Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: Văn chương quan tâm đến mọi người

Thứ hai - 22/08/2022 03:26
Cách đây 15 năm, nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài nhận giải nhất truyện ngắn Báo Văn nghệ. Giải thưởng là một yếu tố quan trọng làm thay đổi mạnh mẽ cuộc đời bà: từ giã nghề giáo, từ giã quê hương Nghệ An chuyển vào TPHCM sinh sống. Mới đây, bà cũng vừa cho ra mắt tiểu thuyết lịch sử Dòng biên viễn (NXB Tổng hợp TPHCM), viết về Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.  
111
Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài

PHÓNG VIÊN: Nhiều cuộc đời đã thay đổi bất ngờ sau khi chiến thắng ở một cuộc thi văn chương nào đó. Nhìn lại, bà có điều gì phải hối tiếc?

Nhà văn HỒ THỊ NGỌC HOÀI: Đúng là giải nhất truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 2007 đã mang đến một sự thay đổi mạnh mẽ cho tôi trong đời sống tinh thần, còn việc chuyển nghề và xa quê lại là một câu chuyện rất dài. Sau giải thưởng, tôi vẫn tiếp tục dạy học tại quê nhà 5 năm, và trong thời gian đó có bao sự việc, cơ duyên, điều kiện, yếu tố... khiến cuộc sống gia đình tôi không ngừng vận động.
Giải thưởng hay việc đam mê văn chương, nói một cách hình ảnh và cũng khá chính xác là nó như góp thêm sức gió đẩy cánh buồm đi. Tôi thấy tất cả đều rất thuận tự nhiên, nên không có gì phải hối tiếc, thậm chí rất cảm ơn cuộc sống đã cho tôi, cùng tôi có những bước chuyển, những thay đổi.

Cùng đoạt giải nhất truyện ngắn năm đó với bà là cố nhà văn Ngô Phan Lưu. Có điều, trong khi nhà văn Ngô Phan Lưu đã có độ phủ sóng lớn thì cái tên Hồ Thị Ngọc Hoài vẫn còn khá mờ nhạt trong giới và trong lòng bạn đọc…

Trước giải, tôi chưa viết được gì đáng kể, sau giải tôi vẫn là tôi thôi. Chừng như sau giải, đâu đó cũng có sự sốt ruột hộ tôi và mới đầu tôi có phần bị tác động của sự chú ý. Tuy nhiên, sau đó từ vận động của đời sống, những sự việc cho mình nhận thức thêm, thấy mình cần được tự nhiên như vốn dĩ. Chậm, thong thả, từ từ vốn là bản tính của tôi.

Thời gian đó, tôi bị tác động này kia từ bên ngoài là có, nhưng là để quay vào tự hiểu nội tình, hoàn cảnh của mình rồi gắng làm sao cho cân bằng, hòa hợp, phù hợp. Như thế mới có thể bền bỉ được với những thứ đẹp, khó mà mình rất yêu thích như văn chương. Đúng là tôi đủng đỉnh, chậm trong mọi nhẽ. Tôi có thể cật lực, có thể phù hợp với những lúc cần gấp, nhưng chủ yếu thong thả. Có lẽ đặc tính này đã phủ lên mọi vấn đề trong cuộc sống của tôi.

Đến bây giờ, khi nhắc đến Hồ Thị Ngọc Hoài, người ta vẫn nhắc đến Thung Lam như một đỉnh cao của bà. Bà có buồn vì điều này không, khi từng in tập truyện ngắn Đi đến đó và tập thơ Lễ hội này?

Tôi vui vì đã có Thung Lam, vui vì có nhiều truyện ngắn khác nữa, mỗi truyện là một câu chuyện với thân phận riêng. Những gì mình đã có theo một cách khó khăn, chắt chiu, ít ỏi thì càng trân trọng, yêu quý. Mỗi một truyện là một thế giới bao la từ khi viết, sống cùng nó cho đến khi nó tồn tại. Mỗi khi tôi có dịp nhớ về, đọc lại, những thế giới đó vẫn luôn mang sắc hương đến cho cuộc sống của tôi.

Việc ra mắt tiểu thuyết lịch sử Dòng biên viễn mới đây, có phải là cách để bà chứng minh với người đọc rằng, Hồ Thị Ngọc Hoài không chỉ có Thung Lam, không chỉ biết viết truyện ngắn?

Với Dòng biên viễn, nếu bạn đọc thấy tôi đã “chứng minh” được một số điều về dân tộc, về con người, đất nước mình trong một thời đoạn lịch sử thì đó là điều tôi mong muốn nhất. Tôi chỉ quan tâm đến những vấn đề của con người, những vấn đề của dân tộc trong một thời đoạn lịch sử. Còn việc có “chứng minh” gì không là tùy ở bạn đọc nghĩ!

Lịch sử dân tộc không hiếm những danh nhân tài cao đức trọng. Vì sao bà lại chọn Nguyễn Hữu Cảnh làm nhân vật cho tiểu thuyết của mình?

Phương Nam và thời mở cõi gợi cho tôi bao điều hấp dẫn trong trí tưởng, chính nó mang lại cảm hứng mãnh liệt cho tôi. Khi chọn viết, tôi không có ý so sánh, tìm nhân vật lịch sử nào tài đức, danh tiếng lẫy lừng hơn. Tôi nghĩ, văn chương quan tâm đến mọi con người và mọi vấn đề của đời sống. Tôi yêu thích, không mất công lựa chọn, chỉ đơn giản là nó được bắt đầu từ nguồn cảm hứng lớn về thời mở cõi gắn với nhân vật Nguyễn Hữu Cảnh. Và khó khăn khi viết là không ít, nhưng điều tôi muốn nói đến đó là khi tôi muốn thay đổi, bổ sung, chỉnh sửa sao cho dày dặn, hợp lý, thuyết phục. Và điều này làm tốn thêm thời gian, sức lực, có khi tôi phải làm lại, thậm chí là “đập đi xây lại” cả trường đoạn.

Trong cuộc đời của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh có nhiều sự kiện, nhiều công lao lẫy lừng, vì sao bà lại chọn tái hiện những ngày cuối đời của ông, chứ không phải theo trật tự: sinh ra - lớn lên - già đi?

Chọn tái hiện những ngày cuối đời, những ngày trên đường Nam chinh về và nhân vật đổ bệnh, với tôi, đó là khi nhân vật nhiều tâm tư, nỗi niềm, suy nghĩ nhất. Hiện tại quá khứ đan xen, một cuộc đời và một giai đoạn lịch sử qua dòng chảy tâm tưởng, tôi nghĩ cần như thế để có thể đi vào chiều sâu tâm hồn con người và bề rộng không gian, thời gian của thời đại. Tôi tin bạn đọc cũng hiểu thế!

15 năm gia nhập làng văn, đến lúc này gia tài văn chương của bà mới có 3 tập sách riêng. Đây quả thực là một số lượng quá ít ỏi. Mỗi ngày có hàng trăm cuốn sách được ra đời, vô số tác giả xuất hiện, bà có sợ bạn đọc quên mình?

Tôi và những người viết chắc chắn là luôn mong mở rộng được biên độ ngòi bút của mình. Có điều, tôi nể phục những người viết khỏe, viết nhiều, viết hay, còn tôi vẫn viết bằng khả năng, sức lực của mình. Tôi là người vui với những gì đã có và tin dù thế nào cũng sẽ viết, coi đó như là điều không thể thiếu vắng. Viết được đến đâu sẽ mừng đến đó!

Trước khi có Dòng biên viễn, tôi có muốn in thêm tập truyện ngắn nhưng chưa in được và nay có thể in thêm tập thơ cùng tập tạp bút. Đó là những gì tôi có, đã viết trong nhiều năm qua nhưng có lẽ do bản tính chậm chạp, đủng đỉnh của tôi mà sách chưa ra được. Tôi thích mọi thứ diễn ra tự nhiên, còn mình sẽ cố gắng với những gì có thể. Thế giới rộng lớn bao la dành quên hay nhớ cho mình, quả thực là tôi cũng không thể lường và biết trước.

 

QUỲNH YÊN thực hiện
Nguồn SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây