Có dòng máu Việt chảy về tim!

Thứ hai - 16/08/2021 10:37

Dịch Covid – 19 đang lan nhanh, tác oai tác quái. Trên truyền hình, trên các báo, thấy cảnh đồng bào ta đang lũ lượt hồi hương tránh dịch bằng đủ mọi phương tiện, người Việt không ai không xót xa.

Những chuyện thời sự hằng ngày về cuộc hồi hương bất đắc dĩ đang diễn ra xin dành cho báo chí tường thuật. Ở đây tôi muốn chia sẻ những suy nghĩ lắng lại về nguyên nhân các cuộc di cư của nhân dân ta trong dòng chảy chậm thời gian cách ly mùa dịch, kể từ khoảng năm 1945 đến nay. Những cuộc di thực, di cư do đói kém, do chiến tranh giặc giã, do thay đổi cơ cấu kinh tế, và bây giờ là do thiên tai dịch bệnh.

Từng là một người lính trận, nhưng tôi đã không cầm được nước mắt khi xem những tấm hình ám ảnh của ông Võ An Ninh, đọc những dòng sử đau xót về nạn đói năm 1945 do phát xít Nhật gây ra ở Việt Nam của Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Moto. Bị buộc nhổ lúa trồng đay, quê cha đất tổ chẳng còn gì ăn, đồng bào lên đường khất thực. Cuộc di thực tha hương vật vờ vô hướng của những bộ xương với hố mắt trõm trên sọ và cỏ trong dạ dày, để rồi chết đường chết chợ. “Trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chỉ chết 1 triệu người, nước Đức chỉ chết chừng 3 triệu người. Thế mà nạn đói trong nửa năm ở Bắc Bộ ta đã chết hơn 2 triệu người…” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Năm 1954 - 1955 lại có một cuộc di cư khác khi nước Việt bị chia cắt tạm thời sau hiệp nghị Geneve, với hơn một triệu đồng bào hai miền Nam Bắc rời xứ ra đi. Những tưởng cuộc tha hương có thời hạn ngắn, chỉ hai năm chờ tổng tuyển cử xong để rồi trở lại. Giọt nước mắt ly quê nào chẳng mặn, và chẳng ai ngờ nó kéo dài đến tận 20 năm sau mới có ngày sum họp. Trong 20 năm ly tán khổ đau đó lại có những cuộc di cư cục bộ khác để tránh bom rơi đạn lạc trên cả hai miền. Ngay người viết bài này cũng phải bỏ thành phố quê hương ra đi hai lần, về làng quê sống trong tình đùm bọc đồng bào, để tránh những trận oanh kích dữ dội của không lực Hoa Kỳ.

Chưa hết đau đâu, và cũng nên đối diện với nỗi đau, nhận biết thấu đáo để thay đổi và đứng dậy. Đất nước thống nhất năm 1975, những tưởng được bình yên muôn thuở thì năm 1977, quân diệt chủng Pol Pot nổ súng lấn chiếm biên giới Tây Nam. Năm 1979, Trung Quốc dội pháo tấn công toàn dải biên thùy phía Bắc. Đất nước hai đầu thọ địch trong sự bao vây và cấm vận ngặt nghèo, ngập trong bần hàn, thiếu ăn thiếu mặc. Đồng bào ta sống ở các tỉnh giáp ranh biên giới hai miền lại gồng gánh di cư lui về hậu phương, tha hương chạy giặc một lần nữa.

Tôi cùng đơn vị ngược dòng đồng bào chạy giặc, hành quân lên bảo vệ biên cương đang chảy máu, tiếp thêm cho tiền duyên đất nước một tay súng, một chút hồng cầu. Những đôi mắt mang hình viên đạn của đàn trẻ ly hương, những đóm mắt hỏa châu soi những con đường chiến tranh mang nặng đau thương có gì đó tương đồng, ám ảnh tâm hồn những người lính, trong nỗi hy vọng mong mỏi hòa bình.

*

Rồi hòa bình cũng trở lại sau bao nỗi thăng trầm. Đất nước trong tiến trình đổi mới, thay thế mô hình kinh tế kế hoạch lỗi thời thiếu hiệu quả bằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các giá trị cá nhân dần được tôn trọng, giá trị của cải vật chất xã hội gia tăng, đời sống nhân dân khấm khá lên là điều thấy được và không thể phủ nhận.

Bằng nguồn vốn khổng lồ từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào, nguồn vốn từ các doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh, các các khu công nghiệp lớn nhỏ được tập trung hình thành, thu hút hàng triệu lao động mà trước đó phần lớn, rất lớn, là những nông dân trên mọi miền đất nước. Thu nhập làm thuê hấp dẫn hơn thành quả nông sản, kích thích một cuộc di cư tự phát mới của những người nông dân. Họ rời bỏ ruộng đồng từng lăn lưng vất vả đổ mồ hôi cấy cày, những đất đai gắn bó máu thịt nhưng danh nghĩa vẫn là sở hữu toàn dân, rời bỏ làng xóm quê hương, lên đường nghìn dặm xa xôi tìm miền đất hứa. Cuộc di cư do thay đổi cơ cấu kinh tế đã từng bước âm thầm diễn ra trên toàn quốc.

Đã đành xác định công nghiệp là xương sống, là mũi nhọn để phát triển chấn hưng đất nước; đã đành khi nghiên cứu đặt vị trí các khu công nghiệp là đã phải tính đến những thuận lợi hành chính, sự đáp ứng ổn định về nguồn và trình độ nhân lực, mạng lưới giao thông thủy bộ, sân bay cầu cảng… để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Nhưng các nhà hoạch định chính sách, quản lý hành chính quốc gia, các nhà quy hoạch kiến trúc công nghiệp nghĩ gì khi chứng kiến trên báo chí, trên truyền hình những chuyến tàu xe, những chuyến bay cận Tết ra Bắc nghìn nghịt chen chúc hành khách, trong khi những chuyến vào Nam lơ thơ một vài bóng người? Nghĩ gì khi ra giêng sau tuần nghỉ Nguyên đán, chu trình dịch chuyển di thực của đồng bào diễn ra theo chiều ngược lại?

Còn điều nữa tôi phân vân, rằng không biết có nhà đầu tư nào ngoài tính toán lợi nhuận có nghĩ thêm đến việc hỗ trợ con người, là những công nhân lao động trực tiếp làm ra sản phẩm? Những con người dễ bị tổn thương, thành phần được coi là yếu thế trong xã hội? Có tổ chức nào bênh vực, bảo vệ công bằng cho họ trong các phát sinh mâu thuẫn với giới chủ? Có ai thấy cuộc sống đời thường buồn tẻ của họ quanh quẩn cung đường từ những xóm trọ tạm bợ đến nhà máy? Hay ta chỉ gặp họ trên những chuyến tàu xe Tết hồi hương đông nghẹt, là lúc họ trở về quê dăm ba hôm để sang năm lại đi cày vục mặt, hoặc gặp họ ưu tư tính toán, quần thảo trong những buổi chợ chiều giá hạ với rau nẫu cá ôi.

***

Dịch Covid - 19 bùng lên, một số lớn nhà máy, khu công nghiệp, xí nghiệp, công ty buộc tạm ngừng hoạt động sản xuất. Những công nhân không còn công việc và thu nhập, lập tức trở lại nguyên trạng là những người nông dân tha phương cầu thực. Khái niệm an cư lạc nghiệp không xuất hiện ở đây. Gốc gác nông dân thật may mắn bởi vẫn còn có làng xóm, có quê cha đất tổ để bấu víu nương tựa, để có nơi chốn tìm về.

Vậy thì lên đường thôi! Họ gom nhau thành từng toán đồng hương, tiện hỗ trợ nhau lúc hành trình. Có đoàn người đi bộ, có đoàn đi xe máy xuyên ngày xuyên đêm. Cuộc hồi hương tự phát của hàng vạn đồng bào, như đàn cá hồi vượt thác leo ghềnh trở về nguồn cội đã gây xúc động lớn cho tất cả cộng đồng xã hội.

Nỗi đau chung được bù trì, an ủi phần nào khi trên dặm dài thiên lý, chúng ta được thấy những đoàn xe công vụ các lực lượng công an, quân đội dẫn đường, thấy trạm tiếp đón cùng những chiếc bánh, hộp cơm, chai nước, tấm áo, bình xăng…miễn phí của tình cốt nhục đang chờ sẵn bất kể ngày đêm, tiếp sức cho đồng bào trên con đường xa thẳm.

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Có doanh nghiệp mang cả thùng phong bì để trên xe, 500 ngàn mỗi suất ai cần cứ lấy; có những xóm cao nguyên bẻ bắp tươi luộc từng thùng nóng, để ngoài rào ghi giá 0 đồng; có chiếc máy phát điện chạy bên đường cho mọi người nghỉ chân nạp pin điện thoại, giữ liên lạc với người thân hay kêu gọi trợ giúp; lại có những thanh niên quyên tiền thuê xe cho những gia đình mang theo em bé mới sinh về tận quê nhà…

Những nghĩa cử tương thân tương ái tự nguyện trên từng dặm đường đồng bào hồi hương đi qua luôn khích lệ và thức tỉnh tinh thần nhân văn sẵn có trong lòng dân tộc, bởi con dân nước Việt hiểu rằng có một dòng máu Việt đang chảy về tim trên những con đường.

Trong khoảng lặng của thời gian giãn cách, chúng ta nên nhìn thẳng vào một sự thật đang diễn ra, rằng những tai họa của thiên nhiên như bão lũ, hạn hán, động đất, sóng thần hay virus lây lan dịch bệnh…luôn đồng hành với cuộc sống con người trên Trái đất và ngày càng trở nên cực đoan, ngoài sức tính toán của những máy tính hay trí tuệ thông minh nhất.

Như một cơ thể sống hoàn chỉnh, khi mất cân bằng do bị khai thác tham lam vô độ, Mẹ Thiên nhiên cũng lên một cơn sốt cao hay tiêu chảy phản vệ...để kháng lại, đào thải các “ký sinh trùng” hãnh tiến ra khỏi thân thể mình. Vì vậy, chúng ta đừng nên vỗ ngực tự hào làm chủ thiên nhiên trong hành vi của những kẻ phá hoại, chỉ có thể gìn giữ môi trường, bồi đắp môi sinh, chung sống trong sự kết hợp hài hòa. Xin hãy coi thiên nhiên như một cơ thể sống, cũng biết giận dữ và đau đớn.

Ngày nào mình còn có nhau, xin người biết đau. Không thế sẽ chẳng còn chỗ cho loài người di cư trên trái đất...

Tác giả: Nhà văn Trung Sỹ
Nguồn Văn nghệ số 33/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay3,568
  • Tháng hiện tại107,761
  • Tổng lượt truy cập3,077,671
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây