80 năm trước, vào đúng ngày 6/10, tại làng La Khê (Hà Đông, Hà Nội), nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã ra đời. Để rồi chỉ hơn 20 năm sau đó, bà tỏa sáng với một loạt tác phẩm nổi bật trên văn đàn. Thi ca của Xuân Quỳnh đã mang lại rung cảm cho nhiều thế hệ độc giả, đặc biệt là những người phụ nữ. Dù đã qua đời hơn 30 năm nhưng tác phẩm: Thuyền và biển; Sóng; Thơ tình cuối mùa thu; Tiếng gà trưa; Tự hát... vẫn luôn còn vẹn nguyên giá trị.
Ở đời sống riêng, Xuân Quỳnh cũng để lại nỗi nhớ thương với những người bà từng gắn bó. Chia sẻ với PV Dân Việt, nhà văn Lê Minh Khuê khẳng định: "Chị Quỳnh là người phụ nữ đặc biệt đến mức không dễ gì quên được. Đã hơn 30 năm từ ngày chị ấy đi nhưng tôi luôn nghĩ chị vẫn ở quanh đây thôi, rất sống động và hiện hữu".
Những năm thập kỷ 70 - 80, ba cây bút nữ xuất sắc của nền văn học Việt Nam một thời: Lê Minh Khuê, Xuân Quỳnh, Ý Nhi từng là những người bạn thân thiết tại NXB Hội Nhà văn. Tại đó, họ không chỉ gắn bó về nghề nghiệp mà còn chia sẻ với nhau mọi điều trong đời sống. "Tôi thích chị Quỳnh trong đời sống hàng ngày, thích lắm. Đó là một người phụ nữ rất phụ nữ - chị sống không vì mình mà vì tất cả mọi người, chị hi sinh tất cả cho những người xung quanh, không bao giờ toan tính thiệt hơn".
Với nhà văn gạo cội Lê Minh Khuê, ký ức về Xuân Quỳnh là ký ức về những ngày thanh xuân rạng rỡ tiếng cười, ở đó, nụ cười của Xuân Quỳnh lấp lánh như ánh mặt trời, lan tỏa sự ấm áp tới tất cả mọi người xung quanh: "Chị Quỳnh cười đẹp lắm! Có những người rất đẹp nhưng vẻ đẹp của họ vô hồn, còn chị Quỳnh thì khác. Mắt chị đẹp, long lanh, ngân ngấn nước. Mỗi lần chị cười, gương mặt chị bừng sáng và cuốn hút. Cũng bởi vậy, chị cuốn hút mọi người, cả nam lẫn nữ, ai cũng thích nguồn năng lượng tích cực từ chị".
Là một người đàn bà ngập tràn sự lãng mạn trong thi ca, thế nhưng, ở ngoài đời, ấn tượng lớn nhất về Xuân Quỳnh với những người xung quanh dường như lại là sự thông minh và hài hước. Trong hồi ức của nhà văn Lê Minh Khuê, khi nhà thơ Xuân Quỳnh xuất hiện thì không gian xung quanh không bao giờ thiếu vắng niềm vui: "Tôi lúc nào cũng đi cùng chị Quỳnh để được... cười. Chị Quỳnh có tài kể chuyện, kể chuyện gì cũng khiến mọi người cười lăn cười bò, chỉ một câu ngắn thôi đã phác họa được một con người.
Ở trong những năm tháng ấy, tôi chưa bao giờ thấy chị tiêu cực hay chán nản. Chị cũng có những nỗi buồn, nhưng luôn vượt qua, thậm chí còn động viên, khích lệ mọi người. Cũng chính chị là người động viên tiếp khi đôi lúc tôi chán nản trong việc cầm bút. Chị đọc tác phẩm của tôi và nâng tôi dậy. Chị bảo: "Mình phải làm việc Khuê ạ, không viết thứ này thì viết thứ khác".
Xuân Quỳnh giỏi về nghề, nhưng chưa bao giờ tỏ ra khác biệt: "Xuân Quỳnh có một trí tuệ rất đặc biệt mà người khác khó có thể biết nó sâu tới nhường nào. Tôi luôn nghĩ, nếu ở một giai đoạn khác, ở một xã hội bớt vất vả thì chị còn làm được nhiều thứ và để lại cho hậu thế nhiều hơn nữa".
Ở Nhà xuất bản, Xuân Quỳnh và Lê Minh Khuê đã trở thành cặp bài trùng: "Thi thoảng chị Quỳnh lại chia cho tôi chút bánh, chút quà. Mọi người bảo chuyện Xuân Quỳnh kể mà không có Lê Minh Khuê "tung hứng" thì bớt vui. Đi đâu không có nhau chúng tôi cũng thấy thiếu".
Nhà thơ Xuân Quỳnh sinh ngày 6/10/1942. Bà ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ độc giả với những bài thơ được nhiều người biết đến như: Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa… Nhà thơ Xuân Quỳnh mất ngày 29/8/1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương, cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi.
Ngày 5 và 6/10/2022 vừa qua, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Báo Nông thôn Ngày nay và gia đình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ tổ chức đêm thơ – nhạc – kịch "Hoa cúc xanh" để kỷ niệm 80 năm ngày sinh của bà.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên