Di cảo Lưu Quang Vũ: Trang Nhật ký thời học cấp và và những tháng năm quân ngũ

Thứ hai - 03/10/2022 07:50
Lời BBT: Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 và mất ngày 29/8/1988 hưởng dương 41 tuổi. Nhân kỷ niệm 34 năm ngày mất của ông, Người làm báo Hưng Yên xin trích đăng một số trang nhật ký ông viết khi học cấp 3 và những năm ở quân ngũ. (Rút từ cuốn Di cảo Lưu Quang Vũ, nhà xuất bản trẻ năm 2018)
Ngày thứ ba, 25/6/1963

Sáng ra, dậy thật sớm, bình minh hãy còn ở phía xa, chỉ để lại một mảng trời hồng hồng trên gò Lem, cỏ nặng trïu sương mát lạnh dưới chân, tôi đi ra cây roi. Như những năm xưa, tôi nhặt những quả roi rụng trên đất, rồi trèo lên, bứt đầy hai túi. Lòng tôi rung lên khi cắn vào trái roi ngọt lịm. Trời đã sáng rõ, tiếng chim rừng ríu rít bay đi kiếm ăn...

 
***
Bố tôi và tôi, hai người đi vào Gia Điển chỗ đẻ ra tôi. Bước trên con đường quen thuộc, nhà ông Cả Bính, nay chỉ còn là một bụi cây hoang đại, chỗ này tôi vẫn chạy như bay về, khi mẹ tôi gọi ăn cơm. Qua cái dốc nhỏ là đến nhà ông bà tôi, hai bụi tre trước cửa vẫn như xưa nhưng cả cái nhà, cả cái sân, những bụi hoa đỏ chót, cả cây trám yêu quý, nơi tôi diễn kịch cũng không còn gì nữa, dù chỉ là một dấu vết. Tất cả, bây giờ chỉ còn là một bãi sắn cao rậm rì. Tự nhiên, một nỗi buồn man mác ập tới trái tim tôi. Tôi lại nhớ tới Khanh bây giờ đã chết, bố tôi không nói gì, không muốn làm tan cái xúc động của tôi. Tôi lặng lẽ đi ra, rẽ những bụi cây gai chằng chịt, tôi nhảy xuống cái khe cũ. Ở đây đầy lá nứa mục, cái hầm trú ẩn vẫn còn, tôi bới những lớp lá ra, lặng lẽ đi lên. Không nói một lời, bố con tôi đi xuống dốc. Chỗ này, vẫn còn cái cây gì rất cao, hoa thơm lắm, rụng trắng cả đường ở dưới chân gò, giòng suối vẫn ngoằn ngoèo chảy mãi. Hai bên đường, tuyền là những thứ hoa quả quen thuộc trò chơi của tôi ngày bé. Đi một quãng, lại qua suối, cái cầu cũ bây giờ lùi xuống dưới chừng 10m, tôi chả muốn đi cầu, lội suối thích hơn. Qua suối, tôi gặp ngay cây sảng, thân cây xưa tôi vẫn cắt cái vỏ về cho bà tôi ăn trầu, quả sảng dài dài, màu đỏ chót, phủ một lớp lông mìn mịn, hột nó đen sảm, ăn bùi bùi... Và, kìa! Ở trên đồi, giữa rừng cây rậm rịt hiện ra những cây chuối dại, hoa đỏ: 
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao loáng ánh dao gài thắt lưng

Bố tôi kể lại những kỷ niệm cũ, nơi kia, chỗ cái ruộng mạ là bãi diễn kịch Những người ở lại, trong nữa là trường thiếu sinh quân còn con đường này trước kia, lúc nào cũng nườm nượp những dân công, bộ đội cán bộ, đèn đuốc sáng suốt đêm. Hai bên, tuyển là những quán hàng của người Hà Nội tản cư. Thủ đô văn hóa của kháng chiến là ở đây. Đủ món ăn: nem chua, chả rán, cà phê, phở, cháo gà, do những tay chuyên môn của Hà Nội, những cô gái Hàng Bạc, Hàng Buồm, bà tiểu thương chợ Đồng Xuân, ông chủ hiệu giầy, ông phở Giơi chợ Châu Long. Thật là vui, không như bây giờ, vắng vẻ, lạnh lẽo.

Vào tới Gia Điển. Cố tìm lại cái nhà cũ. Trong trí tôi, cái nhà này chỉ còn mờ mờ. Vào nhà một bác (tôi không nhớ tên), bạn thân của bố tôi. Cả bác giai và bác gái đều mừng. Đem ra một đĩa bánh nếp, chấm với mật ong đặc quánh và ngọt lịm. Con bác ấy, một cô gái vẫn bế mình ngày xưa, mỗi khi mẹ mình đi vắng, bây giờ đã có hai con...

Ra sau nhà, tìm thấy cây ổi cũ, khi tôi đẻ ra, bố tôi đã trèo lên đó mà ngâm thơ. Bố chỉ cho tôi nơi đặt cái giường mà mẹ tôi sinh tôi ra. Chỗ này đây, cách đây 15 năm, tôi đã cất tiếng khóc chào đời đầu tiên...

Lên đồi cao, nhà một ông bà quen, trước cửa có cây trám, quả rụng đây dưới gốc. Buổi trưa về ăn cơm nhà bác Phú, một mâm cơm đầy ụ thịt gà, thịt lợn, thịt chó.

Bố đi ra huyện, tôi đem giấy bút ra gốc roi vẽ. Rồi một mình đi thăm lại những nơi chốn cũ: gò Lem, Khe Suối, và gò Thờ, cái đình mà tôi vẫn vào chơi những trưa hè, sợ hãi nhìn tượng thần dữ dội, hay mỗi tối tôi thường tới xem kịch, họp thiếu nhi, học hát tới khuya bây giờ đã đổ nát rồi, cỏ dại mọc um tùm, không thể nào bước chân vào được. Vào ven rừng hái hoa chuối đỏ tươi. Tôi lại rủ Dũng, thằng bé con bác Cậy lên nương chơi. Tòi cởi trần, lưng đeo con dao rừng sắc như nước quen thuộc. Lên nương lấy mít, tôi hái những thứ hoa quả năm xưa: quả lạc tiên ngọt và thơm, lá vón vén chua chua, quả hồng xanh, quả sim tím: chỉ một buổi mà tôi lại giống y như những ngày thơ: mặt đỏ bừng, lóng lánh mồ hôi, gai xước đầy lưng và hai tay thì dính đầy nhựa, thơm mùi quả dại, mùi đất...

Cùng với bố đi thăm một số nhà: bủ Thuần, chị Ân v.v... Những con người đáng yêu biết mấy, những con người nhiều tình cảm và anh dũng, ngày kháng chiến đóng góp không biết bao nhiêu cho Cách mạng.

Trước khi về nhà bác Phú ăn cơm, lại lên đồi thăm nhà anh Khoán, trước cửa có mấy cái xác rắn, xác trăn phơi khô. Bữa cơm cũng đầy thịt và rượu (ở đây, tới nhà nào cũng mời rượu - mời ăn cơm). Trời đã tối, sang chơi một nhà nữa rồi về, đêm sáng trăng, tất cả cảnh vật đều tắm trong ánh trăng vàng bát ngát. Cả dãy núi, cả rừng cây... không khí tươi mát quá.

Về nhà, ra suối xem mổ lợn dưới ánh đuốc, một tay cầm gậy phòng rắn.

Nếu có thời giờ ở đây một hôm nữa tôi sẽ được theo bác Phú vào rừng bắt vẹt, bắt tổ ong và rắn.

Khuya sang nhà bác Cậy, ngồi bên bếp lửa nói chuyện với bác Cậy, với Dũng. Thôi, ngày mai lại phải về Hà Nội. 9 năm mới lên, lại ở được có hai ngày. Về ngồi uống chè với Lâm và bác Phú.
Ngày thứ tư,, 26/6/1963

Sáng, dậy sớm, gói nhiều thứ hoa quả để đem về Hà Nội, bố sợ nặng bắt vứt bớt đi. Sang nhà bác Cậy ăn cơm, lại gà.

Chào cả nhà bà Phú, bác Cậy rồi... lên đường. Chào gốc roi, chào quê hương và những người thương mến. Cũng như lúc tới, tim tôi bây giờ lại đập lên một cách bồi hồi và nặng nhọc.

Hẹn một ngày gần đây trở lại nhé.

***
Bố đèo xe đạp, tôi ngồi đằng sau xe, xe chạy bon bon trên con đường mới đỏ tươi (con đường để ô tô chở chè cho nhà máy chè Phú Thọ) con đường vòng vèo giữa những quả đồi xanh rờn rợn những chè và tím ngát hoa mua.

Qua những nơi quen thuộc: Hương xa v.v... Trên đường đi, gặp từng đoàn thanh niên tiếng cười trong trẻo đi gánh thóc, gánh vôi bón ruộng... (Con gái Phú Thọ đẹp lắm...) qua hai cái nhà máy chè tuyệt đẹp, mấy lần vào quán uống nước: một gian nhà nhỏ mà chủ nhân là người Hà Nội trước tản cư... ăn chè, uống nước.

Đến trưa về tới thị xã Phú Thọ, ngồi mãi ở một quán hàng gần ga...

Trời nắng đẹp
Gió mát
Hương bay
Tiếng cười
Tiếng hát
Và lòng tôi và tâm hồn tôi nữa... 

 
(còn tiếp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây