Di cảo Lưu Quang Vũ: Trang Nhật ký thời học cấp và và những tháng năm quân ngũ

Thứ sáu - 16/09/2022 16:40
Lời BBT: Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 và mất ngày 29/8/1988 hưởng dương 41 tuổi. Nhân kỷ niệm 34 năm ngày mất của ông, Người làm báo Hưng Yên xin trích đăng một số trang nhật ký ông viết khi học cấp 3 và những năm ở quân ngũ. (Rút từ cuốn Di cảo Lưu Quang Vũ, nhà xuất bản trẻ năm 2018)
TRÊN SÂN GA1

Kịch ngắn
 (Tặng K)

Trên sân của một nhà ga nhỏ. Bây giờ là một buối chiểu cuối thu, lá vàng rắc đầy trên sân ga. Xa xa mấy cành cây trụi lá và một toa tàu hỏng đứng im lìm trong bóng chiều. Một thiếu phụ còn trẻ ngồi trên một chiếc va ly ở góc sân, hai tay chống vào cằm, trầm ngâm suy nghĩ. Ở một góc khác, một người nhân viên đường sắt già ngồi im lặng, những mẩu thuốc lá rơi đầy dưới chân ông ta. Ánh sáng nhàn nhạt, có lẽ vì sương xuống nhiều. Không khí yên tĩnh và hơi buồn.

 Người thiếu phụ: (nói một mình) Mùa thu thế là sắp hết, trời sắp trở sang rét (khe khẽ) mùa đông về...

Ông già: Những con chim én làm tổ trên nóc nhà ga sắp bay đi... Mùa đông... (nói một mình) thu qua, đông tới, đã 8 năm rồi, tôi vẫn ở cái nhà ga vắng vẻ này. Quê tôi ở Bình Định, vợ con tôi cũng ở đấy. Bao nhiêu chuyến tàu đã qua đây, nhưng chưa có chuyến tàu nào từ quê tôi tới (thở đài). 8 năm rồi.

Người thiếu phụ: Mấy giờ rồi bác?

Ông già: 5 giờ. Còn hơn một tiếng nữa mới có tàu... Rét quá. Chị có lạnh không?
(Người thiếu phụ lắc đầu)

Ông già: Sao chị lại lên Thái Nguyên có một mình thế?

Thiếu phụ: Chồng cháu ở trên ấy, anh ấy bảo cháu lên công tác trong cái nhà máy đang xây.

Ông già: Ừ! Khu gang thép cần có nhiều người. Tuần trước, họ mới xây dựng xong một cái lò cao mới. Hàng ngày, những toa tàu chở đầy dụng cụ ngược lên... Trời, lạnh ghê, gió heo may (lắc đầu) quét mãi không hết lá rụng...
(Một người nữa bước vào sân ga, đó là một thương binh, chân đi hơi khập khiễng, một tay xách chiếc đàn ghita, tay kia xách ba lô, anh ta đặt hành lý xuống sân ga.)

Người thương binh: Có tàu chưa chị?

Thiếu phụ: (quay đầu lại) Chưa có anh ạ. (bỗng sửng sốt) Anh... anh là...

Người thương binh: (lùi lại một bước) Tôi... Trời!
(Tất cả mờ ải, chỉ còn lại người thiếu phụ)


Người thiếu phụ: (một mình) Sao tôi trông anh ấy, quen thế kia? Anh ấy là ai? Ôi! Đôi mắt kia gần gũi quá...

Người thương binh: (một mình) Trời! Cô ta đây rồi, thế mà tôi cứ tìm cô ta mãi. (bước nhanh tới, kêu lên) Lan! Lan quên tôi rồi Sao.


Thiếu phụ: Anh Khanh!
(Hai người chạy tới bên nhau, nhìn vào mắt nhau, nhạc khe khẽ cất lên. Tất cả mờ đi, chỉ còn một khoảng ánh sáng ở chỗ ông già).


Ông già: (nói một mình) Hai người kia gặp nhau, có lẽ họ là hai người quen cũ. Trên cái sân ga này đã có bao nhiêu chuyện như thế. Gặp gỡ và chia ly, những nụ cười và những giọt nước mắt.
 (Ánh sáng trở lại bình thường, Lan và Khanh đã ngồi đối điện với nhau, ở một góc sân.)
(Tất cả mờ đi. Lại hiện ra cái sân ga.)


Khanh: Thế là tôi đi...

Lan: Tôi vẫn đợi, vẫn chờ. Đã ba mùa hoa xoan nở.

Khanh: Tôi theo đơn vị hành quân qua khắp các nẻo đường. Có những đêm, trước giờ xuất kích, lại nằm mơ thấy nàng công chúa...


Lan: Năm sau, giặc Pháp tấn công lên, nhà tôi cháy trụi, tôi đưa mẹ sang miền khác.

Khanh: Thế là hai đứa lạc nhau...
(Người nhân viên đường sắt già đứng dậy, xách cái đèn trên tay, lững thững đi ra.)

Ông già: Tàu sắp đến rồi đấy anh chị ạ. (thở dài) Chiến tranh, tất cả cũng chỉ vì chiến tranh. (đi ra)

Khanh: Hòa bình trở lại, tôi đi tìm cô ấy mãi mà không gặp... Cây Xoan năm nào vẫn còn đấy...

Lan: Bây giờ, tôi đã có chồng, anh ấy rất tốt, chúng tôi sống thật là hạnh phúc, nhưng không bao giờ tôi quên được mối tình đầu...


Khanh: Tôi cũng đã yêu một người con gái, chúng tôi sống với nhau được ba năm thì cô ấy bỏ tôi, chỉ vì chúng tôi không hợp tính nhau, Tôi cũng chả trách gì cô ấy cả, cô ấy còn trẻ, đáng được hưởng hạnh phúc hơn tôi.

Lan: Gió lạnh quá...

Khanh: Bây giờ tôi làm nghề dạy học Lan ạ. Tôi vẫn kể cho các học sinh của tôi câu chuyện cổ tích mà năm nào Lan kể ấy... Bây giờ tôi chuyển về Vinh dạy, hôm nay lên đường.

Lan: Tôi lại ngược lên Thái Nguyên

Khanh: (mỉm cười) Mỗi người có một con đường. Những con tàu đi về bao nhiêu ngả...

Lan: Nhưng ở các sân ga, đôi khi chúng cũng gặp nhau...

 (Tiếng còi tàu rộn rã ở phía xa như thúc giục lên đường, tiếng xinh xịch to dần.)

Lan: Tàu lên Thái Nguyên đã đến rồi.

Khanh: (đưa vali) Lan đi...

Lan: Hôm nay là ngày bao nhiêu anh nhỉ?

 
Khanh: Một ngày đầu đông, lạnh nhưng mà ấm Lan ạ...
(Lại có tiếng còi tàu)

Lan: Thôi, em đi...
(Hai người đứng dậy, điệu nhạc quen thuộc ngày thơ ấu lại cất lên.)

Khanh: Chúc Lan hạnh phúc.

Lan: Chúc anh nữa, chàng hoàng tử ạ.
(Lá vàng rơi xào xạo, trên sân ga vắng ngắt, hai người đi ra ngoài, chỗ tàu đỗ. Ông già lặng lẽ xách đèn vào. Ông ta đứng ở giữa sân, ngoái nhìn ra...)

Ông già: Tàu đã chuyển bánh. Họ vẫy nhau kìa. (thở dài)
Cuộc đời... những con tàu và những nhà ga... (lắc đầu) Mùa đông đã về, lá vàng nhiều quá, cứ quét lại rụng, chim én đã bay đi, bay về phố quê tôi (mỉm cười). Suốt đời tôi, tôi sẽ vẫn mãi là người đứng soi đèn ở các sân ga. Chà, rét quá, mùa thu thế là đã hết...


1 Tháng 06/1965, sau khi đọc lại vở kịch, tác giả viết:
Vở kịch này mình viết dở quá! Chả có ý nghĩa gì cả. Không đúng thực tế. Vả lại, hồi đó (6-1963) mình hãy còn non choẹt mà đã lên giọng triết lý. Dù sao, đó cũng là một chút tâm tình “lãng mạn” của mình ngày vừa mới lớn lên.

Đêm 2-6-1965
Trước ngày nhập ngũ


Lưu Quang Vũ
Thăng Long ba ngày 6, 7, 8 tháng 6 năm 1963 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây