Di cảo Lưu Quang Vũ: Trang Nhật ký thời học cấp và và những tháng năm quân ngũ

Thứ tư - 28/09/2022 09:45
Lời BBT: Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 và mất ngày 29/8/1988 hưởng dương 41 tuổi. Nhân kỷ niệm 34 năm ngày mất của ông, Người làm báo Hưng Yên xin trích đăng một số trang nhật ký ông viết khi học cấp 3 và những năm ở quân ngũ. (Rút từ cuốn Di cảo Lưu Quang Vũ, nhà xuất bản trẻ năm 2018)
Ngày thứ hai, 24/6/1963

Sáng lại từ giã Việt Trì, ra tàu tiếp tục về Việt Bắc. Đây là trung du, ngô sắn xanh rờn trên nương, đồi núi cứ cao dần lên đến thị xã Phú Thọ, là bắt đầu khung cảnh của núi rừng Việt Bắc, một miền đầy rẫy những chiến công và: Quê Hương! Vũ Ẻn đây rồi:


Sông Thao nước đục người đen
Ai lên phố Ẻn thì quên đường về

Ở mỗi người, những câu ca dao luôn gắn liền với những kỷ niệm của quê hương, đơn sơ nhưng thật là rung động. Cái phong vị quen thuộc của rừng cọ, đồi chè ở bốn chung quanh, một mùi hương gần gũi ở trong đất trong cỏ, ở những cây hoa dại ở bên đường.

Xuống ga Ấm Thượng, phố Ấm Thượng đổi khác quá, không nhận ra được. Ừ, chín năm rồi còn gì, cái phố tản cư ngày trước, bây giờ to và lớn hơn nhiều. Chỉ nhận được có mỗi cái nền nhà của ông Thiện.

Đi bộ về Chu Hưng, 8 cây số nữa. Con đường quen thuộc năm xưa mình đã từng đi mãi. Một bên là núi rừng rậm rạp, hãy còn cả những “tăng sê'' tránh bom, những chiếc cầu bắc bằng cây cọ cheo leo trên mặt nước. Phố Ao Châu, nơi họp Đại hội Văn hóa Cứu quốc, ngày trước đây là một xưởng giấy đông vui nay cũng chẳng còn gì nữa.

Ngồi nghỉ trên một cái đồi có hai cây dọc rồi lại đi. Trên một quả đồi cao chót vót, lại gặp một người quen cũ ở Chu Hưng. Mỗi bước đi đều nhắc lại những kỷ niệm mến thương: Đây, nhà bà Bờ cũ, hàng bà Phú mà mình vẫn ra ăn kẹo đây, mấy cây đa có con tắc kè to tướng này. Cái cầu cau nho nhỏ, nhà ông Trứng chữa dép, cả hai ông bà đều đã chết rồi. Cái miếu thờ đầu làng cũ kỹ, trước cửa có cây ổi, những buổi trưa hè vẫn trèo bứt quả. Bồi hồi làm sao, trường học đây rồi, nơi mình học những chữ đầu tiên. Cảnh cũ lại gợi những người xưa. Đâu cả rồi? Năm tháng đã trôi qua, ta đã lớn, như cánh chim bay đi, nhưng vẫn không quên được cái lớp học nho nhỏ, mái gianh mộc mạc. Ở đấy, tôi đã học, đã run run viết những nét chữ đầu tiên. Lội qua con suối mát lạnh, trong veo, sắp về đến nhà rồi. Xa xa, đồi Lem hiện ra, quen thuộc, tất cả vẫn như trong tâm trí mà tôi thường nhớ lại. Con đường quanh quanh tôi vẫn chạy ra đón mẹ đi chợ về, nhà cũ tôi đây rồi, bóng cây roi như trong một cõi gì xa xăm mà gần gũi, mộng mà thực của tuổi thơ. Đây! Nhà tôi đây, nơi chúng tôi đã lớn lên, đã sống, đã ốm, đã đùa chơi suốt 6, 7 năm giời. Cái nhà tôi nay chỉ còn lại nền, cỏ mọc xanh um, đây này, chỗ này là cửa vào, bên này là quầy hàng của mẹ, chỗ này là bếp, góc này là bàn làm việc của bố, và đúng cái góc này đây, có một cái lỗ mà mỗi khi bị mẹ dốt ở ngoài tôi vẫn chui vào được. Cái chỗ này là để cái giường, chỗ đẻ ra em Điển tôi. Ngoài này là sân, cái chỗ để cây ớt nay tự nhiên ở đâu mọc ra một bụi tre rậm rì và to lớn, nó át một góc sân thân yêu của tôi như chọc vào trái tim tôi. Trước cửa cây roi yêu mến, cành lá giờ đã xác xơ, tội nghiệp, nó sắp chết rồi. Roi ạ! May mà ta về chóng không thì chả gặp roi nữa. Có nhớ ta không? Có nhớ những buổi sáng ta dậy ra đây nhặt quả không? Có nhớ những đêm mưa rào, gió ầm ầm thổi, roi rụng ào ào lên mái nhà. Có nhớ những ngày mưa dầm dài dằng dặc, có nhớ những ngày đông hiu hắt, gió lạnh cắt da, ta đi quét lá rụng dưới gốc roi để về nhà sưởi. Có nhớ những khi xuân về hoa roi rụng trắng, chim ríu rít trên cành. Có nhớ những đêm trăng nằm dưới gốc roi rồi ngủ thiếp đi. Người bạn yêu quý của ta ơi! Xa ta, roi có buồn không? Sau nhà tôi là nhà bác Cậy, chúng tôi đi vào, một người đàn bà chạy ra. Bác Cậy! Cháu đây mà. Vào nhà bác Cậy, lúc ngồi nói chuyện tôi cứ tha thẩn đi quanh nhà. Hai bố con lại sang nhà bác Phú, rồi đi ra suối, con đường nhỏ dẫn xuống suối. Ôi! Con suối mát nhất của lòng ta, em vẫn như xưa, vẫn như những đêm anh nằm mơ thấy. Lại tắm ở suối đây nhớ 3 câu thơ:

Ở đây rừng Việt Bắc
Có suối chảy ven gò
Xuyên rừng cây bát ngát


Đã bao nhiêu mùa trôi qua, tôi đã có biển, có sông, nhưng con suối nhỏ vẫn là nơi yêu quý nhất. Nó như là cái nguồn, ừ, đây là cái nguồn của hồn tôi. Yêu con suối này trước tiên rồi mới thành lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc.

Sang nhà bác Cậy ăn cơm, bữa cơm đạm bạc có món dứa, sao mà ngon thế, sao mà quen thuộc thế. Cơm của quê hương mà... Đêm xuống dần, bầu trời đầy sao, như những đêm thơ ấu.

Lên nhà bà Quản Ngoạt chơi. Lâm ra mở cửa, thằng bạn nhỏ của tuổi thơ, những buổi cùng ngồi trên lưng trâu, những lúc đánh nhau rồi lại làm lành, người bạn tuổi thơ ơi! Có nhớ không, hồi ấy, chúng mình có bốn đứa: Mình, Lâm, Hân và Khanh. Khanh thì chết rồi. Mình về Hà Nội, Hân đi nơi nào không biết, còn lại mỗi cậu ở đây.

Cửa mở, trước mặt tôi một thanh niên hơi gầy, gầy hơn ngày trước nhiều lắm. Chỉ cái miệng là vẫn như xưa. Chúng tôi vào nhà, mẹ Lâm rót nước, bà cứ nói mãi:

- Nhà ta về xuôi ở trên này cứ vắng vắng là... Gớm, lại nhớ cái hồi, anh và em nó cứ cãi nhau suốt ngày... Gớm, cái hồi...

Trong lòng tôi bỗng xốn xang về những kỷ niệm cũ, những người xưa.

Thanh ở trong bếp bước lên, ngày xưa nó còn bé tý, thế mà bây giờ đã sắp thành một thiếu nữ, má đỏ bừng, mắt long lanh, như tất cả những cô bé mới lớn khác...

Tôi đi ra sau nhà, ừ! Dưới gốc mít này, tôi vẫn chơi bầy hàng, đánh trận giả...

Đi thăm mấy nhà nữa rồi về. Đêm đã khuya, sương xuống nhiều, gió thổi lạnh. Tôi rón rén ra ngồi trước cửa cái nền nhà tôi cũ. Bao nhiêu kỷ niệm vụt lướt đến. Tôi nằm dài ra, áp mặt xuống cỏ, hít mãi cái mùi đất âm ấm, mùi cỏ hắc hắc... Thấy ngọt ngào vô cùng.

Về nhà bà Phú ngủ một giấc ngủ dịu dàng, không khí mát lành, quê hương như đã nâng niu tôi, hát ru cho tôi ngủ, những câu hát tự thuở xưa, cái ngày xa xa lắm trong ký ức ấy... 


 
(còn tiếp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây