Dư âm Liên hoan truyền hình toàn quốc

Thứ sáu - 25/01/2019 22:43
Sau 4 ngày diễn ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tối 22/12/2018 Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 đã bế mạc...
Sau 4 ngày diễn ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tối 22/12/2018 Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 đã bế mạc.
Tại kỳ Liên hoan Truyền hình lần này có 497 tác phẩm của 106 đơn vị dự thi ở 9 thể loại gồm: chương trình dành cho thiếu nhi, phim tài liệu, phóng sự, chương trình chuyên đề - khoa giáo, chương trình giao lưu - đối thoại - tọa đàm, chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, chương trình ca múa nhạc, chương trình sân khấu và phim truyện truyền hình.
Ban tổ chức đã trao 30 giải Vàng và 56 giải Bạc tặng các tác phẩm xuất sắc, 128 bằng khen cho các tác phẩm tham gia liên hoan. Ngoài ra, Ban tổ chức trao 10 giải thưởng tặng các tác giả đoạt giải cuộc thi ảnh “Những người làm truyền hình”.
Tham dự liên hoan lần này, Đài PT-TH Hưng Yên mang 7 tác phẩm tham dự ở 5 thể loại gồm: 1 phóng sự thuộc thể loại phóng sự, 1 chương trình thiếu nhi, 1 chương trình giao lưu - đối thoại - tọa đàm, 2 chương trình khoa giáo và 2 phim tài liệu. Trong đó 2 tác phẩm được tặng bằng khen gồm: Phim tài liệu "Chỉ nhìn đã thấy sợ" của nhóm tác giả Ngọc Anh và chương trình thiếu nhi "Biệt đội vịt nhí" của nhóm tác giả Thu Hải.
Xét về thành tích trong các đài khu vực Đồng bằng sông Hồng thì tại liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38, Đài Hưng Yên đứng ở top đầu. Tuy nhiên, mặt bằng chung vẫn để lại nỗi buồn và nhiều suy nghĩ, trăn trở cho những người làm báo hình xứ nhãn. Bởi nhiều kỳ liên hoan đã qua, Đài Hưng Yên không đạt huy chương, nhất là các thể loại chính luận, báo chí là: Phim tài liệu, phóng sự hay giao lưu - đối thoại - tọa đàm.
Vẫn biết, Liên hoan truyền hình toàn quốc là dịp để những người làm truyền hình cả nước chia sẻ những cách thể hiện mới, sáng tạo, hấp dẫn, những tác phẩm mang tính phát hiện trung thực tiễn sinh động ở các địa phương. Các tác phẩm tham dự liên hoan phản ánh sâu sắc các thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; phản ánh gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống văn hóa mới, trong xóa đói giảm nghèo, khắc phục thiên tai, bão lũ; trong đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.v.v.
Dù đã tham dự nhiều kỳ liên hoan, đã "quen” với cảm giác trở về không có huy chương, nhưng trong buổi tối lễ bế mạc, khi thấy những nhà báo, các bạn đồng nghiệp ở nhiều Đài bạn lên nhận huy chương, chúng tôi không khỏi cảm thấy chạnh lòng. 
Không buồn sao được, khi đồng nghiệp ở các Đài bạn vui mừng được lên sân khấu nhận giải, còn mình ngồi dưới vỗ tay? Không mủi lòng sao được khi cùng là các cơ quan báo chí, có Đài điều kiện kinh phí làm việc còn thiếu thốn, nhuận bút thấp, phóng viên tác nghiệp còn khó khăn hơn ta, nhưng năm nào cũng đoạt giải cao. Tiêu biểu trong số các Đài đoạt giải cao khu vực phía bắc phải kể đến như: Đài PT-TH Yên Bái với 2 giải Vàng; Đài PT-TH Nghệ An cũng 2 giải Vàng, Đài PT-TH Phú Thọ 1 giải Vàng v.v…
Trở lại không khí sôi động của những ngày liên hoan, chúng tôi đã dành nhiều thời gian cho việc xem các tác phẩm thuộc 2 thể loại là: Phóng sự và phim tài liệu, qua đây mới thấy vì sao mà họ đạt giải cao. Thứ nhất: Các tác phẩm đoạt giải là những tác phẩm xuất sắc, có tính phát hiện, phản ánh đúng tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, liên quan nhiều đến cuộc sống thường ngày của người dân, bám sát vòng quay cuộc sống. Điều dễ nhận thấy trong liên hoan truyền hình lần này là các tác phẩm có cách thể hiện sáng tạo, giản dị nhưng sâu sắc, gần gũi với người xem được Ban giám khảo đánh giá cao như: Phim tài liệu “Nửa thế kỷ thầm nặng” của Đài PT-TH Phú Thọ; phóng sự “Đường của thầy” của Đài PT-TH Yên Bái; phóng sự “Sáp nhập xã, xóm, bản - khó khăn từ đề án” của Đài PT-TH Nghệ An.
Qua xem các tác phẩm đạt giải cao chúng tôi thấy: Chủ đề được các đồng nghiệp phản ánh rất phong phú, đề cập đến muôn mặt cuộc sống đời thường, nhiều tác phẩm có tính sáng tạo, cảnh quay công phu, biên tập và dựng hậu kỳ chặt chẽ giữa lời bình, tiếng động phỏng vấn và hình ảnh, tạo hiệu ứng cao. Nhiều tác phẩm tham dự liên hoan lần này được các đồng nghiệp thực hiện trong thời gian dài với sự dấn thân, đối mặt với tội phạm nguy hiểm mới có được hình ảnh chân thực, như phóng sự: Phức tạp hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên của Ban Thời sự, Đài THVN; Những thanh niên làng Nam Ô của Trung tâm Đài THVN tại Đà Nẵng.
Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 38 năm 2018 đã khép lại, chúng tôi lại trở về với công việc hàng ngày, để tiếp tục sáng tạo những tác phẩm báo chí, phục vụ công chúng. Nhưng dư âm từ liên hoan vẫn đọng lại trong chúng tôi, những người làm báo hình đó là: Người làm báo muốn có tác phẩm hay phải thực sự dấn thân vào hiện thực để cảm nhận cuộc sống. Đó không chỉ là danh dự nghề nghiệp, mà còn là niềm tin yêu của nhân dân, của bạn xem truyền hình và bạn nghe đài.

 
Hùng Xướng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây