KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2022)
Bậc chuyên gia hàng đầu về câu chuyện này phải là nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc hoặc nhà văn Tô Hoài - cả hai đều đã qua đời. Còn tôi - tri thức về câu chuyện này là rất mỏng, nhưng do đã sống với Hà Nội trên 60 năm nên cũng có một vài nhận xét do thói quen của một người đi bộ hoặc xe đạp. Tiếp xúc đầu tiên gây ấn tượng đối với tôi là đường Lê Thánh Tông – nơi có trụ sở trường Đại học Tổng hợp mà tôi là sinh viên khóa I, quê ở Hà Tĩnh. Từ đường Lê Thánh Tông tôi biết thế nào là cái rộng dài, hoành tráng của những đại lộ song song với nhau hoặc giao cắt nhau ở khu bàn cờ sát gần Nhà Hát Lớn này, như Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh, Hàng Bài, Bà Triệu... Và cái tấp nập đông vui của Kẻ Chợ, chọn Hồ Hoàn Kiếm và khu Đồng Xuân làm trung tâm; nơi có cái ga lớn cho nhiều tuyến tàu điện, trong đó có một tuyến chạy dọc từ Bạch Mai, Phố Huế, Hàng Bài, rồi men theo phía phải Bờ Hồ; và tuyến ngược lại từ Bưởi, Thụy Khuê, Quan Thánh xuyên qua các phố cổ...
Sau nhiều chục năm đi bộ và đi xe đạp, rồi xe máy tôi đã có thể gom vào bộ nhớ một hệ thống đường và phố Hà Nội với những sắp xếp tự nhiên do lịch sử để lại và với những bổ sung theo thời gian.
Trước hết đó là hệ thống tên các danh nhân lịch sử và văn hóa dân tộc bắt đầu từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Trần Thánh Tông, Lê Thái Tổ, Quang Trung... tất cả đều đặt ở trung tâm nội đô.
Không có người của nhà Hồ, nhà Mạc; và hình như, cả nhà Nguyễn?
Có đường Hùng Vương ở trung tâm; thế nhưng hai vị Quốc phụ và Quốc mẫu là Lạc Long Quân và Âu Cơ lại ở vòng ngoài – ven Hồ Tây.
Mỗi vị vua đại diện cho một vương triều, cùng với các nhánh, các bề tôi là đám quần thần có danh vị hoặc công trạng.
Trần Thánh Tông – nơi có nhà tang lễ lớn nhất Hà Nội bây giờ, gắn với Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khát Chân, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng... Và Huyền Trân công chúa.
Lê Thái Tổ - đương nhiên đặt ở nơi có Hồ Hoàn Kiếm, gắn với Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Lê Văn Linh, Trần Nguyên Hãn...
Quang Trung cắt ngang đường Tràng Thi – nơi tọa lạc Thư viện Quốc gia, ở nội đô, gần với Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm, Bùi Thị Xuân, Lê Ngọc Hân; nhưng lại xa với Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Đặng Tiến Đông kề cận với đường Tây Sơn và Gò Đống Đa.
Chưa thấy một danh nhân văn hóa nào được đặt cho một con đường to ở trung tâm, trong số Chu Văn An, Hàn Thuyên, Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều, Đào Duy Từ, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan... Có một con đường to cho Nguyễn Trãi nhưng là ở phía ngoại ô ra thị xã Hà Đông cũ.
Thời cận đại – những người có tên đường, đó là Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đội Cấn...
Thời hiện đại, đồng thời với chúng ta, gần như số lớn những bậc lãnh đạo cao của Đảng Cộng sản đều đã có tên đường theo từng cụm: Lê Duẩn (thay cho đường Nam Bộ và Giải Phóng), Trường Chinh, Lê Thanh Nghị. Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ. Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh. Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Phong Sắc, Trần Đăng Ninh, Trần Quốc Hoàn. Rồi Nguyễn Văn Cừ, ở phía Gia Lâm. Và Minh Khai (không biết có phải là Nguyễn Thị Minh Khai không?) ở cuối đường Bạch Mai...
Các nhà văn hóa, khoa học rải rác ở nhiều nơi: Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Tích Trí, Lương Định Của, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Duy Hưng...
Về nhà văn, có một vài cụm: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng - khu Thanh Xuân. Hoàng Ngọc Phách, Vũ Ngọc Phan, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan - khu Thành Công và Ngọc Khánh. Đặng Thai Mai, Xuân Diệu, Tô Ngọc Vân, và Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn - khu Hồ Tây...
Một khối đường cũng rất ấn tượng bởi những cái tên gắn với các di tích lịch sử và văn hóa, hoặc cảnh quan tự nhiên như Bờ Hồ, Bờ Sông, Đê La thành, Đầm Trấu, Bạch Đằng, Hàm Tử, Chương Dương, Tràng Tiền, Tràng Thi, Giảng Võ, Hỏa Lò, Văn Miếu, Quán Sứ, Trấn Vũ, Bách Thảo, Chùa Một Cột, Ba Đình, Đống Đa, Bắc Sơn, Điện Biên Phủ, Thụy Khuê, Bưởi, Ven Hồ...
Đặc biệt là một chùm lớn gắn với phố cổ và “ba mươi sáu phố phường”, nơi kết tụ tinh hoa của Kẻ Chợ xưa, và chưa bao giờ hết vai trò đại diện cho Hà Nội “nghìn năm văn vật”. Đó là – tôi ghi một cách lộn xộn: Hàng Chiếu, Hàng Mành, Hàng Đồng, Hàng Thiếc, Hàng Điếu, Hàng Đường, Hàng Chĩnh, Hàng Mắm, Hàng Rươi, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Cót, Hàng Hài, Hàng Giày, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Hòm, Hàng Khoai, Hàng Đậu, Hàng Bè, Hàng Thùng, Hàng Bún, Hàng Trống, Hàng Lọng, Hàng Lược, Hàng Tre, Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng Gà, Hàng Da, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Khoai, Hàng Bông và Bông Nhuộm... Không biết như vậy đã đủ con số 36 chưa; là thiếu hoặc thừa nếu tính thêm Hàng Bài – con phố dài gắn nối Tràng Tiền và phố Huế; hoặc Hàng Đẫy, Hàng Bột cách rất xa khu phố cổ?
Những phố có bắt đầu bằng Hàng như thế không dừng là ở con số 36, mà lên đến 53 – theo Nguyễn Vinh Phúc.
Và việc giới hạn ở con số 36, có lẽ là do một câu ca dao cổ:
Hà Nội băm sáu phố phường
Hàng Gạo, Hàng Đường,
Hàng Muối trắng tinh
hoặc một tên sách của Thạch Lam: Hà Nội ba mươi sáu phố phường.
Nhân nói phố, còn phải kể đến ô – nơi hội nhiều ngả đường. “Năm cửa ô” – đã vào thơ, vào nhạc. Nhưng sự thật là Bảy cửa ô. Đó là: ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Chợ Dừa, ô Đống Mác, ô Quan Chưởng, ô Yên Phụ, và ô Đồng Lầm.
Nhân ô mà nói đến cửa. Đó là Cửa Đông, Cửa Nam, Cửa Bắc. Nhưng lại không có Cửa Tây?
Từ phố mà chuyển sang ngõ. Có Ngõ Xã Đàn, Ngõ Văn Chỉ, Ngõ Cấm Chỉ, Ngõ Phất Lộc, Ngõ Tức Mặc, Ngõ Đình Ngang, Ngõ Gạch... Sau ngõ còn là hẻm.
Một trình bày sơ bộ như trên về những đường phố Hà Nội có từ khi có Kẻ Chợ đến nay trong tính hệ thống của nó; có lộn xộn một đôi nơi nhưng không vi phạm lắm sự hài hòa của tổng thể, và cũng chẳng nên thay đổi. Vấn đề cần suy nghĩ là các tên đường từ nay về sau, trong sự phát triển chóng mặt của đời sống đô thị, khi Hà Nội đã sát nhập với Hà Tây – gồm cả hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây cũ; và còn phát triển hơn nữa. Phải có một cái nhìn xa cho Hà Nội tương lai, trong đó việc tìm tên đường cần phải là sự tiếp tục mở rộng một cách hợp lý và cân đối trên cái nền đã có, mà không tạo ra các độ chênh, độ vênh, thừa hoặc thiếu. Và như vậy thì một kho dữ liệu, hoặc một ngân hàng tên đường là cái cần nghĩ đến, trên các phương hướng đã có. Có nghĩa là:
Bổ sung những tên danh nhân lịch sử và văn hóa, cả cũ và mới, sao cho cân đối, để tránh hậu hoặc bạc cho cả hai phía, bởi sự hậu hoặc bạc ấy xem ra bây giờ đã có. Cũ vẫn còn nhiều trong kho lịch sử dân tộc cho đến đầu thế kỷ XX. Và mới, là các nhân vật của thế kỷ XX mà giá trị đã được thời gian thẩm định, trên tất cả các khu vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học, văn chương, nghệ thuật.
Sáng tạo những tên mới gắn với cảnh quan tự nhiên, vị thế địa lý, hoặc ước nguyện của cộng đồng.
Sắp xếp theo cấp độ to nhỏ, rộng hẹp từ đại lộ, qua đường hoặc phố, đến các ngõ và hẻm. Cần chú ý các tên ngõ và hẻm, để dễ cho việc tìm kiếm.
Nhớ Hà Nội tôi thường nhớ đến những sắc màu và hương vị riêng của mỗi con đường hoặc phố. Nhớ hoa sữa đường Nguyễn Du. Nhớ sấu đường Trần Phú (Đường sấu lâu rồi im tiếng guốc – Tố Hữu). Nhớ hoa loa kèn, hoa lộc vừng, hoa bằng lăng, hoa tường vi, cúc họa mi... Giá có được một kết hợp với tên đường, tên phố thì thật là hay.
Không chỉ riêng người sống ở Hà Nội mà cả nước ai cũng nhớ và yêu Hà Nội, ngay trong lần đầu tiếp xúc, trước hết nhờ vào các tên đường. Và bởi Hà Nội là thủ đô, là trái tim của cả nước, nên mỗi tên đường nên là biểu trưng, là sự hội tụ của những gì làm nên sự kết hợp, gắn nối giữa chung và riêng, xưa và nay, truyền thống và hiện đại. Tôi nghĩ – đó nên là định hướng cơ bản cho mọi hoạt động của chính quyền và công dân Hà Nội, trong đó có việc đặt tên đường, một công việc tưởng là nhỏ nhưng lại động đến bao nhiêu cái lớn, cái thẳm sâu, trong sự sống tinh thần của con người Việt và của dân tộc Việt.
Tác giả: Phong Lê
Nguồn Văn nghệ số 41/2022
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên