Lan man miền Tây, tùy bút đặc sắc của nhà văn Nguyên Ngọc (kỳ 2)

Thứ sáu - 15/07/2022 14:58

Đối với dân xứ Mũi, trên đời này chẳng có gì là quan trọng. Một trận say, coi như mọi sự phủi đi, xong!

Ở Cà Mau - Minh Hải tôi có một người dẫn đường tuyệt vời - theo nghĩa đen và nghĩa bóng, Nguyễn Trọng Tín. Đi Cà Mau với Tín, thì cũng giống như đi Angkor với Vik Keo[1].

Nguyễn Trọng Tín có một cuốn sách rất hay tên là Bè trầm, bị tạp chí Tác phẩm văn họclàm hỏng, năm 1984. Tôi được đọc quyển sách ấy trong bản thảo, do Tín tin mà giao cho, thích quá, liền đem khoe với anh Nguyễn Văn Bổng. Anh Bổng cũng thích lắm, vội giới thiệu với Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Nhà xuất bản đang chuẩn bị in, thì tạp chí Tác phẩm văn học do anh Nguyễn Đình Thi làm tổng biên tập vừa ra đời giành lấy để in vào số 1 của nó. Nhưng trên tạp chí, cuốn sách bị cắt đầu, cắt đuôi, cắt cả đoạn giữa, đến chẳng ra hình thù gì nữa, chỉ còn như một thân cây trong rừng bị bão lụt lớn nhổ lên, đánh cho tơi bời, rụi cành rụi lá, trôi lờ phờ trên dòng sông đục ngầu. Tạp chí đã in rồi, Nhà xuất bản Tác phẩm mới ngại in lại, cứ để dầm dề mãi đấy. Cho đến năm 1988 Nhà xuất bản Mũi Cà Mau mới in trọn vẹn. Nhưng Mũi Cà Mau thì xa tít, thị trường sách lại đang lúc hỗn loạn, Bè trầm, cái cây gỗ quý nổi trôi ấy chìm luôn đi mất!

Số phận một cuốn sách cũng như số phận một con người. Có người hưng thịnh, có kẻ nổi trôi, thậm chí chết chìm lặng lẽ trong dòng đời. Có lần tôi trách Nguyễn Đình Thi về chuyện này. Anh ấy bảo:

- Có cắt gì lắm đâu, chỉ vài ba đoạn nhỏ không đáng kể.

Tôi có cảm giác anh, tổng biên tập, anh chưa hề đọc trọn nguyên bản.

Tín có buồn, nhưng anh là dân Cà Mau, dân xứ Mũi. Đối với dân xứ Mũi, trên đời này chẳng có gì là quan trọng. Một trận say, coi như mọi sự phủi đi, xong!

Theo tôi, Bè trầm là một trong những quyển tiểu thuyết hay nhất ở ta từ sau 1975.

Tôi có một ông bác ruột, xưa thuộc đội kèn đồng nổi tiếng ở Huế, gọi là đội nhạc Toà Khâm, năm 1935 hay 1938 gì đó từng đi dự hội chợ triển lãm Paris và được giải thưởng lớn tại đó; về sau sáp nhập với đội kèn do ông Đinh Ngọc Liên chỉ huy, trở thành đoàn nhạc binh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồi nhỏ đi học ở Huế, mỗi chiều thứ Bảy, tôi thường được ông bác dẫn đi xem đội nhạc Tòa Khâm biểu diễn tại cái ki ốt bên sông Hương, cạnh Đài chiến sĩ trận vong (Monument au morts, ngày ấy người ta gọi như vậy) trước trường Khải Định tức trường Quốc học. Tất nhiên là tôi chú ý nhất đến bác tôi, và… rất tự hào về ông nữa: ông phụ trách cái kèn to nhất trong toàn dàn nhạc, cho đến nay tôi vẫn chưa biết tên gọi là kèn gì. Nó to đến nỗi thân kèn vàng óng bác tôi quấn quanh người như quấn một cái vòi voi khổng lồ, loa kèn thì nở ra bằng cái thúng. Điều khiến tôi hết sức khó hiểu là suốt buổi biểu diễn, trong khi toàn dàn kèn đồng véo von, thì bác tôi hầu như chẳng hề thổi gì cả. Ông ngồi đó, ôm cái vòi voi to tướng của ông, và chăm chú chờ, mắt đăm đăm nhìn người chỉ huy, ông Tiêu. Lâu lắm, lâu lắm, tôi chờ đến sốt cả ruột. Bỗng đột ngột ông Tiêu đưa cây đũa chỉ thẳng vào bác tôi. Bác tôi lập tức rướn thẳng người lên, hai má phồng to. Và tôi giật mình kinh ngạc, nghe vang lên, đâu như từ trong tận sâu lòng đất một tiếng “ồ ồ…” kéo dài, trầm nặng không tả nổi, không thể tin được. Ông Tiêu nghiêng tai như nín thở lắng nghe tiếng vọng kỳ lạ đó. Rồi ông quay đi. Bác tôi lại buông kèn ra. Và lại chăm chú ngồi chờ…

Bè trầm của Nguyễn Trọng Tín là như vậy. Lâu nay chúng ta viết về những giai điệu cao của chiến tranh, của cuộc sống. Anh thì anh làm cái kèn đồng to tướng và vô danh gần suốt bản anh hùng ca hùng hồn. Bây giờ anh mới lên tiếng. Tiếng vang rất trầm, tận cái nền, cái móng sâu của cuộc sống. Nơi ta rất thường quên đi trong cuộc hồ hởi hăng hái xông tới, nhưng lại là nơi ta vẫn đứng chân, cắm rễ mà chẳng hề hay. Đất bao giờ cũng vô danh, bởi nó là cái nền. Nhân dân cũng vậy. Cái nền thì luôn luôn nằm khuất, chìm sâu dưới lâu đài đồ sộ của cuộc sống ồn ào bên trên. Nguyễn Trọng Tín nói rằng trong cái bè trầm, cái nền đó, có những con người, những số phận, những tình yêu và khát vọng, cũng ghê gớm, cũng dữ dội, cũng lớn lao chẳng thua gì cái thế giới ồn ào trên kia.

111
Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: Thái Hạo.
Nguyễn Trọng Tín dẫn tôi đi một chuyến xuyên từ bên này sang bên kia rừng U Minh. Tôi kinh ngạc hiểu ra rằng, hóa ra Tín không phải là người trần mắt thịt như tôi, như bạn. Anh là con của U Minh, do lớp than bùn tích lũy từ hàng triệu năm dày cả thước ở đây sinh ra, tạo nên. Anh là thiên nhiên. Vậy đó!

Văn của Tín cũng thế.

Anh Nguyễn Văn Bổng đọc Bè trầm, ngạc nhiên hỏi tôi:

- Sao nó ở tận cái xó mũi Cà Mau xa lắc ấy mà tiểu thuyết nó viết hiện đại thế nhỉ?

Tôi thì tôi nghĩ: thiên nhiên là thế, bao giờ cũng cổ xưa, bao giờ cũng hiện đại.

Tôi tin Nguyễn Trọng Tín là một phát hiện của văn học ta hồi đầu những năm 1980. Rất tiếc sự hờ hững tùy tiện, cả khinh thường nữa của Tác phẩm văn học đã cắt đầu cắt đuôi chặt chân chặt tay nó.

Dạo chúng tôi đi U Minh, rừng đang cháy. Một vụ cháy lớn U Minh chưa từng có từ xưa đến nay. Người ta bảo trên thế giới hiện nay chỉ còn hai khu vực rừng nước vĩ đại cỡ này: Amazon Nam Mỹ là một, U Minh là hai. U Minh cháy lớn, gần như cháy sạch, là tai họa sinh thái có ý nghĩa toàn cầu. Tôi không biết nói vậy có quá không, nhưng ít nhất, nó là một vết thương nhức nhối vào loại nhất trong nước, trong vùng. Cây tràm cháy, rồi mùa sau lại mọc lên ngay. Nhưng lớp than bùn U Minh tích dày hàng triệu năm cháy, thì hàng triệu năm nữa mới lại có. Vậy mà hồi đó, báo chí ta im re. Chỉ có một tiếng kêu thét thất thanh: một bản trường ca U Minh cháy thống thiết của Lê Chí. Và anh bị phê bình ra trò một trận về vụ thơ kêu cứu ấy.

Tôi có hỏi vài người có trách nhiệm ở tỉnh:

- Tại sao cháy?

- Âm mưu phá hoại của địch. - Trả lời gọn trơn.

Hồi chiến tranh, U Minh là căn cứ thần thánh của ta, ta ở trong rừng, lực lượng nhỏ bé, lẩn lút. Địch thì vây quanh, quân đông bạt ngàn, bom xăng, napalm đủ loại, bao nhiêu lần cố đốt hết U Minh để thiêu sống ta. Mà không đốt được. Bây giờ giỏi lắm cũng chỉ năm ba thằng gián điệp, sao lại đốt hết được cả rừng? Không ai trả lời.

Nguyễn Trọng Tín bảo tôi:

- Thôi hỏi làm gì chú. U Minh mênh mông vậy, nhưng ngày trước nó không phải của chung tập thể, quốc doanh đâu. Nó của từng người. Chú ở Tây Nguyên rồi, chú biết. Mỗi tổ ong mật, mỗi con rắn, con rùa, mỗi lô tràm trong rừng đều có chủ riêng. U Minh năm nào cũng cháy, xưa nay vẫn vậy, than bùn cứ đến mùa khô tự nó bốc cháy. Nhưng đất có chủ, của có chủ, cháy đâu có người dập đó ngay. Con thương của xót… Nay quốc doanh cả, của chung cả, nghĩa là chẳng của ai hết, vô chủ. Cháy vậy còn may!

Hóa ra chuyện U Minh cũng là chuyện con người. Chuyện sở hữu. Chuyện chủ nghĩa tập thể và cá thể.

Lê Chí thì bảo:

- Còn lướng vướng quốc doanh còn chết.

Hôm ở U Minh, tôi tình cờ chứng kiến cảnh những người dân quanh vùng xưa vốn là chủ U Minh, sống bằng U Minh, bị tàn nhẫn xua đuổi ra khỏi rừng.

Lê Chí bảo:

- Thôi đi, anh. Ngó làm gì. Đau lắm…

Nhưng nói gì thì nói, đi U Minh với Nguyễn Trọng Tín là chuyến đi để mà nhớ đời. Hai anh em quyết đi xuyên từ bên này qua cho đến tận bên kia, từ U Minh Hạ - Cà Mau cho tới hết U Minh Thượng - Rạch Giá, mà Tín quyết chỉ mang theo có mỗi can rượu trắng, không cần gì nữa hết, Tín cam đoan. Đang mùa khô, không phải lội nước lệt sệt suốt ngày. Thỉnh thoảng Tín hỏi đói chưa. Ừ, thì kiếm gì ăn chút cho chắc bụng cũng được. Thế là Tín dừng lại, và tôi ngạc nhiên thấy cậu nằm dài, áp tai xuống lớp bùn đen, nheo nheo mắt lim dim hồi lâu, rồi đột ngột vùng dậy kêu lớn “Trúng mánh rồi, có ăn rồi, to lắm! Coi nè!” Anh gọi tôi lại, hai anh em ra sức đào, chỉ bằng tay không, đào, đào, đào… Thì ra bên dưới lớp bùn đen dày do lá tràm rụng hàng trăm nghìn năm, hóa thành bùn đen khắp U Minh, vẫn là nước, một thế giới nước mênh mông, và ai cũng biết từ thượng cổ, có nước tức là có sự sống, một thế giới sống vô cùng rộn rã, xao động, đa tạp, đa dạng, đa nguyên, tự do và cực kỳ sống động có khi còn hơn cả trần thế trên này nữa. Tín thọc tay xuống cái lỗ hai anh em vừa đào, sâu lút đến nách, và lôi lên một con cá quả to tướng giãy đành đạch. Cho mày giãy. Đập một phát. Quơ bùn đắp kín con cá, quơ lá khô đốt một đống lửa mà thui, kỳ chín, bóc bùn ra, da cá dính theo, chỉ còn thịt trắng bong, cứ thế mà hả hê chén với rượu. Món gỏi đã có thêm chuối rừng, chát thay vị mặn của muối. Rồi đi tiếp. Khát thì đã có trái nắp nước, sáng tạo tuyệt kỹ của thiên nhiên hoang dã. Nắp nước là một loại cây dây leo, cứ một khúc lại có một trái, hình y cái cốc hơi dài, trên có nắp đậy kín nhé, giở nắp ngửa cổ uống luôn một hơi mát lịm…

[1] Sau khi khám phá ra Angkor, người Pháp đã chú trọng đào tạo để di tích nổi tiếng này thường xuyên có 50 chuyên viên bảo tồn Angkor. Bọn Kh’mer đỏ đã giết gần hết số chuyên viên này, chỉ còn sót một người tên là Vik Keo. Năm 1979 tôi sang Xiêm Riệp may mắn được chính Vik Keo hướng dẫn đi xem Angkor. '
(Còn nữa)













 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây