Cất cánh từ quê hương…

Thứ năm - 15/09/2022 15:59

VĨNH BIỆT NHÀ VĂN HỒNG NHU

Trong làng văn xứ Huế, tôi có “duyên” gần gũi với anh Hồng Nhu từ… hơn nửa thế kỷ trước! Đó là năm 1968, cũng một ngày tháng 9, anh Hồng Nhu từ thành Vinh, tôi và Trần Nhật Thu từ đất lửa Quảng Bình cùng hội tụ với gần 40 “cây bút trẻ” cả nước tại “Lớp bồi dưỡng những người viết trẻ Khóa 3” do Hội Nhà văn tổ chức tại Hà Tây, “dưới trướng” các thầy Nguyên Hồng, Nguyễn Xuân Sanh...

Suốt 35 năm qua, gia đình chúng tôi lại luôn ở cạnh nhau. Thoạt đầu là trong những căn phòng chật hẹp dưới tầng hầm trụ sở Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế 26 Lê Lợi, ngay sát cạnh bờ nam sông Hương, cùng với các nhà thơ Vĩnh Nguyên, Lê Thị Mây. .. Cuộc sống chung đụng trong khu tập thể bị “cưỡng ép” này có khối chuyện vui mà hình như nhà thơ Ngô Minh hay nhà văn Nguyễn Quang Lập đã viết lên báo!... Và nay thì cả hai đều ở phố Xuân Diệu (Huế), nhà chỉ cách nhau mấy bước chân, nên thường “đón chung” khách văn. Trong công việc, tôi và anh Hồng Nhu nối tiếp nhau cùng “gánh” trách nhiệm tại Tạp chí Sông Hương và Chi hội nhà văn Việt Nam tại Huế…

111

Theo “lí lịch gốc”, nhà văn Hồng Nhu sinh ngày 1/12/1934, nhưng thật ra ông sinh năm Nhâm Thân (1932), vị chi đến nay vừa tròn 90 tuổi! Cuộc đời chín thập kỷ của một nhà văn - nhà báo từng trải như anh Hồng Nhu có biết bao kỷ niệm, bao sự tích vui buồn để kể lại, nhưng với người con quê làng Mỹ Lợi bên phá Tam Giang này có một thời điểm đặc biệt nữa; năm 1987, sau hơn nửa thế kỷ xa quê, anh trở về Huế - tính đến này vừa tròn 35 năm.

35 năm là quãng thời gian không nhiều so với 90 năm tuổi đời, nhưng với anh Hồng Nhu lại rất đặc biệt: hầu hết những tác phẩm có giá trị của anh đều viết sau năm 1987, nhờ bắt trúng “mạch” từ một ngọn nguồn vô tận cho người sáng tạo. Các truyện ngắn xuất sắc Vịt trời lông tía bay vềCổ tích làngLễ hội ăn mày, Bao nhiêu là cát, Trà thiếu phụ... cũng như nhiều bài thơ hay của anh đều lấy “bột” từ vùng quê Mỹ Lợi đầy hương  sắc và giàu truyền thống lịch sử. “Đó là một vùng đất khá lạ, nó dài và thuôn như một chiếc đòn gánh, bốn mùa nắng gió, ngoài là biển Đông, trong là đầm phá, hai đầu là hai cửa biển...

Thực ra, nói cho “công bằng”, quá trình luyện tập, thử thách qua nhiều môi trường, cương vị công tác mấy chục năm trước đó đã tạo nên tiềm lực và sức bật để nhà văn Hồng Nhu “bay lên” cao sau ngày trở lại quê hương. Nhà văn Hồng Nhu tham gia nhóm thiếu niên liên lạc cho du kích từ lúc còn ở quê nhà, viết truyện ngắn đầu tay năm 1955, khi còn là lính sư đoàn 325 - đơn vị anh hùng từng lập những chiến tích lẫy lừng trên chiến trường Bình Trị Thiên và Trung Lào; sau khi học Trường kỹ thuật thủy lợi, anh về công tác tại Ty Thủy lợi Nghệ An. Từ năm 1965, anh “đầu quân” vào Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh và xuất bản được tác phẩm đầu tay. Kể từ đó, bình quân cứ 2 năm một cuốn. Có thể kể: “Rừng thông cao vút (ký, 1969); Ý nghĩ mùa thu (truyện  ngắn, 1971); Tiếng nói chìm sâu (truyện ngắn, 1976); Đêm trầm (truyện ngắn, 1976)…; trong đó, tập truyện Ý nghĩ mùa thu đạt giải A “15 năm Văn nghệ Nghệ An 1965-1980)…

  Tuy vậy, phải đợi đến sau năm 1987, những tác phẩm của nhà văn Hồng Nhu mới thật sự được dư luận chú ý như Chiếc tàu cau (thơ, 1995); Thuyền đi trong mưa ngâu (truyện ngắn, 1995); Rêu đá (thơ, 1998); Mưa gió đầy trời (truyện ngắn, 1999); Lễ hội ăn mày (truyện ngắn, 2001)… trong đó, nhiều tác phẩm đã được tặng giải cao như Thuyền đi trong mưa ngâu (giải A của Uỷ ban toàn quốc các Hội VHNT toàn quốc và giải A VHNT Cố đô 1993-1997); tập thơ Ngẫu hứng về chiều đạt giải A, Giải thưởng VHNT Cố Đô 1987-1992 và đặc biệt, Tuyển tập truyện ngắn Vịt trời lông tía bay về đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

Trong “làng văn” xứ Huế, anh Hồng Nhu nổi bật với mái tóc bạc rất… nghệ sĩ và điếu thuốc lá “bất ly thân”! Hình ảnh “ông già” ung dung rít thuốc, ngẫm nghĩ sự đời, ít khi “cao đàm khoát luận”, ngày nắng cũng như ngày mưa, “chung thủy” với chiếc xe đạp cổ lỗ, thong thả lên xuống dốc Bến Ngự, khi rỗi rãi thì ghé nhà thơ Ngô Minh hay nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhâm nhi chén rượu “bà Hiếu”, rồi đến cơ quan, đã trở nên quen thuộc với bạn bè ở Huế. Thật khó hình dung, nhà văn lúc nào cũng tỏ ra thư thái, “chung thủy” với cây bút bi, gần như “xa lạ” với công nghệ hiện đại, lại là chủ nhân của hàng chục cuốn sách với nhiều giải thưởng danh giá. Chỉ một lần, trong khi dự Trại viết tại Cửa Lò do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức, anh Hồng Nhu mới “tiết lộ” kiểu “ung dung thư thái” của mình. Đó là sau khi nhà văn Xuân Thiều Trại trưởng sốt ruột là Trại sắp bế mạc mà trại viên Hồng Nhu chưa viết được trang nào; nhà văn Hồng Nhu đã làm nên điều kỳ diệu – nói “chữ” cho sang, chứ thật ra đây là “cung cách” lao động của nhà văn. Những giờ phút “lóe sáng” sau biết bao suy ngẫm, khi có đủ thực lực và cả những yếu tố “siêu thực” Anh Hồng Nhu tâm sự: “Liên tục không ngủ trong hai đêm một ngày, tổng cộng ba mươi sáu tiếng đồng hồ, tôi hoàn thành cái truyện ngắn này. Người nộp bản thảo cuối cùng trong ngày cuối cùng trong trại sáng tác năm ấy là tôi...

Truyện ngắn ấy có tên Vịt trời lông tía bay về mà nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập vừa nhớ lại trên trang Facebook của mình: “Năm 2000 truyện ngắn nổi tiếng của Hồng Nhu: “Vịt trời lông tía bay về” được chuyển thành phim truyền hình phát trên VTV3, rất được khán giả hâm mộ

Bên cạnh những thành tựu về sáng tác, từ ngày trở lại quê hương, nhà văn Hồng Nhu còn gánh vác nhiều trọng trách trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Anh từng được bầu làm Uỷ viên Hội đồng Văn xuôi (Hội Nhà văn Việt Nam), Thư ký Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế, Bí thư Đảng đoàn, Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, Uỷ viên Hội đồng Nghệ thuật Tỉnh Thừa Thiên Huế, Uỷ viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế… Với những cương vị đó, nhà văn Hồng Nhu đã có nhiều đóng góp xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật ở Thừa Thiên Huế. Nhà văn Hồng Nhu đã được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 65 tuổi Đảng, Huy hiệu “Vì sự nghiệp văn học Nghệ thuật Việt Nam” và nhiều phần thưởng cao quý khác…

Năm 1987, ngày nhà văn trở về quê, anh đứng trên bến đò Cầu Hai trong một sớm mờ sương, đôi mắt dưới làn tóc trắng xoá vòi vọi nhìn sang làng Mỹ Lợi mịt mù bên kia phá Tam Giang mênh mông sóng nước và cảm xúc hóa thành bài thơ Uống cùng Huế được nhiều người nhớ. Từ nỗi buồn của người con xa xứ trở về quê nhà giữa những năm tháng còn nhiều khó khăn “Bây chừ còn có chi mô/ Dặt dìu con nước ngẩn ngơ mạn đò.../ Tôi nhìn ngọn lá vèo rơi…” nhà thơ đã kết thúc như một tuyên ngôn: “Uống cùng Huế với cuộc chơi sang ngày”. Nói thế, vì quyết định “dời đô” từ Vinh về Huế với anh Hồng Nhu, hẳn là phải trải qua biết bao trăn trở, đắn đo. Vì thế mà 13 năm sau ngày Huế giải phóng, người con làng Mỹ Lợi mới “dứt áo” bạn bè văn nghệ thành Vinh – nơi anh đã gắn bó nhiều năm và đang có cương vị, nhà cửa ổn định…. – trở lại quê hương với “ba không”: không chức vụ, không nhà, không tài sản! Vậy nên nhà thơ mới viết: “Bây chừ còn có chi mô..”  Nhưng rồi thời gian đã chứng tỏ người cựu binh sư đoàn 525 anh hùng đã có sự lựa chọn sáng suốt. Với một nhà văn, quê hương không chỉ là “chùm khế ngọt”, mà là mỏ quý khai thác bất tận.

Quả là nhà văn Hồng Nhu đã chọn “cuộc chơi” chữ nghĩa với Huế bằng cả tâm hồn lãng mạn và một sức “hồi xuân” khi mái đầu đã nhuộm màu sương khói, nhờ hút nhụy của quê hương; từ đó mà có đỉnh cao là tập truyện ngắn Vịt trời lông tía bay về. Cho đến hôm nay, trưa ngày 3/9/2022 tức ngày 8 tháng 8 Nhâm Dần, tôi nghe chị Trâm – người vợ thủy chung yêu quý, tận tụy chăm sóc nhà văn Hồng Nhu nhiều năm qua, thảng thốt báo tin: “Anh ơi! Anh Nhu đi trưa nay rồi!...”. Vậy là câu thơ “tiên báo” từ hơn ba chục năm trước (Ôi thu thu lỡ thu rồi/ Tôi chôn tôi dưới lá đồi Thiên An) – và trong khi bao nhiêu “chiếc lá” cùng trang lứa đã “vèo rơi”, trong đó có nhiều nhà văn từng học Lớp Viết văn trẻ Khóa 3 cùng với anh Hồng Nhu và tôi hồi năm 1968 như Đào Cảng, Sỹ Hồng, Tô Ngọc Hiến, Tô Hà, Nghiêm Đa Văn, Trần Tự, Bùi Công Bính, Trúc Chi, Liên Nam, Trần Nhật Thu, Triều Dương, Triều Ân… -  thì người con làng Mỹ Lợi, với sức sống dẻo dai hiếm có, đến nay mới đi tới cái “đích” mà con người ai cũng sẽ tới. Anh ra đi đúng vào một ngày thu, nắng ấm và làn gió mát vừa đủ rung nhẹ ngọn cờ đỏ sao vàng trên cổng chào đầu ngõ phố Xuân Diệu. Chuyền đi cuối cùng của một nhà văn, nhưng với anh Hồng Nhu cũng có thể nói anh đã “bay về” quê nhà cùng đàn vịt trời lông tía –giống chim quý hiếm thường đem lại điều may mắn, như người dân chài vẫn tin - cùng những nhân vật đậm tính huyền thoại và dân gian của dải đất bên phá Tam Giang đang ngày một đổi sắc thay da…

 

Tác giả: Nguyễn Khắc Phê
Nguồn Văn nghệ số 38/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg a7896047c7ca0c9455db.jpg 370c09e6ae6b65353c7a.jpg 3b96701bd7961cc84587.jpg f369334897c55c9b05d4.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg IMG-8020-1.jpg IMG-8014-1.jpg IMG-8021-1.jpg IMG-8007-1.jpg IMG-8017-1.jpg IMG-8018-2.jpg IMG-8016-1.jpg IMG-8013-1.jpg IMG-8015-1.jpg IMG-5512.jpg IMG-5489-1.jpg IMG-5516.jpg IMG-5498.jpg IMG-5504.jpg IMG-5510.jpg IMG-5515.jpg IMG-5497.jpg IMG-5529.jpg IMG-5503.jpg IMG-5509.jpg IMG-5514.jpg IMG-5494.jpg IMG-5518.jpg IMG-5501.jpg IMG-5507.jpg IMG-5513.jpg IMG-5493.jpg IMG-5517.jpg IMG-5500.jpg IMG-5505.jpg TS9-3865-1.jpg TS9-3931-2.jpg
  • Đang truy cập17
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay3,247
  • Tháng hiện tại59,525
  • Tổng lượt truy cập2,343,331
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây