Những nỗi niềm thành khối vẫn không tan

Thứ tư - 05/10/2022 11:18

Khó có thể tưởng tượng một Trần Nhuận Minh không gắn với thơ ca. Thơ có ý nghĩa lớn lao với ông đến nỗi, khi tiếp xúc với con người ông, ta có thể tưởng chính thơ tạo nên Trần Nhuận Minh, chứ không phải ông đã sáng tạo thơ. Cuộc trò chuyện dưới đây được thực hiện sau khi tập thơ “Flared Up Subconscious” (Bừng thức) của nhà thơ Trần Nhuận Minh được xuất bản bằng tiếng Anh tại Canada.

* Thưa ông, lúc lên 10 tuổi, ông đã viết thơ, ông lại còn là anh trai của một thần đồng thơ. Vậy yếu tố gia đình có ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống và quá trình theo đuổi thơ ca suốt đời của ông, cũng như những thành tựu mà ông đạt được?

111
Nhà thơ Trần Nhuận Minh - sơn dầu của họa sỹ Úc. 

- Khi Trần Đăng Khoa làm thơ từ năm lên 8 tuổi, đến năm 10 tuổi đã được dịch và xuất bản ở Pháp, một số báo chí đã nói tới yếu tố gia đình. Nhà tôi trong Cải cách ruộng đất là Bần nông. Khi các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… nhiều lần về thăm, nhà vẫn 3 gian nhỏ, không có chái, mái lợp rạ, tường trát đất bùn, cửa là các thanh tre đan cài vào nhau (quê tôi gọi là “cái rại”) ai nhấc ra nhấc vào đều được. Các cụ tôi xưa, 2 đời làm Tể tướng, 3 đời làm Thượng thư, 3 đời làm Phó đô Ngự sử… ở nửa sau nhà Hậu Lê, vẫn ở trong nhà tranh vách đất (theo ghi chép của nhà văn Phạm Đình Hổ thời Lê), cả đời không ăn một đồng hối lộ nào và cũng không hối lộ ai một đồng nào (luật Phong kiến: chỉ ăn hối lộ một quan tiền thì đã chém đầu không phải xử)… Có ba cụ làm thơ, hai cụ viết văn… Những cốt cách đó, ảnh hưởng rất sâu sắc đến lối sống và bút pháp của thơ tôi. Tôi sống giản dị, không có “bồ bịch”, không biết dùng rượu chè cà phê thuốc lá, chú Khoa cũng thế… Đến nay, tôi vẫn không biết đi xe máy, thích ăn cơm nhà cá kho rau luộc, uống nước sôi để nguội… không lo kiếm tiền, vì thấy không cần, nhưng tiền giành dụm được (cũng không ít đâu) tôi đều tặng các cháu học sinh và tuyệt đối không cho công bố… Còn thơ tôi là sự gắn bó sống chết với số phận của nhân dân, chia sẻ những bất hạnh không ai lường hết được của từng cá nhân họ, dù xã hội ta đã vượt lên, cải thiện được rất nhiều… Các tập thơ đã xuất bản của tôi, dù ở trong nước, hay ngoài nước, đều thấm đẫm tinh thần đó… Và đó chính là kết quả cụ thể của Công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1986…  Không có cuộc cách mạng vĩ đại đó, không có thơ tôi hiện nay.

* Cho đến nay, khi đã gần 80 tuổi, nhìn lại cảc chặng đường dài sống và viết, để tự miêu tả mình, ông sẽ viết thế nào?

- Trần Nhuận Minh là một gã chơi được, không lợi dụng ai cũng không ham hố cái gì. Tiền bạc, đàn bà và quyền lực, không khuất phục được gã. Gã luôn biết mình có thể sai, thơ mình có thể dở, nên chịu học, chịu sửa chữa. Gã không giận ai đã từng “giết” mình (vì mình không có tội nên không chết) bởi chính họ đã dạy gã những bài học sâu sắc hơn hẳn những người khác; cũng không ghét ai đã coi thường gã, không khinh ai đã từng ăn cắp tài sản của gã. Nhưng ơn ai thì gã công bố công khai và cố gắng đền đáp một cách nhẹ nhàng, lặng lẽ và hợp lí. Gã làm việc được giao rất chí thú, tận tụy và không vụ lợi… Gã sống thế nào thì viết như thế. Cốt cách gã với thơ gã là một, chân phương, thành thực, đau xót. Có pha đôi chút hài hước nhưng trong lành. Có những nỗi niềm với nhân dân, với cuộc đời, với nhân thế… gã viết đến hết đời vẫn không bao giờ nguôi ngoai: “Có thể sau này khi tôi chết/ Những nỗi niềm thành khối vẫn không tan”…

* Ông đã được xuất bản 54 tập sách, ở nhiều thể loại, trong đó thơ 27 tập, các tập đều được tái bản nhiều lần, có tập đến 34 lần, được dịch ra 13 thứ tiếng; còn lại là truyện, tiểu thuyết, lí luận phê bình văn học. Ông cũng là tác giả của 2 tập nghiên cứu lịch sử và 15 tập biên khảo… Nhưng thơ vẫn là thể loại ông tốn nhiều tâm lực nhất, chứa nhiều tâm sự nhất. Trong thơ, sáng tạo đặc biệt là ngôn ngữ, ông có bí mật nào về điều này?

- Mọi cố gắng của tôi là muốn vươn tới sự giản dị. Theo tôi, đây là sự phấn đấu cao nhất của ngôn ngữ thơ. Kiến thức có thật uyên thâm mới giản dị được; vốn sống có thật phong phú mới giản dị được; trí tuệ có thật cao sâu mới giản dị được; ngôn ngữ có thật dồi dào mới giản dị được… Giản dị đối lập với giản đơn. Trong thơ, giản đơn là tự sát. Cũng đối lập với các kiểu thơ chơi chữ “hoa lá cành…”. Người có bộ răng đẹp, không ai lại dại mà đi bịt răng vàng, thỉnh thoảng lại nhe ra để khoe, nhất là các cô gái… Mẫu mực cao nhất của sự giản dị trong thơ Việt Nam là Nguyễn Du với Truyện Kiều của Cụ. Tôi học sự giản dị của ngôn ngữ Truyện Kiều. Tôi không quan tâm các chủ nghĩa, các trường phái, chỉ quan tâm làm sao cho có thơ hay. Thơ cổ lỗ sĩ mà hay thì cũng tuyệt vời. Thơ hậu hiện đại đổi mới tít mù mà hay cũng đáng quý. Thơ thưa thoáng mà hay cũng tốt, thơ rậm rạp tầng tầng lớp lớp mà hay cũng đáng trân trọng. Thơ thành kính đọc trong các giáo đường, hay xuề xòa vụng trộm như mối tình hoang dưới bóng rừng âu u, mà hay cũng rất giá trị. Thơ có vần điệu nghiêm chỉnh luật lệ mà hay cũng hay. Thơ viết đặc lối văn xuôi, thậm chí đối thoại như kịch mà hay vẫn hay… Và khi đã đạt đến cái hay, thì mọi giá trị ngang nhau. Nhưng hay là thế nào thì tôi không giải thích được, nhưng tôi biết nó hay thì đúng là nó hay và điều đó, tôi biết là mình rất khó nhầm lẫn hay sai sót.

Còn bí mật ư? Xin thưa công khai: Tôi có hai bí mật. Một là tôi luôn thống nhất hai mặt đối lập, bao giờ cũng đặt cái trắng bên cạnh cái đen mà không nói gì. Bài thơ Cát trắng của tôi, có câu: “Cát chỉ tự trắng thôi, cát chẳng nói gì/ Quên ở bên mình những đen tối, lưu manh và bội phản/ Cát chẳng nói gì, cát chỉ tự trắng thôi…” hay đặt cái xa bên cạnh cái gần: “Tiếng chó sủa ngoài ngàn dặm/ Đám mây bay quẩn trong nhà…” và nói cái chết bao giờ cũng đi liền với cái sống. Điều này có trong rất nhiều bài thơ của tôi như một cặp bài trùng. Nhiều lắm, ví như: “Những bông hoa lộng lẫy nhất trần gian/ Đều tự tử âm thầm trong đêm vắng/ Cứ có nước là cá tự sinh ra/ Ao hồ rộn vang tiếng quẫy đạp sinh đẻ…Bí mật thứ hai là, tất cả những gì cần nói, tôi đã nói hết trong thơ, khi bằng cách này, lúc bằng cách khác, không bao giờ giống nhau. Nhiều lúc tôi nghĩ: hình như không còn cái gì cần nói mà mình chưa nói trong thơ, từ cái lớn nhất đến cái bé nhất. Và thâm hậu nhất là nói bằng sự im lặng. Tôi có câu thơ: “Và lặng im như một tiếng vang. Tất cả những gì diễn ra trong tâm tưởng, trong đời sống, thậm chí trong hành xử của cá nhân bạn, rất có thể tôi cũng đã nói rồi mà… Bạn chưa đọc thơ tôi, hoặc đọc mà bạn không nhận ra, ngay cả cái điều vì sao bạn không nhận ra, tôi cũng nói rồi mà… “Tôi đã tự đánh mất mình/ Tất cả/ Trong một câu thơ hờ hững bạn cầm…!”. Nghĩa là lỗi tại tôi…

* Thơ ông trong những tập gần đây, nhất là tập “Bừng thức” vừa xuất bản ở Canada bằng ngôn ngữ Anh, mang tính triết lý và phần nào tâm linh. Liệu ông có nghĩ rằng tư tưởng trong thơ ấy sẽ được bạn đọc quốc tế thấu hiểu và đồng cảm trong thời nay?

- Những bài thơ tôi nhắc tới và các câu thơ tôi đã dẫn ở trên, đều rút ta từ tập Bừng thức mà tôi hi vọng bạn đã có trong tay. Tập thơ xuất bản ở Canada, và như báo Tuổi trẻ đưa tin, nó được phát hành toàn cầu. Tôi rất tin là các bạn đọc quốc tế hiểu tôi và đồng cảm với tôi, như tôi đã nói ở phần trên. Nhà thơ – họa sĩ Pháp, bà Dominique de Miscault dịch 107 bài thơ tôi xuất bản theo kiểu hàn lâm ở Pháp, từng viết: thơ Trần Nhuận Minh “làm say lòng bạn đọc…” và ông William Tenison, bạn đọc Mĩ mà tôi vừa nêu tên trên, cũng viết: ông bị “hớp hồn” vì những câu thơ…  Như thế, không phải tôi nói thơ tôi hay mà tôi nói các bản dịch thơ tôi đã thành công. Tôi vô cùng biết ơn các Dịch giả.

* Với tập thơ “Bừng thức” thông điệp của ông tới bạn đọc quốc tế là gì?

- Hãy xích lại gần nhau hơn nữa, để chống lại sự cô đơn của chính mình, và cũng để chống lại mọi tai ương đang đổ xuống số phận của mỗi chúng ta. Chúng ta đang sống trong khoảng 100 năm, nhưng những biến động kinh hoàng của nó bằng cả hàng ngàn năm trước cộng lại. Trong tham luận đọc tại Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương, tôi đã viết: “Hơn lúc nào hết, thơ phải cất lên từ đó, từ bội số chung lớn nhất ấy của nhân loại, qua nhịp đập riêng của mỗi trái tim nhà thơ - dù khác nhau về tiếng nói và màu da - phấn đấu cho một thế giới không có chiến tranh và khủng bố, không có áp bức và kì thị màu da hay giới tính”

Tôi nghĩ rằng, đó cũng là thông điệp của mọi nhà văn trên thế giới.

* Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ!

Nguồn Văn nghệ số 40/2022
Kiều Bích Hậu (Thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây