Di cảo Lưu Quang Vũ: Trang Nhật ký thời học cấp và và những tháng năm quân ngũ

Thứ hai - 26/09/2022 11:27
Lời BBT: Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 và mất ngày 29/8/1988 hưởng dương 41 tuổi. Nhân kỷ niệm 34 năm ngày mất của ông, Người làm báo Hưng Yên xin trích đăng một số trang nhật ký ông viết khi học cấp 3 và những năm ở quân ngũ. (Rút từ cuốn Di cảo Lưu Quang Vũ, nhà xuất bản trẻ năm 2018)
13/6/1963
Chiều vẽ và đến thư viện Trung ương mượn sách, mình lục gần như cả thư viện lên suốt buổi chiều.

 
***

Xem lại những bức tranh mình vẽ. Có những nhận xét sau đây.

Ngày còn nhỏ, vẽ rất nhiều nhưng chỉ theo bản năng và có một cái đặc biệt là không ngây thơ, ngộ nghĩnh như phần đông các trẻ con khác vẽ.

Năm 1960: Vẽ một số tranh trong dịp hè.

Cuối 1960: Học vẽ ở Bác Nùng, bắt đầu biết cách vẽ màu và vẽ ánh sáng, những bức tranh trong thời gian đó như hoa, tĩnh vật, phố thì chắc chắn và tỷ mỉ, bước đầu của việc tìm tòi hội họa. 

Hè 1961: Vẽ rất nhiều Thành phố, màu sắc bắt đầu vui tươi, phóng khoáng hơn, tranh thường nhẹ nhàng, vui mắt: “Ước mơ”, “HVT”; “Qua nhà”, v.v...

Cuối 1961 - 1962: Thời kỳ mà mình cũng đã bắt đầu lớn, nắm vững về tĩnh vật và phố, màu sắc đậm đà: “Em bé'', “Hoa trong lọ”.

Cuối năm 1962: Tranh vẽ khỏe hơn, ấm cúng và táo bạo có sáng tạo như  “Phố'',  “Nắng mới”.

Đầu 1963: Màu sắc trở lại nhẹ hơn, mát hơn.

Hè 1963: Sau một thời gian dài nghỉ vẽ đã nghiên cứu và tìm tòi hơn. Vẽ một loạt tranh. Màu sắc không những khỏe như trước mà trữ tình hơn, suy nghĩ hơn, cách vẽ chỗ nhẹ, chỗ đậm chứ không bốc lửa như trước (cũng như tính tình mình vậy). Bức “Nhà” vui và đậm, bức “Hoa cúc”: một bước ôn lại khả năng cũ. Bức “Mùa thu”: dạt dào và trữ tình. Bức “Chân dung”: người có chiều sâu và suy nghĩ, ánh sáng, hình khối, màu sắc tiến bộ.

Mình vẽ sở dĩ tiến bộ là đo 3 điểm:


* Tìm tòi và sáng tạo, thể nghiệm nhiều bằng các lối vẽ.
* Học tập được ở các họa sĩ trong các cuộc triển lãm Mỹ thuật, học những người chung quanh như Châu...
* Dồn hết tình cảm vào trong khi vẽ.


14/6/1963

Mấy hôm nay, tin đấu tranh của miền Nam thân yêu đồn dập bay ra, đem lửa vào lòng mình, ngày 10, một nhà sư1 tự thiêu mình giữa Sài Gòn, người nữ phát thanh viên vừa báo tin này vừa nức nở khóc. Cả miền Nam đang sôi lên.

Trong lòng rạo rực vô cùng. Đất nước ơi! Sao mà rung chuyển lòng ta: nước mắt và lửa cháy, lửa cháy, lửa cháy!

16/6/1963

Một ngày Chủ nhật vui tươi: Chiều đi xem “Khởi đầu”. Tối xem xiếc “Trung Quốc”: rất giỏi và giàu tính chất dân tộc.

Càng thêm yêu cái xứ sở mà mình đã yêu từ tấm bé: Có liễu Hàng Châu, có Bắc Kinh, có Lương Sơn Bạc, Vạn Lý Trường Thành, Vạn Lý Trường Chinh, có Đỗ Phủ, có Hoàng Hà và có Bác Mao.


(1) Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyên Ngô Đình Diệm đương thời, 06/1963.

17/6/1963

Ký ức! Sao mình quyến luyến với nó thế. Chiếu nay, mình miệt mài với bao nhiêu kỷ niệm xa xôi. Một nắm đất bên mộ người thương cũ, một bức thư năm xưa, một bài thơ, một bài văn, những giòng lưu niệm... Đã thêm được một số chương cho tập ngày thơ:


* Những bộ phim
*Những xứ sở và các chân trời...
* Những quyển sách


Nhiều lúc, ta tưởng ta quên, nhưng rút cục, vẫn không quên được.
 
***
Một hướng đời định chọn. Còn phân vân lắm...
***
Những tin tức làm náo động lòng người:

*70 vạn người biểu tình ở Sài Gòn
*1 người con gái Xô Viết bay lên vũ trụ


18/6/1963

Trước kia, mình quan niệm cái đẹp thật là bề ngoài. Sáng nay, mình thấy tất cả mọi cái đều đẹp cả: từng cái lá, nóc nhà, hòn đất, bức tường. Đều đẹp. Thấy cuộc đời ý nghĩa hơn. Chiều Hiệp1 về. Tối hai anh em đi xem xinê.


(1) GS.TS Lưu Quang Hiệp, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐHTDTT Từ Sơn, Bắc Ninh, sinh năm 1951, em trai thứ hai của Lưu Quang Vũ.

23/6/1963

Sáng dậy sớm để chuẩn bị đi: Và tiếp theo đây là Nhật ký Về thăm Việt Bắc. Làm mấy câu thơ:
Cuộc đời năm tháng trôi qua
Nắng mưa quện với lòng ta dạt dào
Tháng ngày xao xuyến làm sao
Cùng trời cùng gió thơ vào lòng ta
Tuổi đời thắm đẹp tình ca
Đất nước ơi!
Ta muốn làm con chim ca hót chào.


Sáng 23/6/1963
(Trước một chuyến đi)

 
(còn tiếp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây