Đức tính nghĩa hiệp và Giải thưởng Lục Vân Tiên

Thứ hai - 18/07/2022 14:32
Từ ý tưởng đến hiện thực là một quá trình. Giữa lúc tác giả của Lục Vân Tiên vừa được UNESCO tôn vinh với nghi lễ trang trọng, mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cả nước, rất mong đề nghị trên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sớm được thực hiện. Đó cũng là cách hậu thế thêm lần biết ơn và trân trọng di sản của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu!

Nói đến văn học và văn hóa Nam Bộ thời cận hiện đại thì nhân vật đầu tiên phải nói đến là Nguyễn Đình Chiểu. Bằng sự nghiệp văn chương, giáo dục, y học và nhân cách lớn từ lâu ông đã trở thành nhà thơ, nhà văn hóa tiêu biểu của Nam Bộ và có sức ảnh hưởng khắp trong lẫn ngoài nước.

Với truyện thơ Lục Vân Tiên sớm được dịch và in ở Pháp từ năm 1864, Nguyễn Đình Chiểu trở thành tác giả văn học Việt Nam đầu tiên có tác phẩm được dịch sang tiếng nước ngoài, trước cả Truyện Kiều của Nguyễn Du được dịch sang tiếng Pháp đến 20 năm.

Và bây giờ Nguyễn Đình Chiểu cũng trở thành người Nam Bộ đầu tiên trong sáu nhân vật của Việt Nam được UNESCO tôn vinh Danh nhân Văn hóa thế giới: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu.

Nhân dịp Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (01/7/1822-01/7/2022), UNESCO đã tổ chức lễ tưởng nhớ, tôn vinh ông ở một số quốc gia, đặc biệt là tại Bến Tre nơi ông gắn bó phần lớn cuộc đời, với nhiều nghi thức trang trọng, phong phú, xúc động. Có thể nói đây là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật Việt Nam năm 2022.

Không chỉ những nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng, Nhà nước về tham dự, trong đó Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng, mà lễ kỷ niệm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu còn thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, nhà thơ uy tín trong và ngoài nước về dâng hương, hội thảo với nhiều tham luận giàu tính học thuật, đánh giá cao nhân cách và sự nghiệp của cụ Đồ.

Sau quá trình nghiên cứu, thẩm định ông Christian Manhart - Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã nhìn nhận sâu sắc về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu: “Những triết lý về hòa bình, về tình yêu của con người cũng như về lòng khoan dung hoàn toàn phù hợp với triết lý và mục tiêu của UNESCO. Hơn nữa, ông cũng là một nhà giáo xuất sắc, đã cống hiến cả cuộc đời mình để lan tỏa kiến thức, và đây cũng chính là một sứ mệnh của UNESCO: sứ mệnh giáo dục. Ngoài ra, Nguyễn Đình Chiểu còn là một thầy thuốc vĩ đại với một tầm nhìn sâu rộng trong việc cứu người. Bên cạnh đó, ông còn là niềm hy vọng cho những người khuyết tật bởi ông đã đạt được những thành công ngay cả khi ông bị mù. Điều này cho thấy, câu chuyện cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một nguồn cảm hứng không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn với cả nhân loại”.

Triết lý, tình yêu, sứ mệnh và nguồn cảm hứng từ cuộc đời và sự nghiệp danh nhân Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu toát lên qua hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện thơ bất hủ cùng tên. Tình cờ giữa đường gặp đảng cướp “sơn đài” Phong Lai bắt bớ con gái nhà lành, Lục Vân Tiên “nổi trận lôi đình” ra tay cứu giúp…

Thấy người gặp nạn không thể không cứu: “Có câu kiến nghĩa bất vi/ Lâm nguy bất cứu mạc phi anh hùng”, nhưng một khi “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Nghĩa cử Lục Vân Tiên “tả đột hữu xung” cứu Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên là hình ảnh gây ấn tượng nhất trong truyện thơ, đồng thời đó cũng là tính cách chi phối những đức tính khác của nhân vật và chính cuộc đời cụ Đồ Chiểu, như sự hiếu thảo, chung thuỷ, nghĩa tình, bao dung, độ lượng. Đức tính tốt đẹp đó vốn được cha ông hun đúc từ thuở khẩn hoang mở đất lập làng, phòng chống thiên nhiên khắc nghiệt và những thế lực đen tối, sát cánh đoàn kết tương trợ nhau vượt qua thách thức hiểm nghèo ở vùng đất mới phương Nam. Đức tính ấy đã trở thành triết lý sống, một thứ đạo, đạo làm người và là di sản quý báu của người Nam Bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên trong diễn văn tưởng nhớ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu tại đất Ba Tri, Bến Tre lịch sử, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gây bất ngờ, xúc động và đồng tình khi phát biểu: “Tôi đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bến Tre nghiên cứu có quy chế ban hành Giải thưởng Lục Vân Tiên đối với những người trẻ tuổi can đảm và nghĩa hiệp, xả thân cống hiến, phục vụ xã hội và cộng đồng”.

Có người đặt vấn đề rằng mấy mươi năm qua đã có Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre thì có nên đề ra thêm Giải thưởng Lục Vân Tiên?

Tuy nhiên, Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu chỉ hạn chế trong phạm vi văn học nghệ thuật một tỉnh và dành cho các tác giả người Bến Tre hoặc tác giả ngoài tỉnh viết về Bến Tre. Trong khi đó, Giải thưởng Lục Vân Tiên mà Chủ tịch nước đề xuất mang tầm quốc gia, mục đích hướng tới “những người trẻ tuổi can đảm và nghĩa hiệp, xả thân cống hiến, phục vụ xã hội và cộng đồng”. Nghĩa là giải thưởng không hạn hẹp trong một tỉnh, một ngành, mà hướng tới toàn xã hội và cả nước, cũng có thể hướng đến cả người nước ngoài có tinh thần nghĩa hiệp, cống hiến, xả thân vì đất nước và con người Việt Nam.
 

 

Tác giả: Nhà thơ Phan Hoàng
Nguồn Văn nghệ số 29/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây