sạn ăn trưa.

Buổi chiều, đi tắm, biển vắng, sóng nhẹ. Buổi tối, lên núi, hoàng hôn xuống dần không nhận được nơi trời và biển giao nhau, từng đợt sóng rì rào đập vào vách đá. Trên núi, những lứa đôi ngồi bên nhau, một toán thanh niên nam nữ khe khẽ hát...

Ánh trăng đã lên cao... Những lứa đôi... Biển cả mênh mông... Sóng rì rào...

Và ngồi trên mỏm đá có tôi, cũng như mặt biển kia, hồn tôi bát ngát và lai láng ánh trăng vàng.

6/7/1963
Tối thứ bảy, ở bãi chiếu một bộ phim Ba Lan, mình ngối xem một lúc rồi về ngủ.

Chủ nhật 7/7/1963
Sáng nằm ở nhà đọc sách. Chiều xem đá bóng: Thể Công gặp Hữu Ngạn, ngồi trên lưng núi nhìn xuống bãi. Ở đây, nhìn thấy cả biển xanh ngắt, những cánh buồm ở phía xa...

***

Đang xem đá bóng, bỗng có tiếng còi báo động, bộ đội xách súng chạy lên núi, ngoài khơi xa, xuất hiện hai chiếc tàu lạ. Bộ đội nằm trên núi, chĩa súng ra biển, có người hãy còn mặc quần đùi may ô. Những người đang tắm chạy vội lên bờ. Những giây phút chờ đợi căng thẳng... Một thoáng của chiến tranh...

Mọi việc cũng đều rất “hòa bình; chỉ là tàu buôn bị lạc. Hết báo động, biển lại trở lại đông vui, nhưng ai cũng có một ý nghĩ: cuộc sống đang êm đẹp như thế này, nhưng nếu quân thù chạm đến chúng ta cũng sẽ sẵn sàng chiến đấu.

10/7/1963
Mấy hôm rồi quen một cô bé người miền Nam vui tính và tốt có mái tóc mịn màng đáng mến. Hôm nay, người bạn gái mới quen về Hà Nội, lòng thấy vui vui, cuộc đời thêm phong phú và đáng nhớ. Ôi! Những cuộc gặp gỡ thoảng qua thường để lại một dư vị buồn buồn vui vui như thế. Không biết sau này có bao giờ gặp lại không? Hả cô bạn không biết tên?

11/7/1963
Sáng ra chợ với Hiệp. Buổi trưa, ngồi viết tài liệu cho một cái truyện dài, có lẽ lấy tên là “Gió biển”

12/7/1963
Sáng đi mua các thứ để chuẩn bị đem về Hà Nội với mẹ.

13/7, 20/7/1963
Buổi trưa, cùng với Hiệp, Điển đi tắm, nằm ngủ dưới bóng phi lao cao vi vu. Chiều lại tắm lần cuối cùng. Biển sóng to và xanh ngắt đi thôi...

14/7/1963
Sáng, ra ô tô sớm. Tới Hàm Rồng ăn cơm trưa. 12 giờ tàu chạy. 7 giờ về tới nhà. Ăn cơm, tắm và ngủ sớm.

Thứ hai, 15/7/1963
Cả ngày ở nhà giặt giũ và dọn nhà với mẹ.

16/7/1963
Sáng, dắt Thơ về bà chơi, cái ngõ hàng Giầy, nhỏ bé mà mình rất thích đang bị phá đi, để xây đường lớn hơn, thấy tiêng tiếc.


* Thơ (hay K.Thơ): PGS.TS Viện Văn học Lưu Khánh Thơ, sinh năm 1958, em gái thứ tư của Lưu Quang Vũ.

Thế đấy, khi chúng ta phá những cái cũ đi để xây những cái mới hơn, đẹp hơn, xen lẫn với niềm vui đổi mới lại có cả cái tiêng tiếc. Cô Lan cho thằng Phương về, thằng bé ngộ và đáng yêu quá. Chiều nằm nhà đọc sách, tạp chí... Tối, xem phim Trước 7 ngọn gió rất hay.

18/7/1963
Sáng đến Hiển và đi chơi với Châu, phố phường đầy những áp phích và khẩu hiệu cho ngày 20-7.

Tối xem phim Miền Nam anh hùng những hình ảnh của một nửa mình đất nước sao mà xúc động vậy, nhiều lần, mình trào nước mắt: nước mắt chua xót xen lẫn với tự hào, tin tưởng.

16/8/1963
Đài nhiều lần báo: Bão!

Đêm mưa to. Ngồi đọc những trang Kiểu ngát hương. “Cảo thơm lần giở trước đèn”. Lòng rung theo đời cô Kiều lưu lạc và ngày tái ngộ với chàng Kim.

Khuya, bố giở ra những kỷ niệm cũ những thư, thiếp mừng đám cưới bố mẹ, mấy bức tranh mình vẽ tự thuở xưa... Trong lòng bát ngát những yêu thương. Giờ đây, ai đang tát nước giữ mùa, giữ lúa, ai đang chống nhà buộc cửa? Bỗng cảm thấy cần phải viết. Trong đầu nảy ra ý 2 truyện ngắn: Đêm nông trường và Những giọt mồ hôi. 

(còn tiếp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây